Kinh nghiệm lập pháp của một số quốc gia về tội phạm xuất, nhập cảnh trái phép

2022-04-24 08:41:06 0 Bình luận
Trong bối cảnh đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh trở thành một nhu cầu thiết yếu, góp phần quan trọng cho tiến trình giao lưu, hợp tác giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Việc số lượng người dân ở các nước trên thế giới ra vào Việt Nam ngày càng tăng là minh chứng cho quá trình đổi mới chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta về hoạt động quản lý xuất cảnh, nhập cảnh. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay việc tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép là một vấn đề được quan tâm hàng đầu vì nó xâm phạm đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội của quốc gia. Đặc biệt, nhiều đối tượng đã liều lĩnh thực hiện hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép nhằm mục đích thu lợi bất chính trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bủa vây đất nước; tình trạng này khiến cho nguy cơ lây lan dịch Covid-19 từ bên ngoài rất cao, đáng báo động. 

Đưa người nước ngoài vào Việt Nam trái phép: Sẽ nhận hình phạt nào? - Ảnh 1.

5 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Việc hình sự hóa tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép tại Điều 348 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã kịp thời hạn chế những vấn đề thiếu sót trong việc ngăn chặn tội phạm xuất cảnh, nhập cảnh trái phép. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn bộc lộ những điểm bất cập, hạn chế đòi hỏi cần phải tiếp tục hoàn thiện. Vì vậy, để tiếp tục hoàn thiện quy định về tội phạm này, việc nghiên cứu những kinh nghiệm lập pháp từ các quốc gia khác trên thế giới là điều vô cùng cần thiết. Trong  phạm vi bài viết này sẽ phân tích quy định của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Liên Bang Nga và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc tiếp tục hoàn thiện quy định về “Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép trong Bộ luật Hình sự Việt Nam” 

1. Kinh nghiệm lập pháp của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về tội phạm xuất cảnh, nhập cảnh trái phép

Trung Quốc là một quốc gia có diện tích lãnh thổ lớn thứ ba trên thế giới và là quốc gia có dân số đông nhất thế giới với khoảng hơn một tỉ người. Vị trí địa lý nằm cạnh Việt Nam nên có đường biên giới tiếp giáp với nước ta tương đối dài. Trung Quốc sở hữu diện tích tự nhiên và dân số lớn như vậy nên đòi hỏi hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng phải ngày càng hoàn thiện để có thể trấn áp tội phạm và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Hiện nay, tội phạm liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh trái phép đang có chiều hướng gia tăng và biến tướng dưới nhiều dạng hành vi khác nhau, BLHS Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã dành riêng mục 3 Chương VI từ Điều 318 đến Điều 323 để quy định về loại tội phạm này. 

Trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu những quy định về Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép tại Điều 348 BLHS Việt Nam năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và so sánh đối chiếu với những quy định về loại tội phạm này tại Điều 318 và Điều 321 trong BLHS của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho thấy:

Về khách thể của tội phạm: Điều 318, Điều 321 của BLHS Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Điều 348 BLHS Việt Nam đều có chung khách thể là xâm phạm về trật tự quản lý hành chính nói chung và trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú nói riêng. Không chỉ xâm phạm đến trật tự biên giới, an ninh quốc gia, an toàn xã hội của mỗi quốc gia mà còn gây ra những hậu quả đối với tính mạng, sức khỏe của cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo vệ. Như vậy, tội phạm liên quan đến lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý hành chính của nhà nước. 

Nhóm người Trung Quốc bị bắt giữ về hành vi nhập cảnh và cư trú trái phép trên địa bàn quận Thanh Xuân, TP Hà Nội..Ảnh: HUY THANH

Về mặt khách quan của tội phạm: Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép tại Điều 348 BLHS Việt Nam năm 2015 bao gồm 6 hành vi: Hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép; Hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép; Hành vi tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép; Hành vi môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép; Hành vi môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép; Hành vi môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép. Cụ thể là các hành vi của người phạm tội đứng ra làm trung gian, kết nối, sắp xếp, lôi kéo những người có nhu cầu rời khỏi biên giới lãnh thổ Việt Nam, từ nước ngoài di chuyển vào trong lãnh thổ của Việt Nam hoặc ở lại Việt Nam trái phép mà không có đủ Điều kiện về mặt pháp lý. Còn tại Điều 318, Điều 321 BLHS Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thì hành vi khách quan được quy định là việc người phạm tội sắp xếp cho người khác vượt qua biên giới trái phép, không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, hành vi chở người khác qua biên giới trái phép thông qua tàu, xe hoặc các phương tiện di chuyển khác  . Có thể thấy được yếu tố vụ lợi không được quy định là dấu hiệu bắt buộc trong Điều 318 và Điều 321 BLHS Cộng hòa nhân dân Trung Hoa mà chỉ cần thực hiện hành vi là đã phạm tội. 

