“Hãy trả Tết theo đúng nghĩa của Tết” - nhà văn VintageLover Khánh Phương
2018-02-16 12:55:40
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Nhà văn VintageLover Khánh Phương là nhà văn chuyên viết về những cuốn sách có chủ đề về tình yêu với những thông điệp hết sức nhân văn. Nhân dịp năm mới, chúng tôi có buổi trò chuyện với nhà văn VintageLover Khánh Phương về chủ đề Tết cổ truyền, nội dung như sau:
Phóng viên: Chào nhà văn, chị có thể chia sẻ cho bạn bè và độc giả biết quan niệm của chị về Tết xưa và nay?
Chân dung nhà văn VintageLover Khánh Phương |
Nhà văn VintageLover Khánh Phương: Có rất nhiều người xung quanh tôi thường than thở: Tết làm gì cho mệt! Phải chăng, Tết với bao nỗi lo toan cơm áo, đã không còn là những ngày đơn thuần vui chơi, sum họp như xưa?
Ngày trước, Tết rất có ý nghĩa. Bây giờ, ý nghĩa của Tết đã bị mai một đi nhiều. Trong ý nghĩa sâu xa, ngày tết có tính thiêng liêng và là một dịp làm mới lại mọi việc, là ngày tạ ơn và là ngày của hy vọng. Tết là ngày đoàn tụ của mọi gia đình. Dù làm việc hay đi học ở xa, họ thường cố gắng dành tiền và thời giờ để về ăn Tết với gia đình.
Tết là cơ hội ngồi ôn lại việc cũ và làm mới mọi việc. Việc làm mới như dọn dẹp, quét vôi, sơn sửa trang trí lại nhà cửa. Hoặc làm mới lại về phần tình cảm và tinh thần của con người, để mối liên hệ với người thân được cảm thông hơn hoặc để tinh thần mình thoải mái, thanh thản hơn. Những buồn phiền, cãi vã được dẹp qua một bên. Mọi người cười với nhau nhiều hơn, nói năng từ tốn, lịch sự để mong suốt năm sắp tới mối liên hệ được tốt đẹp. Tết vui vẻ đầu năm sẽ báo hiệu một năm mới tốt đẹp sắp tới.
Tết là sinh nhật của tất cả mọi người, ai cũng thêm một tuổi vì thế câu nói mở miệng khi gặp nhau là mừng nhau thêm một tuổi. Tết là thời điểm của lạc quan và hy vọng - Năm cũ đã qua mang theo mọi xui xẻo và năm tới sắp đến mang theo đầy niềm tin lạc quan. Ngày Tết còn là ngày của sự Tạ Ơn người đã tri ân, đem đến cho mình cơ hội năm qua. Con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà, tổ tiên, nhân viên tạ ơn cấp chỉ huy. Ngược lại, người đứng đầu cơ quan cũng cám ơn cấp dưới qua những buổi tiệc đãi hoặc quà thưởng để ăn tết.
Thế nhưng, ngày nay, dần dần ý nghĩa đó dường như bị mai một, kéo theo cả một hệ lụy những nỗi lo toan và lo lắng, bao gồm nỗi lo của người đi làm xa; nỗi lo của những người đàn ông; nỗi lo của người nội trợ. Với nhiều gia đình sống ở thành phố lớn, đi làm xa thì Tết sắp đến với nỗi lo… tàu xe. Họ phải túc trực săn vé máy bay giá rẻ. Cảnh đó thật vất vả bởi làm gì có giá vé về Hà Nội mà dưới vài triệu đồng/ người. Nhà có vài người đi làm xa như vậy, vị chi riêng tiền tàu xe đã chi tốn hàng chục triệu đồng. Mà nếu không về thì cũng không được bởi chỉ có dịp Tết mới về nhà sum họp, không về thì cha mẹ ở quê đã già, ăn Tết mất vui. Mà về thì riêng khoản tàu xe đã đau đầu rồi.
