Hỗ trợ, tạo điều kiện cho người khuyết tật trí tuệ tự lập
Dự án dạy nghề cho người khuyết tật Imago Work đào tạo các bạn thanh niên có khiếm khuyết trí tuệ để trang bị cho họ các kỹ năng sống, kỹ năng xã hội, một chút tiếng Anh và kỹ năng làm việc. Tất cả kỹ năng làm việc đều xuất phát từ khả năng của người khuyết tật, bởi chỉ cần phát triển được nó họ sẽ trở nên tự tin hơn, cảm thấy được giá trị của mình, có thể đóng góp cho xã hội.
Và tất nhiên trước khi học nghề, các học viên phải học những kỹ năng cơ bản để sinh tồn, chăm sóc bản thân, sống tự lập. Tất cả đều nằm trong chương trình cơ bản của Imago Work.
Khóa học dài hạn đầu tiên của Imago Work bắt đầu từ tháng 9/2020 và sẽ kết thúc vào tháng 7/2021. Khóa học này có 5 học viên: 2 nữ là L.A. và M.A.; và 3 nam là Ph.,H.,D.
Làm giúp, ra quyết định giúp… tưởng có lợi mà hóa ra có hại!
Ở trong nhiều gia đình, những cậu bé, cô bé khuyết tật luôn được cả nhà dành cho lòng thương, sự bao bọc quá mức. Những người đó lớn lên, luôn dựa vào người khác và thiếu kỹ năng cơ bản để tồn tại độc lập.
M.A. là một bạn gái, 25 tuổi, ở TP.HCM, có hội chứng Down. Trong nhà, mọi người rất yêu thương M.A, luôn đoán trước mỗi khi M.A. muốn gì, cần gì đó. “M.A. muốn uống nước hả?, đây nước đây!”. Luôn được làm giúp, giao tiếp giúp, quyết định giúp… điều đó khiến cho kỹ năng giao tiếp của M.A. khá thấp.
Còn những việc như rửa bát, lau nhà, cọ bồn cầu… đương nhiên mọi người không để cô làm, vì sợ không khéo, sợ gây đổ vỡ.
M.A. là 1 trong 2 học viên từ TP.HCM ra Hà Nội học theo dự án Imago Work. Ngày đầu tiên đến đây, M.A. đeo cặp, nhưng cặp nặng quá, M.A. không đeo nữa mà chuyển xuống xách tay. Các cô giáo không nhắc nhở gì M.A. Quan điểm của các cô là để M.A. cũng như các bạn khác tự quyết định và các cô chỉ theo dõi theo xem họ có biết là mình đang làm gì, sắp tới mình cần làm gì không… Mỗi ngày, các cô lại đưa ra những mục tiêu cụ thể để từng bạn nỗ lực đạt được, tự làm được mà không cần sự nhắc nhở của người khác. M.A. dần biết tự mang cặp và vào lớp đúng giờ, biết tự điểm danh, biết tự rửa chén bát của mình, tự tắmgiặt, tự soạn quần áo, tự sắp đồ ăn vào hộp để mang đến lớp…; những việc mà trước kia M.A. không tự làm được.
Giờ học về những điều nên/không nên trong nhà bếp, dưới sự hướng dẫn của cô giáo Nguyễn Thị Nhung.
Trước kia ở nhà, M.A. chưa cần cất lời thì gia đình sẽ nói giùm: “M.A. muốn cái này đúng không?”. Nay thì các giáo viên yêu cầu gia đình phối hợp bằng cáchđể M.A. nói rõ xem cần gì, muốn gì, và phải nói ra điều đó. Thế là khả năng ngôn ngữ của M.A. cũng tốt hơn, dần nói được những câu dài hơn. Đó là cách tạo cơ hội cho con mình tự cố gắng.
M.A. đã biết tự phơi đồ, việc mà trước kia cô chưa làm được.
