Mời thầu với nhãn hiệu cụ thể hoặc tương đương: Lựa chọn nhà thầu liệu có khách quan?
Nghị định 63/2014/NĐ của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của Bộ KH&ĐT hướng dẫn về mua sắm hàng hoá quy định hồ sơ mời thầu: “Không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu nhằm tạo lợi thế cho một, hoặc một số nhà thầu gây ra sự canh tranh không bình đẳng như nêu nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử”.
Vừa qua, Tạp chí điện tử Hòa Nhập nhận được đơn của bạn đọc phản ánh thắc mắc về một số gói thầu tại Sở Y tế Đà Nẵng và cho rằng có dấu hiệu đưa tiêu chí hạn chế nhà thầu, dẫn đến kết quả dự thầu thiếu cạnh tranh.
Theo đơn, ngày 2/11/2021, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng ký Quyết định số 1146/QĐ-SYT “Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu số 3, 12, 13, 17, 24, 25 thuộc dự án mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao cho các đơn vị trực thuộc Sở Y tế năm 2021 – 2023” với tổng giá trị 105.445.437.840 đồng. Trong đó, gói số 24 và 25 đều Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CODUPHA trúng thầu với sản phẩm do hãng SIFI S.p.A của Ý sản xuất. Sản phẩm trúng thầu gói số 24 có tên thương mại là Thủy tinh thể nhân tạo MINI WELL READY; ký mã hiệu Z7560CZ; số lượng 460 cái; đơn giá 21.500.000 đồng; thành tiền 9.890.000.000 đồng. Sản phẩm trúng thầu gói số 25 có tên thương mại là thủy Tinh thể nhân tạo Mini 4 Ready; ký mã hiệu S7560CZ; số lượng 4.070 cái; đơn giá 3.800.000 đồng; thành tiền 15.466.000.000 đồng.
Ảnh minh họa
Trong hồ sơ mời thầu gói số 24 ghi tên sản phẩm là loại kính đa tiêu cự, gói số 25 ghi loại kính đơn tiêu, nhưng cả hai gói lại đưa ra những thông số giống hệt nhau về sản phẩm của một hãng SIFI S.p.A - Ý, cài tiêu chí chỉ một hãng này có. Như vậy là vi phạm khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Cũng theo phản ánh, trong hồ sơ mời thầu gói 24 ghi sản phẩm có “Đặc tính, thông số kỹ thuật (hoặc tương đương): Thủy tinh thể nhân tạo mềm đa tiêu cự công nghệ EDOF”. Như vậy, trong hồ sơ mời thầu ghi sản phẩm kính đa tiêu cự, nhưng ghi theo công nghệ EDOF là một sự mập mờ, bởi EDOF là một loại kính đơn tiêu chứ không phải đa tiêu. Trên thị trường giá kính EDOF khoảng 7-9 triệu/cái, trong khi kính đa tiêu cự được xét trúng thầu có giá đến 21.500.000 đồng/cái. Như vậy có dấu hiệu mập mờ hay không?
Một điểm lạ nữa trong hồ sơ mời thầu gói thầu số 24 ghi chi tiết đặc tính, thông số kỹ thuật là: “Chất liệu: Copolymer (được tạo ra Hydrophilic – Hydrophobic copolymer cấu tạo gồm 2-HEMA (2-hydroxyethyl Methacrylate) và EOEMA (2-ethyloxyethyl methacrylate) với 1 phân tử chromophore)”. Nhưng sản phẩm được xét trúng thầu với tên thương mại MINI WELL READY, ký mã hiệu Z7560CZ như công bố, là loại kính trong suốt không có chromophore. “Loại kính đa tiêu cự theo đặc tính, thông số kỹ thuật ghi trong hồ sơ mời thầu phải là loại kính có mã số màu vàng, tên thương mại là MINI 4 YELLOW READY”, bạn đọc phản ánh.
Giá trúng thầu cho sản phẩm gói 25 cũng khá cao so với sản phẩm với các thông số kỹ thuật tương tự như của gói thầu trúng thầu tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang với đơn giá 3.800.000 đồng; trong khi sản phẩm khác có cùng chất liệu Copolymer nhưng không ghi chi tiết của một hãng sản xuất thì bị đánh rớt mặc dù đơn giá chỉ 3.000.000 đồng. Việc đưa tiêu chí giống kiểu chỉ định thầu làm đơn giá đắt thêm 800.000 đồng, với số lượng 4.070 cái là số tiền lớn. Bạn đọc đề nghị Sở Y tế Đà Nẵng các cơ quan quản lý đấu thầu làm rõ.
Tương tự, hồ sơ mời thầu của các Bệnh viện Đa khoa các tỉnh Bạc Liêu, Kon Tum, Bình Định cũng từng gây khó hiểu.
