Huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng):Khánh thành Bệnh viện Đa khoa Quốc tế và tổ chức chương trình “Thơ – nhạc Vĩnh Bảo yêu thương” chào mừng đại hội Đảng

2020-07-21 11:47:58 0 Bình luận
Sáng 18/7/2020 tại khu phố Tân Hoà, Thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo, lãnh đạo TP Hải Phòng và huyện Vĩnh Bảo đã tổ chức lễ khánh thành Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng - Vĩnh Bảo với quy mô hàng trăm giường bệnh, đội ngũ bác sỹ chuyên môn giỏi và các trang thiết bị chữa bệnh hiện đại, phục vụ cho nhân dân Vĩnh Bảo và vùng.

Đồng chí Nguyễn Xuân Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, đồng chí Phạm Quốc Ka - Bí thư huyện uỷ Vĩnh Bảo, đồng chí Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), các đồng chí lãnh đạo TP và huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, một số huyện của tỉnh Thái Bình, Hải Dương và Hiệp Hội Bệnh viện tư nhân đã dự và cắt băng khánh thành. Đây là công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ TP Hải phòng lần thứ 16 sắp đến.

Buổi chiều cùng ngày, Huyện uỷ, HĐND và UBND huyện Vĩnh Bảo đã phối hợp với Hội Đồng hương Vĩnh Bảo tại Hà Nội tổ chức Chương trình “Thơ - Nhạc Vĩnh Bảo yêu thương” chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo lần thứ 26 (khoá 2020 - 2025). Đến dự có Trung tướng Hoàng Đức Chính - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đồng hương Hải Phòng tại Hà Nội, Tiến sỹ Phạm Từ - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hội Đồng hương Vĩnh Bảo tại Hà Nội, nhà thơ Thi Hoàng, nhà thơ Kim Chuông, các thành viên lãnh đạo Hội Đồng hương Vĩnh Bảo tại Hà Nội và nhiều nhà thơ, nhà văn người Vĩnh Bảo là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Về phía lãnh đạo huyện Vĩnh Bảo có đồng chí Phạm Quốc Ka - Thảnh uỷ viên, Bí thư huyện uỷ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Phó Bí thư Thường trực huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện, đồng chí Nguyễn Trọng Nhưỡng - Chủ tịch UBND huyện, các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện, lãnh đạo huyện và gần 500 đại biểu, khách mời.

Sau chương trình ca nhạc đặc sắc giới thiệu những bài hát ca ngợi quê hương Vĩnh Bảo - Hải Phòng, Tiến sỹ Phạm Từ đã phát biểu tổng kết quá trình tổ chức xuất bản tập thơ “Bút Sinh Hương” do Hội Đồng hương Vĩnh bảo tại Hà Nội chủ trì và trao tặng Huyện 500 cuốn - quà tặng cho đại biểu sắp dự Đại hội Đảng bộ huyện lần thư 26 tới đây và 100 cuốn gửi xuống Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để tặng cho du khách.Trước đó, Hội Đồng hương Vĩnh Bảo tại Hà Nội đã xuất bản tập thơ “Hồn quê Trạng Trình” gửi tặng huyện vào đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện và 180 năm thành lập huyện Vĩnh Bảo.

Điều đặc biệt là, cũng như ở tập thơ “Hồn quê Trạng Trình”, các tác giả trong tập thơ “Bút sinh hương” lần này, phần lớn là những người đã kinh qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là bộ đội, thanh niên xung phong…hiện là cựu chiến binh, thương binh, những người có công, thân nhân gia đình liệt sỹ… Nhân dịp này nhà văn Trung Trung Đỉnh - Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, cựu chiến binh, thương binh và là người con của Vĩnh Bảo đã có bài viết về hai tập thơ “Hồn quê Trạng Trình” và “Bút Sinh Hương” trên đây. Tạp chí Hướng nghiệp và Hoà nhập (hoanhap.vn) trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết này.

ĐỌC HAI TẬP THƠ “HỒN QUÊ TRẠNG TRÌNH”

VÀ “BÚT SINH HƯƠNG”

(Thơ của nhiều tác giả - NXB Hội Nhà Văn)

                                                                           Nhà văn Trung Trung Đỉnh

Được là con dân xứ Vĩnh Lại xưa, nay mang tên Vĩnh Bảo, quê cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với một niềm vinh dự tự hào lớn lao của bao thế hệ con cháu “Giang sơn như họa bút sinh hương”, các cây bút của hai tập thơ “Hồn quê trạng Trình” và “Bút sinh hương” được nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành  năm 2016 và 2020 là một món quà tri ân sâu nặng.

