Hơn 40 năm, Mẹ vẫn đợi Anh về...

2019-03-07 09:14:48 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Hơn 20 năm làm báo, đây là lần đầu tiên tôi có cảm giác như đang mắc nợ Mẹ, mắc nợ Anh khi nghe Mẹ kể về ngày Anh lên đường. Anh đã hòa vào đoàn quân đi về phía Tây Nam, để hôm nay, hơn 40 năm chờ đợi, Mẹ vẫn đau đáu một nỗi buồn... Tổ quốc không bao giờ quên Anh! Và tôi tin: Anh sẽ được truy phong Liệt sỹ!

Mẹ Hòa - Mẹ của 2 thương binh và 2 liệt sỹ, đã 40 năm trôi qua vẫn mong ngóng con mình được truy phong liệt sỹ.

Giáp Tết Nguyên đán, tôi được cán bộ văn hóa xã Bắc Thành dẫn về thăm Mẹ Trần Thị Hòa. Mẹ Hòa năm nay đã 93 tuổi. Mẹ ở với người con gái không chịu lấy chồng trong 2 gian nhà nhỏ cạnh ngôi nhà người con trai út tại xóm 1 Bắc Sơn, xã Bắc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Trưa cuối năm nhưng trời chang chang nắng. Nhà có khách, Mẹ lom khom, chậm rãi bước ra đón. Mắt Mẹ như sáng lên khi nghe nói “có nhà báo về hỏi chuyện hy sinh của anh Tín”. Nhìn thấy đôi mắt của Mẹ như sáng lên, tôi như muốn khuỵu xuống. Cảm xúc của một người lính dẫu chưa qua chiến tranh, làm tôi không thể cầm được nước mắt...

Tôi dìu Mẹ Hòa bước từng bước chậm rãi lên mấy bậc thềm nhà người con trai út, nơi có bàn thờ của chồng và 2 người con đã hy sinh tại chiến trường Tây Nam năm 1979. Hai di ảnh của 2 người con được thờ 2 bên ảnh người bố, giống hệt nhau. Mẹ Hòa bảo: “Thằng Tuấn thì có ảnh, còn thằng Tín thì không có. Mệ (mẹ) phải nói thợ ảnh phóng làm 2 tấm, coi như là 2 anh em nhà nó”. Mẹ Hòa trân trân nhìn lên bàn thờ, mắt Mẹ lại rơm rớm nước. Tôi xin phép Mẹ được thắp cho 2 anh 1 nén hương, cầu cho Mẹ luôn khỏe, để đủ sức “Đợi Anh về!”.


Thư chia buồn của đơn vị sau khi những người con đã ngã xuống nơi chiến trường


Nỗi đau hậu chiến...

Mẹ Hòa vẫn minh mẫn đến lạ. Mẹ kể: “Chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam, chồng tui và 4 người con lần lượt tham gia kháng chiến. Có 2 người con là Hoàng Danh Trung và Hoàng Danh Nghĩa đều bị thương ở Quảng Trị và Tây Nguyên. Hai anh em Hoàng Danh Tín và Hoàng Danh Tuấn hy sinh ở chiến trường Tây Nam.

Mẹ Hòa vẫn nhớ: “Tháng 6/1977 anh Tín được lệnh gọi lên đường nhập ngũ, 1 tháng sau đó, anh Tuấn lại có lệnh gọi lên đường. Mệ gạt nước mắt tiễn các anh con, chỉ mong đất nước sớm hòa bình để các anh con trở về”

Mẹ Hòa ngưng kể, thời gian như lắng lại. Nước mắt Mẹ lại rơi. Mẹ nhìn ra bầu trời cao xanh, nói bâng quơ: “Đêm nào Mệ cũng mơ thấy 2 anh con về. Anh Tín con bảo: Mẹ giữ gìn sức khỏe. Con hy sinh vì Tổ quốc chứ không chết vô ích đâu Mẹ. Con là Tiểu đội trưởng cơ mà! Vong linh con sẽ ở bên Mẹ để phụng dưỡng Mẹ trọn đời”.


“Hội đồng quân nhân” cấp Đại đội có đủ thẩm quyền để định đoạt sự hy sinh của một quân nhân nơi chiến trường khốc liệt?


Bác Trần Ngọc Phiên, một nhân chứng trước sự hy sinh của anh Hoàng Danh Tín tại chiến trường, nay là thương binh, còn sống


Lúc này, anh Trung, anh Tùng con của Mẹ cũng đã về. Cả 4 người con ngồi bên Mẹ, nghe Mẹ nói từng lời rành rọt mà ai cũng lặng đi. Anh Trung (thương binh) cắt ngang bầu không khí yên lặng: “Thương lắm các anh ạ. Ngày nào Mẹ cũng nhắc, cũng lật khật ra ra vào vào hỏi: Có tin tức chi về thằng Tín không bây?”.