Về chủ thể của tội phạm: Theo quy định tại Điều 318, Điều 321 của BLHS Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Điều 348 BLHS Việt Nam năm 2015 đều quy định chủ thể là “người nào”. Như vậy, có thể thấy được điểm chung của hai bộ luật ở đây là đều quy định chủ thể phạm tội là những người từ đủ 16 tuổi trở lên. 

Về mặt chủ quan của tội phạm: Cả hai bộ luật đều quy định tội phạm thực hiện hành vi dưới hình thức lỗi cố ý, tội phạm thấy trước được hậu quả nhưng vẫn mong muốn hậu quả đó xảy ra. 

Về hình phạt: BLHS của cả hai nước đều thể hiện đường lối xử lý về tội phạm liên quan đến lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh trái phép tương đối nghiêm khắc, thông qua việc quy định về các khung hình phạt chính và bổ sung cụ thể như sau. Khung hình phạt chính tại Điều 348 BLHS Việt Nam lần lượt là 01 đến 05 năm tù, 05 đến 10 năm tù và 07 đến 15 năm tù. Tại Điều 318 BLHS Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quy định lần lượt hai khung hình phạt chính là không quá 02 năm tù và không quá 07 năm tù. Còn quy định tại Điều 321 cũng quy định hai khung hình phạt chính là không quá 05 năm tù và từ 05 đến 10 năm tù. Về hình phạt bổ sung thì Điều 348 BLHS Việt Nam quy định người phạm tội có thể bị phạt tiền “từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm” còn tại cả hai Điều 318 và 321 BLHS Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đều không quy định hình phạt bổ sung mà chỉ quy định hình phạt chính. Như vậy, về mặt chế tài về loại tội phạm này BLHS Việt Nam quy định có phần nghiêm khắc hơn so với BLHS Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. 