Tết với nhiều chị em nội trợ là kèm theo nhiều lo lắng. Nhiều người, có khi quá giao thừa cũng chưa hết việc. Khi cận Tết, thì trăm nỗi lo. Chị em phải đối mặt với lượng công việc khổng lồ, từ việc nhỏ đến việc lớn. Từ con cái đến ông bà nội ngoại, đều đến tay chị em. Trong quá trình ấy, chị em phải vắt óc cân đối chi tiêu sao cho phù hợp.
Rồi công tác dọn dẹp chăm chút nhà cửa, trong khi đó, việc hàng ngày vẫn phải chu toàn. Còn mối lo lắng nữa khá quan trọng, là “tân trang” làm đẹp bản thân. Nếu không tân trang, ra đường ai cũng đẹp, nhìn lại mình, một màu cũ kỹ, lại chẳng cam lòng. Thế là, cuộc đua nhan sắc cũng khá công phu. Xếp hàng từ sớm để đến lượt làm đẹp.
Đừng nghĩ chỉ các bà vợ mới lo lắng ngày Tết. Các ông chồng, ngày trước Tết cũng phải dốc hết sức lực vào những dự án, báo cáo, tổng kết, kế hoạch năm mới. Nếu ai làm công việc nặng nhọc hơn như khuân vác, đi xem ôm hoặc trông xe thì cũng tranh thủ làm tăng ca để hy vọng có thêm đồng tiền đỡ vợ. Cùng với đó là việc đàn ông khó từ chối các cuộc ăn nhậu, tụ tập hội đám. Đành rằng vì vui, vì ngoại giao nhưng thực ra họ cũng rất khổ sở. Mấy ai ham muốn đến mức say sưa nhưng không còn cách nào khác, họ phải thể hiện cái sĩ diện của mình nên cũng khá mệt mỏi.
Phóng viên: Vậy theo chị, làm sao để Tết thực sự là Tết?
Nhà văn VintageLover Khánh Phương: Tết về trên khắp các ngả đường ngõ ngách. Tết đến tưng bừng các tuyến phố cờ hoa. Trong những con người đang đi lại ngoài kia, mấy ai là người thực sự an nhiên?
Tại sao chúng ta không tìm ra giải pháp cho ngày này, để giảm thiểu gánh nặng cho tất cả?
Tại sao mỗi thành viên trong gia đình không thể cùng nhau quét dọn sơn sửa nhà cửa, mua sắm, rồi cùng nhau trang trí, bày biện. Mỗi người để tâm một chút thôi, là đã giảm đi nhiều chút cho người khác. Đàn ông trong nhà, dù lớn hay bé, già hay trẻ thì cũng đều có những công việc phù hợp để hỗ trợ chị em được mà. Ví như kê lại cái bàn cái ghế, làm mới những cánh cửa, chỉnh sửa lại cái đèn nhấp nháy…. Những việc nhỏ thôi, nhưng chị em sẽ rất vui vì cảm giác không bị đơn độc trong “cuộc chiến” dọn dẹp. Từ đó, sẽ có thêm động lực để làm những món ăn cho cả gia đình. Trong lúc đó, đàn ông trong nhà cũng đừng quên dành những lời khích lệ cho chị em. “Được lời như cởi tấm lòng” cũng là một tác nhân tốt làm chị em phấn khởi hơn.
Bên cạnh đó, Tết sẽ nhẹ nhàng hơn với sự bớt cầu kỳ và ganh đua. Những bữa ăn truyền thống với bánh chưng, dưa kiệu, thịt nấu đông, cũng đủ làm nên dư vị ngọt ngào. Đâu cần phải cao lương mỹ vị nào khác mới chứng tỏ Tết to? Tại sao chúng ta phải truy tìm bằng được đồ ăn ngoại hay lạ, để rồi có khi dư thừa, sau ngày Tết lại bỏ phí?
