Hà Giang: CSGT dùng nghiệp vụ đặc biệt xử lý vi phạm tốc độ
Phóng nhanh vượt ẩu là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến va chạm, tai nạn giao thông (TNGT). Để chấn chỉnh, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, đội 2 Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Giang đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, thường xuyên tuần tra, kiểm soát bằng nhiều hình thức, nhất là trên những tuyến giao thông mà đội quản lý, góp phần giảm TNGT, vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Vừa qua, Phóng viên Hòa Nhập (Hoanhap.vn) theo chân Tổ công tác Đội 2 Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Giang làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quy định trên tuyến đường quốc lộ 4C đoạn Km 05 + 200 QL4C hướng trung tâm thành phố Hà Giang đi Đồng Văn.
Quá trình làm nhiệm vụ, ngoài lực lượng công khai cắm chốt trên đường, tổ công tác của Đội 2 Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Giang đã bố trí một chiến sĩ CSGT sử dụng thiết bị chuyên dụng đo tốc độ các phương tiện lưu thông trên đường. Từ thông tin thiết bị đo được, các trường hợp vi phạm sẽ được gửi về chốt kiểm soát của CSGT trên đường để tiến hành dừng xe, xử phạt các tài xế chạy quá tốc độ.
Tổ công tác Đội 2 Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Giang làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quy định trên tuyến đường quốc lộ 4C đoạn Km 05 + 200 QL4C hướng trung tâm thành phố Hà Giang đi Đồng Văn.
Sau khi triển khai nhiệm vụ, CSGT đã phát hiện xe mô tô BKS: 23L1- 141.xx do Thào Mi Ch (sinh năm 1992, ở tại huyện Quản Bạ, Hà Giang) điều khiển được xác định chạy quá tốc độ 58/50km/h. Ban đầu, khi bị tổ công tác dừng xe, tài xế tài xế vẫn tỏ ra ngơ ngác chưa hiểu mình đã vi phạm lỗi gì. Nhưng sau khi vào chốt và được cán bộ CSGT cho xem lại hình ảnh vi phạm chạy quá tốc độ thì tài xế đã công nhận lỗi vi phạm của mình. “Do đường rộng và thoáng nên nhấp ga nhẹ mà không nghĩ là mình chạy quá tốc độ…”, tài xế trình bày.
Theo Nghị định 123 mới ban hành, với hành vi vi phạm chạy quá tốc độ từ 5 km/h đến dưới 10 km/h đối với xe môtô Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định (tại Điểm c Khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Chiến sĩ CSGT sử dụng nghiệp vụ đo tốc độ các phương tiện lưu thông trên đường.
Chỉ ít phút sau, Tổ công tác tiến hành dừng ô tô mang BKS 19B-001.xx hình ảnh báo về cho biết xe này vi phạm tốc độ 65/50km/h. Tài xế được xác định là anh Nguyễn Xuân Ch. (SN 1988, ở TX Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ). Tài xế cho biết, do mải nói chuyện với mọi người trên xe nên không để ý biển báo giảm tốc độ.
Theo Nghị định 123 mới ban hành, với hành vi vi phạm chạy quá tốc độ từ 10 km/h đến 20 km/h đối với xe ôtô Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (tại Điểm i Khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi tại điểm đ Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng (Điểm b Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
Một trường hợp vi phạm khác là xe mô tô BKS: 23P1-475.xx vi phạm chạy quá tốc độ 55/50km/h. Tài xế xe 23P1-475.xx là anh Phạm Thanh T. (SN 1991, ở thị trấn Năm Căn, tỉnh Cà Mau).
Theo Nghị định 123 mới ban hành, với hành vi vi phạm chạy quá tốc độ từ 5 km/h đến dưới 10 km/h đối với xe môtô Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định (tại Điểm c Khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Chiến sĩ CSGT cho tài xế ô tô chạy quá tốc độ xem lại hình ảnh vi phạm.
Thiếu tá Cam Thanh Dự (Đội trưởng đội 2 Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Giang) cho biết: Thực hiện kế hoạch Công an tỉnh Hà Giang, Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Giang, Đội 2 Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Giang đã triển khai tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên toàn tuyến thuộc địa bàn đội quản lý.
Ngoài ra trong 9 tháng đầu năm, Phòng CSGT Công an tỉnh hà Giang đã thực hiện tuyên truyền trực tiếp tới người dân trên địa bàn với trên 50 buổi truyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, lực lượng chức năng đã tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp, trực tuyến, đăng tải các thông tin cần thiết trên các trang mạng xã hội, kết nối với các nhà mạng để gửi tin nhắn tới điện thoại của người dân, phối hợp với các phóng viên, báo, đài để tuyên truyền rộng rãi hơn tới người dân trên địa bàn.
Đặc biệt, phòng CSGT Công an tỉnh Hà Giang đã tổ chức tuyên truyền bằng tiếng dân tộc thông qua việc kết nối với đài phát thanh tỉnh Hà Giang và nhận được sự ủng hộ, ghi nhận rất lớn của người dân. Bên cạnh đó, phối hợp với Phòng Giáo dục ấn định vào một ngày cụ thể trong tuần để tổ chức các buổi tuyên truyền tại các trường học trên địa bàn, phổ biến pháp luật về Luật an toàn giao thông tới các em học sinh, công, nhân viên chức và hội phụ huynh của trường.
Tài xế vi phạm kí biên bản xử phạt hành chính về vi phạm chạy quá tốc độ.
“Người dân trên địa bàn chủ yếu là người dân tộc, ngôn ngữ và trình độ hiểu biết pháp luật về an toàn giao thông còn hạn chế. Rất nhiều trường hợp được lực lượng chức năng giải thích, tuyên truyền nhưng người dân vẫn không hiểu được. Cũng chính vì vậy mà công tác xử lý vi phạm mất rất nhiều thời gian. Ngoài ra, một số ít bộ phận người dân, thanh thiếu niên ý thức kém về việc chấp hành luật giao thông đường bộ. Khi gặp các chốt tuần tra, kiểm soát thường có các hành vi trốn tránh các chốt kiểm soát như: phóng xe và đâm thẳng vào lực lượng chức năng, tìm cách tránh né các chốt trên địa bàn,…để tránh bị xử phạt. Đặc biệt do đặc thù tính cách của một số người dân tộc thiểu số ở huyện Đồng Văn, huyện Mèo Vạc... họ có lòng tự trọng và cái “tôi” rất cao có nhiều trường hợp khi thấy lực lượng CSGT Công an huyện ra hiệu lệnh dừng xe, xử lý vi phạm về nồng độ cồn thì họ ăn lá ngón để tự tử ngay tại chỗ. Một số trường hợp đã để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở tổ công tác phải đưa họ đi cấp cứu ngay lập tức để giữ lại mạng sống cho họ. Những trường hợp như thế này khiến cho lực lượng CSGT rất khó xử, mất rất nhiều thời gian trong quá trình tuần tra, kiểm soát” Thiếu tá Dự cho biết thêm.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.