4 đối tượng tổ chức đưa người Trung Quốc xuất cảnh trái phép lĩnh án 28 năm tù

Tại Điều 318 của BLHS Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho thấy có 05 tình tiết định khung tăng nặng bao gồm: Một là, người phạm tội trở thành kẻ cầm đầu của một nhóm sắp xếp cho những người khác vượt biên trái phép, quy định này cho thấy được khi người phạm tội giữ vai trò là chủ mưu, cầm đầu cho hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép thì sẽ bị áp dụng tình tiết này  . Tuy nhiên so sánh với điểm a khoản 2 Điều 348 BLHS Việt Nam “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” thì có thể thấy BLHS Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định phạm vi đối tượng có phần rộng hơn, không cần người phạm tội phải có chức vụ quyền hạn mà chỉ cần đứng ra tổ chức thì cũng đã phạm tội. Hai là, người phạm tội liên tục dàn xếp hoặc sắp xếp cho một số lượng lớn người vượt biên trái phép  , tình tiết định khung này khác với điểm b khoản 2 Điều 348 BLHS Việt Nam năm 2015 là phạm tội từ 02 lần trở lên. Có thể thấy được quy định của BLHS Việt Nam có phần chặt chẽ hơn bởi khi người phạm tội chỉ cần 02 lần đã bị áp dụng tình tiết tăng nặng, trong khi quy định của BLHS Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là phạm tội nhiều lần nhưng không quy định cụ thể số lần phạm tội và cụ thể số lượng lớn người là bao nhiêu để áp dụng tình tiết định khung. Ngoài ra tại điểm c khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 348 BLHS Việt Nam năm 2015 đã quy định rõ số người là từ 05 đến 10 người và từ 11 người trở lên. Như vậy, ở tình tiết này BLHS Việt Nam đã quy định chi tiết, cụ thể và chặt chẽ hơn. Ba là, trong quá trình người phạm tội sắp xếp cho người khác vượt qua biên giới bất hợp pháp mà tước bỏ hoặc hạn chế quyền tự do cá nhân, gây thương tích nghiêm trọng hoặc làm tử vong những người đó thì cũng bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng  . Quy định tại điểm c khoản 3 Điều 348 BLHS Việt Nam cũng có quy định về hành vi làm chết người, tuy nhiên lại không quy định về hành vi gây thương tích hay hành vi tước bỏ hoặc hạn chế quyền tự do cá nhân. Như vậy, BLHS Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã quy định rõ ràng chi tiết hơn và Việt Nam có thể tham khảo để tiếp tục hoàn thiện quy định về tội phạm này. Bốn là, tình tiết “Chống lại việc kiểm tra bằng bạo lực hoặc đe dọa” trong Điều 318 BLHS Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có thể hiểu là khi những người tổ chức sắp xếp cho người khác vượt biên trái phép mà bị lực lượng chức năng bắt gặp tiến hành kiểm tra mà chống lại bằng bạo lực hoặc đe dọa lực lượng chức năng sẽ bị áp dụng tình tiết định khung này  . Tuy nhiên, đối với Điều 348 BLHS Việt Nam năm 2015 lại không quy định nhưng nếu người phạm tội chống lại sự kiểm tra của lực lượng chức năng thì có thể sẽ bị truy cứu TNHS thêm về tội chống người thi hành công vụ. Năm là, quy định về thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội, nhưng lại quy định một cách rất chung “Tổng thu nhập bất hợp pháp là rất lớn”   mà không quy định cụ thể rõ ràng về số lượng tiền. Trong khi đó tại điểm đ khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 348 BLHS Việt Nam quy định rất rõ về thu lợi bất chính từ “từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng” và “500.000.000 đồng trở lên”. 

Tại Điều 321 của BLHS Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho thấy có 04 tình tiết định khung tăng nặng. Nhưng về cơ bản thì phần lớn những tình tiết định khung này có phần tương đồng với quy định của Điều 318 BLHS Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã nêu trên, bao gồm: Một là, người phạm tội liên tục thực hiện việc vận chuyển người vượt biên trái phép qua biên giới quốc gia hoặc vận chuyển một số lượng lớn người  . Quy định tại điểm này không cụ thể số lượng người lớn là bao nhiêu và liên tục thực hiện việc phạm tội là bao nhiêu lần. Hai là, các tàu, xe cộ hoặc các phương tiện vận chuyển khác được sử dụng không đáp ứng các Điều kiện an toàn cần thiết đến mức có thể gây hậu quả nghiêm trọng  . Quy định này là một quy định khá mới mà trong Điều 348 BLHS Việt Nam chưa quy định, theo đó có thể hiểu khi người phạm tội chở người khác qua biên giới quốc gia mà sử dụng các loại phương tiện không đảm bảo được những Điều kiện cần thiết mà có thể xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng. Nhìn chung, quy định này hướng đến bảo vệ tính mạng con người. Ba là, người phạm tội có tổng thu nhập bất hợp pháp là rất lớn từ hành vi chở người qua biên giới trái phép  . Cũng giống với Điều 318 BLHS Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và so sánh với Điều 348 BLHS Việt Nam, tại đây cũng không quy định cụ thể số tiền thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội mà chỉ quy định chung chung, Điều này có thể gây ảnh hưởng đến quá trình tố tụng và người phạm tội. 

Trên cơ sở những phân tích, đối chiếu so sánh, cho thấy BLHS Việt Nam quy định về hành vi khách quan một cách tổng quát hơn tránh được việc bỏ lọt tội phạm, cũng như chế tài của nước ta nghiêm khắc hơn. Đồng thời, các nhà nghiên cứu lập pháp của Việt Nam có thể học hỏi một số điểm tiến bộ của BLHS Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, cụ thể như: Một là, mở rộng tình tiết định khung tăng nặng đối với tội phạm khi trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, tội phạm đã gây thương tích nghiêm trọng cho mong muốn được xuất cảnh, nhập cảnh hoặc cư trú ở Việt Nam. Hai là, không quy định yếu tố vụ lợi là dấu hiệu bắt buộc mà chỉ cần thực hiện hành vi khách quan đã là tội phạm.

