Lượng máu dự trữ đảm bảo cho khám chữa bệnh trong 3 tuần sau Tết
Kiểm tra các đơn vị máu chuẩn bị đưa vào kho lạnh bảo quản. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN) |
Theo tiến sỹ Bạch Quốc Khánh, lượng máu này giúp đảm bảo cho hoạt động khám chữa bệnh ít nhất ba tuần sau Tết Nguyên đán. Trước đó, Viện đặt chỉ tiêu tiếp nhận 25.000 đơn vị máu đã rất khó, nhưng nhờ sự vào cuộc của cộng đồng, hàng nghìn người tham gia hiến máu, chỉ riêng tháng 1/2018, Viện đã tiếp nhận 38.000 đơn vị máu.
Trước đó, vào đầu tháng 1/2018, lượng máu lưu trữ tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương rất ít, có thời điểm như ngày 5/1/2018, lượng máu dự trữ chỉ còn 6.018 đơn vị, trong đó đặc biệt nhóm máu O chỉ còn 1.010 đơn vị (16,8% tổng lượng máu dự trữ), nhóm máu A còn 1.279 đơn vị (chiếm 21,4 %), nhóm máu AB còn 352 đơn vị (chiếm 5,8%); riêng nhóm máu B khả dĩ hơn hiện còn 3.376 đơn vị máu (chiếm 56%).
Trong khi đó, trung bình mỗi ngày, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cần tối thiểu 1.500 đơn vị máu để cung cấp cho nhu cầu cấp cứu và điều trị tại 180 bệnh viện ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Riêng nhóm máu O cần tối thiểu 45% tổng lượng máu, tương đương gần 700 đơn vị máu mỗi ngày. Như vậy, nhóm máu O sẽ chỉ đảm bảo cung cấp không đủ trong hai ngày.
Trước thực trạng này, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã kêu gọi các cơ quan, tổ chức và nhất là những người nhóm máu O nếu đủ điều kiện sức khỏe hãy tham gia hiến máu. Hưởng ứng lời kêu gọi của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, nhiều người đã đến Viện hiến máu tình nguyện, nhờ đó lượng máu lưu trữ của Viện tăng dần.
Tiến sỹ Bạch Quốc Khánh chia sẻ sau Tết thường là thời điểm thiếu máu căng thẳng nhất. Cũng vì thế, ngày hội hiến máu Lễ hội Xuân hồng (khắc phục tình trạng thiếu máu sau Tết mỗi năm) năm 2018 sẽ kéo dài trong một tuần, bắt đầu từ ngày 10/3, thay vì 1-2 ngày như các năm trước. Mỗi ngày dự kiến tiếp nhận 1.000-2.000 đơn vị máu.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.