HoREA đề xuất một loạt các loại thuế để ngăn chặn "Sốt đất"
Theo HoREA, kể từ năm 2017, thị trường bất động sản lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, nhất là cơn sốt đất xảy ra trên diện rộng hiện nay. Sốt đất làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư, ảnh hưởng đến an sinh và trật tự xã hội.
“Thủ phạm chính của các đợt sốt đất, sốt giá nhà, sốt giá đất nền là giới “đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương” thực hiện các thủ đoạn làm giá - thổi giá, lợi dụng “tâm lý đám đông - hám lợi” giao dịch mua bán giả tạo, thừa cơ hội trục lợi bất chính”, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.
Cũng theo ông Châu, sốt đất đã đẩy giá đất ở một số địa phương lên quá cao so với giá trị thực, thiết lập mặt bằng giá mới, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, gây khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn.
Song song với sốt đất, giá nhà tại TP Hồ Chí Minh từ năm 2020 đến nay cũng tăng vọt. Nguyên nhân khiến giá nhà tăng là do sụt giảm mạnh nguồn cung dự án nhà ở, thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là rất thiếu căn hộ tầm giá trên dưới 35 triệu đồng/m2; hoặc căn hộ 2 phòng ngủ trên dưới 2 tỷ đồng. Riêng nhà ở thương mại giá thấp tầm 20-25 triệu đồng/m2 gần như không còn.
Theo HoREA, đánh thuế cao, ban hành nhiều sắc thuế mới... có thể trị dứt cơn sốt đất đã và đang diễn ra
Để “trị” sốt đất và “bình ổn giá nhà”, HoREA đề xuất Thủ tướng nhiều giải pháp, trong đó đề xuất ban hành một loạt thuế liên quan đến bất động sản.
Với thuế chống đầu cơ nhà, đất, HoREA đề xuất đánh thuế thu nhập với thuế suất cao với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập để triệt tiêu ý chí “đầu cơ” của nhà đầu tư “lướt sóng” (vì không còn có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận như kỳ vọng), trong trường hợp thị trường bất động sản có dấu hiệu bị đầu cơ, sốt nóng “bong bóng”.
Hiệp hội đề xuất xem xét, quy định mức thuế suất cao nếu bán, chuyển nhượng lại nhà, đất trong năm đầu tiên và giữ mức thuế suất cao trong năm thứ 2, thứ 3. Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà, đất sau khi tạo lập được 3 năm, hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng nhà, đất là chính đáng thì áp dụng thuế suất bình thường. Như vậy, sắc thuế này sẽ không ảnh hưởng đến người mua nhà để ở có nhu cầu tạo lập nhà ở thực.
Với đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất, HoREA đề xuất nguyên tắc là người sở hữu nhà đất dùng để ở thì chịu mức thuế thấp nhất. Người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Trong trường hợp thị trường bất động sản bị đầu cơ thì có thể áp dụng thuế suất rất cao để triệt tiêu ý chí đầu cơ.
Sắc thuế này sẽ điều chỉnh và định hướng hành vi mua, bán, chuyển nhượng nhà, đất trên thị trường bất động sản hướng đến mục tiêu phát triển lành mạnh, ổn định, vừa đáp ứng đúng nhu cầu thực (mua nhà để ở) của người tiêu dùng, vừa đáp ứng nhu cầu đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư thứ cấp (mua nhà đất để đầu tư, cho thuê), vừa vẫn giải quyết được nhu cầu cất giữ tài sản bằng nhà, đất của người dân.
Với đề xuất đánh thuế cao người chậm đưa đất vào sử dụng, hiện nay pháp luật về đất đai quy định người sử dụng đất được gia hạn 24 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng đất và phải nộp bổ sung khoản tiền trong thời gian được gia hạn theo quy định của Bộ Tài chính. Nhưng, chế tài này chưa đủ sức răn đe, chưa ngăn chặn tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng, vì khả năng lợi nhuận thu được sau này sẽ thừa bù đắp khoản tiền phải nộp bổ sung.
Do vậy, HoREA cho rằng cần có sắc thuế đánh trên hành vi của người sử dụng đất chậm đưa đất vào sử dụng với thuế suất cao nhằm triệt tiêu ý chí găm giữ đất, chậm đưa đất vào sử dụng và để chống đầu cơ đất đai.
Với đề xuất ban hành thuế bất động sản, hiện nay, người sở hữu nhà chưa phải nộp thuế tài sản nhà ở mà mới chỉ phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, trong đó có đất ở với thuế suất đối với đất ở trong hạn mức là 0,03% bảng giá đất nên mức nộp thuế rất thấp, gần như không đáng kể.
Hiệp hội nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính về việc cần thiết xem xét ban hành thuế BĐS đánh trên giá trị nhà và đất để tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách Nhà nước. Nhưng Hiệp hội đề nghị cân nhắc kỹ thuế suất để đảm bảo phù hợp với thu nhập phổ biến của số đông cá nhân, hộ gia đình là người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, để không xảy ra tình trạng thuế chồng thuế thì cần phải thay thế phương thức thu tiền sử dụng đất hiện nay đang là gánh nặng cho người mua nhà tại các dự án nhà ở (đối với dự án nhà chung cư, tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 15% giá thành căn hộ) và cũng là gánh nặng cho người thực hiện thủ tục hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở (xin cấp sổ đỏ). Hiệp hội đề xuất thay thế thu tiền sử dụng đất bằng thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở với thuế suất rõ ràng, vừa góp phần làm giảm giá thành dẫn đến làm giảm giá bán nhà, vừa minh bạch và loại trừ cơ chế xin - cho hiện nay.
Ngoài ra, HoREA cũng đề xuất quy định bổ sung thẩm quyền của Chính phủ để sử dụng hiệu quả công cụ thuế và thuế suất để bình ổn khi có biến động của thị trường bất động sản.
Cụ thể, Khoản 5 Điều 7 Luật Kinh doanh bất động sản quy định: “5. Nhà nước có cơ chế, chính sách bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động, bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư và khách hàng”, nhưng chưa có cơ chế để thực thi hiệu quả, nhất là việc sử dụng công cụ thuế. Bởi lẽ, khi thị trường bất động sản có biến động thì không thể chờ đến kỳ họp của Quốc hội để xem xét quyết định, mà đề nghị Quốc hội giao thẩm quyền cho Chính phủ quyết định thuế suất chống đầu cơ, để kịp thời xử lý và bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động.
Ở một khía cạnh liên quan, HoREA kiến nghị cắt cơn sốt “bong bóng” bất động sản bằng siết tín dụng, can thiệp bằng biện pháp hành chính. Hiệp hội này đề xuất sử dụng cả biện pháp giảm tỷ lệ cho vay tín dụng mua bất động sản, để kiểm soát đầu tư “lướt sóng”. Ví dụ, hiện nay ngân hàng cho vay tối đa đến 70% giá trị hợp đồng mua bất động sản. Nhưng khi xảy ra đầu cơ, sốt nóng “bong bóng”, đề xuất Ngân hàng Nhà nước tham khảo cách làm của một số nước, có thể xem xét giảm ngay tỷ lệ cho vay xuống còn 50%, thậm chí chỉ còn 35%, để ngăn chặn đầu cơ, “lướt sóng”.
Hiệp hội này còn đề xuất kiểm soát chặt tín dụng tiêu dùng, với lý giải để ngăn chặn việc chuyển một phần nguồn vốn vay xây nhà, sửa nhà, mua nhà… “lướt sóng” bất động sản.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.