Hà Nội: Nhiều nhà thầu thi công không đảm bảo an toàn lao động, gây nguy hiểm cho người dân
Theo báo cáo số 908/TB-LĐTBXH, ngày 8/3/2018 của Bộ Lao động Thương Binh xã hội, năm 2017 đã xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 9.173 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động) trên toàn quốc, trong đó: Số vụ TNLĐ chết người: 898 vụ và số người chết: 928 người; số người bị thương nặng: 1.915 người.
Hiện nay, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đâu đâu cũng thấy công trường xây dựng với những tòa tháp cao tầng mọc lên. Tại nhiều tuyến đường như Ngụy Như Kom Tum, Dương Đình Nghệ, Lê Mạc Thái Tổ, Trường Chinh, Cầu Giấy, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Hoàng Tôn và Lạc Long Quân… luôn có những chiếc cần cẩu nằm vắt vẻo cả ngày lẫn đêm. Chiếc thì nằm trên nóc nhà dân, chiếc nằm sát trường học, chiếc thì “vô tư” hoạt động ngay trên đầu người và xe đang tham gia giao thông bên dưới. Những chiếc cần cẩu tháp trải rộng tới chục mét ấy chốc chốc lại vươn ra khỏi khuôn viên công trường, quét nửa vòng tròn trên đầu người đi đường hoặc các nóc nhà kế cận để cẩu nguyên vật liệu mà không có bất cứ dấu hiệu cảnh báo nào.
Tình trạng này diễn ra không chỉ ở các công trình xây dựng nhà dân dụng mà còn ở các dự án chung cư, nhà cao tầng, do các chủ đầu tư và nhà thầu thi công lâu năm, có uy tín trong lĩnh vực xây dựng gây ra.
Gần đây nhất là hình ảnh Phóng viên (PV) ghi nhận chiếc cần cẩu tháp với khối bê tông đối trọng thò hẳn ra đường giao thông tại dự án Stella Garden số 35c Lê Văn Thiêm, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Kinh doanh và Xây dựng Quang Minh, Nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (Công ty Hòa Bình, mã: HBC).
Hình ảnh ghi nhận 11h ngày 3/5/2017, khối bê tông đối trọng của cần cẩu tháp của công ty Hòa Bình gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. |
PV đứng dưới lòng đường nhìn thẳng lên khối bê tông đối trọng của cần cẩu tháp của nhà thầu thi công công ty Hòa Bình |
Công ty HBC là một nhà thầu lâu năm với nhiều dự án lớn, nhưng cũng lại là nhà thầu có nhiều tai tiếng trong việc mất an toàn lao động, gây ra những hậu quả đáng tiếc. Vào đầu năm 2017, trường hợp anh Nguyễn Văn P. (sn 1986, quê ở Bắc Ninh) đã thiệt mạng tại một dự án ở Nguyễn Huy Tưởng, do công ty Hòa Bình làm tổng thầu là một ví dụ đau lòng.
Anh Nguyễn Văn P. là công nhân bê tông cốp pha tại dự án này, khi đang di chuyển dưới chân công trình (gần khu vực phía ngoài toà nhà 35 tầng) thì bất ngờ bị một thanh thép hộp từ trên cao rơi xuống trúng đầu, dẫn đến tử vong. Điều đáng nói, trước khi xảy ra tai nạn, anh P chưa được huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động theo quy định.
Còn tại dự án khác là chung cư Gold Season tại 47 Nguyễn Tuân (Đơn vị điều hành: Công ty cổ phần bất động sản TNR Holdsings Việt Nam) và dự án Sun Grand City Thụy Khuê (Chủ đầu tư là Tập đoàn Sun Group) do công ty Hòa Bình làm Tổng thầu xây dựng cũng gây ra nhiều bức xúc cho các hộ dân sinh sống xung quanh. Trong quá trình làm móng, nhiều người dân tại các ngõ lân cận đã phải chịu đựng bụi bặm, tiếng ồn hàng tháng trời do hoạt động thi công dự án này. Mặc dù CĐT dự án đã có động thái đền bù, khắc phục phần nào nhưng việc thi công do công ty Hòa Bình thực hiện vẫn tiến hành bất chấp ngày đêm, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tinh thần của người dân. Hơn nữa, việc thi công dự án Gold Season còn nứt trụ sở UBND phường Thanh Xuân Trung, gây hư hại công trình của nhà nước.
