Làng Nguyễn (Nguyên Xá - Đông Hưng - Thái Bình): Cái nôi của múa rối nước Việt Nam

2017-05-14 07:52:46 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Trong nền nghệ thuật sân khấu, múa rối nước là một bộ môn độc đáo, dùng mặt nước làm nơi hoạt động cho các nhân vật. Đây là một loại hình nghệ thuật diễn xướng hiếm thấy ở trên thế giới, nó là một “đặc sản văn hoá” của đất nước Việt Nam. Thái Bình là một trong những cái nôi sản sinh ra nghệ thuật múa rối nước độc đáo. Phường rối nước làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình là một trong số ít những phường rối còn tồn tại đến ngày nay và ngày càng phát triển với nhiều nét điển hình.

Ra đời cách đây khoảng 700 năm, phường rối nước Nguyên Xá là một trong những cái nôi của múa rối nước Việt Nam. Trải qua nhiều thế kỷ, sân khấu rối nước Nguyên Xá chỉ giới hạn trong làng quê của mình với những tích trò phục lễ hội và tín ngưỡng như: Lễ tế trâu của đình Thượng, đình Đoài; lễ cầu mát của chùa Quỳnh, chùa Trại; đôi khi họ phục vụ cả những buổi mừng thọ, đám cưới, khánh thành công trình… Do hạn chế về số lượng khán giả và nội dung, đã có thời rối nước làng Nguyễn không còn kinh phí hoạt động, dần bị mai một. Nhưng may sao, năm 1954 Bác Hồ về thăm và ra chỉ thị khôi phục phường rối nước. Ngay sau đó, Nhà hát Múa rối nước Trung ương cử người về học 15 trò hay nhất của làng để tổ chức thành những chương trình biểu diễn lớn. Từ đây, lịch sử múa rối nước Nguyên Xá bước sang một trang mới.


Múa rối nước- Đặc sản văn hoá của đất nước Việt Nam. (Ảnh: Internet)


Nghệ thuật trò rối nước có những đặc điểm khác với múa rối thông thường: dùng mặt nước làm sân khấu (gọi là nhà rối hay thủy đình), phía sau có phông che (được gọi là tấm y môn) tạo sân khấu biểu diễn múa rối nước y như ban thờ lớn ở Đình, Chùa của người Việt, xung quanh trang trí cờ, quạt, voi, lọng, cổng hàng mã... trên "sân khấu" là những con rối (được làm bằng gỗ) biểu diễn nhờ sự điều khiển của những người phía sau phông thông qua hệ thống sào, dây... Biểu diễn rối nước không thể thiếu những tiếng trống, tiếng pháo phụ trợ.

Con rối làm bằng gỗ sung, loại gỗ nhẹ nổi trên mặt nước, được đục cốt, đẽo với những đường nét cách điệu riêng sau đó gọt giũa, đánh bóng và trang trí với nhiều màu sơn khác nhau để làm tôn thêm đường nét tính cách cho từng nhân vật. Hình thù của con rối thường tươi tắn, ngộ nghĩnh, tính hài và tính tượng trưng cao. Phần thân rối là phần nổi lên mặt nước thể hiện nhân vật, còn phần đế là phần chìm dưới mặt nước giữ cho rối nổi bên trên và là nơi lắp máy điều khiển cho quân rối cử động.

Máy điều khiển và kỹ xảo điều khiển trong múa rối nước tạo nên hành động của quân rối nước trên sân khấu, đó chính là mấu chốt của nghệ thuật trò rối nước.

Máy điều khiển rối nước có thể được chia làm hai loại cơ bản: máy sào và máy dây đều có nhiệm vụ làm di chuyển quân rối và tạo hành động cho nhân vật. Máy điều khiển được giấu trong lòng nước, lợi dụng sức nước, tạo sự điều khiển từ xa, cống hiến cho người xem nhiều điều kỳ lạ, bất ngờ. Buồng trò rối nước là nhà rối hay thủy đình thường được dựng lên giữa ao, hồ với kiến trúc cân đối tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam.


