Ký ức Điểm cao 1015 (Charlie) – 1049 (Delta) – 48 năm nhớ lại: Phần I - Chặng đường vinh quang trong bão lửa

2020-04-14 11:08:23 0 Bình luận
Năm 1971, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch “Đường 9 - Nam Lào”, Sư đoàn 320 về dừng chân ở xã: Kỳ Tây, Kỳ Bắc, Kỳ Lâm, Kỳ Tân, Kỳ Thượng, Kỳ Trung… huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh làm nhiệm vụ củng cố, huấn luyện và chờ đón nhận nhiệm vụ mới.

Trung tuần tháng 9/1971, Tư lệnh Sư đoàn Nguyễn Kim Tuấn và Chính uỷ Phí Triệu Hàm được lệnh về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới.

Tháng 10/1971, Đại hội Đảng bộ Sư đoàn lần thứ 6, với khẩu hiệu hành động: “Đi lâu, đi sâu, đi xa, đánh to thắng lớn, đánh đến thắng lợi hoàn toàn”.

Ngày 19/11/1971, trong lúc Sư đoàn đang hoàn tất công tác chuẩn bị lên đường thì nhận được tin Thượng tướng Văn Tiến Dũng - Tổng tham mưu trưởng vào Hà Tĩnh thăm Sư đoàn. Sau khi kiểm tra đơn vị, Thượng tướng dành thời gian nói chuyện với cán bộ Sư đoàn. Tổng tham mưu trưởng nói: “Kỳ này Bộ giao cho Sư đoàn các đồng chí vào chiến trường mới, thực hiện hướng tiến công chiến lược, chiến trường mới là một địa bàn chiến lược vô cùng quan trọng, một chiến trường cực kỳ gian khổ, khó khăn, nhưng dù khó khăn gian khổ đến mấy các đồng chí cũng phải đánh giỏi. Đây là thời cơ thuận lợi để các đồng chí phát huy truyền thống chiến thắng của Đại Đoàn Đồng Bằng”.

Trung tuần tháng 11/1971, một số bộ phận của Sư đoàn, của các trung đoàn tổ chức đi trước để hiệp đồng cùng các trạm giao liên trên tuyến 559 chuẩn bị cho bộ đội vào.

Sáng ngày 7/12/1971, trung đoàn 64 xuất phát hành quân đầu tiên.

Ngày 12/12/1971 trung đoàn 48 hành quân.

Ngày 15/12/1971 trung đoàn 52 hành quân.

Cuộc hành quân của Sư đoàn ra chiến trường cực kỳ gian khổ, khó khăn, đường Đông Trường Sơn – những cơn mưa rừng kéo dài, dai dẳng, suối reo ầm ầm, đường giao liên hẹp, gập ghềnh, ẩm ướt, lầy lội nay hàng vạn người đi qua với đầy đủ trang thiết bị chiến đấu càng lầy lội hơn. Sang tây Trường Sơn thì khí hậu khác hẳn, thời tiết hanh khô, nắng chói chang trên các cánh rừng Khộp, rừng săng lẻ. Càng vào sâu chiến trường, mức độ đánh phá của địch càng quyết liệt, bầu trời và mặt đất suốt ngày không lúc nào ngớt tiếng máy bay, tiếng bom đạn, có khi phải vượt qua những bãi bom toạ độ B52 dài hàng cây số, khẩu phần ăn của cán bộ, chiến sỹ giảm, đói phải kiếm thêm củ mài, bống báng, củ chuối, thân cây chuối, các loại rau môn thục, tai voi, móng ngựa để làm chất độn cho qua bữa, sức khoẻ của bộ đội giảm, ốm đau, sốt rét…có cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh do bom B52 đánh vào đội hình (Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 320, chiến sỹ vệ binh trung đoàn 64).

