Không một bảo hiểm nghề nghiệp cho bác sĩ nào có tính thực tế!
Bác sĩ Võ Xuân Sơn |
Nghị định 102/2011/NĐ-CP do Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 quy định: Đến hết năm 2012, tất cả cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động theo hình thức tổ chức bệnh viện bao gồm bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.
Tất cả cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động theo hình thức khác thì lộ trình mua đến hết năm 2017. Tuy nhiên đến thời điểm này, số bệnh viện mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vẫn còn rất ít.
TS. BS Võ Xuân Sơn, nguyên bác sĩ phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, ông đã từng bị bệnh nhân kiện ra tòa với lý do ông mổ làm cho anh ấy bị liệt. TS.BS Võ Xuân Sơn cho biết, bệnh nhân bị u tủy, đây là một ca bệnh khó, khả năng thành công thấp, khả năng biến chứng cao. Bệnh nhân và thân nhân được giải thích rất rõ về những khó khăn và tiên lượng. Mặc dù ca mổ có tỉ lệ thành công thấp nhưng nếu không mổ thì chắc chắn bệnh nhân sẽ bị liệt, rối loại tiêu tiểu và những biến chứng thần kinh khác.
Chính vì vậy mà bệnh nhân tha thiết xin được mổ. Sau khi mổ lần đầu thành công, sau 2 năm, bệnh lại trở nặng. Bệnh nhân lại muốn được mổ lần nữa và sự thành công chỉ kéo dài thêm được 1 năm. Bệnh nhân yêu cầu được mổ tiếp nhưng BS Võ Xuân Sơn quyết định dừng vì bệnh nhân không còn khả năng phục hồi được nữa, bệnh nhân liền quay sang kiện bác sĩ.
Khi ra tòa sơ thẩm, thẩm phán kết luận bác sĩ có lỗi vì… đã mổ cho bệnh nhân, tuy nhiên tòa phúc phẩm đã bác bỏ bản án sơ thẩm, bệnh nhân rút đơn kiện nên vụ việc chấm dứt. Toàn bộ quá trình đó, BS Võ Xuân Sơn đều phải đơn độc đấu tranh một mình cũng như phải tự gánh chịu mọi tổn thất.
Đã từng trải qua những thăng trầm trong nghề như vậy, ông khẳng định, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với bác sĩ cũng như cơ sở y tế là rất nên có, tuy nhiên đến nay rất ít nơi sử dụng loại hình bảo hiểm này vì rất khó khăn.
Theo BS Sơn, hiện đang có 2 cách bán bảo hiểm này: Bảo hiểm trong nước và của các hãng bảo hiểm nước ngoài. Tuy nhiên, loại hình nào cũng có những bất cập riêng. Đối với bảo hiểm trong nước, nếu xảy ra chuyện, chỉ khi nào tòa xử xong, có quyết định phía bác sĩ phải bồi thường thì họ mới chi trả.
BS Sơn cho biết: “Hầu hết các bác sĩ đều không muốn chuyện đưa ra tòa. Họ muốn giải quyết ngoài tòa án bởi đưa ra tòa, mọi chuyện tùm lum lên thì thiệt hại còn cao hơn nhiều so với cái phải bồi thường”.
Đối với các hãng bảo hiểm nước ngoài, họ sẵn sàng giải quyết ngoài tòa án, phù hợp với nhu cầu của các bác sĩ cũng như cơ sở y tế nhưng chi phí lại quá cao.
BS Sơn giải thích: “Ví dụ bên bảo hiểm đề nghị mua mức 1 tỷ đồng/năm nhưng lại đưa ra giá trị miễn thường khá cao (miễn thường là một phần số tiền tổn thất mà bên mua bảo hiểm phải tự gánh chịu, là sự chia sẻ trách nhiệm giữa công ty bảo hiểm và người được bảo hiểm - PV), mỗi vụ việc xảy ra thì người mua phải trả khoảng 1.000USD, phần còn lại bảo hiểm mới trả, trong khi đa phần các vụ xảy ra đều là những vụ lẻ tẻ, mức bồi thường cũng chỉ trong khoảng 20 triệu đồng.
Như vậy cuối cùng bên mua vừa phải mất 1 tỷ đồng/năm, cứ có chuyện thì phải trả 20 triệu đồng đã, như thế bảo hiểm đó chẳng có giá trị gì hết. Nếu anh đóng mức 500 triệu đồng/năm thì mức miễn thường lên đến 100 triệu đồng/vụ, cuối cùng cơ sở y tế vẫn phải tự chi mọi khoản tiền. Đó là còn chưa kể đến việc vụ việc có thể xảy ra trong năm nay nhưng đến sang năm mới phát sinh khiếu kiện, đòi bồi thường thì họ cũng không xử lý vụ việc trong năm nay”.
BS Sơn kết luận, bảo hiểm trong nước giá rẻ nhưng lại không có dịch vụ phù hợp với nhu cầu, còn loại phù hợp với nhu cầu thì lại không giúp ích được gì. Chính vì thế, cơ sở y tế cũng như bác sĩ đều không mặn mà với loại bảo hiểm này trong khi vẫn có nhu cầu.
BS Sơn cho biết, nếu chẳng may xảy ra rủi ro trong khám chữa bệnh, tại các cơ sở y tế tư nhân hầu hết cá nhân bác sĩ phải tự chi trả các chi phí bồi thường. Vì vậy có thể nói, nhu cầu cần có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với các bác sĩ là rất cần thiết nhưng cho đến nay, chưa có loại hình bảo hiểm nào thật sự giúp đỡ cho nhân viên y tế vì hầu hết các cơ sở bảo hiểm đều đặt quyền lợi của họ cao hơn quyền lợi của nhân viên y tế.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.