Nghị định 65 giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch hơn
Chiều 19/9, Bộ Tài chính tổ chức họp báo giới thiệu các điểm mới cần lưu ý về Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Bộ Tài chính tổ chức họp báo giới thiệu các điểm mới cần lưu ý về Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP
Đại diện Bộ Tài chính đã nêu các nội dung mới đáng chú ý của Nghị định.
Điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán
Điều kiện phát hành trái phiếu tuân thủ quy định tại Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp. Nghị định bổ sung quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu bao gồm kết quả xếp hạng tín nhiệm theo các trường hợp và lộ trình thực hiện như quy định đối với chào bán trái phiếu ra công chúng (từ 1/1/2023); hợp đồng ký kết với đại diện người sở hữu trái phiếu trong trường hợp chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân và xác nhận của ngân hàng thương mại về việc mở tài khoản nhận tiền mua trái phiếu.
Yêu cầu trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành
Bổ sung quy định doanh nghiệp phải mua lại trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật; trước và sau khi phát hành phải có công bố thông tin về khả năng bảo đảm thanh toán, báo cáo kiểm toán tình hình tài chính và kiểm toán tình hình sử dụng vốn theo mục đích phát hành đã được công bố. Bổ sung quy định tài sản bảo đảm của trái phiếu phải được định giá và đăng ký biện pháp bảo đảm. Nội dung Chuyên trang thông tin về TPDN tại Sở GDCK sẽ bổ sung công bố một số chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp phát hành, thông tin về các doanh nghiệp không thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu, sử dụng vốn trái phiếu không đúng mục đích để nhà đầu tư và thị trường biết được thông tin của doanh nghiệp phát hành.
Nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư
Nghị định có bổ sung các quy định để tăng tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư cá nhân khi mua TPDN riêng lẻ, hạn chế tối đa nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ gian lận để mua TPDN riêng lẻ.
Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng danh mục chứng khoán phải bảo đảm danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay.
Khi mua trái phiếu, nhà đầu tư phải đọc, hiểu và ký văn bản xác nhận đã tiếp cận đầy đủ các tài liệu về trái phiếu dự kiến mua và hiểu biết pháp luật, chấp nhận rủi ro về TPDN riêng lẻ (cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp); tổ chức cung cấp thông tin và tổ chức xác nhận tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cùng ký xác nhận lên văn bản này về việc đã cung cấp đầy đủ thông tin và hồ sơ cho nhà đầu tư.
Nhà đầu tư không được phép bán hoặc cùng góp vốn đầu tư trái phiếu với nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Bổ sung quy định nhằm tăng cường tính minh bạch và tuân thủ pháp luật của các tổ chức cung cấp dịch vụ.
Đại lý phát hành là công ty chứng khoán được Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp phép hoặc ngân hàng thương mại được Ngân hàng nhà nước (NHNN) cấp phép; tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành phải xác nhận về việc doanh nghiệp phát hành đã nhận đủ tiền thu từ phát hành trái phiếu.
Nghị định quy định: Tổ chức cung cấp dịch vụ không được là người có liên quan của doanh nghiệp phát hành; trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ đã được bổ sung cụ thể, đặc biệt là trách nhiệm của tổ chức phân phối trái phiếu nếu hỗ trợ doanh nghiệp phát hành khống hoặc cung cấp thông tin sai sự thật, chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu. Trường hợp các tổ chức này vi phạm quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Bổ sung quy định để thiết lập thị trường giao dịch có tổ chức
Doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ phải lưu ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký bù trừ chứng khoán, sau đó đăng ký giao dịch tại Sở GDCK (khoản 11 Điều 1 dự thảo Nghị định). Tại phương án phát hành trái phiếu phải nêu cụ thể đối tượng nhà đầu tư mua trái phiếu, sau khi phát hành trái phiếu chỉ được giao dịch giữa các đối tượng nhà đầu tư đã công bố tại phương án phát hành.
Hoàn thiện quy định về cơ chế quản lý, giám sát
Nghị định bổ sung trách nhiệm giám sát của Sở GDCK, Tổng công ty Lưu ký bù trừ chứng khoán và trách nhiệm của UBCKNN trong việc quản lý, giám sát và thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm. Bộ Tài chính có trách nhiệm đánh giá việc thực hiện cơ chế chính sách; quản lý, giám sát tổ chức kiểm toán, doanh nghiệp thẩm định giá khi cung cấp dịch vụ liên quan đến TPDN. NHNN có trách nhiệm giám sát các tổ chức tín dụng khi cấp phép cho các tổ chức này cung cấp dịch vụ đấu thầu, đại lý phát hành trái phiếu.
Với việc ban hành quy định mới về phát hành và giao dịch TPDN riêng lẻ, Bộ Tài chính tiếp tục khuyến nghị các chủ thể tham gia thị trường cần tuân thủ quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp phát hành phải bảo đảm tính trung thực của hồ sơ chào bán trái phiếu, sử dụng vốn đúng mục đích, có trách nhiệm giải thích cho nhà đầu tư các thông tin liên quan đến phương án phát hành, các rủi ro pháp lý, rủi ro đầu tư, rủi ro sử dụng vốn, quyền, lợi ích và trách nhiệm pháp lý của các bên khi phát hành và đầu tư TPDN. Các tổ chức cung cấp dịch vụ chỉ được cung cấp các dịch vụ theo đúng quy định pháp luật và phạm vi dịch vụ cung cấp; thực hiện chế độ báo cáo và chịu sự quản lý giám sát của cơ quan quản lý và chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.
Đối với các nhà đầu tư cá nhân, trước khi tham gia thị trường TPDN, cần tự đánh giá bản thân phải có đủ năng lực để đánh giá được đầy đủ rủi ro khi đầu tư vào TPDN, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời mà không tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu hoặc chỉ mua trái phiếu vì lãi suất cao. Mọi hành vi "lách" các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu (có thể mất toàn bộ tiền đầu tư) mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thực hiện thanh kiểm tra để xử lý nghiêm minh những hành vi lách quy định này của pháp luật.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho hay: Song song với việc triển khai các quy định tại Nghị định, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các giải pháp nhằm phát triển thị trường TPDN an toàn, minh bạch, bền vững thông qua các giải pháp về rà soát, hoàn thiện khung pháp lý.
Cùng với đó, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường TPDN và triển khai các đoàn kiểm tra về tình hình phát hành, cung cấp các dịch vụ liên quan đến TPDN tại một số doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán, các công ty kiểm toán độc lập; thúc đẩy việc hình thành các định chế đầu tư dài hạn chuyên nghiệp trên thị trường; tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong điều hành và quản lý giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu với thị trường tiền tệ, tín dụng ngân hàng và chủ động thông tin tuyên truyền, định hướng thị trường.
"Thời gian tới, thị trường sẽ phát triển thêm các nhà đầu tư chuyên nghiệp, quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ, còn nhà đầu tư cá nhân sẽ được khuyến khích tham gia phát hành TPDN ra công chúng. Nhà đầu tư cá nhân chưa đủ năng lực phân tích rủi ro có thể tham gia các hoạt động an toàn hơn như chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu, ủy thác cho công ty quản lý quỹ. Bộ Tài chính cũng nâng cấp các tổ chức trung gian như công ty chứng khoán bao gồm nâng cao năng lực cán bộ và đạo đức nghề nghiệp, có liêm chính cao. Đồng thời, tăng cường phổ biến kiến thức cung cấp thông tin kịp thời phát triển thị trường trái phiếu", đại diện Bộ Tài chính cho hay.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.