Khám dịch vụ có được thanh toán BHYT không?
Ảnh minh họa. |
Theo đó, về việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT khi người bệnh sử dụng dịch vụ theo yêu cầu, quan điểm của Bộ Y tế như sau:
Thứ nhất, do điều kiện ngân sách nhà nước đầu tư cho y tế còn hạn chế, việc thực hiện xã hội hóa, liên doanh liên kết, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để cung cấp dịch vụ theo chức năng, nhiệm vụ Nhà nước giao, tổ chức hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh đa dạng của người dân là hết sức cần thiết và đã được ghi nhận trong các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, được thể chế tại một số Luật, Nghị định của Chính phủ về khuyến khích xã hội hóa, về tự chủ, về hợp tác công - tư, cụ thể: Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 (từ ngày 01/01/2018, là Luật Quản lý, sử dụng tài sản công); Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/06/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; trong đó, quy định thẩm quyền quyết định và hướng dẫn cụ thể các trường hợp được thuê tài sản, sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết để hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân hoặc trong trường hợp các trang thiết bị được Nhà nước đầu tư không đủ để triển khai các dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chuyên môn của bệnh viện kể cả các dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi được hưởng của BHYT.
Thứ hai, Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập đã quy định cụ thể về vấn đề giá dịch vụ và việc thanh toán tại Khoản 4 Điều 14:
“Đối với những hoạt động dịch vụ ngoài chức năng, nhiệm vụ được giao, theo hợp đồng thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, hoạt động liên doanh, liên kết quy định tại Điều 6 của Nghị định này, hoạt động của các đơn vị quy định tại Điều 10 của Nghị định này (trừ các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định này): Đơn vị được quyết định các khoản thu, mức thu theo nguyên tắc bảo đảm đủ bù đắp chi phí và có tích lũy”.
Và Điểm a Khoản 1 Điều 20:
“Người có thẻ BHYT: Được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo mức quy định của pháp luật về BHYT. Phần chênh lệch giữa chi phí khám bệnh, chữa bệnh và mức thanh toán của Quỹ BHYT do người bệnh thanh toán cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.
Như vậy, việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT khi sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu là có cơ sở pháp lý và đã được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định 85/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Điều 4 Thông tư 39/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT trong một số trường hợp.
Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị thực hiện thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT khi người bệnh sử dụng dịch vụ theo yêu cầu như khám bệnh, ngày giường, các dịch vụ kỹ thuật y tế, thuốc, vật tư y tế... Cụ thể:
Đối với các dịch vụ được chỉ định theo yêu cầu chuyên môn thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT: Quỹ BHYT thanh toán theo phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT. Phần chênh lệch giữa chi phí khám, chữa bệnh theo yêu cầu và mức thanh toán của Quỹ BHYT do người bệnh thanh toán cho cơ sở khám, chữa bệnh.
Đối với các dịch vụ không được chỉ định theo yêu cầu chuyên môn hoặc không thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT: Người bệnh tự chi trả toàn bộ chi phí các dịch vụ đó.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.