Điểm cao 1015 (Charlie) – 1049 (Delta) thể hiện trên Bản đồ. Nguồn Internet

Sau gần 2 tháng hành quân, chiều 28/1/1972 trung đoàn 64 đến địa điểm “Tây Ninh I” “trạm 1 giao liên Tây Nguyên”.

Ngày 8/2/1972, toàn Sư đoàn đã vào vị trí tập kết đến chiến trường Tây Nguyên.
Ngày 9/2/1972, tư lệnh Sư đoàn Kim Tuấn và Chính uỷ Phí Triệu Hàm lên Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên nhận nhiệm vụ.

Ngày 22/2/1972, tại đông bắc Chư Mom Ray – Sư đoàn mở hội nghị quân chính do Tư lệnh Sư đoàn Nguyễn Kim Tuấn chủ trì: chủ yếu quán triệt tình hình địa bàn chiến trường, tình hình địch và nhiệm vụ của Sư đoàn.

Bước vào năm 1972, Mỹ nguỵ phán đoán ta sẽ mở chiến dịch lớn ở Tây Nguyên nên ra sức đề phòng. Địch dùng B52 tập trung đánh phá các tuyến đường vận chuyển, khu kho trạm của ta, chúng tập trung vào vùng 2 chiến thuật: 2 sư đoàn bộ binh (sư đoàn 22 và sư đoàn 23). Thay hai sư trưởng mới là Lê Đức Đạt - sư đoàn trưởng 22 và Lý Tòng Bá, sư đoàn trưởng 23; hai liên đoàn biệt động, sư đoàn dù (thiếu) và lực lượng binh quân chủng: không quân và pháo binh.
Để ngăn chặn ta tiến công, Mỹ nguỵ tăng cường các tuyến phòng ngự ở khu vực bắc Kon Tum. Cụ thể: hình thành hệ thống phòng ngự theo một tuyến dài dọc trục đường 14 (hai khu vực Đắc Tô, Tân Cảnh và thị xã Kon Tum) là hai trung tâm phòng ngự mạnh. Như vậy, thế trận phòng ngự của địch là thế trận chiều dọc, chiều sâu mỏng (chiều ngang). Chúng cho rằng hướng tiến công chủ yếu của ta sẽ từ phía tây đánh vào Đắc Tô, Tân Cảnh đường 14 và thị xã Kon Tum. Do vậy, chúng tổ chức một tuyến phòng ngự vòng ngoài, phía tây tuyến phòng ngự cơ bản. Tuyến phòng ngự này nằm phía tây sông Pô Kô – là dãy cao điểm có lợi về chiến thuật, chúng cho rằng quân giải phóng muốn tiến công sang tuyến phòng ngự cơ bản là đường 14 Đắc Tô, Tân Cảnh - thị xã Kon Tum thì phải đánh tuyến phòng ngự vòng ngoài này và vượt qua sông Pô Kô mới đến được. Tuyến phòng ngự vòng ngoài bắt đầu từ Pleicần (bến Hét) đến điểm cao Ngọc Rinh Rua, Ngọc Bờ Biêng, 1015 - 1049 - 966 điểm chặn cuối cùng là cứ điểm Kleng trên trục đường 511 (từ ngã ba Trung Tín chạy về Sa Thầy, nay là đường 675). Chúng hy vọng rằng tuyến phòng ngự vòng ngoài này tạo thành bức bình phong vô cùng quan trọng để bảo vệ Đắc Tô, Tân Cảnh về thị xã Kon Tum.

Cuối tháng 2/1972, tình báo địch phát hiện Sư đoàn 320 đã có mặt ở Kon Tum (đây là sư đoàn thép của cộng sản Bắc Việt, là một trong hai sư đoàn khét tiếng tinh nhuệ và chủ công của cộng sản) đang đứng chân phía đông dãy núi Chư Mom Ray và thấy lực lượng của Sư đoàn 320 làm con đường 70B từ dãy núi phía tây sông Pô Kô sang Võ Định, càng tăng sự khẳng định của chúng: mục tiêu tiến công của ta là Kon Tum và điều lực lượng dự bị chiến lược ra tăng cường, là một trong những lực lượng tinh nhuệ nhất của quân lực Việt Nam cộng hòa.

