Kỷ niệm 45 năm thành lập Bảo tàng TP Hồ Chí Minh
Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, tiền thân là Nhà Bảo tàng Cách mạng TP Hồ Chí Minh, được thành lập theo Quyết định số 172/QĐ-UB ngày 12/8/1978 UBND TP Hồ Chí Minh. Năm 1999, Bảo tàng được chính thức mang tên Bảo tàng TP Hồ Chí Minh theo Quyết định số 7606/QĐ-UB-VX ngày 13/12/1999 của UBND TP Hồ Chí Minh.
Bảo tàng TP Hồ Chí Minh.
Bà Đoàn thị Trang – Phó Giám đốc Bảo tàng TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, với vai trò là một bảo tàng, trong suốt 45 năm qua, Bảo tảng TP Hồ Chí Minh đã không ngừng phát triển về quy mô cũng như phạm vi hoạt động mang tính tổng hợp về tự nhiên, lịch sử, văn hóa và con người của Thành phố gắn liền với lịch sử và văn hóa của đất nước. Song song với việc chỉnh lý, thay đổi nội dung trưng bày, bảo tàng tập trung đầu tư cho việc sưu tầm đặc biệt là những hiện vật, sưu tập hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa minh chứng cho sự hình thành và phát triển của thành phố...” – Bà Đoàn Thị Trang cho biết.
Bà Đoàn Thị Trang thông tin, trong thời gian tới, bên cạnh phát huy những giá trị truyền thống, đơn vị sẽ cải tiến, bổ sung nhiều hình thức trưng bày, tổ chức hoạt động để gắn kết với người dân và du khách nhiều hơn.
Chia sẻ tại lễ kỷ niệm, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trong 45 năm qua, Bảo tàng TP Hồ Chí Minh đã vượt qua khó khăn, từng bước trưởng thành và trở thành một trong những “địa chỉ đỏ”, một điểm đến ý nghĩa, nhân văn cho các thế hệ tìm về, nhất là thế hệ trẻ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy nhận định, bảo tàng không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn mang những giá trị di sản văn hóa. Nhằm tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, cán bộ, viên chức của Bảo tàng luôn quan tâm giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp với các cựu chiến binh, các cô chú lão thành cách mạng, các sở, ngành, các đơn vị để các hoạt động của bảo tàng đi vào chiều sâu, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và nhu cầu thụ hưởng ngày càng cao của công chúng...
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh (phía phải) trao giấy khen đến đại diện lãnh đạo bảo tàng.
45 năm gìn giữ và phát huy những di sản văn hóa, lịch sử
Tọa lạc tại số 65, đường Lý Tự Trọng, Quận 1, TP Hồ Chí Minh, tòa nhà được một kiến trúc sư Alfred Foulhoux (Pháp) thiết kế và tiến hành xây dựng từ năm 1885 – 1890. Tổng thể công trình mang thiết kế hoài hòa giữa phương Đông và phương Tây. Tòa nhà đã trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi và công năng, là nhân chứng ghi nhận những thay đổi lịch sử của Thành phố và đất nước.
Phù điêu trang trí ở 4 bề tòa nhà mang kiểu kiến trúc Hy Lạp, La Mã cổ đại.
Ngày 12/8/1978, UBND TP Hồ Chí Minh thành lập Nhà Bảo tàng cách mạng TP Hồ Chí Minh, với nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, tổ chức giới thiệu, trưng bày các hiện vật cách mạng Việt Nam nói chúng, lịch sử Thành phố nói riêng, qua các cuộc kháng chiến chống xâm lược, quá trình xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1999, Bảo tàng chính thức được mang tên Bảo tàng TP Hồ Chí Minh. Năm 2012, bảo tàng được xếp hạng di tích kiến trúc cấp quốc gia. Nơi đây mang tính tổng hợp về tự nhiên, con người thành phố gắn liền với lịch sử văn hóa đất nước Việt Nam. Hiện nay, bảo tàng có 9 phòng trưng bày cố định về lịch sử đấu tranh cách mạng qua 2 thời kỳ, giai đoạn 1930 – 1954 và giai đoạn 1975. Đồng thời, bảo tàng còn trưng bày về lịch sử hành chính, văn hóa về vùng đất Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh.