“Chiều tần ngần sẫm Trung Am

Ngôi đền Lý Học, An Nam lặng tờ

Thoáng trong hương khói tỏ mờ

Trạng Trình như ở cõi mơ hiện về”

(Chiều về Trung Am - Nguyễn Thụy Kha)

Trong một cuộc hội  thảo thơ quốc tế  tổ chức khá  hoành tráng với một  lượng nhà thơ đông đảo đủ các nước Á, Âu, Mỹ do Hội Nhà Văn Việt Nam thực hiện, trong rất nhiều tham luận của các nhà thơ bốn phương , tôi có nghe được một câu của một nhà thơ ta tự hào phát  biểu rằng: “Việt Nam là một cường quốc thơ”. Mới đầu nghe thấy có lý, có vẻ đúng vì văn học ở ta thuộc diện mới, trẻ. Đã mới đã trẻ ắt khỏe, ắt dồi dào năng lượng, dồi dào sức sáng tạo. Nay đọc hai tập thơ “Hồn thơ trang Trình” và “Bút sinh hương” của  các cây bút quê hương mình, tôi chợt nhận ra một điều, người quê tôi vốn khiêm nhường, bình dị, không quen “ăn to nói lớn” như cái  cụm từ “Cường quốc thơ” to tát kia. Người quê  tôi cũng không có dùng cách khuyếch trương số lượng thay cho chất lượng. Thơ càng giản dịcàng gắn với đời sống nhân quần: “Cha ngồi chẻ lạt bên thềm/chẻ đôi cả những muộn phiên đầy vơi/Mẹ đi gặt lúa tháng Mười/Lạt mềm gói mấy kiếp người vào nhau”, Nhà thơ Nguyễn Thị Thúy Ngoan gợi cho ta nhận ra chân dung cha mẹ đồng quê và cái sự tần tảo sẻ chia kiếp người như thế. “Vĩnh Bảo như ông lão/Lơ mơ khói thuốc lào/Vĩnh Bảo như cô gái/Yếm thắm về làng Am”. Giới thiệu về quê hương ngắn gọn đáng yêu biết bao của nhà thơ Nguyễn Xuân Hải. Rồi cũng như  Nguyễn Xuân Hải, nhà thơ thầy giáoNguyễn Đình Minh với “ký ức quê” viết mộc mạc, chân chất như: “Gió thuốc lào/hun những chiếc nong phơi đựng lửa tháng 5/Hầm hập cháy như mặt trời trên đất/Sợi thuốc ăn nắng chín vàng”. Nhà thơ Tô Ngọc Thạch, vì  có nhiều thời gian xa  quê nên phải: “Vịn vào giấc mơ/Lần bờ thời gian lần về sông Hóa/Câu đồng giao chằng tôi vào quá khứ/Phù sa nồng thơm tuổi học trò/Cánh đồng chiều góa bụa  cơn mơ…(Sông Hóa trong Hồn thơ Trạng trình)

Nhà thơ Thi Hoàng nói về đất và người  quê mình thế này:“Lịch sử vỗ vào vai mình như nghĩa cử/Người Vĩnh Bảo ơi người Vĩnh Bảo à… Hay “ Có một ngày ở nơi xa ngái/Nhìn vào mắt ai ta nhận ra người Vĩnh Bảo quê mình”…

Nhà thơ Kim Chuông nhấn mạnh: “Tôi đi từ A đến muôn nẻo phương trời/ Vĩnh Bảo quê hương là bước chân thứ nhất/Mọi bến về là B/Hướng nào tôi cũng gặp/Vĩnh Bảo quê mình/Vĩnh Bảo yêu thương) Nữ sĩ Dương Thị Nhụn  tâm sự: “Khi bước chân đã mỏi/lòng những muốn quay về/Trong cơn mơ thấy một miền quê/Đồng lúa bây giờ  đang vào hạt.”. Nhà thơ họa sĩ Nguyễn Nghiêm thì “Nợ quê” là nợ thế này:”Nợ heo may với cốm hồng/Nợ xanh liễu rủ nợ vàng nắng thu/Nợ đồng nghiêng muốt cánh cò/Nợ sông quê nợ chuyến đò mưa giăng/Nợ lời ru vọng cuối làng/Nợ câu lục bát vắt sang giàn trầu/Nợ nưng nức dải yếm đào/Nợ quay quắt nỗi Thị Mầu khát yêu/Nợ sân đình khúc hát chèo/Nợ vi vu tiếng sáo diều cuối đê/Nợ vồng khoai nợ  bãi ngô/Nợ cô áo tím luống cà vườn sau/Nợ ruộng cạn nợ ao sâu/Nợ manh áo bạc mẹ khâu canh dài/Nợ cổng làng nợ bàn tay/Nợ hương chanh xõa vai gầy ngày đi…

