“Học kỳ doanh nghiệp” giúp sinh viên không bị loại bởi lý do “bất ngờ”
Sinh viên bị loại vì những lý do bất ngờ
Doanh nghiệp luôn “khát” nhân lực chất lượng cao, tuy nhiên, nhiều sinh viên ra trường lại không tìm được việc làm. Vậy, nguyên nhân xuất phát từ đâu?
Mới đây, thông tin sinh viên “5 tốt” bị nhà tuyển dụng đòi loại ngay tại một buổi tọa đàm giữa nhà trường và doanh nghiệp được dư luận quan tâm.
Theo đó, ngay sau phần phát biểu, Trưởng bộ phận tuyển dụng - đào tạo của một tập đoàn cho biết, ngoài lắng nghe, ông đã quan sát những "SV 5 tốt" ở đây.
Nếu các em là ứng viên của công ty, ông sẽ loại ngay một số bạn ngồi ngay đối diện, dù chưa hỏi gì hết. Lý do là vì các em đến đây để nghe rất nhiều thông tin nhưng lại không chịu nghe mà làm những việc riêng vô ích khác.
Từ đây, Trưởng bộ phận tuyển dụng này cũng cho biết, phần đông SV mới ra trường khi đi phỏng vấn rớt ngay từ những vấn đề sơ đẳng khi tiếp xúc doanh nghiệp như cách ngồi, cách chuẩn bị gặp doanh nghiệp, thái độ...
Những nguyên nhân bị loại tưởng như “bất ngờ” đó, thực tế lại là hạn chế chung của rất nhiều SV khi ra trường hiện nay, theo chia sẻ của đại diện nhiều doanh nghiệp. Thậm chí, ngay từ khi viết email cho nhà tuyển dụng đã bị “loại” rồi.
Bà Nguyễn Hoàng Hương, phụ trách nhân sự văn phòng Nash tech tại Hà Nội chia sẻ, từ thực tế tuyển dụng của Công ty bà thấy, nhiều sinh viên thiếu kỹ năng mềm, thiếu tính chủ động, kỹ năng làm việc nhóm.
Ví dụ, về tính kỷ luật, văn hóa công ty. Ở công ty Nash tech, thời gian làm việc khoảng từ 9h – 9h15, cũng khá là “thoải mái” so với nhiều công ty khác. Khi mới được tuyển dụng, các bạn tuân thủ giờ giấc rất tốt. Nhưng sau một thời gian thì đi muộn.
“Hoặc là sự hòa đồng trong môi trường tập thể chưa cao, các bạn còn giữ cách sống “riêng” nhiều, thành ra công ty lại phải đào tạo lại”, bà Hương nói.
Ngoài ra còn là khó khăn về tiếng Anh. Chủ yếu sinh viên được đào tạo về đọc viết, còn khả năng nói rất kém. Với một công ty nước ngoài thì đây là một điểm rất hạn chế rất lớn.
Sự đáp ứng đối với yêu cầu của thực tế cũng là một hạn chế. Theo bà Hương, có thể SV đã được học lý thuyết nhiều quá. Đến khi đi làm thì chỉ áp dụng được khoảng 20% kiến thức đã được đào tạo vào trong công việc của mình.
“Và doanh nghiệp phải đào tạo lại toàn bộ. Hoặc phải đào tạo thêm rất nhiều khóa về kỹ năng mềm thì các bạn mới đáp ứng được công việc. Cũng có một số sinh viên có ý thức trau dồi cho mình những kỹ năng này khi ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, không nhiều, trong khoảng 20 sinh viên thì chỉ có khoảng 1 – 2 bạn như vậy”, bà Hương cho biết.
"Hiện nay tôi thấy đa số các nhà trường rất cởi mở trong việc hợp tác với doanh nghiệp, luôn tạo điều kiện, hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận được với các sinh viên được tốt.
Và chương trình của các trường đại học cũng đã thay đổi nhiều, các trường cũng đã lấy ý kiến của các doanh nghiệp để làm sao nội dung đào tạo gắn với thực tế nhiều hơn.
Tuy nhiên, cũng vẫn còn một số trường có tiếng trong ngành IT vẫn còn hơi khó khăn trong việc này, tôi cho rằng các trường đó nên cởi mở với các doanh nghiệp hơn nữa", bà Hoàng Hương.
Đưa “học kỳ doanh nghiệp” vào chương trình đào tạo
Hiểu rõ được những khó khăn mà sinh viên ra trường gặp phải, nhằm phát triển và mở rộng mô hình hợp tác giữa Nhà trường và Doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cho biết, một trong những giải pháp mà nhà trường đã triển khai đó là mô hình “học kỳ doanh nghiệp” vào chương trình đào tạo.
Mô hình “Học kỳ doanh nghiệp” được nhà trường triển khai đầu tiên đến SV Khoa Cơ khí từ đầu năm học 2012 – 2013 và đến GV Khoa Công nghệ Thông tin từ giữa năm học 2012 – 2013.
Đến nay, nhà trường đã đưa chương trình “Học kỳ doanh nghiệp” vào chương trình đào tạo của bậc cao đẳng và trung cấp ở các ngành nghề thuộc các khoa như: Cơ khí chế tạo, Cơ khí Ô tô, Điện – Điện tử, CNTT, QTKD, TCKT, Du lịch.
Tính đến thời điểm hiện tại, hoạt động đưa giáo viên, học sinh sinh viên (GV – SV) tham gia thực tập tại doanh nghiệp đã đi vào ổn định, số lượng SV của các khoa tham gia thực tập theo mô hình Học kỳ doanh nghiệp ngày càng tăng (theo thống kê năm 2016 = 1.536 SV, năm 2017 = 1.833 SV, năm 2018 = 1.774 SV).
Trường đã chính thức ký kết hợp tác với 126 doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có hơn 1.000 doanh nghiệp vẫn thường xuyên hỗ trợ nhà trường trong các hoạt động tiếp nhận GV - HSSV tham quan, thực tập thực tế tại doanh nghiệp.
Số lượng doanh nghiệp tiếp nhận thực tập tăng, đáp ứng nhu cầu tiếp cận môi trường thực tế tại doanh nghiệp của HSSV.
“HSSV được tham gia chương trình thực tập này vừa có môi trường làm việc thực tế để trải nghiệm vừa được tích lũy kinh nghiệm trong chuyên môn, tăng khả năng thích nghi, khả năng tự học, rèn luyện các kỹ năng mềm, tính kỹ luật.
Và đặc biệt HSSV có thể hình dung và hiểu rõ hơn về công việc trong tương lai của mình để có động lực phấn đấu”, bà Lý chia sẻ.
Chương trình này cũng còn đem lại lợi ích đối với giảng viên. Các giảng viên có cơ hội được bổ sung, nâng cao kiến thức và cập nhật xu thế kịp thời giúp bài giảng thêm sinh động, dễ hiểu và thu hút SV.
Theo bà Lý, việc nhà trường và doanh nghiệp kết hợp đào tạo nghề không chỉ giúp sinh viên tiếp cận nhiều cơ hội việc làm mà doanh nghiệp cũng có được nhân lực đảm bảo cho hoạt động sản xuất, giảm chi phí đào tạo lại cho lao động.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.