Ngày 4/3/1972, lữ dù 2 đổ xuống Kon Tum.

Ngày 7/3/1972: hai tiểu đoàn thuộc lữ dù 2 đổ xuống dãy điểm cao tây sông Pô Kô, trọng tâm hai khu vực 1049 (địch gọi là Delta) và 1015 (địch gọi là Sạc ly). Điểm cao 1049 và một số điểm cao xung quanh tiểu đoàn dù 2 thuộc lữ đoàn 2 chiếm giữ.

Ngày 30/3/1972, Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên lệnh cho Sư đoàn 320 dùng trung đoàn bộ binh 52 vây ép, tiến công địch trên 1049 (Delta), đồng thời sử dụng lực lượng trung đoàn 64 áp sát khu vực 1015 (Sạc ly), sẵn sàng đánh địch đổ bộ đường không xuống xung quanh điểm cao này nhằm đánh sang 1049 (cứu nguy cho tiểu đoàn dù 2 khi bị ta tiến công).

Trung đoàn 52 mới vào chiến trường Kon Tum hơn 1 tháng với trên 2.000 cán bộ, chiến sỹ. Địa bàn, địa hình mới, chưa có kinh nghiệm đánh nhau với lính dù ở địa hình rừng núi Kon Tum. Nhưng khi được Bộ Tư lệnh mặt trận giao nhiệm vụ đánh trận mở màn cho chiến dịch này, cán bộ chiến sỹ trung đoàn 52 rất phấn khởi, tin tưởng, khí thế thi đua lập công rất cao, quyết tâm đánh thắng trận đầu và trận mở màn chiến dịch.

Ngày 3/4/1972, thiếu tá Hồ Hải Nam - Trung đoàn trưởng trung đoàn 52 chỉ huy tiến công vào 1049 (Delta). Sau 3 ngày vây lấn, cuộc tiến công đã không thành công và bộ đội phải lui về tuyến xuất phát, bộ đội thương vong cao vì địch chống trả quyết liệt và sự chi viện của địch bằng pháo binh, các cụm pháo trên tuyến phòng ngự cơ bản của địch bắn phá mãnh liệt chi viện cho 1049 - kết hợp máy bay ném bom B52 và máy bay chiến đấu chi viện tối đa cho tiểu đoàn dù 2. Hai tiểu đoàn bộ binh của trung đoàn 52 mất sức chiến đấu (trận này , bộ đội ta thương vong nhiều, trong đó có đồng chí Đỗ Ngọc The là chính trị viên Tiểu đoàn.
Địch nhận định: nếu tuyến phòng ngự này bị chọc thủng thì từ đây quân cộng sản có thể chọc thẳng sang đường 14 cắt đôi thế trận phòng ngự bắc Kon Tum. Chúng kích động bọn lính mũ nồi đỏ (lính dù) rửa hận Đường 9 - Nam Lào năm trước. Chúng thách thức giao chiến với Sư đoàn 320 và tuyên bố “sẽ nghiền nát Sư đoàn 320 Bắc Việt tại Tây Nguyên”.

Đúng như ta dự đoán: Ngày 2/4/1972, địch dùng 46 lần chiếc trực thăng đổ tiểu đoàn 11 dù xuống một số điểm cao phía nam 1015 (Sạc ly) để sẵn sàng ứng cứu cho tiểu đoàn 2 ở 1049 (lấy lại thế phòng ngự liên hoàn trên dãy điểm cao phía tây sông Pô Kô).

Ngày 8/4/1972, Bộ Tư lệnh mặt trận giao cho Sư đoàn 320 dùng trung đoàn 64 bao vây tiêu diệt tiểu đoàn 11 dù ở phía nam 1015 (Sạc ly).