Trong khóa học có Ph., nam thanh niên 28 tuổi, người Thái Nguyên. Trước kia Ph. ở nhà, cha mẹ không cho làm gì hết: không rửa chén, không quét nhà, không lau bàn… Nay đó là những kỹ năng phải thực hành và cậu đã làm một cách gọn gàng, thành thạo. Cô giáo Nguyễn Thị Nhung nhận xét: Ph. tự lập, tự tin hơn. Được học, được rèn luyện, thể hiện bản thân mình, Ph. thấy rất tự hào vì những điều làm được như: buộc được tạp dề, theo dõi bảng công thức và pha được 1 ly cà phê latte lạnh, thuyết trình trước cả lớp...
Một nam thiếu niên khác, H., đến đây như tìm được một nơi để được mọi người yêu thương, chia sẻ. Em bị ám ảnh bởi quá khứ, khi trước đây thường xuyên bị các bạn xung quanh bắt nạt, kỳ thị, xa lánh. Em ẩn mình trong nhà, chỉ chơi với chiếc điện thoại. Giờ đây đến lớp, H. tự tách khỏi điện thoại, biết đi ngủ đúng giờ. Trước kia em chẳng bao giờ tập thể dục, nay thích đi tập võ, bơi, nhảy cùng các bạn ở lớp. H. có biệt tài là hát rất hay các bài nhạc bolero.
Hay D., cũng là một bạn nam, 15 tuổi, có nhiều kỹ năng khá tốt, nhưng còn hạn chế phần giao tiếp và xử lý cảm xúc. Sau một thời gian được dạy, D. tiến bộ, biết nói lên được cảm xúc của mình.
Học nhận biết về mùi, vị
Cô giáo Nguyễn Thị Nhung là giáo viên giáo dục đặc biệt, từng dạy ở các trung tâm can thiệp sớm cho trẻ tăng động, tự kỷ, chậm nói, Down… Làm việc với Imago Work, cô nhận thấy dự án có cách tiếp cận là trang bị cho các thanh niên khuyết tật trí tuệ những kỹ năng cần thiết cơ bản một cách rất kỹ càng và đầy đủ: dạy các em rất kỹ về vấn đề vệ sinh, các mối quan hệ với người xung quanh, cách bảo vệ mình…
“Trước đây, có trung tâm tôi từng dạy, nếu có dạy về giới tính, cũng chỉ dừng ở việc nhận biết đâu là trai, đâu là gái và việc không cho ai động chạm vào vùng kín. Nhưng ở Imago Work, chủ đề này là dạy các em biết các giai đoạn của cuộc đời, các em biết mình đang ở giai đoạn nào, những gì được kỳ vọng khi các em là người trưởng thành? Rồi giảng giải cho các em không gian riêng tư/công cộng là gì? Hành vi được/ không được kỳ vọng khi ở những không gian đó? cái động chạm tốt/không tốt (để các em biết bảo vệ mình), rồi sự thay đổi về thể chất của nam/nữ… Hoặc kỹ năng xã hội, dạy các em biết mình là đặc biệt, là duy nhất, không có ai giống mình. Ai cũng có điểm mạnh và có khó khăn. Ai cũng có ước mơ…”- cô Nguyễn Thị Nhung chia sẻ.
Học, thực hành làm bánh Trung thu.
Những vần thơ vui của một phụ huynh học viên gửi tới Imago Work.
Phát hiện khả năng của con và tìm cách phát huy khả năng ấy
Nguyễn Hương Mai, chị gái của Nguyễn Ngọc L.A. (29 tuổi), học viên của Imago Work từ TP.HCM ra Hà Nội học, kể: Ba mẹ em rất thương con. Thậm chí bạn bè người quen nếu có ai kỳ thị với L.A. thì ba mẹ em sẽ chấm dứt quan hệ luôn. L.A. lúc nhỏ đi học trường ở Thảo Điền- TP.HCM, sau đó học theo các chương trình tình nguyện, cứ có thầy cô giáo nào tình nguyện dạy môn gì thì L.A. sẽ học môn đó.Do được học nhiều khóa học như vậy nên L.A. biết nhiều thứ như đàn, hát, nhảy múa… L.A rất lanh lợi, hay thể hiện ngôn ngữ cơ thể cho thấy là mình yêu thương những người xung quanh.