5 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bị tạm giữ tại Đồn Biên phòng Trà Cổ, Quảng Ninh. (Ảnh minh họa: TTXVN)

2. Kinh nghiệm lập pháp của Liên Bang Nga về tội phạm xuất cảnh, nhập cảnh trái phép

Liên bang Nga là quốc gia có diện tích lãnh thổ lớn nhất thế giới, là một trong những quốc gia có hệ thống pháp luật lớn, đầy đủ, hiện đại, đa dạng. Chính vì có lãnh thổ rộng và đường biên giới bao quanh rất lớn nên Liên Bang Nga quy định hết sức chặt chẽ về mặt pháp luật nói chung cũng như pháp luật hình sự nói riêng. Đặc biệt là trong lĩnh vực xâm phạm trật tự quản lý hành chính nói chung (16 tội danh tại chương 32) và tội phạm tổ chức, môi giới xuất cảnh, nhập cảnh trái phép nói riêng được quy định tại Điều 322-1 BLHS Liên Bang Nga (Tội tổ chức vượt biên trái phép) . 

Trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu những quy định về Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép tại Điều 348 BLHS Việt Nam và so sánh đối chiếu với những quy định về loại tội phạm này tại Điều 322-1 trong BLHS Liên Bang Nga cho thấy: 

Về khách thể tội phạm: Điều 322-1 của BLHS Liên Bang Nga được quy định tại chương 32 về các tội chống lại thủ tục hành chính. Điều 348 BLHS Việt Nam cũng được quy định trong nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính. Về cơ bản khách thể của hai Điều luật này đều có chung khách thể là sự xâm phạm về trật tự quản lý hành chính nói chung và trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú nói riêng. Tội phạm này không chỉ xâm phạm đến an ninh trật tự của đất nước mà còn có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc không mong muốn về tính mạng cũng như sức khỏe của công dân được pháp luật bảo vệ. 

Về mặt khách quan của tội phạm: Theo quy định tại Điều 322-1 BLHS Liên Bang Nga, hành vi khách quan được hiểu là việc tổ chức nhập cảnh bất hợp pháp vào Liên Bang Nga của người nước ngoài hoặc người không có quốc tịch. Hành vi thứ hai là những người này tổ chức đi qua lãnh thổ Liên Bang Nga để qua quốc gia khác một cách bất hợp pháp. So với hành vi khách quan tại Điều 348 BLHS Việt Nam thì có phần khác biệt. BLHS Việt Nam quy định Hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép; Hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép; Hành vi tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép; Hành vi môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép; Hành vi môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép; Hành vi môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép. 

Về chủ thể của tội phạm: Điều 322-1 BLHS Liên Bang Nga quy định chủ thể phạm tội là những người nước ngoài hoặc người không có quốc tịch tổ chức nhập cảnh vào Liên Bang Nga. Tại Điều 348 BLHS Việt Nam quy định chủ thể thực hiện tội phạm là những người từ đủ 16 tuổi trở lên. Về chủ thể thì BLHS Việt Nam quy định có phần rộng hơn đối với cả người Việt Nam từ đủ 16 tuổi trở lên và người nước ngoài từ đủ 16 tuổi trở lên phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam và không thuộc đối tượng miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự. Như vậy, có thể thấy được độ bao quát trong quy định tại Điều 348 của BLHS Việt Nam nói riêng và PLHS Việt Nam nói chung. 

3 phu vàng nhập cảnh trái phép từ Lào về Việt Nam. (Ảnh: B.P)

Về mặt chủ quan của tội phạm: Cả hai bộ luật đều quy định tội phạm thực hiện hành vi dưới hình thức lỗi cố ý, tội phạm thấy trước được hậu quả nhưng vẫn mong muốn hậu quả đó xảy ra. 