7 giờ ngày 11/4/1972, trung đoàn 64 và các lực lượng tăng cường phối thuộc bắt đầu hành quân chiếm lĩnh trận địa tiến công.

5 giờ 30 phút ngày 12/4/1972, trung tá Khuất Duy Tiến - Trung đoàn trưởng trung đoàn 64 phát lệnh nổ súng tiến công. Pháo binh ta bắn phá mãnh liệt vào các mục tiêu đã chuẩn bị sẵn. Sau đó các hướng mũi phá hàng rào mở cửa tiến công vào các mục tiêu, pháo binh ta đã bắn phá trúng hầm chỉ huy của tiểu đoàn 11 và trung tá Nguyễn Đình Bảo, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 11 đã huy sinh và thiếu tá tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Mễ lên lên thay, ta tấn công và địch chống trả quyết liệt. Ta và địch dành nhau từng tuyến hào, từng ụ súng. Pháo binh địch ở các căn cứ bắn phá dữ dội vào phía sau đội hình.

Trên hướng tiến công thứ yếu của ta, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8 Đàm Vũ Hiệp và chính trị viên Lưu Quý Đông hy sinh, một số cán bộ đại đội, trung đội mưu trí dũng cảm cũng bị thương và hy sinh. Chỉ huy trung đoàn 64 xốc lại đội hình chiến đấu, bám sát trận địa, không cho địch đẩy ta ra xa, khắc phục khó khăn, ác liệt và tiếp tục tiến công.

01 giờ ngày 15/4/1972, sau một đợt bắn phá mãnh liệt của ta vào các mục tiêu của địch. Lực lượng tiến công chủ yếu của trung đoàn 64 đột phá mãnh liệt vào sở chỉ huy tiểu đoàn 11. 01 giờ 15 phút ta hoàn toàn làm chủ mục tiêu.
Sau 3 ngày chiến đấu, trung đoàn 64 và lực lượng tăng cường đã tiêu diệt gọn tiểu đoàn 11 lữ dù 2, diệt 260, bắt 116, bắn rơi 20 máy bay, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh.

Đây là một trận tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn dù trên chiến trường Tây Nguyên thời điểm bấy giờ, hạ uy thế cái gọi là “lực lượng tin cậy nhất trong các lực lượng trù bị quốc gia” của quân lực Việt Nam cộng hoà.

Chiến thắng 1015 (Sạc ly) của trung đoàn 64 Sư đoàn 320 trong đó có tiểu đoàn 3 trung đoàn 48 và các lực lượng tăng cường khác đã hoàn thành trận then chốt thứ nhất của chiến dịch xuân hè 1972 (phía địch gọi là mùa hè đỏ lửa). Ta có tổn thất: 235 đồng chí hy sinh, 107 đồng chí bị thương nhưng trận này được đánh giá cao, còn có sức cổ vũ cho chiến sỹ trung đoàn 52 đánh 1049 (Delta) không thành công, nhiều bài học quý báu từ trận đánh mở màn và then chốt này của chiến dịch được rút ra cho Sư đoàn 320 trong những trận đánh tiếp theo. Trung đoàn 64 được nhận Huân chương Quân công hạng 3.

Từ thắng lợi ở điểm cao 1015 (Sạc ly), ngày 21/4/1972 trung đoàn bộ binh 52 được tăng cường tiểu đoàn 1 trung đoàn 48, tiểu đoàn 19 đặc công của Sư đoàn có pháo cơ giới chi viện trung đoàn tiến công lấy lại điểm cao 1049 (Delta). Với khí thế tiến công quyết liệt, đêm ngày 21/4/1972 trung đoàn 52 đã làm chủ điểm cao 1049 (Delta) và các điểm cao lân cận.