Thơ thế sự, tình người, nhà báo  Phạm Từ  đã  để lại  một ấn tượng mạnh khi tôi đọc bài thơ “Nụ cười chiến thắng”của anh tặng anh hùng Võ Thị Thắng:

“Đã biết đem thân đền nợ nước

Biết cười chiến thắng trước gươm thù

Đã trải tuổi xuân trong ngục tối

Thì muôn trăn trở cũng là thơ”

Hai tập thơ có nhều cung bậc cảm xúc. Cảm xúc riêng tư, nhưng  đầy tình nghĩa nhân văn, dù sự đời trắc trở, nhưng người thơ vẫn  chia sẻ nỗi niềm đầy tôn trọng và văn minh. Tôi rất thích khi đọc bài thơ lục bát tâm tình của nhà thơ Nguyễn Đăng Văn trong tập Bút Sinh Hương:

Mà thôi, lại nói với mình

Chuyện ngày xưa với cuộc tình trăng lên

 

Em gặp  tôi, tôi gặp em

Bàn tay vừa ấm đã miền chia xa

Cầm lòng nhấc bước chân qua

Mà trong tim cứ ứa ra máu đào

 

Mà thôi đã chẳng có nhau

Thì buồn vui với khổ đau nghĩa gì

Đường ai người ấy đã đi

Thì lời kể lể chia ly ích gì

 

Đã rằng thơ viết những khi

Tháng Tư giải phóng đắm  mê nỗi niềm

Những gì nhớ, những gì quên

Nhớ, quên cũng đã bình yên bến bờ

 

Tóc xanh là của ngày xưa

Tóc  sương là của bây giờ… thăm nhau

Người đây mà ngỡ người đâu

Nghe thăm thẳm buốt một màu thời gian

 

Ngoài kia gió chướng thổi tràn

Nghe thơ xưa những  nồng nàn….cõi xa!

Trong các thể loại văn học thời xưa bao giờ cũng đề cao chú trọng nhất là  văn vần. Văn vần gắn liền với cuộc sống hàng ngày, dễ nhớ, dễ thuộc. Cụ Hồ là một điển hình thơ văn vần. Thơ Cụ rất hay, ngoài các bài thơ hay, rất hay của Cụ, ta còn thấy Cụ làm cả thơ văn vần, thứ thơ gắn liền với đời sống dân sinh, dễ truyền tụng, dễ phổ biến, dễ tuyên truyền: “Hòn đá to, hòn đá nặng, một người vác, vác không đặng…”  là một ví dụ. Mà ở ta, nông dân là lực lượng chính, không biết chữ cũng thuộc thơ hàng tá. Ta gọi văn vần cũng là thơ. Ra ngõ gặp nhà thơ. Đến đâu cũng gặp thi sĩ. Đất nước tám chín mươi phần trăm nông dân, làm  ruộng, cánh đồng thẳng cánh cò bay, mùa màng bát ngát, cây trái xum xuê, ao hồ cá tôm cua cáy đùm đề, trẻ trâu cũng  ca hát nghêu ngao, làm thơ như người lớn. Có hồi nhiều nhà thơ thiếu nhi nổi lên thành phong trào, rồi các cụ phụ lão làm thơ, cũng thành phong trào. Các thi hào cỡ to bự như cụ Xuân Diệu cũng không  ngại ngùng tôn vinh các cháu, vừa đúng với ý lãnh đạo, vừa hợp thời đại. Các nhà thơ còn tự phong mình là nhà thơ cấp tá, cấp úy, thậm chi cấp tướng! Nước ta không gọi là cường quốc thơ ca thì mới lạ!  Hồi ấy tôi có một câu trả lời phỏng vấn của một  anh nhà báo khi hỏi tôi  nghĩ về thơ đương đại ở ta thế nào, tôi trả lời vui vẻ: Trong bối cảnh bây giờ, người người làm thơ, nhà nhà làm thơ, ta nhất định thắng, thơ nhất định… thua! 

T.S Phạm Từ (thứ 5 từ trái qua) trao tặng tượng trưng 500 cuốn thơ Bút Sinh Hương đến Bí thư huyện ủy Vĩnh Bảo Phạm Quốc Ka và Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trọng Nhưỡng.

