Mẹ đi làm mướn, bòn 2 nghìn tiền lẻ ghép sọ nhân tạo cho con
Chị Trần Thị Kim Trinh và anh Trương Phú Hải, thôn Bình Long, xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận có hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
Bé Phú Thiện, con trai anh chị ra đời năm 2016, khoẻ mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác. Tai hoạ bất ngờ ập đến gia đình, năm 2018, một người họ hàng ẵm bé đi chơi không may làm con rơi trên xe tải xuống đất, bị chấn thương sọ não.
Khi đưa Phú Thiện vào Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM chữa trị, anh chị không đủ tiền, phải vay mượn và nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. 2 tuổi, cậu bé đã phải trải qua ca đại phẫu tháo hộp sọ đi nuôi cấy, lấy máu tụ trong não. Nhớ lại những ngày chờ đợi tin con, chị Trinh vẫn còn cảm thấy đau xót. 6 tháng sau, khi bác sĩ tiến hành ca ghép sọ, đáng tiếc lúc này con bị khuyết sọ thái dương đỉnh phải. Sau quá trình theo dõi, bác sĩ nhận định tính mạng của con không bị ảnh hưởng, nhưng phải đợi đến khi Phú Thiện 6-7 tuổi, con mới có thể ghép sọ nhân tạo.
Chị Trinh cho biết, sau phẫu thuật, mắt của con cứ mờ dần, không nhìn thấy rõ. Vài năm gần đây, Phú Thiện mắc thêm chứng bệnh động kinh, thỉnh thoảng con lại lên cơn co giật, thường xuyên la khóc. Cứ mỗi tháng, chị Trinh phải ẵm con vào TP.HCM để tái khám và mua thuốc. Tuy nhiên, từ tháng 5 năm ngoái, khi dịch bệnh bùng phát tại TP.HCM đến tận bây giờ, vợ chồng chị chẳng còn đủ khả năng để đưa con đi tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
Hơn 3 năm ròng rã chạy chữa cho con, anh chị đã sức cùng lực kiệt. Hồi mới gặp tai nạn, người họ hàng gây ra chuyện cũng hỗ trợ một phần, anh em mỗi người cho con vài chục hoặc vài trăm rồi thôi, ai lo phận nấy.
Vợ chồng chị Trinh bấy lâu nay phải ở nhờ bên ngoại, không có phương tiện canh tác. Trước đây, chị bán nước mía, bán rau củ quả ngoài chợ. Còn chồng chị đi làm thuê, ai mượn gì cũng làm, từ bốc vác, cắt cỏ, làm than…
Từ ngày con gặp nạn, chị Trinh phải chăm sóc con. Những ngày rảnh, chị mua me bán mỗi ký chỉ lãi được 2 ngàn đồng nhưng nhiều khi vẫn ế chỏng chơ. Hết mùa me, chị kiếm công việc dọn dẹp nhà cửa. Lau dọn 1 căn nhà chị được trả công 10 ngàn. Tháng nào vợ chồng chị đều việc thì kiếm được khoảng 6-7 triệu, nhưng cũng có tháng chỉ có 2-3 triệu đồng, thu nhập hết sức bấp bênh.
Tích óp, dành dụm cả năm trời mới đủ một đợt tái khám cho con. Nhưng dịch bệnh hoành hành, công việc không ổn định, chị cũng chẳng vay mượn được ai để đưa con đi khám. Nghĩ đến lịch hẹn ghép sọ nhân tạo cho con, người mẹ nghèo buông thõng đôi vai vì bất lực.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.