Nên chăng cần có một cuộc chiến phòng chống tai nạn giao thông?
Vừa qua ngày 17-2, tài xế điều khiển xe Benz
mang BKS: 61C - 106.61 chở vật liệu xây dựng từ quận 12 về quận Gò Vấp, TP HCM, khi đổ dốc cầu Trường
Đai, do
tránh một
xe gắn máy chạy cắt mặt liền đạp thắng để tránh gây tai nạn nhưng không hiệu
quả. Chiếc xe Benz tiếp tục lao đi với tốc độ cao, tông vào 6 xe máy đang lưu
thông trên đường làm 7 người thương vong.
Vào khoảng 8h ngày 29/2, chiếc xe ô tô Camry BKS 29A - 8623 lưu thông trên Ái Mộ (phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) rồi bất ngờ tăng tốc đâm vào nhiều ô tô xe máy sau đó đâm vào gốc cây cạnh số nhà 35 thì dừng lại. Chỉ trong tích tắc chiếc xe ô tô Camry đã hạ gục nhiều xe máy Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, đã có 3 nạn nhân tử vong tại chỗ, một số nạn nhân khác đã được người dân đưa đi cấp cứu. Ngoài ra nhiều ô tô dừng đỗ lưu thông trên tuyến đường này cũng bị hư hại, nhiều xe máy đổ la liệt tại hiện trường.
Tiếp theo vào khoảng
20h15 phút ngày 29/2, trên quốc lộ 2, tại Km 15 thuộc khu vực xã Đạo Đức, huyện
Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, xe ô tô con mang BKS 23A - 2867 đang lưu thông trên quốc
lộ 2 theo hướng Tuyên Quang – Hà Giang đã bất ngờ xảy ra va chạm với xe ô tô
con đi ngược chiều mang BKS 23A 033.20. Vụ tai nạn đã khiến 4
người trên xe ô tô con mang BKS 23A 033.20 tử vong tại chỗ và 3 người khác trên
xe ô tô mang BKS 23A 2867 bị thương nặng.
Những vụ
TNGT kinh hoàng kể trên khiến nhiều người bị thương và tử vong cùng lúc trong
tháng 2 vừa qua. Con số về TNGT theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia
công bố còn khiến nhiều người phải giật mình: năm 2012 cả nước xảy ra 36.376 vụ
TNGT làm chết 9.838 người, bị thương hơn 38.000 người; năm 2013 có 29.385 vụ
TNGT làm chết 9.369 người, bị thương 29.500 người; năm 2014 có 25.322 vụ TNGT
làm chết 8.996 người, bị thương 24.417 người. Năm 2015, tính đến tháng 11 trên
toàn quốc đã xảy ra gần 21 nghìn vụ TNGT, làm chết gần 8.000 người và 19 nghìn
người bị thương. Chỉ riêng hai tháng đầu năm 2016 (tính từ ngày 16/12/2015 đến
15/02/2016), toàn quốc xảy ra 3.618 vụ, làm chết 1.590 người, làm bị thương
3.367 người. Những con số trên được coi là nỗi ám ảnh kinh hoàng của
TNGT.
Hiện nay, số người chết do TNGT ở nước ta mỗi năm còn cao hơn
số lượng người thiệt mạng do khủng bố, bom đạn chiến tranh tại một số quốc gia trên thế giới. Theo thống kê của Liên
Hợp Quốc cho thấy, những cuộc xung đột đẫm máu xảy ra từ tháng 4 tới ngày 21/10/2014 tại miền Đông quốc Ukraine đã khiến
khoảng 4.000 người thiệt mạng. Như vậy, trung bình số người chết vì TNGT
của nước ta cao gần gấp 2 lần số người thiệt mạng do bom đạn tại nước này (7.475
so với 4.000). Hay cuộc khủng bố tại Pháp khiến 158 người chết đã khiến
cho cả thế giới đau xót và lên án vấn đề này, thì số người chết vì chiến TNGT ở
Việt Nam lại không ai lên án!? Phải chăng, chết vì TNGT là cái
chết bình thường hay chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe những
người tham gia giao thông mà coi thường mạng sống của người khác như cỏ rác!?
Đây là
vấn đề rất nghiêm trọng đối với một đất nước hòa bình mà tỉ lệ người chết còn
cao hơn cả những đất nước chịu hậu quả từ bom đạn chiến tranh hiện nay. Vậy có cần thiết tiến hành một cuộc tuyên
chiến với TNGT? Và cuộc chiến ấy nằm chính ở ý thức người tham gia giao thông?
Chắc
chắn cần có một cuộc chiến phòng chống TNGT? Một cuộc chiến nhằm đảm bảo an
toàn tính mạng cho mỗi cá nhân trên những cung đường di chuyển hàng ngày. Đó không chỉ là sự chung tay, đồng sức,
đồng lòng của cả cộng đồng mà còn là ý thức trách nhiệm của từng người dân khi
tham gia giao thông.
Bên cạnh những biện pháp để tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông như: giáo dục an toàn giao thông được đưa vào giảng dạy trong trường học; tổ chức tuyên truyền về an toàn giao thông tại các khu dân cư; vi phạm giao thông được báo về cơ quan, trường học, địa phương nơi người vi phạm cư trú đồng thời công bố trên phương tiện thông tin đại chúng để nhắc nhở, răn đe… đó còn là ý thức của chính người cầm lái. Không điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và khi đã sử dụng rượu bia. Chạy xe đúng luật đúng làn và không chạy quá tốc độ quy định. Tránh mất tập trung vì lý do không thể chấp nhận như mải nói chuyện, nhắn tin điện thoại, nghe nhạc, đạp nhầm chân ga với chân phanh. Nếu không muốn trở thành nạn nhân, thì mỗi người cần phải xác định đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của chính mình, nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.