Trưng bày được xem là cầu nối với công chúng, vì vậy bảo tàng thường xuyên nâng cấp chỉnh lý nội dung, hình thức trưng bày truyền thống kết hợp trưng bày chuyên đề. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia, bảo tàng đang thực hiện công tác hiện đại hóa hoạt động trưng bày (không gian trưng bày, công tác thuyết minh, áp dụng khoa học công nghệ...), để ngày càng đến gần hơn với công chúng.
Bảo tàng TP Hồ Chí Minh tiếp tục tiếp nhận các hiện vật cổ từ các nhà sưu tầm, nhà nghiên cứu gửi tặng.
Theo số liệu kiểm kê năm 2023, Bảo tàng đã sưu tầm, lưu giữ gần 400.000 tài liệu, hiện vật, trong đó có 82.945 hiện vật gốc nghiên cứu và hình thành trên 113 bộ sưu tập hiện vật, trong đó có 20 bộ sưu tập hiện vật quý được đánh giá cao về giá trị văn hóa lịch sử, khoa học. Bảo tàng hiện đang lưu giữ 2 hiện vật là bảo vật quốc gia.
Trong những năm qua, Bảo tàng TP Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt chức năng giáo dục, trở thành nơi du khách, học sinh, sinh viên đến tham quan và học tập, nghiên cứu về lịch sử văn hóa Thành phố gắn với lịch sử văn hóa Việt Nam....
Một số hiện vật, không gian trưng bày tại bảo tàng:
Chân dung và nhiều kỷ vật của một số cán bộ, chiến sĩ được trưng bày.
Một số hiện vật chiến tranh được lưu giữ tại bảo tàng.
Hiện vật vũ khí và vật dung của binh lính Pháp sử dụng trong chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954.
“Gốm Sài Gòn và vùng phụ cận – Nét đặc trưng văn hóa Nam bộ”
Cùng ngày, Bảo tàng TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Gốm Sài Gòn và vùng phụ cận – Nét đặc trưng văn hóa Nam bộ”. Hoạt động được đơn vị phối hợp cùng Bảo tàng tỉnh Bình Dương tổ chức. Người dân và du khách tham quan sẽ được tận mắt trải nghiệm hơn 50 hình ảnh và gần 200 hiện vật đặc sắc giới thiệu về nguồn gốc, đặc điểm, ý nghĩa, giá trị di sản của bộ sưu tập gốm Sài Gòn và vùng phụ cận như: gốm Lái Thiêu (Bình Dương), gốm Biên Hòa (Đồng Nai), gốm Pháp do Sài Gòn đặt hàng...
Đại biểu, quý khách mời cắt băng khai mạc trưng bày.
Thông qua trưng bày, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng tỉnh Bình Dương mong muốn giới thiệu đến công chúng về bộ sưu tập gốm men phong phú, có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật cao; đồng thời, góp phần làm rõ thêm các giai đoạn hình thành và phát triển của nghề làm gốm nói riêng và nghề thủ công truyền thống nói chung của Sài Gòn và vùng đất Nam bộ.
Hình ảnh ghi nhận tại không gian trưng bày.
Các vật phẩm thố, ống đũa, đĩa làm từ thế kỷ XX.
Bộ sưu tập bình hoa từ ốm Minh Long.
Bộ sưu tập đồ thờ gốm Lái Thiêu, đề tài "Đại hồng hồ điệp".
Bộ tứ linh Long - Lân - Quy - Phụng, gốm Thành Lễ, men nhiều màu, niên đại thế kỷ XX.
Bộ sưu tập gốm Phước Dũ Long - Đèn lồng Phố Hội.
Bộ sưu tập chân đèn, gốm Sài Gòn, niên đại thế kỷ XX.
Quần thể tiểu tượng, gốm Sài Gòn, niên đại cuối thế kỷ XĨ - đầu thế kỷ XX.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.