Hương Mai và em gái L.A.
Hương Mai là chị ruột, nhưng định cư ở nước ngoài, không có điều kiện quan tâm nhiều đến em gái. Dịp Tết năm nay cô về thăm nhà ở TP.HCM rồi bị kẹt lại do dịch Covid. Tình cờ, Hương Mai biết đến Imago Work và ấn tượng bởi sự- tôn- trọng mà chương trình nhấn mạnh. Thế là cô đề xuất với cha mẹ đưa L.A. ra Hà Nội theo học. Hàng ngày Hương Mai xem giáo trình mà L.A. mang về, đôi khi cùng lên lớp với em, tiếp xúc với các giáo viên…; cô cảm thấy tâm đắc với cách mà Imago Work dạy các bạn khuyết tật để có thể tiếp thu.
Đã đi nhiều nơi trên thế giới, Hương Mai chia sẻ: “Ở các nước phát triển, các bạn khiếm khuyết trí tuệ đi làm việc là bình thường. Họ không những làm việc mà có thể chịu trách nhiệm chính (không chỉ làm lễ tân, trực điện thoại mà còn là chủ shop thời trang, người mẫu, diễn viên, chính trị gia/nhà hoạt động xã hội...).Thế giới đã có nhiều ví dụ điển hình nhưng hầu hết các gia đình ở Việt Nam chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin/nguồn cảm hứng này nên chưa tự tin và có cái nhìn tích cực về con mình. Thay vì phải vững tâm dành năng lượng sáng tạo, tìm giải pháp để phát huy tiềm năng cho con thì nhiều gia đình rơi vào trạng thái than phiền, buồn khổ và xấu hổ (nhất là các gia đình giàu có, nổi tiếng)”.
Hương Mai cho biết, thời gian tới L.A. cần học thêm những kỹ năng vi tế như kỹ năng ra quyết định, kỹ năng lập kế hoạch ... Đây là những kỹ năng khó mà mọi thanh niên bình thường đều phải học, tuy nhiên các bạn khuyết tật sẽ được dạy một cách đặc biệt, chậm hơn để có thể tiếp thu.
Sau một thời gian ở Hà Nội, L.A. rất thích nơi này và có ý định sống luôn ở đây. Hương Mai hy vọng và khá tin tưởng rằng sau khóa học, L.A. có thể tự lập hoàn toàn.
Cô giáo Nguyễn Thị Nhung nhận xét: Phương pháp của Imago Work không phải hoàn toàn mới, nhưng cách thực hiện rất tốt.Những người điều hành dự án vô cùng tâm huyết, luôn chú trọng tới từng học viên và tìm cách hỗ trợ những học viên có hoàn cảnh khó khăn. Với 5 học viên của Imago Work, có 2 cô giáo người Việt đảm nhiệm và cô Morgan (người Mỹ) hỗ trợ phần giáo án.
Sau 8 năm làm công việc giáo dục đặc biệt, cô Nhung nhận thấy việc hướng nghiệp, đào tạo nghề cho thanh niên khuyết tật ở Việt Nam còn thiếu và yếu. Nhiều bạn đến tuổi thanh niên chưa biết sẽ làm gì, sống ra sao… Tham gia Imago Work, cô mong muốn mình sẽ có thể đồng hành cùng các em, giúp các em trong việc học các kỹ năng trong đó bao gồm kỹ năng nghề nghiệp.
Khóa học Imago Work kết nối các học viên như anh chị em trong một gia đình.
Tuy nhiên, một điều cực kỳ quan trọng, đó là đầu ra sau khi các thanh niên khuyết tật được đào tạo xong, tốt nghiệp. Nơi nào sẽ nhận các bạn vào làm việc? Làm thế nào để thuyết phục được doanh nghiệp rằng một nhân viên khuyết tật vẫn có ích cho họ, chứ không phải là gánh nặng, là trung tâm của nhiều sự rắc rối, phiền hà? Đó còn là một câu chuyện dài phía trước, là nỗi trăn trở ngày đêm của những người điều hành dự
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.