Một quyết định tính pháp lý thì ít, tính áp đặt thì nhiều..!
Đây là một vụ việc có giá trị tài sản không lớn, nhưng lại kéo dài qua nhiều năm (từ năm 2008), liên quan tới 2 địa giới hành chính (Mộc Châu – Sơn La và Phú Xuyên – Hà Nội), người đứng đơn lại là người khuyết tật, gia đình thuộc hộ cận nghèo. Chính vì thế Tòa soạn đã cử PV về tận nơi gặp gia đình người đứng đơn và làm việc với chính quyền xã Phúc Tiến để thu thập thêm thông tin ngoài hồ sơ tài liệu do ông Nhan cung cấp.
Hồ sơ của ông Đào Văn Nhan gửi Tòa soạn |
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, đi thực tế, có thể tóm tắt vụ việc này như sau:
Khoảng 6h ngày 9/4/2008 Kiều Thị Ngản, sinh năm 1963 (sinh trú quán: thôn Phúc Lâm, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội; Tạm trú: Bản Suối Ba, xã Hua Păng, huyện Mộc Châu, Sơn La) cùng 7 người làm thuê đi làm nương cho gia đình Ngản, khi đến gần nương của gia đình Đào văn Nghĩa và Nguyễn Thị Dư (Đào Văn Nghĩa là em trai Đào Văn Nhan; Dư là vợ Nghĩa) thì Dư chạy ra cản đường không cho Ngản và những người làm thuê đi qua đất của gia đình Dư. Dư và Ngản cãi nhau, Ngản vẫn tiếp tục đi thì Dư nhảy vào túm cổ áo Ngản thế là 2 bên xô xát… Vụ ẩu đả này đã dẫn đến cảnh “Huynh đệ tương tàn”. Nhan dùng dao cứa vào đầu Dư gây chảy máu và dùng gậy đập vào đầu Dư. Dư dùng gậy vụt vào tay Nhan gây thương tích. Rồi Dư lại dùng gậy đánh vào đầu gây thương tích Ngản. Ngản dùng cuốc bổ một nhát vào đầu Nghĩa… Nghĩa, Nhan, Dư, Ngản đều được đưa vào viện cấp cứu, điều trị, sau khi ra viện đều được giám định: Nguyễn Thị Dư bị thương tích tỷ lệ 4%, Kiểu Thị Ngản và Đào Văn Nhan đều có tỷ lệ thương tích 2%, Đáo Văn Nghĩa tỷ lệ thương tích 65%.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 78/2008/HSST ngày 16/12/2008 của TAND huyện Mộc Châu đã quyết định: Bị cáo Kiều Thị Ngản phạm tội gây thượng tích. Xử phạt Kiều Thị Ngản 5 năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 22/8/2008. Và buộc bị cáo Ngản phải bồi thường cho bị hại tổng số tiền là 33.151.000đ.
Sau đó, bị cáo Ngản và bị hại Nghĩa đều kháng cáo. Ngày 19/1/2009, TAND tỉnh Sơn La đã đưa vụ án này ra xét xử phúc thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, TAND tỉnh Sơn La đã xử phạt bị cáo Kiểu Thị Ngản 3 năm tù và buộc bị cáo phải bồi thường cho anh Đào Văn Nghĩa với tổng số tiền là 38.151.000đ.
Ngày 10/3/2014, Chi cục Thi hành án Dân sự (THADS) huyện Phú Xuyên nhận được quyết định ủy thác số 19/QĐ-CCTHA ngày 04/3/2014 của Chi cục THADS huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La ủy thác cho Chi cục THADS huyện Phú Xuyên tổ chức thi hành bản án số 25/2009/HSPT ngày 19/1/2009 của TAND tỉnh Sơn La và Bản án số 78/2008/HSST ngày 16/12/2008 của TAND huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Sau đó, ngày 12/3/2014 Chi cục THADS huyện Phú Xuyên ra Quyết định thi hành án số 152/QĐ-CCTHA để thi hành bản án trên (Sau đây gọi tắt là QĐ 152).
Và bắt đầu từ đây, cuộc chiến “giấy tờ” nổ ra, giữa một bên là ông Nhan/bà Ngản và bên kia là Chi cục THADS huyện Phú Xuyên. Bà Ngản thì nói bà không có điều kiện thi hành án nên chưa có thể đền bù được. Ông Nhan thì liên tục làm đơn khiếu nại cho rằng ông và bà Ngản không có tài sản chung, nên không thể lấy đất của ông để giao cho ông Đào Văn Nghĩa được vì ông và bà Ngản chưa bao giờ đăng ký kết hôn với nhau. Còn Chi cục THADS huyện Phú Xuyên thì luôn luôn xác định mình giải quyết hoàn toàn đúng các quy định của Pháp luật…
Nhân đây, tôi cũng điểm qua một số quyết định quan trọng mà Chi cục THADS huyện Phú Xuyên đã ban hành.
Căn cứ QĐ 152 và căn cứ kết quả bán đấu giá tài sản của Công ty Cổ phần bán đấu giá Việt Nam, ngày 7/3/2017, Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Phú Xuyên Vũ Bích Thủy đã ký Quyết định số 05/QĐ-CCTHADS Về việc giao tài sản cho người được thi hành án.
Căn cứ QĐ 152, và “Xét thấy bà Kiều Thị Ngản có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành án”, nên ngày 8/3/2017 Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Phú Xuyên Vũ Bích Thủy lại ký Quyết định số 11/QĐ-CCTHADS Về việc cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất.
