Ứng dụng 'thông tin người khuyết tật và nạn nhân bom mìn': Triển khai ra sao?
Theo Cục Bảo trợ xã hội, khoảng 74.000 người khuyết tật, nạn nhân bom mìn đã tham gia dự án thí điểm sử dụng ứng dụng “Đăng ký và quản lý thông tin người khuyết tật và nạn nhân bom mìn” (NKT) tại 2 tỉnh Quảng Bình, Bình Định.
Báo Tuổi trẻ phản ánh, tại Bình Định có nhiều người khuyết tật không sử dụng ứng dụng. Người khuyết tật bán vé số vì hạn chế tiếp nhận thông tin, nên không mấy mặn mà với ứng dụng này. Trong khi người già, không thể tự đăng ký vì đa số sống dựa vào con cháu, tiếp cận công nghệ thông tin khó khăn.
Bên cạnh đó, nhiều người khuyết tật, nạn nhân bom mìn không đăng ký ứng dụng "Đăng ký và quản lý thông tin người khuyết tật và nạn nhân bom mìn” vì không có thiết bị thông minh; mạng Internet không ổn định; bà con đã quen với việc đăng ký truyền thống qua đơn; quá trình đăng ký có nhiều đầu mục phải nhập… Những vấn đề trên cũng tương tự như với những người khuyết tật tại Quảng Bình.
Ảnh minh hoạ
Ông Trần Cảnh Tùng - trưởng phòng công tác xã hội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, sắp tới ứng dụng "Đăng ký và quản lý thông tin người khuyết tật và nạn nhân bom mìn” sẽ được nâng cấp, bổ sung nhiều tính năng mới trong thời gian tới bao gồm cho phép đăng nhập bằng vân tay, tích hợp chatbot hỗ trợ 24/7, khai báo bằng giọng nói, nhận diện khuôn mặt… Đặc biệt nhất là tính năng nhập thông tin mà không cần Internet hoặc kết nối mạng không ổn định. Hiện dữ liệu của người khuyết tật được cập nhật hằng ngày trên ứng dụng NKT.
Trước đó, ngày 15/6, Cơ quan Hợp tác phát triển Hàn Quốc (KOICA), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) với sự hỗ trợ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ra mắt ứng dụng trên điện thoại thông minh cho phép đăng ký và quản lý thông tin người khuyết tật.
Ứng dụng được nâng cấp trên nền tảng số do Trung tâm Quốc tế (IC) - một tổ chức nhân đạo phi chính phủ - xây dựng cho Chính phủ Việt Nam. Ứng dụng giúp người khuyết tật, nạn nhân bom mìn có thể thuận tiện khai báo thông tin về tình trạng khuyết tật; in giấy xác nhận khuyết tật và nhận sự hỗ trợ phù hợp từ phía Chính phủ; cập nhật nhu cầu cần hỗ trợ với các cấp quản lý liên quan. Thông tin đăng ký trên cơ sở dữ liệu được bảo mật. Công tác quản lý, bảo trợ người khuyết tật cũng sẽ đơn giản, kịp thời và chính xác hơn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.