Cành đào nhỏ hay cây quất nhỏ hay lọ hoa đơn giản cũng đủ cho nhà cửa ấm áp, đâu cần phải rước bằng được cành đào rừng hay cây đào thế bự cho bằng thiên hạ? Tại sao cứ phải bỏ một khoản tiền lớn để kiếm bằng được đào rừng với nụ bông to nhất có thể, thế cây hoành tráng nhất có thể, để rồi cho vào nhà có khi to hơn cả gian phòng, vậy mới chứng tỏ là sang?
Tại sao chúng ta cứ phải nhìn ngó nhà hàng xóm hay nhà đồng nghiệp xem là họ có thứ gì để rồi về vắt óc nghĩ ra cách cũng phải có bằng được thứ ấy?
Cạnh tranh là điều tất yếu cho một xã hội tiến lên nhưng không phải đúng trong mọi hoàn cảnh. Cũng như việc bảo tồn bản sắc dân tộc hay bảo tồn đô thị cổ thì giá trị của nó lại nằm ở sự đơn giản và giữ gìn, hơn là sự khuếch trương không cần thiết.
Tại sao chúng ta cứ phải sống cho người khác quá nhiều, để rồi bản thân lại rước vào những mối lo không đáng có. Tết là để nghỉ ngơi, chứ không phải để đổ dồn vào mọi nỗi sợ. Làm gì thì làm, nếu quá bận rộn, nếu quá cầu toàn thì sẽ mất đi nét thi vị của Tết nói riêng và của cuộc sống nói chung. Hãy để Tết được trở về theo đúng nghĩa của Tết.
Phóng viên: Vâng, giá mà chúng ta đơn giản đi một chút là cũng giảm thiểu nhiều sức ép không cần thiết, đúng như lời chị vừa nói. Có phải chị quan niệm như vậy nên trông chị có vẻ rất thảnh thơi trong những ngày Tết? Ngày giáp Tết trông chị càng có vẻ …rất Xuân?
Nhà văn VintageLover Khánh Phương: Thú thật với bạn, chưa bao giờ mình không yêu Tết. Bởi mình cho rằng, Tết được sinh ra để người ta biết dừng lại, biết nghỉ ngơi, biết đoàn tụ, biết tạ ơn, biết sống chậm, biết giá trị đích thực của cuộc đời.
Thông thường, vào thời khắc chuyển năm cũ sang năm mới, mình bao giờ cũng dành chút thời gian lắng đọng, để bản thân chiêm nghiệm lại những gì đã xảy ra trong năm qua, để rồi từ đó, sắp xếp lại tâm trí những điều còn tâm tư.
Mình cũng có nhiều thiếu sót lắm. Cuộc sống mà, ai chả có lúc thăng trầm, trong ứng xử cũng vậy, ai chả có lúc sai trái. Nhưng cố gắng nhất có thể, làm gì thì làm, miễn là tâm thanh thản là được.
Những gì làm cho người khác cũng chính là làm cho bản thân mình. Cho yêu thương, sẽ gặt hái yêu thương; trao hy vọng, sẽ tăng thêm hy vọng. Nếu muốn được yêu thương, thì trước tiên hãy yêu thương người khác, nếu muốn người khác đối xử tốt với mình, trước tiên hãy đối xử tốt với họ.
Cố gắng sống như vậy thì không những Tết mà quanh năm, lòng người sẽ thanh thản. Mà có thanh thản, mới an nhiên. Có an nhiên thì “Hòa khí sinh tài” – người ta chỉ có thể sinh tài sinh lộc khi mỗi người đều cảm thân an nhiên. Tết chỉ thực sự vui khi là năng lượng tích cực để mở đường cho một năm mới hạnh phúc, ấm áp, no đủ.
Phóng viên: Vâng cảm ơn nhà văn đã dành thời gian để nói về chủ đề rất thú vị này. Chúc nhà văn năm mới vạn sự như ý!
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Minh Tú