Về hình phạt: PLHS của cả hai nước đều thể hiện đường lối xử lý về tội phạm liên quan đến lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh trái phép một cách nghiêm khắc, cụ thể: Khung hình phạt chính tại Điều 348 BLHS Việt Nam lần lượt là 01 đến 05 năm tù, 05 đến 10 năm tù và 07 đến 15 năm tù còn tại Điều 322.1 BLHS Liên Bang Nga quy định lần lượt là lên đến 02 năm tù và lên đến 05 năm tù. Tại khung hình phạt thứ hai của Điều 322-1 BLHS Liên Bang Nga có 2 tình tiết định khung. Tại khoản 2 là hành vi phạm tội được thực hiện bởi một nhóm có tổ chức và tổ chức nhập cảnh trái phép với mục đích phạm tội trên lãnh thổ của Liên Bang Nga. Về cơ bản tình tiết định khung của BLHS Liên Bang Nga ít hơn so với BLHS Việt Nam nhưng đối với tình tiết thứ hai là khá mới. Tuy nhiên, BLHS Việt Nam không quy định mục đích của người nhập cảnh trái phép mà chỉ cần họ thực hiện hành vi đó chưa cần xét đến mục đích đã là phạm tội. Tại Điều 322-1 BLHS Liên Bang Nga quy định cụ thể hình phạt bổ sung như sau: khung hình phạt thứ nhất người phạm tội sẽ có thể bị phạt tiền lên đến 200.000 rúp (tương đương 59.534.000 đồng) hoặc bằng tiền lương/tiền công/thu nhập khác trong thời gian 18 tháng hoặc bị lao động bắt buộc trong thời hạn lên đến 360 giờ đồng hồ cho đến 02 năm, hoặc cải tạo trong thời hạn lên đến 01 năm hoặc sẽ bị hạn chế tự do trong thời hạn lên đến 01 năm. Khung hình phạt thứ hai có thể bị phạt tiền lên đến 500.000 rúp (tương đương khoảng 148.853.000 đồng) hoặc tiền lương/thu nhập khác của người phạm tội hoặc có thể bị hạn chế tự do trong thời hạn lên đến 02 năm. Về hình phạt bổ sung tại Điều 348 BLHS Việt Nam chỉ quy định về hình phạt tiền và cấm đảm nhiệm chức vụ trong một thời gian nhất định “từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”. Có thể thấy hình phạt bổ sung tại Điều 322.1 BLHS Liên Bang Nga đa dạng, phong phú hơn so với BLHS Việt Nam, quy định về hình phạt tiền nặng hơn BLHS Việt Nam. Như vậy, các nhà nghiên cứu lập pháp của Việt Nam có thể tham khảo hình phạt bổ sung (hình phạt tiền) của Liên Bang Nga để tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về tội phạm này. 

3. Kinh nghiệm lập pháp của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào về tội phạm xuất cảnh, nhập cảnh trái phép

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào là quốc gia có vị trí địa lý nằm cạnh Việt Nam, Cam-pu-chia, Thái Lan, Mi-an-ma, đặc biệt có đường biên giới tiếp giáp với nước ta tương đối dài. Chính vì vậy Lào có hệ thống pháp luật chặt chẽ để phục vụ cho việc bảo vệ hệ thống chính trị, kinh tế và duy trì sự ổn định về an ninh, đảm bảo trật tự xã hội. BLHS Lào tại Phần 1 quy định về các tội chống lại an ninh quốc gia và trật tự xã hội. Trong đó tội phạm liên quan đến lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh trái phép được quy định tại Điều 69. 

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn điều tra, xác minh, làm rõ hành vi nhập cảnh trái phép của các đối tượng người Lào

Trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu những quy định về Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép tại Điều 348 BLHS Việt Nam và so sánh đối chiếu với những quy định về loại tội phạm này tại Điều 69 trong BLHS Lào cho thấy: 

Về khách thể tội phạm: Điều 69 của BLHS Lào được quy định tại phần 1 về các tội chống lại an ninh quốc gia và trật tự xã hội. Điều 348 BLHS Việt Nam cũng được quy định trong nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính. Về cơ bản khách thể của hai Điều luật này là như nhau đều có chung khách thể là sự xâm phạm về trật tự quản lý hành chính nói chung và trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú nói riêng. Tội phạm này không chỉ xâm phạm đến an ninh trật tự của đất nước mà còn có thể gây ra những hậu quả không mong muốn về tính mạng cũng như sức khỏe của công dân được pháp luật bảo vệ. 