Riêng dự án Sun Grand City Thụy Khuê, trong quá trình công ty Hòa Bình thi công nhiều nhà dân bị nứt tường, nguy cơ đổ sập khiến chủ đầu tư phải di dời người dân trong đêm. Thậm chí, chiếc cần cẩu dài hàng chục mét của công ty Hòa Bình đang thi công đổ ngang qua đường, đè lên 2 nóc nhà cao tầng ở hướng đối diện.
Không chỉ mất an toàn ở Hà Nội, mà công ty xây dựng Hòa Bình đã liên tiếp bị cơ quan chính quyền tại Đà Nẵng Và TP.HCM 'tuýt còi' liên quan đến nội dung xây dựng sai phép. Tính đến cuối năm 2017, Công ty Hòa Bình đã bị cơ quan ban ngành “tuýt còi” 3 lần liên quan đến vấn đề xây dựng sai phép, thi công không đúng với biện pháp tổ chức thi công được phê duyệt, sử dụng thiết bị thi công không có giấy tờ lưu hành địa bàn cả nước liên quan đến lĩnh vực xây dựng.
Clip ghi nhận hình ảnh thi công mất an toàn của công ty Delta tại dự án D'el Dorado Phú Thượng, Tây Hồ.Người tham gia giao thông tại khu vực Nguyễn Hoàng Tôn và Lạc Long Quân cũng một phen khiếp vía khi tham gia giao thông trên tuyến đường này khi nhà thầu thi công tại dự án D’el Dorado (Chủ đầu tư là Tập đoàn Tân Hoàng Minh), nhà thầu thi công ty là Tập đoàn xây dựng DELTA, khối bê tông đối trọng của cần cẩu tháp thò hẳn ra ngoài khu vực dự án, điều đáng lưu ý là hoạt động này được kéo dài trong giờ cao điểm, mật độ tham gia giao thông rất đông.
Nhiều người tham gia giao thông sẽ vừa đi vừa run khi nhìn thấy chiếc cần cẩu tháp hiên ngang như vậy |
Hay tại dự án trên phố Dương Đình Nghệ, khối bê tông đối trọng của cần cẩu tháp cũng hiên ngang thò ra vỉa hè rất nhiều lần tại dự án Golden Park Tower (Chủ đầu tư là công ty TNHH đầu tư và xây dựng Tây Đô), trên cẩu tháp có gắn logo của Vinaconex, thông tin giới thiệu dự án thì nhà thầu thi công ty là Công ty Vinaconex 9, theo ghi nhận của PV thì ngay sát đó, chủ đầu tư và đơn vị này còn căng băng rôn “tháng vì an toàn lao động”, nhưng hành động thì lại làm ngược lại.
Dường như nhà thầu Vinaconex 9 vô cảm với băng rôn tháng an toàn lao động chăng? |
Trước tình trạng mất an toàn trong lao động trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đã có nhiều văn bản yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm theo thẩm quyền. Việc vận hành, sử dụng cẩu tháp bắt buộc phải tuân thủ theo các quy định của Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 13-4-2012 của UBND thành phố Hà Nội về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định quản lý sử dụng, vận hành cần trục tháp trong thi công xây dựng. Cụ thể, đối với các trường hợp vùng hoạt động của cần trục tháp vượt ra khỏi phạm vi công trường, có nguy cơ ảnh hưởng tới giao thông đi lại của người dân và công trình lân cận thì chỉ cho phép cần trục tháp đó hoạt động trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, và phải bảo đảm đầy đủ hệ thống cảnh báo, cảnh giới, người hướng dẫn an toàn giao thông theo quy định. Tuy nhiên, đây lại là lỗi thường gặp nhất đối với các cẩu tháp tại nhiều công trình xây dựng.
Mỗi năm, thanh tra thành phố đều tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện thi công tại nhiều công trường xây dựng trên địa bàn Hà Nội. Thế nhưng, nhiều đơn vị thầu thi công xây dựng hay tư vấn giám sát vẫn xem nhẹ công tác này, coi thường tính mạng của người lao động. Tại một số công trình, nhiều chủ đầu tư không xuất trình được phương án sử dụng cần cẩu hay hồ sơ khai báo giám định thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, cũng như không bảo đảm đầy đủ các quy định về an toàn thi công.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.