Toàn bộ hồ sơ, giấy tờ được Mẹ Hòa giao cho người con gái tên là Hoàng Thị Hà cất giữ và chịu trách nhiệm làm đơn kiến nghị đến các cơ quan liên quan. Sau khi bố mất, 2 anh hy sinh, chị Hà thương mẹ nên không lập gia đình. Từ năm 2005, chị Hà bắt đầu cuộc hành trình đi tìm mộ anh Tín. Phần mộ được chôn cất tại Nghĩa trang Mũi Nai, thị trấn Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Hiện nay hài cốt anh Tín được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Kiên Giang (Khu B, ô 08, hàng 05, số mộ 08).

Mộ phần nằm trong nghĩa trang, nhưng đến nay anh Tín vẫn chưa được công nhận liệt sỹ vì lý do theo xác nhận của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An (không ghi ngày, tháng):

- Sau khi hy sinh, ngày 05/10/1979, Hội đồng quân nhân của Đại đội 2, Tiểu đoàn 15, Sư đoàn 4 có tổ chức 1 cuộc họp vào lúc 7 giờ 30 phút. Nội dung “trích biên bản của Hội đồng quân nhân” ghi:

“Quân nhân Hoàng Văn Tín, 23 tuổi, nhập ngũ 06/1077. Hạ sỹ, tiểu đội trưởng, đã từ trần ngày 02/10/1979”. Nguyên nhân Hạ sỹ, tiểu đội trưởng Tín từ trần được ghi: “Do ý thức tổ chức kỷ luật kém, đi đứng không đúng những nơi quy định của đơn vị, để sa vào bãi mìn và gây ra tai nạn đáng tiếc”.

Vấn đề đặt ra ở đây là: Biên bản chính của cuộc họp đó ở đâu mà chỉ có bản “trích biên bản của Hội đồng quân nhân”? Cấp Đại đội có đủ thẩm quyền để xác định giá trị cái chết này của Hạ sỹ Tín? Chữ ký, con dấu của chỉ huy Tiêu đoàn, Sư đoàn ở đâu? Không có.


Trong khi Bộ Chỉ huy Quân sự Nghệ An xác nhận theo “trích sao” Biên bản cuộc họp Hội đồng quân nhân cấp Đại đội thì ngày 20/01/1999 Chỉ huy Sư đoàn 4 (QK9) có thư động viên gia đình là đơn vị đang xác minh


Mẹ vẫn đợi Anh về...

Chị Hà biết tôi đến thăm Mẹ và muốn tìm hiểu về sự hy sinh của anh Tín, trưa ngày mồng 2 Tết, chị Hà đã đến nhà tôi mang theo tập giấy tờ gốc liên quan đến cuộc hành trình đi tìm sự thật về anh mình. Tập giấy không nhiều nhưng đã úa vàng, nhiều tài liệu đã bị rách nát. Chị bảo: “Năm 2005 chị lặn lội vào Kiên Giang tìm anh, người dân trong đó biết chị đi tìm mộ liệt sỹ nên họ giúp đỡ rất tận tình. Cán bộ chính sách của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang trả lời là trường hợp hy sinh ở chiến trường như anh Tín ở đây có 2 người, một người ở Long An, chúng tôi đã làm thủ tục công nhận liệt sỹ rồi. Trường hợp của anh Tín, theo Thông tư liên Bộ số 25 thì chị chỉ cần về Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An làm thủ tục để được xác nhận là liệt sỹ, không phải vào đây nữa”.


Đã 40 năm trôi qua, Mẹ Trần Thị Hòa vẫn luôn nằm mơ thấy con về. Mẹ chỉ còn một niềm mong ước cuối đời là anh Hoàng Danh Tín được minh oan, truy phong liệt sỹ


Nghe lời cán bộ chính sách của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang, chị Hà trở về quê và tìm đến Bộ Chỉ huy quân sự Nghệ An. Về tỉnh, chị gặp một cán bộ chính sách của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An là ông Lê Đại Từ tiếp. Trong niềm hy vọng vô cùng lớn lao ấy, chị Hà bị ông Từ trả lời 1 câu như dội gáo nước lạnh lên đầu: “Tại sao sau khi biết anh Tín không đươc công nhận liệt sỹ, gia đình không kêu mà giờ mới kêu?”. Chị Hà trả lời: “Vì gia đình nghèo không có tiền để đi anh ạ”. Một lần khác, ông Từ lại trả lời lạnh lùng: “Trường hợp của anh Tín chị có kêu đến Trung ương cũng không được. Trung ương có chỉ đạo về, chúng tôi không làm thì cũng chịu”. Tôi hỏi đi hỏi lại chị Hà: “Có thật ông Lê Đại Từ nói với chị vậy không?”, Chị Hà khẳng định: “Đúng như rứa!”

