Làng nghề trăm tuổi vượt qua thách thức của đại dịch
Làng nghề trăm năm
Đất Phú Vinh xưa vốn là vùng cây mây, cây tre phát triển chính vì vậy người dân Phú Vinh đã gắn bó với mây tre đan từ rất sớm. Từng sợi mây, sợi tre đã đi vào cuộc sống của người dân nơi đây bằng những vật dụng thường ngày qua đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Cha truyền con nối, nhà nọ làm theo nhà kia biến mây tre đan trở thành nghề truyền thống của làng đã được mấy trăm năm.
Đã từ lâu mây tre đan đã gắn liền với đời sống người dân Phú Vinh
Với tinh thần kế thừa và phát triển giá trị truyền thống nghề, các thế hệ con dân đất Phú Vinh đã sáng tạo ra nhiều họa tiết, kiểu đan, và sản phẩm mới, phù hợp với thị hiếu khách hàng hiện đại bên cạnh đó vẫn phát triển những sản phẩm truyền thống được truyền lại qua mấy trăm năm. Chính vì thế sản phẩm mây tre đan Phú Vinh đa dạng về hình thức, mẫu mã từ những vật dụng gần gũi trong cuộc sống sinh hoạt như: Khay, đĩa, rổ, giá đến những đồ lưu niệm tinh xảo đòi khỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của nghệ nhân như: tranh chân dung, hoành phi, câu đối,...
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2002, Phú Vinh được UBND tỉnh Hà Tây công nhận là Làng nghề truyền thống mây tre đan. Các sản phẩm độc đáo của làng nghề được xuất khẩu đến nhiều quốc gia như Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc.
Chuyển mình làm nên thương hiệu
Là làng nghề hàng trâm tuổi, ghi dấu trong lòng nhân dân nhiều năm, các nghệ nhân luôn trăn trở mong muốn có một thương hiệu, chỗ đứng vững chắc trong ngành mây tre đan.
Trước thực trạng các nghề truyền thống dần mai một, các nét đẹp văn hóa ông cha gìn giữ dần mất đi, câu hỏi đặt ra là phải làm thế nào để giữ nghề, truyền được ngọn lửa yêu nghề đến các thế hệ trẻ của làng để ngọn lửa yêu nghề ấy sẽ mãi rực cháy đồng thời phải làm thế nào để mây tre đan Phú Vinh ngày càng phát triển, vững vàng trở thành một thương hiệu uy tín trong lòng khách hàng?
Đau đáu nỗi niềm như thế, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh nhớ lại: “Phú Vinh cũng một thời đứng trước nguy cơ thất truyền. Thời ấy, làn sóng hội nhập các sản phẩm ngoại nhập lan tràn, các đồ thủ công mĩ nghệ từ mây tre đan dần lép vế. Nhiều người bỏ nghề vì không thể bám trụ, các nghệ nhân lão thành mới họp nhau lại, cùng ngồi bàn bạc, tất cả đều quyết tâm phải bằng mọi giá giữ được nghề ông cha truyền lại bao đời. Từ đấy, các sản phẩm mới được ra đời phù hợp với xu thế mới, sản phẩm Phú Vinh đa dạng về hình thức đàm bảo về chất lượng dần được khẳng định trên thị trường. Bên cạnh đó làng Phú Vinh cũng phát triển du lịch trải nghiệm, khách tham quan các cơ sở làm nghề từ những khâu phơi sấy đến khi đan lát để hoàn thành sản phẩm”.
Các sản phẩm của làng nghề Phú Vinh ghi dấu bởi mẫu mã đa dạng, kiểu dáng độc đáo
“Đến bây giờ, làng Phú Vinh vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Có một khoảng thời gian, nguyên liệu sợi mây, sợi tre khan hiếm nguồn nguyên liệu tăng giá, giảm thu nhập sản phẩm, nhiều gia đình phải bỏ nghề. Sáng tạo để tồn tại, chất lượng là uy tín dó là kim chỉ nam để làng Phú Vinh vượt qua các giai đoạn khó khăn, Covid -19 cũng như vậy”, nghệ nhân Tĩnh nói thêm.
Vươn lên từ đại dịch
Thoăn thoắt đan những mối nối phức tạp, bạn Trần Linh Chi (SN 2001) vui vẻ chia sẻ: “Dường như trong máu của những người làng Phú Vinh như chúng em đã tiềm tàng tình yêu với sợi mây, sợi tre. Không cần hướng dẫn nhiều, chỉ nhìn lướt qua là chúng em đã có thể ngồi đan được".
Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng Chi cùng nhiều thế hệ 9X, 10X đã có khả năng đan lát thành thạo những họa tiết đơn giản.
Các sản phẩm được tạo ra bởi những đôi tay khéo léo cùng lòng yêu nghề truyền thống
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc tiêu thụ các sản phẩm của làng Phú Vinh gặp nhiều khó khăn nhưng trong cái khó ló cái khôn, bằng tình yêu và óc sáng tạo các nghệ nhân làng Phú Vinh đã có những ý tưởng sáng tạo nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong những ngày khó khăn, Nguyễn Nhung chia sẻ: “Trong thời gian giãn cách các phân xưởng dừng tập chung đông người, chúng em nhận sợi về đan tại nhà. Bên cạnh đó chủ các cơ sở cũng đòi hỏi yêu cầu cao hơn so với trung bình ở các khoảng thời gian bình thường, sản phẩm phải được cắt gọn, các mối nối phải đều. Các nghệ nhân cũng dành thời gian để phát triển các mẫu hàng mới, những mẫu hàng được ưa chuộng ưu tiên sản xuất nhiều hơn. Làng nghề chúng em ứng phó với những tác động tiêu cực của dịch bằng sự sáng tạo, chất lượng sản phẩm”.
Những họa tiết hoa lá cùng với nhiều kiểu đan độc đáo đã được các nghệ nhân làng Phú Vinh gìn giữ và phát huy qua các sản phẩm mây tre đan độc đáo của làng, trở thành thương hiệu mang đậm đà bản sắc địa phương.
Với tình yêu từng cây tre sợi mây, người dân làng Phú Vinh luôn tâm niệm phải phát triển nghề, đưa những sản phẩm của Phú Vinh vươn mình đạt đến đỉnh cao của nghề mây tre đan ở Việt Nam.
Hình ảnh bạt ngàn những sợi mây, sợi tre vẫn phơi trắng trên những cung đường vào làng Phú Vinh là nét đẹp truyền thống khó nơi nào co được. Làng nghề còn khi khối óc, trái tim và đôi bàn tay của người Phú Vinh vẫn nặng lòng với cây tre, cây mây với nghề truyền thống của ông cha. Với tinh thần kế thừa và phát huy, Phú Vinh vươn mình từ đại dịch, để đưa thương hiệu mây tre đan Phú Vinh đến gần với lòng khách hàng, vươn xa đến nhiều hơn các quốc gia hứa hẹn tương lai sẽ có một vị trí vững chắc
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.