"Một thuở thanh xuân” của nhà báo Trường Phước bên bè bạn…

2021-01-06 07:39:38 0 Bình luận
Nhiều khán giả truyền hình vẫn chưa quên cố nhà báo Trường Phước – gương mặt bình luận thời sự một thời của Đài Truyền hình Việt Nam, với những phân tích sắc sảo, gây ấn tượng về các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước.

Mọi người cũng biết ông là người đầu tiên có ý tưởng về ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10). Tuy nhiên ít người biết rằng, ông cũng gửi những “tiếng lòng” của mình trong nhiều bài thơ của mình. Một phần trong số đó vừa được “hé lộ” trong một tập thơ chung của ông và 2 người bạn văn chương... 

Thơ của “hai người quen”... và của một người “chưa quen”, nhưng đều đáng yêu...

thơ,nhà báo
“Một thuở thanh xuân” của nhà báo Trường Phước bên bè bạn…

Lập thu năm nay, Huyền Dung, đồng nghiệp ở CP 90 và là vợ của Trường Phước (1948-2004) tặng tôi tập thơ “đặc biệt” có nhan đề “Một thuở thanh xuân”. Nó “đặc biệt” là vì đây là một tập thơ của ba người viết trong tuổi thanh niên, và quen nhau vì hai cuốn sổ tay văn học của chàng sinh viên Nguyễn Trường Phước.

Chính Châu La Việt là người có sáng kiến làm tập thơ này. Trong lời mở đầu tập thơ, Châu La Việt kể rằng năm 1969, vừa học hết cấp III, anh tình nguyện đi Bộ đội. Trường Phước lúc ấy đang là sinh viên khoa Văn, tăng anh hai cuốn “sổ tay Văn học” - một hình thức ghi chép mà học sinh và sinh viên yêu môn Văn thường dùng. Hai cuốn sổ tay ấy theo anh vào chiến trường và được anh tặng lại cho một người thủ trưởng cũng có máu văn chương.

Đất nước hết chiến tranh, gặp lại thủ trưởng cũ, mới biết hai cuốn sổ tay văn học ấy được truyền cho chiến sĩ pháo 37 ly Lê Hoài Nguyên chiến đấu ở Lào.

Trong lời dẫn, Châu La Việt không nói thêm về việc sau này bộ ba Phước – Nguyên – Việt sống với nhau thế nào. Nhưng với việc có một tập thơ in chung (phần thơ của Trường Phước do vợ Trường Phước cũng là một nhà báo cung cấp) có lẽ cũng đã nói lên tất cả.

Hai người bạn - tác giả Lê Hoài Nguyên và Châu La Việt

Tôi biết Thái Kế Toại qua một người bạn cùng khoá 14 Phạm Hải Triều, đi lính cùng thời với Toại (lứa sinh viên 69-71) sau về học cùng khóa 18 với Toại. Lúc đó Toại (Lê Hoài Nguyên) đang sống ở Ngõ Trạm (gần chợ Hàng Da), Hà Nội.

Toại là người kể chuyện có duyên và có lẽ cái duyên kể chuyện của anh giúp anh rất nhiều trong công việc sau này, khi anh làm ở A25 Bộ Công an rồi chuyển sang làm Điện ảnh Công an.

Tôi không thân với Toại bằng Hải Triều. Nhưng có lẽ cả hai đều quý trọng nhau vì có nhiều điểm chung. Trong lời tự bạch, Lê Hoài Nguyên (Thái Kế Toại) nói rằng những vần thơ đời lính sinh viên được viết trong “phần đời đẹp nhất của chúng tôi”.

Tôi tin như vậy.

Hai mươi tám bài thơ của Lê Hoài Nguyên in trong tập này không phải bài nào tôi cũng thích. Nhưng phải nói bài nào cũng chân thật, tin yêu… trong sáng.

Tôi thích bài thơ “Viên đạn” (pháo cao xạ) của anh vì cái kết bất ngờ của nó: 

...Cái cuối cùng

Cái cuối cùng viên đạn của ta

Ta góp cho đời một chiếc lọ hoa...

