Ngày này 45 năm trước ở CT4/203 (Tiếp theo)

2020-04-30 19:35:33 0 Bình luận
Đêm ngày 29 tháng 4, công binh mới khắc phục xong cầu Sông Buông, toàn lữ đoàn tiếp tục hành tiến. Đội hình chiến đấu của lữ đoàn đã được chấn chỉnh lại

Dẫn đầu đội hình là Thê đội 1 - chính là tiểu đoàn xe tăng chủ lực gồm 3 đại đội 1, 3 và 4; tiếp theo là Thê đội 2 gồm tiểu đoàn 4, tiểu đoàn 5 và các lực lượng bảo đảm. Chúng tôi được lệnh bỏ qua những mục tiêu không quan trọng mà thọc sâu vào nội đô với thời gian nhanh nhất.

Chiếc 380 thương tích đầy mình được xếp vào thê đội 2. Kể cũng buồn nhưng biết làm sao được, xe chỉ còn hai tên, vũ khí lại trục trặc không đánh nhau được thì phải đi sau chứ. Thế rồi tôi cũng không biết từ lúc nào và từ đâu ra mà hơn chục ông tướng bộ binh đã chễm chệ trên xe mình.

Gần sáng 30 tháng 4 các đơn vị đi đầu đã đến Ngã ba Tam Hiệp - nơi đường 51 gặp Xa lộ Biên Hoà. Không thấy địch, chỉ thấy pháo súng từ bờ nam bắn sang. Trên cầu Đồng Nai có 3 chiếc M113 dàn hàng ngang gần hết mặt cầu. Mấy xe đi đầu lập tức nổ súng, cả 3 chiếc bốc cháy dữ dội. Chúng tôi lách qua phần đường còn lại tiếp tục tiến theo xa lộ về hướng Sài Gòn.

Vốn chỉ quen với những con đường nhỏ hẹp, lúc đầu chúng tôi hơi "choáng" vì sự rộng rãi đến thênh thang của cái gọi là "xa lộ"; nhưng thật là tuyệt vời khi được nhấn ga không hạn chế trên cả 2 làn đường vắng teo; chúng tôi cán nát dưới hai băng xích quần áo, súng ống, giày mũ nhà binh rải rác trên đường.
Qua Tăng Nhơn Phú nhiều loạt đạn từ phía Trường Võ bị Thủ Đức bắn vào sườn trái đội hình.

Mặc! Theo mệnh lệnh của trên chúng tôi tiếp tục nhấn ga lướt qua. Sau này theo tôi được biết - xe 707 của tiểu đoàn 5 đã tách ra khỏi đội hình đánh vào Trường Võ bị Thủ Đức; bọn địch trong trường phần bị diệt, phần sợ hãi tháo chạy,  nhưng xe 707 cũng đã hy sinh anh dũng ở ngay cổng trường.

Thật may là cầu Rạch Chiếc còn nguyên vẹn nên tốc độ tiến công của chúng tôi vẫn bảo đảm. Lúc đó thì chỉ biết thế là may- sau này chúng tôi mới biết để giữ cho cây cầu Rạch Chiếc được nguyên lành như vậy- hàng trăm chiến sĩ đặc công của ta đã anh dũng chiến đấu ở đó từ hôm trước và rất nhiều người trong số đó đã hy sinh.

Và thế là cầu Sài Gòn đã ở ngay trước mặt! Tuy nhiên việc vượt qua nó không hề dễ dàng. Ngay ở chân cầu những chiếc thùng phuy và bao cát được dựng lên theo hình zíc- zắc chỉ để lọt 1 thân xe qua, phía sau những vật cản đó là những chiếc xe tăng mai phục; ngoài ra lợi dụng mặt cầu cong một số xe tăng địch mai phục ở phía sau, ở vị trí này chúng vừa giấu được mình vừa quan sát và phát huy hoả lực rất thuận lợi. Vì vậy chỉ sau mấy phút giao chiến 4 xe tăng ta đã bị bắn cháy, tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ hy sinh. Ngoài xe tăng, bọn địch còn cho máy bay đến ném bom và một số tàu ở dưới sông Sài Gòn cũng bắn lên loạn xạ.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Với kinh nghiệm của những trận đánh trước - Đại đội trưởng Thận lệnh cho các xe trong đại đội lợi dụng địa hình tại chỗ tiêu diệt các xe tăng dưới chân cầu và trên cầu. Vì tại chỗ bắn lại tập trung hoả lực nên xác xuất trúng rất cao, chỉ sau mấy phút hai chiếc M48 nấp sau vật cản đã bị bắn cháy, đạn trong xe nổ dữ dội, khói lửa mù trời; bọn trên cầu thấy vậy cũng bỏ chạy luôn. Một vài xe còn quay pháo ra sông bắn tàu địch. Chớp thời cơ toàn đại đội tăng tốc độ qua cầu dẫn đầu đội hình lữ đoàn nhằm hướng Dinh Độc lập. Và như mọi người đã biết - xe 843 và xe 390 của "xê 4" chúng tôi đã húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập; đại đội trưởng Bùi Quang Thận đã thay mặt tất cả chúng tôi kéo lá cờ Giải phóng lên nóc dinh báo hiệu giờ toàn thắng của dân tộc.