Nói là nói vui thế, chứ thực tế, trên mặt bằng thơ câu lạc bộ  ở ta lâu nay,  quả thật, nghiêm chỉnh mà ngó nhìn lại thì sẽ  thấy cái sự chập chững mấp mô,  nhiều khi phát mệt vì  căng thẳng bởi hàng lối trồi lên trụt xuống không đều nhau, các tiêu chí không lấy thơ làm gốc mà nó phụ thuộc vào  nhu cầu thiết yếu của mỗi câu lạc bộ hướng vào một chủ điểm, một phong trào nào đó của mình. Thơ chỉ  là một sân chơi, một phương tiện để chở thông điệp mà người làm thơ vui vẻ hồn nhiên tự  mình đảm trách cái phần hình thức, nó được  chăm nuôi dinh dưỡng bằng nguồn chính là ca dao hò vẻ, hồn cốt thì dễ dàng được  ngài  lục bát làm ông anh Cả chi phối, nâng đỡ. Cũng như các nhà thơ Hội viên hội Nhà Văn Việt Nam, lấy cái danh là nhà văn nhà thơ chuyên nghiệp, được nhà nước hợp thức hóa công nhận (thực ra chả biết  thế nào được gọi là chuyên nghiệp). Các nhà tổ chức cài cắm các tên tuổi ấy vô làm nòng cốt cho vững, khiến các ấn phẩm thơ này bị xiêu vẹo nghiêng ngả, đầy khiên cưỡng.

Tôi là người trong cuộc, vì tôi  cũng là người quê hương Vinh Bảo, lại cũng có viết văn làm thơ nên mới mạnh dạn mà nói rằng, thơ câu lạc bộ của  Việt Nam  ta lâu nay đa số là thơ thù tạc ngâm vịnh vui vẻ. Hoàn toàn đúng! Trong đội hình thơ ấy ta vẫn chọn ra được những bài thơ hay, những câu thật hay và  đó chính là những hạt ngọc giúp cho người đọc không bị coi nhẹ. Ở hai tập thơ “Hồn quê Trạng Trình” và “Bút sinh hương”của Hội Đồng hương Vĩnh Bảo tại Hà Nôi là một nỗ lực rất đáng tân trọng.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng tặng đồng chí Trần Quốc Vượng

Ngày 28/11, tại Hà Nội, Đảng ủy Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức lễ trao Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng tặng đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư khóa XII và các đồng chí nhận Huy hiệu 40 năm, 30 năm tuổi Đảng.
2024-11-28 16:22:08

Hội CCB huyện Trực Ninh xứng danh truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”

Chào mừng kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam (6-12-1989 – 6-12-2024) Hội CCB huyện Trực Ninh (Nam Định) tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “CCB gương mẫu” gắn với phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, xây dựng đô thị văn minh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2024, xứng danh truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”.
2024-11-28 09:06:07

'Một thời Quảng Trị' - Cuốn hồi ức chiến tranh đặc sắc

Đất nước ta đã đi qua gần một nửa thế kỷ không còn tiếng súng chiến tranh, nhưng ký ức bi tráng về những tháng ngày đầy gian khổ vẫn còn in sâu trong tâm trí những con người của thời đạn bom. Đó là từng trận đánh ác liệt, kéo dài; đó là những người đồng đội, đồng chí đã vĩnh viễn hoà mình vào Tổ quốc. Trong không khí chào mừng kỉ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Tạp chí điện tử Hoà Nhập xin mời quý vị độc giả nhìn lại thời kỳ hào hùng ấy của dân tộc qua những dòng chia sẻ từ Đại tá, nhà văn Nguyễn Tiến Hải về cuốn hồi ức “Một thời Quảng Trị” của Thượng tướng, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu.
2024-11-27 16:52:49

Mãi ngời sáng “Trang văn bia” về một tiểu đoàn 3 lần anh hùng

Trong lịch sử dài xa của Việt Nam - Đất nước anh hùng, công cuộc đánh giặc giữ nước và dựng xây đất nước của dân tộc ta đã hóa thành bản “anh hùng ca” vang động, chảy dài, trong niềm kiêu hãnh, tự hào qua rất nhiều thời đại.
2024-11-27 14:43:46

Quảng Ninh: Người khuyết tật được quan tâm xây nhà mới

Vừa qua tại TP Móng Cái, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi (NKT-TMC) tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân TP Móng Cái và CLB Thiện nguyện Nhân tâm Hạ Long đã tổ chức khánh thành nhà tình thương cho gia đình người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.
2024-11-27 13:58:48

Những bất cập trong chính sách cho nhà giáo

Ngày 26/11, Bộ GD&ĐT phối hợp với UNESCO tổ chức hội thảo tham vấn về khung chính sách và pháp lí cho nhà giáo. Các chuyên gia có được cái nhìn tổng quan về vai trò của nhà giáo ngày nay.
2024-11-27 12:34:28
Đang tải...