Tại QĐ số 11 có ghi: “Điều 1: Cưỡng chế thi hành án đối với: bà Kiều Thị Ngản địa chỉ: thôn Phúc Lâm, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Chuyển giao quyền sử dụng đất cho: ông Đào Văn Nghĩa địa chỉ: thôn Phúc Lâm, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội
Quyền sử dụng đất gồm: Quyền sử dụng đất, diện tích 60m2 nằm trong diện tích đất 248,5m2 tại thửa đất số 275, tờ bản đồ số 07 mang tên Đào Văn Nhan tại thôn Phúc Lâm, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội và tài sản gắn liền với đất kê biên”.
Tới đây, bạn đọc có quyền nghi ngờ về động cơ “trong sáng” trong việc thực thi công vụ của Chấp hành viên Vũ Thị Thủy. Ngày 7/3/2017 ký QĐ 05 Về việc giao tài sản cho người được thi hành án. Và ngày 8/3/2017 đã vội vàng ký QĐ 11 Về việc cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất.
Và chính động cơ “trong sáng” đó của Chấp hành viên Vũ Thị Thủy, mà ngày 18/4/2017 Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Phú Xuyên Phạm Phúc Thịnh lại phải ký tiếp Quyết định số 308/QĐ-CCTHA Giải quyết khiếu nại của ông Đào Văn Nhan (sau đây gọi tắt là QĐ 308).
Đi vào phân tích QĐ 308 mới thấy tính pháp lý của quyết định này thì ít, còn tính áp đặt thì nhiều.
Tại trang 2, dòng thứ 7 QĐ 308 tính từ dưới lên có đoạn viết: “Căn cứ theo quy định tại Điều 80 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 và Điều 74 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Phú Xuyên đã ra thông báo số 323/TB- CCTHA ngày 12/8/2014 về việc xác định phần sở hữu tài sản chung vợ chồng để làm cơ sở tiến hành việc cưỡng chế”.
Trong khi đó Điều 80 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 lại quy định: “Điều 80. Cha mẹ giám hộ cho con: Trong trường hợp cha mẹ cùng giám hộ cho con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì họ đều phải thực hiện quyền và nghĩa vụ của người giám hộ. Cha, mẹ thoả thuận với nhau về việc đại diện theo pháp luật cho con trong các giao dịch dân sự vì lợi ích của con”.
Với quy định như trên thì làm sao Chấp hành viên Vũ Thị Thủy Chi cục THADS huyện Phú Xuyên có thể làm cơ sở xác định phần sở hữu tài sản chung vợ chồng để làm cơ sở tiến hành việc cưỡng chế được.
Trưởng ban Bạn đọc Tạp chí điện tử Hòa nhập làm việc với các thành viên trong gia đình ông Đào Văn Nhan |
Đáng ra, để làm căn cứ xác định phần sở hữu tài sản chung vợ chồng để làm cơ sở tiến hành việc cưỡng chế được thì Chấp hành viên phải áp dụng khoản 1, Điều 11 (Đăng ký kết hôn) và khoản 2, Điều 27 (Tài sản chung của vợ chồng) Luật Hôn nhân gia đình năm 2000.
Cụ thể, khoản 1, Điều 11 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 quy định: “Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng”.
Và khoản 2, Điều 27 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 quy định: “Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng”.
Với những chứng cứ pháp lý trên, có thể khẳng định trong vụ việc này, ông Nhan và bà Ngản không có tài sản chung. Bởi lẽ, họ chưa bao giờ là vợ chồng hợp pháp, cho dù họ đã có với nhau 4 người con. Với lại “Năm 2002 UBND xã Phúc Tiến khai đo đạc lập bản đồ địa chính tờ bản đồ số 07, thửa đất số 275, diện tích 248,5 m2 ở thôn Phúc Lâm, xã Phúc Tiến (tờ bản đồ năm 2002) đứng tên chủ dử dụng đất là ông Đào Văn Nhan” (trích trang 2, QĐ 308).
Mặc dù pháp luật và thực tế đã phản ánh rõ, ông Nhan và bà Ngản không phải vợ chồng; quyền sử dụng đất là của ông Nhan, song Chi cục THADS huyện Phú Xuyên và các cơ quan ban ngành địa phương vẫn cố tình ra những văn bản cố ép ông Nhan cắt 60m2 đất thuộc quyền sử dụng đất của mình để trả cho ông Đào Văn Nghĩa.
Chính vì, những bất hợp lý trên mà việc thi hành án này đã kéo dài gần 5 năm (tính từ ngày Chi cục THADS huyện Phú Xuyên nhận được quyết định ủy thác của Chi cục THADS huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) mà vẫn chưa tới hồi kết, gây tốn bao công sức của các ban ngành tham gia vào vụ việc này, làm khổ các gia đình có liên đới, nhất là gia đình ông Đàm Văn Nhan. Quan trọng hơn là làm mất niềm tin của nhân dân vào các cơ quan thực thi pháp luật (cụ thể là Chi cục THADS huyện Phú Xuyên) và chính quyền xã Phúc Tiến. Đã đến lúc Cục Thi hành án TP. Hà Nội cần vào cuộc giải quyết dứt điểm vụ việc này để lập lại kỷ cương trong việc thi hành án dân sự tại Hà Nội nói chung và huyện Phú Xuyên nói riêng, lấy lại niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan thực thi pháp luật của Nhà nước./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.