Mất điểm cao 1015 (Sạc ly) và 1049 (Delta), tướng Ngô Du - tư lệnh quân khu 2, quân đoàn 2 quân lực Việt Nam cộng hoà tức tốc lên Võ Định cùng với chỉ huy Sư đoàn dù bàn cách tái chiếm nhưng không làm được. Chúng bỏ tuyến ngăn chặn tây sông Pô Kô lui về Võ Định, giữ tuyến phòng ngự cơ bản từ Võ Định về thị xã Kon Tum. Như vậy, tuyến phòng ngự bờ tây sông Pô Kô đã bị chọc thủng, tạo điều kiện cho chiến dịch đưa lực lượng vào giải phóng Đắc Tô - Tân Cảnh ngày 24/4/1972.

Học sinh trên địa bàn tham quan trưng bày tại Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên (Quân đoàn 3). Ảnh BTQĐ3.

Từ ngày 4 đến ngày 9/5/1972, được mặt trận và Sư đoàn 320 tăng cường 1 C xe tăng T54 (5 chiếc); tiểu đoàn pháo binh 20 (4 khẩu D74); 4 khẩu cối 120, 82; 1 C phòng không 37; 2 C súng máy phòng không 12ly7, 2 B công binh, 2 bộ phá rào FR do thiếu tá Hồ Hải Nam - Trung đoàn trưởng trung đoàn 52 chỉ huy thực hành vây lấn tấn công cứ điểm Kleng (do tiểu đoàn 62 biệt động quân biên phòng đóng giữ).
Sáng 9/5/1972, trung đoàn 52 tiến công làm chủ hoàn toàn cứ điểm Kleng. Đây là cứ điểm, là điểm chặn cuối cùng của tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch (điểm chặn đầu là Plei cần, ngày12/10/1972 Sư đoàn 10 tổ chức tiêu diệt).
Kết quả: trung đoàn 52 tiêu diệt 277 tên, bắt 115 tên, thu 20 tấn đạn, 15 tấn gạo, phá huỷ 2 khẩu 105mm.

Trung đoàn 52: 50 đồng chí hy sinh, 88 bị thương; Trung đoàn 52 được tặng Huân chương Quân công hạng 3.

Ngày 26/6/1972, trung đoàn 52 rời Kon Tum về Sư đoàn 2 quân khu 5 (Ba Tơ).Thiếu tá Hồ Hải Nam đã hy sinh ở quận Ba Tơ cuối tháng 10/1972 (do đi địa hình bị mìn).

Chính ủy trung đoàn 52 Đặng Ngọc Truy - sau này là thiếu tướng Phó Tư lệnh chính trị Quân khu 1, về hưu và mất năm 2019 tại Mỹ Lộc - Nam Định.

  (còn nữa)

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44

Giải pháp phát triển nhà ở xã hội

Để hướng tới mục tiêu một triệu căn hộ trong 10 năm nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các địa phương để có đánh giá tổng thể về nhu cầu nhà ở theo từng phân khúc, để có tham mưu cơ chế chính sách sát thực tế.
2024-04-19 09:57:41

Việt Nam và Australia hợp tác phát triển thị trường điện cạnh tranh

Ngày 17/4, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển thị trường điện cạnh.
2024-04-19 09:47:51

Standard Chartered Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác đầu tư năng lượng sạch

Ngày 16/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, với cam kết thúc đẩy tài chính xanh và phát triển ngành năng lượng sạch tiên tiến tại Việt Nam.
2024-04-19 09:42:00

Hải Phòng chi hơn 1,3 tỷ đồng tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên

UBND TP. Hải Phòng ban hành Kế hoạch 93/KH-UBND về triển khai các hoạt động thăm, tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, là những người đã có nhiều cống hiến, hi sinh… trong chiến dịch lịch sử.
2024-04-19 08:15:51

Cửa Lò khai mạc Lễ hội du lịch biển năm 2024

Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh, thị xã Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024 với chủ đề “Cửa Lò - Khát vọng tỏa sáng”.
2024-04-18 22:15:00
Đang tải...