Kinh doanh ẩm thực cạnh tranh khốc liệt
2017-07-06 15:46:31
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Hiện nay, nhiều người đang tìm kiếm cơ hội để chen chân vào lĩnh vực kinh doanh ẩm thực – một thị trường được coi là rất hấp dẫn. Tuy nhiên, cũng khá nhiều thương hiệu lớn trong lĩnh vực này hiện đang chật vật tìm hướng đi mới. Tỉ lệ lợi nhuận thu được từ kinh doanh ăn uống khá lớn nhưng nghề này cũng đối mặt với không ít rủi ro.
Theo khảo sát về lĩnh vực đầu tư tư nhân do Grant Thornton Việt Nam mới công bố, tại Việt Nam hiện nay ngành thực phẩm và đồ uống là một trong hai ngành hấp dẫn thu hút đầu tư của các DN trong và ngoài nước nhất. Triển vọng được đánh giá cao như vậy nên thực phẩm và đồ uống cũng là mục tiêu mà các quỹ đầu tư chú ý khi tham gia mạnh vào các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A).
Theo khảo sát có đến 49% ý kiến tán thành về vấn đề này. Điển hình như trong năm 2016, Quỹ đầu tư Mekong Enterprise Fund III đã đầu tư 6,9 triệu USD tương đương khoảng hơn 150 tỉ đồng vào Công ty sở hữu chuỗi Nhà hàng Wrap & Roll.
Đến nay, nhìn quanh thị trường TP HCM đã có thể điểm gần 10 thương hiệu thức ăn ngoại phát triển hệ thống tại đây. Có đầy đủ các nhà hàng Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Hoa và cả thương hiệu thức ăn nhanh của Mỹ cũng đã vào thị trường Việt Nam qua hoạt động nhượng quyền thương mại. Bên cạnh đó, chưa kể đến hàng trăm ngàn quán kinh doanh từng món ăn của các vùng miền khắp cả nước quy tụ về.
Kinh doanh ẩm thực cũng là ngành được nhiều người trẻ lựa chọn để khởi nghiệp. Các mô hình quán cà phê mang đi, thức ăn nhanh mọc rất nhanh trên khắp các nẻo đường TP HCM. Ngay cả một số món ăn Nhật, Hàn vốn chỉ xuất hiện ở những điểm kinh doanh sang trọng cũng được bình dân hóa thông qua mô hình khởi nghiệp.
Tình trạng đông đúc người kinh doanh cũng đẩy chi phí thuê mặt bằng ở các khu này lên rất cao. Ngay như tại trung tâm quận 1, mặt bằng tầm 50m2 có giá cho thuê không dưới 60 triệu đồng/tháng. Dù giá cao nhưng cũng không dễ tìm được mặt bằng trống. Bởi vậy, kinh doanh mặt bằng để kinh doanh ẩm thực hiện đang thu hút các DN tham gia. Tại các trung tâm thương mại, siêu thị có quy mô lớn gần như đều có sự sắp xếp lại không gian kinh doanh sau thời gian dài bán lẻ ì ạch. Tại Trung tâm thương mại Maximart 3 tháng 2, sau khi Vingroup mua lại cũng đã thiết lập hẳn một khu chuyên kinh doanh ăn uống dạng quầy FoodCourt. Hồi tháng 3/2017 vừa qua, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Saigon Co.op-SCID và Công ty TNHH đầu tư thương mại Cửu Long đã khai trương chợ ẩm thực và mua sắm Sense Market tại Khu B – Công viên 23/9, quận 1, TP HCM cũng cung cấp gần 100 gian hàng ẩm thực đường phố.
Tuy nhiên, một điều mà giới kinh doanh trong ngành này đang lo ngại là xu hướng ẩm thực của người Việt thay đổi liên tục. Hàng loạt các hàng quán mọc lên khi thị trường xuất hiện xu thế mới nhưng với tốc độ trào lưu và thoái trào diễn biến rất nhanh, cũng đồng nghĩa với việc số lượng đóng cửa cũng rất lớn. Những ai có nhu cầu thuê mặt bằng, chỉ cần dạo quanh các web rao vặt đều dễ dàng tìm thấy những địa chỉ sang quán, sang đồ nghề hoặc nhượng lại mặt bằng.
Thực tế, nhìn bề ngoài thị trường bề thế vậy, nhưng chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu khó khăn mà họ đối mặt. Nếu kinh doanh theo phong trào tức là việc dẹp tiệm khi trào lưu xìu xuống là điều khó tránh khỏi. Chi phí mà các DN kinh doanh phải trả không nhỏ, ngoài mặt bằng, còn loại chi phí khác như điện nước, nhân viên, đầu tư cửa hàng, bởi vậy chỉ cần quán vắng khách dài ngày là tiền vốn lưu động bị hụt rất nhanh. Trong xu hướng đó đòi hỏi người kinh doanh trong ngành phải tìm được hướng đi mới, đáp ứng đúng thị hiếu bền vững của thị trường.
Tất nhiên, khi thị trường có nhiều nhà cung cấp thì người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều nhất bởi chi phí rẻ hơn, dịch vụ tốt hơn, nhưng về đầu tư thì người kinh doanh phải chịu áp lực lớn hơn. Bởi vậy, khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực ăn uống hiện nay cũng cần phải nghiên cứu thật kỹ để tránh rủi ro và thiệt hại.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Đông Thịnh