Tôi lao xe vào gần bồn nước trước cửa dinh rồi nhảy tâng tâng như con nít. Tôi và Thọ ôm chặt lấy nhau trong nghẹn ngào, xúc động. Thế rồi, Thọ bỏ tôi ra chạy vào dinh. Tôi cũng định trèo lên dinh xem nhưng ông Trị- B trưởng hét: “Lái xe phải ở lại xe” nên chỉ mon men lên chỗ tiền sảnh lại quay về.

Tôi xuống chỗ bồn nước rửa mặt và thất kinh vì nhìn thấy bộ dạng bẩn thỉu, rách rưới của mình. Giữa rất nhiều ống kính máy ảnh và ánh mắt của bà con, nam nữ thanh niên lúc này đã kéo tới ngoài hàng rào, tôi xấu hổ quá chui vào ghế lái xe ngồi, lòng tràn đầy những cảm xúc trái chiều nhau. Vui sướng, tự hào, vinh dự nhưng cũng bồi hồi, đau xót. Nhìn cái lỗ trên nóc tháp pháo và những vệt máu vẫn còn vương trên vách buồng chiến đấu và sàn xe mà càng thêm thương xót Duyệt.

Cúi nhìn đồng hồ công-tơ-mét thấy con số 3.100 km, trong đầu tôi chợt hình dung đến cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân ta như một cuộc trường chinh mà đây chính là “cây số cuối cùng”. Một tứ thơ vụt hiện trong đầu tôi. Tôi vội lấy cuốn sổ đã bị chém bởi vết đạn hôm 28.4 ra ghi vội: Khi chiếc xe tăng dừng trước dinh Độc Lập/ Ta ngỡ ngàng - Đây thật hay mơ?/ Cây số cuối cùng - Cuộc trường chinh dằng dặc/

Đến rồi chăng? Hai mắt bỗng dưng nhòa. Và mắt tôi nhòa đi thật.

                                   14 giờ ngày 30 tháng 4, khi các đơn vị khác đang được nghỉ ngơi tận hưởng niềm vui chiến thắng thì "xê 4" chúng tôi lại được giao nhiệm vụ: "chiếm cảng Sài Gòn và khống chế mọi sự đi lại trên sông". Vừa ra khỏi cổng dinh, nhìn thấy thằng Đức - người Phả Lại cùng quê ngồi trên cái K63-85, tôi bảo nó: “Còn cái quần nào cho tao xin một cái”. Nó mở ba-lô cho tôi cái quần vải võng còn khá mới, tuy hơi chật nhưng mặc được. Đến lúc đó tôi mới dám mạnh dạn ra ngoài xe.

   CT4 đón nhận danh hiệu AHLLVT năm 2013

Rời Dinh Độc lập, chúng tôi đi về phía Cảng. Lúc này đường phố Sài Gòn đã trở nên đông vui, nhộn nhịp vô cùng; bà con đứng kín hai bên đường vẫy cờ, vẫy hoa đón mừng chúng tôi nhưng chúng tôi vẫn mải miết đi. Khi gần đến cảng- một khung cảnh hỗn độn diễn ra trước mắt chúng tôi: hàng đoàn người, cả dân, cả cảnh sát, cả lính nguỵ... cởi trần trùng trục đang khuân hàng từ trong kho cảng ùn ùn kéo ra. Biết đây là bọn hôi của lúc tranh tối tranh sáng anh em bộ binh ngồi trên xe giương súng lên trơì bắn từng loạt để dẹp, song không ăn thua, họ vẫn nhơn nhơn không sợ. Một ông già ôm một thùng rượu trong tay còn hớn hở cười tung lên xe tôi một chai rượu ngoại. Tôi cầm xem thấy trên vỏ đề chữ BEHIU gì đó và có 5 ngôi sao...