Các nhân vật trong rối nước. (Ảnh: Internet)


Người nghệ nhân rối nước đứng trong buồng trò để điều khiển con rối. Họ thao tác từng cây sào, thừng, vọt... hoặc giật con rối bằng hệ thống dây bố trí ở bên ngoài hoặc dưới nước Sự thành công của quân rối nước chủ yếu trông vào sự cử động của thân hình, hành động làm trò đóng kịch của nó. Sân khấu rối nước là khoảng trống trước mặt buồng trò. Buồng trò, sân khấu được trang bị cờ, quạt, voi, lọng, cổng hàng mã...Buổi diễn rất nhộn nhịp với lời ca, tiếng trống, mò, tù và, chen tiếng pháo chuột, pháo thăng thiên, pháo mở cờ từ dưới nước lên, trong ánh sáng lung linh và màn khói huyền ảo. Buồng trò rối nước làng Nguyễn xưa không làm theo kiểu cố định như buồng trò của chùa Thầy (Hà Tây) hay một số nơi khác, mà làm theo kiểu lưu động, lắp buộc, tháo dỡ dễ dàng, khung bằng tre gỗ, vách bằng phên, vải, mái bằng cót vẽ giả ngói.


Các nghệ nhân đang chế tác quân rối. (Ảnh: Internet)


Nhưng quan trọng hơn vẫn là cách làm quân rối, bởi sự phát triển của nghệ thuật múa rối không tách rời khỏi việc sáng tạo và cải tiến quân rối. Quân rối càng hoàn hảo càng giúp cho kỹ xảo của người điều khiển nâng cao và khả năng diễn đạt phong phú hơn. Quân rối Nguyễn xưa do các nghệ nhân tài hoa của làng làm ra nổi tiếng là đẹp, hay, có sơn son thiếp vàng, ít thấm nước, xuống nước là bóng lên. Làng rối Nguyễn hiện nay còn hàng trăm quân rối, nhưng trong đó chỉ có 2 quân Tiên và Tễu là được tạo trước 1945, cũng là quân Tễu đẹp nhất của sân khấu rối nước và của ngành rối nước truyền thống Việt Nam.

Cũng giống như nghệ thuật rối nước dân tộc, nghệ thuật rối nước làng Nguyễn vốn xuất thân từ những trò không lời, thu hút người xem bằng sự kỳ diệu do tài năng của các nghệ nhân tạo hình, nghệ nhân điều khiển tạo nên, còn lời văn và âm nhạc là mới tham gia vào giai đoạn sau này.


Sân khấu biểu diễn múa rối nước. (Ảnh: Internet)


Một nét điển hình của rối nước làng Nguyễn là những lời giáo Tễu, đó là những bài văn vần phục vụ kịp thời các dịp biểu diễn ở trong làng, mang tính chất thời sự sâu sắc. Ví như nhân dịp làng có tranh chức lý trưởng, nhân dịp tế xuân của họ Nguyễn Huy, nhân hội chùa Quỳnh…

Âm nhạc không chỉ giữ tiết tấu cho diễn xuất, khuấy động không khí biểu diễn mà nó còn truyền đạt, lay động tới người xem những nội dung, tư tưởng, tình cảm nhất định. Nghệ thuật rối nước làng Nguyễn do được sinh ra trên cái nôi của nghệ thuật chèo truyền thống, vì thế các nghệ nhân múa rối ở đây đã biết tận dụng triệt để âm nhạc của chèo.