Tôi lặng người trước chia sẻ của chị Hà. Có lẽ không ít người làm chính sách chưa trải qua trận mạc, họ không hiểu được máu xương của cha anh mình đã đổ xuống ở các chiến trường thiêng liêng như thế nào. Tôi hỏi một người bạn đang công tác ở tỉnh đội Nghệ An để xác minh. Đúng là ở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An có 1 người tên là Lê Đại Từ, hiện là Phó trưởng Ban Quân lực. Tôi hy vọng đây không phải là Lê Đại Từ đã trả lời những câu vô trách nhiệm với thân nhân liệt sỹ nói trên mà chỉ là kẻ nào đó đã mạo danh.

Chị Hà nhớ lại: Cuối năm 1980, gia đình nhận được 2 giấy báo tử cùng 1 lúc. Mẹ Hòa ngất lịm đi trong vòng tay làng xóm. Cả xóm Bắc Sơn như cùng chịu tang cho 2 người con hy sinh vì Tổ quốc! 2 bát hương của 2 người lính ngã xuống nơi chiến trường, bát hương của anh Hoàng Danh Tuấn được ghi trong giấy báo tử là liệt sỹ, nghi ngút khói hương, bát hương của “tử sỹ” Hoàng Danh Tín chỉ có thân nhân dâng lễ. Nỗi đau của Mẹ Hòa như quặn thắt thêm.

Từ khi anh Tín mãi mãi nằm lại chiến trường, cho đến nay, gia đình vẫn chưa nhận được bất cứ chế độ gì ngoài những kỷ vật đã hoen rỉ, rách nát. Tôi xin dừng lại bài viết với lời cầu mong Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An và Quân khu 4 sẽ chỉ đạo kiểm tra lại trường hợp này, để xem xét truy phong liệt sỹ cho anh Hoàng Danh Tín như nhiều trường hợp đã ngã xuống nơi chiến trường khốc liệt.

Bài viết này, xin là nén trầm thơm của Tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Tạp chí điện tử Hòa Nhập dâng lên trước di ảnh của Anh, như một lời ghi ơn, tạc dạ. Cầu mong vong linh Anh siêu thoát, sớm được truy phong để Mẹ Hòa không còn rơi nước mắt!

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Ra mắt Tour kết nối Phố cổ với không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân

Quận Hoàn Kiếm vừa ra mắt Tour du lịch hấp dẫn kết nối Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm với không gian cầu đi bộ Trần Nhật Duật và Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân.
2024-05-04 11:35:45

Hải Phòng xây dựng nhà cho gia đình người bại liệt nghèo khó

Sáng 3/5, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Lê Chân phối hợp với phường Vĩnh Niệm tổ chức khởi công xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho gia đình ông Nguyễn Văn Nam, bị bại liệt nửa người, phải ngồi xe lăn.
2024-05-04 08:41:24

Hải Phòng: Bắn pháo hoa nổ tầm thấp các ngày cuối tuần tại đảo Vũ Yên

TP.Hải Phòng vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đồng ý việc tổ chức một điểm bắn pháo hoa nổ tầm thấp vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần tại Khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên (Thủy Nguyên)
2024-05-04 08:03:06

Không khí Điện Biên Phủ trước Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng

Từ hơn 1 tuần nay, dòng người từ khắp mọi miền tổ quốc đã kéo về Điện Biên Phủ để chào đón Lễ kỷ niệm 70 năm (7-5-1954) quân và dân Việt Nam lập nên kỳ tích lừng lẫy năm châu. Một số hình ảnh tại Điện Biên Phủ lúc này.
2024-05-04 06:10:00

Giới trẻ Hà Thành săn lùng 'Sứa đỏ': Trào lưu ẩm thực 2024?

Trong kho tàng ẩm thực Việt Nam, có vô vàn món ăn độc lạ và hấp dẫn gây “thương nhớ”. Nếu như trong năm 2023 món “gỏi măng cụt” nổi lên rầm rộ khắp các trang mạng xã hội thì trong đầu năm nay, món “Sứa đỏ” soán ngôi vị làm dân mạng đua nhau đi thưởng thức.
2024-05-04 06:10:00

Sơ duyệt lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Lực lượng Quân đội, Công an cùng các khối khác đã tiến hành sơ duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại sân vận động tỉnh Điện Biên.
2024-05-03 14:57:17
Đang tải...