Về mặt khách quan của tội phạm: Theo quy định tại Điều 69 BLHS Lào quy định hành vi khách quan là người phạm tội công khai đưa người trốn ra nước ngoài hoặc xuất cảnh, nhập cảnh trái phép. Có thể thấy hành vi của người phạm tội ở đây là lôi kéo, dụ dỗ, đưa người khác vượt qua biên giới lãnh thổ Lào sang nước khác hoặc xuất cảnh, nhập cảnh trái phép. So với hành vi khách quan tại Điều 348 BLHS Việt Nam thì có phần khác biệt. BLHS Việt Nam quy định 6 hành vi: Hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép; Hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép; Hành vi tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép; Hành vi môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép; Hành vi môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép; Hành vi môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép. 

Về chủ thể của tội phạm: Điều 69 BLHS Lào quy định chủ thể phạm tội là “người nào” giống với quy định tại Điều 348 BLHS Việt Nam. Tuy nhiên độ tuổi chịu TNHS của nước ta là những người từ đủ 16 tuổi trở lên, còn ở BLHS Lào quy định những người từ đủ 15 tuổi trở lên phải chịu TNHS. 

Về mặt chủ quan của tội phạm: Cả hai bộ luật đều quy định tội phạm thực hiện hành vi dưới hình thức lỗi cố ý, tội phạm thấy trước được hậu quả nhưng vẫn mong muốn hậu quả đó xảy ra. 

Về hình phạt: Điều 69 BLHS Lào quy định hai khung hình phạt chính là từ 06 tháng đến 03 năm tù và 06 tháng đến 05 năm tù. Tương tự như vậy về hình phạt bổ sung cũng có hai mức phạt là 1.000.000 Kíp đến 10.000.000 Kíp (tương đương 2.013.316 đồng đến 20.133.163 đồng) và 2.000.000 Kíp đến 20.000.000 Kíp (tương đương 4.026.632 đồng đến 40.266.326 đồng). Tình tiết định khung tại khung hình phạt thứ hai của Điều 69 BLHS Lào quy định là trong trường hợp nghiêm trọng và tái phạm. Có thể thấy so với quy định tại Điều 348 BLHS Việt Nam còn tương đối ít.

Nhìn chung cả về hình phạt chính và hình phạt bổ sung BLHS Việt Nam quy định nặng hơn rộng hơn thể hiện ở số lượng tiền và ngoài hình phạt tiền còn cấm đảm nhiệm chức vụ trong thời hạn nhất định. Tuy nhiên, tại Điều 69 quy định tình tiết định khung tăng nặng trong trường hợp “tái phạm” và Việt Nam có thể học hỏi để bổ sung vào tình tiết tăng nặng vào khoản 2 Điều 348 BLHS.

Tài liệu tham khảo:
1. Trường Đại học Luật Hà Nội (2011), Bộ luật Hình sự Liên Bang Nga, Nxb Công an nhân dân.
2. Trường Đại học Luật Hà Nội (2012), Bộ luật Hình sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Nxb Công an nhân dân.
3. Quốc Hội (2018), Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, NXb Chính trị Quốc gia 
4. https://www.ilo.org/dyn/natlex/docs/ELECTRONIC/5375/108071/F-78796243/CHN5375%20Eng3.pdf
5.  https://www.wipo.int/edocs/lexdocs/laws/en/ru/ru080en.pdf
6. https://www.icj.org/wp-content/uploads/2013/07/Laos-Penal-Law-2001-2005-eng.pdf

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44

Giải pháp phát triển nhà ở xã hội

Để hướng tới mục tiêu một triệu căn hộ trong 10 năm nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các địa phương để có đánh giá tổng thể về nhu cầu nhà ở theo từng phân khúc, để có tham mưu cơ chế chính sách sát thực tế.
2024-04-19 09:57:41

Việt Nam và Australia hợp tác phát triển thị trường điện cạnh tranh

Ngày 17/4, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển thị trường điện cạnh.
2024-04-19 09:47:51

Standard Chartered Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác đầu tư năng lượng sạch

Ngày 16/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, với cam kết thúc đẩy tài chính xanh và phát triển ngành năng lượng sạch tiên tiến tại Việt Nam.
2024-04-19 09:42:00

Hải Phòng chi hơn 1,3 tỷ đồng tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên

UBND TP. Hải Phòng ban hành Kế hoạch 93/KH-UBND về triển khai các hoạt động thăm, tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, là những người đã có nhiều cống hiến, hi sinh… trong chiến dịch lịch sử.
2024-04-19 08:15:51
Đang tải...