Một đặc điểm nổi bật nhất trong tổ chức phường hội rối Nguyễn là tính chất "bí truyền". Việc giữ miếng, giữ nghề can hệ trực tiếp đến danh dự và sự sống còn của phường rối. Bởi vì, ngày xưa có tục lệ thi đấu, hội thi được tổ chức rất long trọng và điều đó làm cho các phường hội rối ráo riết tăng cường sự chuẩn bị của mình. Từng phường rối, lần nào cũng cố tìm ra những trò mới, hay, khéo, lạ để thu hút được sự chú ý của người xem. Để giữ bí mật nghề nghiệp, phường chỉ kết nạp con em trong nhà hoặc người cùng làng, và chỉ tiếp nhận đàn ông, không tiếp nhận phụ nữ vì sợ họ đem bí mật của phường về nhà chồng. Người xin gia nhập phải ăn mặc chỉnh tề, mang cơi trầu, chai rượu đến lễ tổ và trình phường, nguyện làm phường lớn mạnh, nếu để lộ nghề sẽ chết "một đời cha, ba đời con". Đứng đầu phường rối là các ông Trùm, lo toan và quản lý mọi việc. Làng Nguyễn có những ông Trùm nổi tiếng như ông Lý Mục, ông Tổng Quỳnh, ông Phó Thiếu… Ông Lý Mục là người làm ra trò "Rồng phun nước trên cao", trò "Chú Tễu"; ông Tổng Quỳnh chế ra trò "Múa bát tiên" …


Ban nhạc đệm cho phường rối nước. (Ảnh: Internet)


Người xem bị cuốn hút không chỉ bởi những hình ảnh trên sân khấu mà còn bởi những âm thanh rộn rã của tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng sáo (trong các tiết mục bật cờ, múa lân, múa tứ linh...). Những làn điệu, khúc nhạc chèo khi vui tươi rộn rã (trong các tiết mục xẩm xoan, tứ quý, lưu thuỷ, sắp qua cầu, sắp cổ phong...), khi ngân nga da diết (như các điệu vỉa, ngâm sổng...). Có người từng nhận xét: Đi xem biểu diễn rối nước ở phường Nguyễn cứ như đi xem chèo, chỉ có khác ở chèo là người thật, còn rối nước là người giả. Điều đó càng khẳng định vai trò của âm nhạc rất quan trọng trong sự thành công của nghệ thuật rối nước nơi đây.

Rối nước làng Nguyễn chính là sự kết tinh sáng tạo, trí thông minh, tài khéo léo của người dân nơi đây qua bao đời tạo nên. Rối nước làng Nguyễn vốn bình dị như hạt lúa củ khoai, ăn sâu bám chắc vào mảnh đất dân gian, gắn bó chặt chẽ với truyền thống hội hè, đình đám, trở thành một nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, rối nước làng Nguyễn vẫn trường tồn với thời gian. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh nhằm giữ gìn nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và sự yêu nghề của những người dân nơi đây, hy vọng nghệ thuật rối nước sẽ ngày càng phát triển.






Một số hình ảnh độc đáo của phường rối nước. (Ảnh: Internet)

 

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Chủ tịch nước Lương Cường: Việt Nam sẵn sàng hợp tác vì một APEC thịnh vượng

Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024, Chủ tịch nước Lương Cường đã tham gia các sự kiện quan trọng và gửi đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam trong hợp tác quốc tế và phát triển bền vững.
2024-11-16 09:16:13

Hải Phòng tổ chức chương trình gặp mặt, kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam

Chiều 15/11, TP.Hải Phòng tổ chức chương trình “Gặp mặt kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam” (20/11/198 2 - 20/11/2024). Chương trình nhằm tôn vinh các thế hệ thầy, cô đã cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp giáo dục thành phố, khơi dậy truyền thống “tôn sư trọng đạo”, một giá trị văn hóa quý báu.
2024-11-16 05:47:11

Hải Phòng tổ chức tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Hội đồng nhân dân cuối năm

Ngày 15/11, HĐND TP.Hải Phòng (khóa XVI) tổ chức tiếp xúc với cử tri các quận Hồng Bàng, Lê Chân, Đồ Sơn, Kiến An và các huyện Thủy Nguyên, Tiên Lãng, An Lão, An Dương trước khi diễn ra kỳ họp thường lệ cuối năm.
2024-11-15 21:43:21

Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Sáng 15/11, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
2024-11-15 20:29:00

Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Sáng 15/11, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”
2024-11-15 17:54:20

Hướng tới xã hội chống lãng phí của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí cũng chính là một trong bốn giải pháp đột phá được đưa ra trong bài viết “Chống lãng phí” gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm.
2024-11-15 10:19:31
Đang tải...