Tôi đọc rất kỹ bài thơ Châu La Việt viết về Người Mẹ của mình. Và đọc khá kỹ những bài thơ anh viết về đời lính, không chỉ sục sôi vì cái nghĩa lớn của dân tộc, mà còn vì một nỗi niềm riêng... Nhưng chỉ xin trích ra đây một bài thơ thoạt nghe rất lãng mạn “Hoa sữa mùa thu” viết trong một ngày người lính tình nguyện quân rừng Lào bất chợt gặp hoa sữa mùa thu Hà Nội. Và nhớ người bạn đã hy sinh khôn nguôi:..

…Bỗng hôm nay nghe tin bạn đã khuất

Qua trận địa tay cầm từng nắm đất

Ngỡ hòn đất này vừa chôn cất bạn xong…

…Hòn đất này chẳng gì thể nặng hơn

Tôi đắp vào công sự

Như có bạn vẫn chiến đấu cùng

Như khẩu độị bạn vẫn đang đứng đó…


“Tiếng lòng” thời thanh xuân của nhà báo Trường Phước

Mở đầu phần thơ của Nguyễn Trường Phước là bài thơ mang tên một loài hoa rất bình dị: Vạn Thọ.

…Tôi lơ đãng 30 năm

Mới quay về vùng đất gần trăm cây số

Để sống lại một ngày bỡ ngỡ

Náo nức bàn chân lên giảng đường…

Là người nhiều tuổi hơn cả trong ba tác giả thơ, Trường Phước có vẻ như đủ tư cách thay mặt bạn mình, cảm ơn những “giảng đường lớn” của cuộc đời đã dạy họ thành Người.

thơ,nhà báo
“Một thuở thanh xuân” của nhà báo Trường Phước 

Là người thích thơ Mai-a-cop-xki, lại có thời gian tu nghiệp ở Đức, con giai của một người tinh thâm Hán học, Trường Phước là một nhà báo bộc trực, thẳng thắn nhưng cũng uyển chuyển.

Tôi thật sự biết anh từ đám cưới của anh với Huyền Dung (thật may đợt ấy tôi nghỉ phép từ Nam ra Hà Nội). Sau này nhiều dịp gặp nhau, trong đó có việc tôi cùng anh phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân kỷ niệm lần thứ 35 chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tại 30 Hoàng Diệu Hà Nội.

Tôi có một người anh rể, kỹ sư Trần Tuấn Thanh (ĐH Bách Khoa HN) làm chủ nhiệm một đề tài khoa học cấp Nhà nước 52/01 “Chế tạo bộ đôi vòi phun bơm cao áp xe IFA W50”. Trong một cuộc hội thảo khoa học của đề tài ở Hà Nam Ninh, tôi giới thiệu Trường Phước với anh và gợi ý: anh nên để Trường Phước là một trong những người chủ trì hội thảo. Và Trường Phước đã “làm tròn vai trò” của mình. Từ đó, hai người thân nhau.

Tôi trọng Trường Phước về nghề nghiệp nhưng không nghĩ anh hay làm thơ và có nhiều bài thơ hay in trong tập thơ này. Chỉ xin trích ra đây môt đoạn trong bài thơ “Quả thị cùng với cô Tấm của anh” (viết ngày 5/6/1970):

…Uống nữa Tấm ơi nắng đậm nắng hanh

Sao em khóc mắt anh nhoà theo đấy

Em thử hát cái khúc nào vui ấy

Ướp hương thị vàng thơm bay, thơm bay…

Một lần, ở Cần Thơ, tôi tá túc trong một dãy nhà cấp 4 (số 1 Hai Bà Trưng) cạnh phà sang Xóm Chài (bên kia sông Cần Thơ). Tôi đang nghêu ngao hát: “Em đi mau kẻo lỡ chuyến phà đêm qua bến bắc Cần Thơ…” thì Trường Phước đến, mời tôi hôm sau dự một hội thảo do VTV tổ chức. Tôi đến dự và khi nghe Trường Phước phát biểu xong thì ra về. Sau Trường Phước trách không ở lại “dự bữa cơm thân mật”… Tôi nói nửa đùa nửa thật: “Tôi đến để nghe Ông phát biểu là chính, còn việc phản ánh hội thảo thì ‘quân’ của tôi làm là được”…