  Anh em CT4 đến thăm Chính ủy Bùi Văn Tùng

Chỉ đến khi xe 390 vào được cổng cảng và bắn một phát pháo thì tình hình mới được cải thiện. Giữa những ngôi nhà cao tầng, tiếng nổ của trọng pháo 100 ly như dữ dội hơn, tác động của súng xung kích cũng mạnh hơn thì phải nên hết thảy bọn hôi của quẳng hàng nằm rạp xuống đất rồi lẳng lặng tản đi - toàn bộ khu vực cảng yên tĩnh trở lại.

Khi tất cả các xe của đại đội đã vào bến cảng, đại đội trưởng Thận cho dàn đội hình hướng pháo ra sông và cắt cử người canh gác các kho hàng. Mấy chiếc xe tăng pháo đánh thấp gườm gườm chúc xuống lòng sông có tác dụng ngay tức khắc: chúng tôi chỉ cần khẽ vẫy tay một cái là mọi con tàu đang đi trên sông ngay lập tức tấp vào cầu cảng để chúng tôi kiểm tra. Còn mười cái kho trong cảng thì thật là hỗn độn, hàng hoá bị bọn hôi của bới lộn lung tung nhưng còn bạt ngàn, vô thiên lủng. Chúng tôi nhặt mỗi xe một ít vải để bảo dưỡng xe và một ít thực phẩm, rượu, cá mực… còn lại bỏ đấy và đóng cửa lại.

Thăm lại cảng Sài Gòn

Chiều xuống dần. Bình yên quá đỗi. Anh Thận gọi chúng tôi ra ngồi sát mép cầu cảng hóng gió và tuyên bố: "Hoà bình rồi! Giờ chúng ta ăn mừng thắng lợi!". Một chai rượu Na- pô- lê- ông được mở ra, chúng tôi chuyền tay nhau uống. Ba thùng pháo sáng thu được từ trước và dưới tàu cũng được khui ra, chúng tôi thi nhau bắn lên trời. Những chùm pháo sáng lung linh trên bầu trời Sài Gòn tím thẫm như đêm hội hoa đăng mừng chiến thắng. Chai rượu tiếp tục được chuyền tay. Khổ! Lính trẻ - vừa lớn lên là vào chiến trường đã biết bia rượu thế nào đâu, uống vào chỉ thấy nóng ran trong cổ, trong bụng nhưng thật là ngây ngất. Cái ngây ngất chắc không phải chỉ vì men rượu mà vì tất cả những gì chúng tôi cảm nhận được trong ngày hôm nay, trong 42 ngày qua (tính từ 19 tháng 3, khi CT4 rời hậu cứ A Lưới).

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và dấu ấn chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng Tư lệnh xuất chúng, người đã thấm nhuần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư duy sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân, đã đưa ra quyết định quan trọng, chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đi tới thắng lợi cuối cùng cũng chính từ bước ngoặt quan trọng này. Tài thao lược quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ.
2024-05-07 14:41:26

Hình ảnh cuộc diễu binh sống dậy ký ức 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào sáng 7/5 tại Sân vận động tỉnh Điện Biên với cuộc diễu binh khí thế ngút trời.
2024-05-07 11:42:59

Người dân đội mưa chen kín quanh SVĐ dự Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, hàng nghìn người dân đứng dưới mưa để chứng kiến lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Cơn mưa nặng hạt không làm ảnh hưởng nhuệ khí ngút trời của lực lượng diễu binh cũng như người dân Điện Biên và du khách.
2024-05-07 09:43:23

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Pháp

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh giữa ta và địch, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
2024-05-07 08:48:42

Ông cụ 75 tuổi lên Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên thăm bố dịp Kỷ niệm 70 năm

Những ngày này, Đồi A1 lịch sử ở phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, nơi từng diễn ra những trận đánh ác liệt có tính quyết định chiến dịch Điện Biên Phủ, hoa phượng đỏ thắm như máu của hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống.
2024-05-07 06:05:00

SHB là đại diện ngân hàng Việt Nam đầu tiên, duy nhất giành cú đúp giải thưởng tại DIGITAL CX AWARDS 2024

SHB giành cú đúp giải thưởng “Trải nghiệm trên nền tảng số nổi bật nhất – hạng mục Nền tảng quản lý dòng tiền” và “Áp dụng công nghệ tốt nhất cho trải nghiệm số” tại Lễ trao giải Digital CX Awards 2024.
2024-05-06 15:28:07
Đang tải...