Theo phản ánh, Bệnh viên Đa khoa tỉnh Bạc Liêu đưa ra, nhiều sản phẩm trong danh mục đấu thầu được nêu nhãn hiệu cụ thể do doanh nghiệp của một quốc gia sản xuất.
Đơn cử, Thủy tinh thể nhân tạo mềm một mảnh CT Asphina 404 của hãng Carl Zeiss Meditec-Đức. Thủy tinh thể nhân tạo SDHB của hãng Sidapharm-HiLạp. Thủy tinh thể mềm HOYA Isert 151 của hãng Hoya Medical-Singapore. Thủy tinh thể nhân tạo mềm một mảnh 1stQ Basis Z Hydrophilic Acrylic của hãng 1stQ GmbH- Đức. Thủy tinh thể nhân tạo PreciSAL- 302A của hãng Millennium Biomedical Inc-Mỹ.
Tiếp đến, sản phẩm CT Asphina 404 của hãng Carl Zeiss Meditec-Đức, tiêu chuẩn kỹ thuật được nêu: Công nghệ MICS; Chỉ số Abbe 58; Hằng số A 118,3; Độ sâu tiền phòng ACD 5,14. Theo một số ý kiến: MICS là chữ viết tắt của tiếng Anh. Còn hằng số A 118,3; Độ sâu tiền phòng ACD 5,14 không phải là tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm Thủy tinh thể nhân tạo, bởi vì mỗi một sản phẩm có một hằng số riêng của một hãng, cũng như độ sâu tiền phòng ACD không liên quan gì đến chất lượng sản phẩm.
Trong khi đó, hồ sơ mời thầu mua vật tư y tế tiêu hao năm 2021 ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, phát hành ngày 13/8/2021 với “Danh mục hàng hóa” lại chỉ nêu tên các loại mặt hàng và số lượng chứ không thấy tiêu chuẩn nào. Đơn cử: EXTENSION LINE, TYPE: HEIDELBERGER 75CM, 500 cái. EXTENSION LINE, TYPE: HEIDELBERGER 30CM, 500 cái. EXTENSION LINE, TYPE: HEIDELBERGER 75CM, 500 cái. Introcan Safety - W Fep 24G 0,7 x 19 mm (Kim luồn ven số 24), 10.000 cây. Kẹp rốn sơ sinh tiệt trùng, 20.000 cái. Khăn trải chống thấm 40x60cm chưa tiệt trùng, 1.500 cái. Khẩu trang 3 lớp tiệt trùng, 300.000 cái…. Chỉ nêu tên riêng của sản phẩm, hoàn toàn không có tiêu chuẩn kỹ thuật của hàng hóa thì căn cứ vào đâu để đánh giá khi xét thầu?
Hồ sơ mời thầu mua sắm thủy tinh thể nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định phát hành ngày 31/5/2021, do Giám đốc Nguyễn Hoàng Cường ký tuy không yêu cầu tên hãng sản xuất như của Bạc Liêu nhưng cũng có những chỉ số tiêu chuẩn như: A-Constant: 118.6. ACD: 5.32,... tương tự như trên. Vậy những chỉ số được các bệnh viện đưa ra là tiêu chuẩn chất lượng hay là những chỉ số ký hiệu riêng của hãng sản xuất?
Điều 89 Luật Đấu thầu cấm các hành vi không bảo đảm công bằng, minh bạch: “Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế”.
Chỉ thị số 47/2017/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát tại các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp kịp thời phát hiện, chấn chỉnh ngay những tồn tại. Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, phóng viên không trực tiếp đến gặp các chủ đầu tư. Tuy nhiên qua điện thoại, có GĐ Bệnh viện đã tiếp nhận thông tin phản ánh.
Sau khi xem xét hồ sơ, căn cứ theo các quy định của Luật Báo chí số: 103/2016/QH13 ngày 5/4/2016 và Nghị định số: 09/2017/NĐCP ngày 9/12/2017 của Chính Phủ quy định chi tiết về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước, Tạp chí Hòa Nhập đã gửi Công văn số 100/CV/2001-ĐTH cho Sở Y tế Đà Nẵng xem xét và đề nghị thông tin phản hồi để Tòa soạn trả lời bạn đọc.
Nếu thắc mắc của độc giả đúng là có hồ sơ mời thầu như vậy thì điều đó là đúng hay sai? Đối với thắc mắc của độc giả và nhà thầu, xin mời bạn đọc, chuyên gia về lĩnh vực đấu thầu, y tế cùng phân tích đánh giá. Qua đó cũng kính đề nghị các bệnh viện, chủ đầu tư có phản hồi, giải thích giúp độc giả.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.