Hôm nay đọc lại những bài thơ Trường Phước viết, mới thấy thêm một “hồn thơ” Văn khoa. Không phải ngẫu nhiên mà người biên tập thơ lại chọn bài thơ “Vạn thọ” để mở đầu phần thơ của Trường Phước trong tập thơ này. Đây là bài thơ Trường Phước viết ngày 29/5/2000 khi trở lại Tràng Dương, Đại Từ, Thái Nguyên, nơi khoa Văn Đại học Tổng họp Hà Nội sơ tán những năm chống Mỹ. Anh tự trách mình:

…Tôi lơ đãng 30 năm

Mới quay về vùng đất gần trăm cây số

Để sống lại một ngày bỡ ngỡ

Náo nức bàn chân lên giảng đường…

Một dòng hồi tưởng thật hay:

…Bờ suối chiều nào tôi thơ thẩn

Mong người bên kia núi mắt đen

Cơn gió lạ qua tim

Nhớ ít tưởng nhiều

Loà nhoà câu thơ non dại…

Có vẻ như với “nàng thơ”, Trường Phước lúc nào cũng non dại. Dấu chân người phóng viên truyền hình đi khắp “năm châu bốn bể”, đi đến đâu anh cũng làm thơ. Hết “Mơ xưa Ấn Độ” lại đến “Một thoáng thảo nguyên”, “Những cây thông Xibir”, “Một ghi chép Mạc Tư Khoa”… Nhưng dù đi đâu, Trường Phước cũng tự hào về quê hương mình, Tổ quốc Việt Nam của mình:

...Chao, cái vùng xa xôi

Một thoáng gặp in lòng ta vết bỏng

Tình yêu cay đắng, tin tưởng

Cao thiêng như là Quê hương

(bài thơ “Một thoáng thảo nguyên”)

Và một câu kết với lối so sánh hơi lạ:

…Tôi là con sơn ca nâu, tôi sinh từ mẹ

Đất bay đi đâu cũng là Đất vô cùng.

Thơ là “tiếng lòng”. Con sơn ca nâu Trường Phước có khá nhiều bài thơ “Không đề”. Dường như những bài thơ ấy Trường Phước muốn gửi gắm những suy tư, trăn trở của mình về cuộc đời.Và bạn nào muốn tìm hiểu kỹ, xin hãy tìm đọc. Chỉ xin trích sau đây một đoạn kết trong bài thờ “Không đề 4” có vẻ như rất đúng với tính cách trong đời thường của Trường Phước:

…Long lanh tình yêu, long lanh nỗi buồn,

Long lanh cả những điều tiếc nuối

Mắt người thương buông con sóng không cùng

Cuốn anh đi lẫn rụt rè bối rối

Cửa mặt trời đâu cứ mở đằng đông

Thơ là “tiếng lòng” nên Trường Phước có những câu thơ thật đằm thắm nói về Huyền Dung, cô phóng viên Đàì phát thanh Giải phóng xưa kia:

…Tôi qua sông biển mông rừng

Trong mơ người cũng đi cùng bên nhau

Tôi quen phiêu bạt con tàu

Người như bến cảng trước sau tìm về

Tôi lang thang trận gió hè

Người xanh bờ bãi chở che dịu dàng…

Dường như tôi có ưu ái hơi nhiều Trường Phước khi nói vê tập thơ in chung Nguyễn Trường Phước - Lê Hoài Nguyên - Châu La Việt…

Cũng phải thôi, nếu không có hai cuốn “sổ tay văn học” của Trường Phước…

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Triển lãm ảnh những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Bảo tàng chiến thắng B52 và Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam vừa tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Việt Nam - những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử Thế giới”.
2024-04-27 01:13:48

Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024

Tối 26/4, tại Công viên Thống Nhất, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội đã tổ chức Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024.
2024-04-26 23:56:34

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51
Đang tải...