Chuyên gia: Hệ thống giáo dục cho trẻ khuyết tật vẫn thiếu và yếu
Theo báo Giáo dục và Thời đại, giáo dục hòa nhập là cơ hội để trẻ khuyết tật và trẻ không khuyết tật hiểu đúng giá trị của nhau, xóa bỏ sự cách biệt mặc cảm, xa lánh để trẻ có trách nhiệm với nhau hơn. Giúp trẻ khuyết tật được học tại nơi sinh sống cùng gia đình, không có sự tách biệt môi trường sống vì trường hòa nhập có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ trẻ em của địa phương không phân biệt đối tượng vào học. Đây cũng là cơ hội giúp trẻ khuyết tật học được nhiều hơn ở các bạn, giáo viên và nhà trường.
Thông qua lớp học hòa nhập giúp cho mọi trẻ, không phân biệt đối tượng, đều được phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ và hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách và chuẩn bị hành trang cho tương lai.
Giáo dục hòa nhập còn đóng vai trò giúp trẻ khuyết tật được can thiệp sớm. Do đó, cần thiết lập các mô hình giáo dục hòa nhập hiệu quả cho trẻ khuyết tật. Hiện nay trẻ em tự kỷ vẫn được học hòa nhập phổ thông, nhưng chưa có đủ các giáo viên giáo dục đặc biệt hỗ trợ, nên vẫn gặp khó khăn. Ngoài ra, cần có những mô hình hoạt động cộng đồng thân thiện mà mọi trẻ em đều có thể tham gia như: thể thao, văn nghệ, nghệ thuật, các lớp kỹ năng… Trong đó, có tính đến những khó khăn của người khuyết tật và chấp nhận những khác biệt. Trẻ em khuyết tật có thể tự tin hoà nhập hơn khi có môi trường thoải mái, không bị phân biệt đối xử trong quá trình thực hành giao tiếp, và được tham gia trong các hoạt động thân thiện ở cộng đồng.
Lớp học giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật có không quá 12 học sinh (Ảnh minh họa - baochinhphu.vn).
Phát biểu trên báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, bà Tô Thị Trà Ly, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết số trường chuyên biệt công lập và tư thục dành cho trẻ khuyết tật còn rất ít. Tại Hà Nội, địa bàn rất rộng nhưng chỉ có 3 trường chuyên biệt công lập thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội và có 1 số trường thuộc UBND quận/huyện. Khi tiếp nhận học sinh, các trường không có giáo viên chuyên về giáo dục đặc biệt, việc giảng dạy do chính giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn nên không có nhiều thời gian dành cho các em.
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên thiếu kiến thức, hiểu biết về đối tượng và kỹ năng dạy học sinh khuyết tật nên việc hỗ trợ cho các em ít hiệu quả. Vì vậy, phụ huynh luôn tìm kiếm sự hỗ trợ từ giáo viên chuyên biệt, chuyên gia tại các trung tâm tư thục. Việc này gây tốn kém về thời gian, kinh tế, mệt mỏi về tâm lý mà chuyển biến của học sinh cũng rất chậm.
Theo bà Ly, khi học sinh khuyết tật không nhận được hỗ trợ, can thiệp kịp thời từ chuyên gia, các em có thể bị trôi qua giai đoạn vàng để khắc phục khiếm khuyết, nguy cơ sau này trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội. Cá biệt vẫn còn phụ huynh không muốn con bị phân biệt nên không thừa nhận tình trang sức khỏe của con, không hợp tác cùng giáo viên.
Theo báo Giáo dục Thủ đô, việc giáo dục các kỹ năng sống cho trẻ khuyết tật rất quan trọng vì có thể hỗ trợ phát triển tâm trí, sinh lý cho trẻ. Điều đó khiến trẻ có thể hòa hợp được với các bạn đồng trang lứa. Ngoài ra, việc giáo dục này với mục tiêu xóa mù chữ, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là những người bị khuyết tật về trí tuệ. Từ đó, có thể phần nào giúp trẻ em khuyết tật tự tin hơn trong cuộc sống, xoa bỏ rào cản về những khiếm khuyết trên cơ thể và hoà nhập cộng đồng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.