Hàng trăm giáo viên Hà Tĩnh bị mất việc: Lỗi tại ai?
Kể từ năm học mới 2015 - 2016, hơn 200 giáo viên trong huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) trở nên thất nghiệp, khi tỉnh chỉ đạo huyện rà soát lại hợp đồng làm việc với đội ngũ công chức, viên chức sau khi chia tách huyện và thị xã Kỳ Anh, vì cho rằng huyện Kỳ Anh đã ký hợp đồng sai nguyên tắc khi chưa qua thi tuyển.
Lỗi tuyển dụng giáo viên không thông qua thi tuyển là do các đơn vị chức năng tại huyện Kỳ Anh, nhưng đến nay, 214 giáo viên hợp đồng lại là những người phải gánh chịu hậu quả. Những giáo viên này sau đó đã gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng. Được biết, sau khi chấm dứt hợp đồng lao động với những giáo viên này, các cấp học ở huyện Kỳ Anh đều trong tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng.
Bộ Nội vụ vào cuộc
Ngày 26/10, đoàn công tác của Bộ Nội vụ do
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn dẫn đầu đã vào Hà Tĩnh trực tiếp làm việc với lãnh đạo
tỉnh Hà Tĩnh và huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh cùng với 214 giáo viên bị cắt hợp đồng
lao động.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn gặp gỡ các giáo viên bị cắt hợp đồng lao động (Ảnh: Dân Việt)
Theo trình bày của lãnh đạo huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh: Từ 2010 đến 2014, UBND huyện Kỳ Anh (cũ) đã ban hành quyết định cho các trường học trên địa bàn ký hợp đồng đối với 214 lao động làm nhiệm vụ giảng dạy trên địa bàn. Huyện Kỳ Anh có 142 người, thị xã Kỳ Anh có 72 người theo diện hợp đồng trên.
Sau khi chia tách huyện Kỳ Anh cũ thành thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh mới, căn cứ vào chỉ đạo của tỉnh về việc yêu cầu xử lý số giáo viên dôi dư, hợp đồng, đầu năm học 2015-2016, huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh đã tổ chức nhiều cuộc họp thông báo về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với 214 giáo viên (đa số là tiểu học và THCS), giải quyết đầy đủ các chế độ cho người lao động.
Ông Bùi Quang Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: Trước đây huyện Kỳ Anh (khi chưa chia tách) địa bàn rộng, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ một phần do nhu cầu việc làm của con em địa phương lớn một số bộ môn ở các trường THCS thiếu giáo viên nên UBND huyện Kỳ Anh đã tự ý ký hợp đồng không thông qua tỉnh. Điều này thực hiện chưa đúng các quy định về tuyển dụng, quản lý, sử dụng việc chức. Tuy nhiên, các trường hợp này hợp đồng có thời hạn, vì vậy căn cứ vào luật lao động thì hết hạn chấm dứt là đương nhiên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Thiện chỉ rõ: Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do bộ máy lãnh đạo UBND huyện Kỳ Anh (cũ) không tuân thủ các quy định về quản lý viên chức, sử dụng hợp đồng lao động không đúng, có trường đang dôi dư mà vẫn ký hợp đồng. Sở Nội vụ còn buông lỏng trong quản lý, thiếu sự kiểm tra, giám sát ngành giáo dục, mặc dù đã có sự phân cấp.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định: Việc chấm dứt hợp đồng với 214 giáo viên có nguyên nhân khách quan là tách huyện nên chưa giải quyết được tồn đọng của tổ chức trước để lại. Tuy nhiên, việc tuyển dụng ở huyện như vậy là thực hiện đúng pháp luật.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói: “Việc ký và chấm dứt hợp đồng là thỏa thuận của người lao động và chủ sử dụng lao động. Khi có nhu cầu thì cần, khi không có nhu cầu nữa thì chấm dứt, về mặt pháp luật là đúng. Tuy nhiên cần phải tuân thủ nội dung ký kết, đảm bảo quyền và nghĩa vụ cho tất cả”.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ đề nghị Hà Tĩnh rút kinh nghiệm trong việc tổ chức tuyển dụng giáo viên, tăng cường thanh tra kiểm tra trên cơ sở phân cấp, ủy quyền, nên xác định việc làm và nhu cầu của từng trường học, cân nhắc kỹ trước khi ký hợp đồng. Đồng thời đề nghị tỉnh Hà Tĩnh có định hướng, đánh giá rà soát những trường hợp giáo viên khó khăn, ai đặc biệt quá thì phải có phương án đảm bảo quyền lợi cho họ.
Tại buổi làm việc, đại diện các giáo viên đều mong muốn được tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục. Đặc biệt, nhiều trường hợp có thời gian công tác dài trên 10 năm, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nay đột ngột bị cắt hợp đồng lao động sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống.
Đổ lỗi cho giáo viên là không thỏa đáng
Trao đổi bên lề kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII về vấn đề này, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng: Giáo viên là nạn nhân của sự việc làm sai thì đương nhiên phải chấp nhận, kêu ca trong trường hợp này rất khó. Bởi khi họ đã chấp nhận tuyển dụng cũng như chấp nhận một cuộc chơi, thậm chí bản thân những giáo viên này cũng đã thừa biết rằng việc tuyển dụng đó không chính thống và họ có thể bị sa thải bất cứ khi nào.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Sỹ Cương về cơ bản, sai sót thuộc về cơ quan tuyển dụng: “Thật ra, quy định về tuyển dụng bây giờ dễ dàng, không quá phức tạp như ngày xưa, đặc biệt là với việc tuyển dụng giáo viên, họ phân cấp cho cả những cấp rất thấp. Ở nhiều tỉnh, tôi thấy họ còn cho phép cả các trường cũng được thực hiện việc tuyển dụng chứ không nhất thiết huyện hay thành phố, tỉnh phải đứng ra tổ chức”.
Trong khi đó, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) đưa quan điểm: Công tác tuyển dụng lâu nay chúng ta đã có những quy trình chặt chẽ, nhưng không phải chỉ có một số địa phương như báo chí thời gian qua phản ánh mà còn rất nhiều địa phương khác, thậm chí kể cả thành phố lớn cũng rộ lên những tiêu cực như phải mất bao nhiêu tiền mới được một suất, đặc biệt là đối với công chức Nhà nước hoặc giáo viên.
Tuy nhiên, không thể vì quy trình tuyển chọn không đúng và có những tham nhũng tiêu cực mà loại bỏ hàng trăm giáo viên như thế ra khỏi ngành. Việc làm không đúng ở đây là ở bộ máy vận hành, chứ không phải lỗi của hàng trăm giáo viên. Khi đã tuyển dụng rồi thì cần khắc phục bằng những biện pháp khác.
Còn nếu đưa ra khỏi bộ máy hàng loạt giáo viên mà mình đã tuyển dụng và thừa nhận đạt yêu cầu tuyển dụng trước đó thì sẽ gây ra hệ lụy rất lớn. Một là không có giáo viên để giảng dạy các trường đó. Thứ hai là, tại sao lại đổi lỗi cho giáo viên trong khi cần xử lý thật nghiêm hội đồng tuyển chọn. Còn quyền lợi của giáo viên đã tuyển qua hợp đồng thì vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho họ.
ĐB Lê Như Tiến chia sẻ: “Xử lý việc này cần sự khéo léo vì liên quan đến quyền lợi của con người, quyền lợi của nhà giáo, nhất là các cô giáo ở ngành học mầm non hay mẫu giáo, là các đối tượng đang rất thiếu ở nhiều địa phương”./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.