Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma và những sự kiện lịch sử không thể quên
Những quan tâm đặc biệt
Đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm) bây giờ, người dân được đón tiếp chu đáo, hướng dẫn tận tình. Nhất là, họ được truyền đạt thông tin về sự kiện Gạc Ma một cách đầy đủ, sinh động bởi thuyết minh viên chuyên nghiệp. Thời gian qua, người lao động và đoàn viên Công đoàn cùng các tầng lớp nhân dân trong cả nước đã đóng góp xây dựng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa).
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma không chỉ là một địa chỉ để người dân đến tham quan, thắp hương tưởng niệm 64 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ biển đảo quê hương, mà còn góp phần nhắc nhớ, giáo dục lịch sử cho các thế hệ mai sau về những sự kiện lịch sử không được quên. Đặc biệt, hoạt động của chương trình “Nghĩa tình Hoàng sa, Trường Sa” đã nhiều năm liên tiếp vận động sự đóng góp của các nhà hảo tâm, cán bộ công chức lao động, nhân dân cả nước và cả kiều bào nước ngoài chung tay vào việc hỗ trợ, giúp đỡ thân nhân các gia đình liệt sĩ. Đến thời điểm này, tất cả thân nhân 64 liệt sĩ Gạc Ma, những cựu binh Gạc Ma đã được tri ân, hỗ trợ thiết thực, từ việc giúp đỡ xây dựng từng căn nhà, xin việc làm cho con em liệt sĩ cho đến hỗ trợ thăm hỏi thường niên đối với các gia đình khó khăn.
Bên cạnh đó, tại khu tưởng niệm này còn xây dựng một không gian trưng bày, giới thiệu các kỷ vật của liệt sĩ. Những hiện vật về 64 liệt sĩ liên tục được tìm kiếm, trưng bày, mới đây, nhiều người đến khu tưởng niệm được nghe kể thêm về câu chuyện có hậu - hành trình đi tìm di ảnh cuối cùng của liệt sĩ Trần Quốc Trị (tỉnh Quảng Bình). Đây là di ảnh cuối cùng được bổ sung vào ô trống ở khu nhà trưng bày hiện vật của 64 liệt sĩ. Người không quản ngại gian khó tìm kiếm di ảnh là PGS.TS Ngô Văn Minh - Trưởng khoa Dân tộc và Tôn giáo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Du khách được đọc và ngẫm bức thư mang nặng tình thương, hạnh phúc vô bờ của gia đình của liệt sĩ Võ Đình Tuấn (tỉnh Khánh Hòa). Đó còn là tấm bằng tốt nghiệp sờn bạc theo thời gian của liệt sĩ Vũ Văn Thắng (tỉnh Thái Bình). Hay tấm hình đen trắng trong chứng minh nhân dân của liệt sĩ Tống Sĩ Bái... Tất cả những hình ảnh và hiện vật đó, gắn vào không gian tưởng niệm khiến người tham quan không khỏi rưng rưng và tưởng nhớ...
Điểm tham quan, giáo dục lịch sử
Ông Võ Duy Trúc - Trưởng Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma cho biết, tính đến ngày ngày 28.2.2021, Khu tưởng niệm đón 2.350 đoàn với hơn 219.000 lượt khách đến viếng khu tưởng niệm. Trong đó, đoàn có số lượng nhiều nhất là 1.030 người của Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM; có 19 đơn vị tổ chức lễ kết nạp đảng viên, 112 đoàn tổ chức lễ kết nạp đoàn viên Đoàn TNCS HCM; 12 trường học tổ chức “Hát Quốc ca tại khu tưởng niệm” và nhiều đoàn đến sinh hoạt truyền thống, giáo dục lịch sử tại khu tưởng niệm. Hầu hết các đoàn đến thăm khu tưởng niệm đều được ban quản lý cử cán bộ thuyết minh.
Vào dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ, ngày thành lập quân đội nhân dân hằng năm, Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đều tổ chức lễ tưởng niệm trang trọng, theo đúng phong tục truyền thống của dân tộc. Đặc biệt trong đêm giao thừa Tết Kỷ Hợi năm 2019, BQL đã phối hơp với huyện Cam Lâm phục vụ tốt việc bắn pháo hoa tại Khu tưởng niệm, thu hút 5.000 lượt người đến xem.
Trong năm qua, Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã vận động tài trợ, phối hợp với Huyện đoàn Cam Lâm tổ chức thành công Hội thi vẽ tranh: “Thiếu nhi Cam Lâm với biển đảo quê hương” thu hút 42 thí sinh thuộc 12 đơn vị tham gia; năm 2020, chủ trì phối hợp với Huyện đoàn Cam Lâm tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về sự kiện Gạc Ma ngày 14.3.1988 và Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma” thu hút 22 cơ sở đoàn thuộc huyện Cam Lâm tham gia với gần 500 tác phẩm dự thi. Đặc biệt, BQL đã ký kết hợp tác với 22 công ty lữ hành và hệ thống nhà nghỉ người có công trong cả nước để đưa vào lịch trình của các đoàn tham quan.
Đoàn công tác Quỹ XHTT Tấm lòng vàng Lao Động dâng hương tại
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma
Ngày 10.3, nhân 33 năm sự kiện Gạc Ma (14.3.1988-14.3.2021) - 64 chiến sĩ hải quân hy sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền lãnh thổ năm 1988, đoàn công tác Quỹ XHTT Tấm lòng vàng Lao Động do ông Nguyễn Ngọc Hiển - Giám đốc Quỹ - dẫn đầu đã đến dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa). Cũng trong ngày 10.3, đoàn công tác đã đến thăm và tặng quà tri ân đối với gia đình, thân nhân các liệt sĩ trong trận chiến Gạc Ma là chị Đỗ Thị Hà - vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh và chị Trần Thị Thủy - con gái liệt sĩ Trần Văn Phương. Tường Minh
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.