Người Anh hùng sống mãi trong lòng dân
Là người con sinh ra trên quê hương Xuân Cầu, Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, ông Tô Quyền lớn lên, trưởng thành từ truyền thống yêu nước của gia đình và trong phong trào cách mạng của quê hương. Tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm (trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945), ông được tổ chức giao nhiệm vụ thành lập và phụ trách Đội Thiếu nhi cứu quốc làng Xuân Cầu. Đội được thành lập ngày 19/5/1945.
Ông Tô Quyền cùng với ông Quản Nhàn và bà Tô Thị Băng Khải đã hướng dẫn, chỉ bảo tận tình những đội viên thiếu nhi tham gia kháng chiến cứu quốc với những việc làm đầy ý nghĩa, phù hợp với lứa tuổi như: Làm liên lạc đưa thư cho cán bộ cách mạng, đi trinh sát nắm tình hình giặc, rải truyền đơn, đứng canh gác cho các cán bộ cách mạng hoạt động bí mật, đi tiếp tế cho bộ đội, du kích cản giặc ở Đường 5, đi mít tinh biểu tình phản đối thực dân Pháp và bè lũ tay sai; đan áo, mũ gửi cho bộ đội ở tiền tuyến, tích cực tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi gà … gây quỹ ủng hộ kháng chiến. Ông Tô Quyền còn tổ chức những buổi sinh hoạt đội đầy bổ ích và lý thú với các hoạt động: Ca hát, múa, đồng diễn, cắm trại. Năm 1946, Đội Thiếu nhi cứu quốc làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang vinh dự được đi dự hội thi cắm trại tại Bắc Ninh. Đội đã giành giải nhất, được tặng cờ lưu niệm.
Cố Đại tá Tô Quyền - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông Tô Quyền sớm được đứng trong hàng ngũ của những người cộng sản. Vào cuối năm 1946, ông cùng với ông Nguyễn Văn Cẩn - hai cán bộ của quê hương Văn Giang được tổ chức cử lên nhận công tác tại Bắc Ninh. Hoạt động trong vùng địch hậu với bao hiểm nguy, gian khổ nhưng những người cộng sản ấy vẫn kiên cường, mưu trí, dũng cảm cùng nhân dân anh dũng kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.
Đến năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt, cũng như bao người con ưu tú, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Tô Quyền đã có mặt ở chiến trường miền Nam (tại đây ông lấy bí danh Tô Lâm - tên con trai mình, tức Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an hiện nay). Công tác an ninh với bao gian nan, nguy hiểm, người cán bộ Công an nhân dân kiên trung, tận tụy, đầy bản lĩnh ấy phải đối đầu với bao thủ đoạn nham hiểm, tinh vi của kẻ địch. Rồi ông về miền đất Tây Ninh - căn cứ Trung ương Cục miền Nam, vùng trọng điểm đánh phá ác liệt của Mỹ, ngụy. Bao bom đạn của chúng đã trút xuống mảnh đất này.
Những năm tháng ấy, sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, nhưng ông và đồng đội, đồng chí vẫn bám trụ kiên cường, cùng nhân dân Tây Ninh đập tan bao nhiêu cuộc hành quân, càn quét của địch, triệt phá những ổ biệt kích, gián điệp, Việt gian, góp phần cùng nhân dân miền Nam và cả dân tộc "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào".
Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ông lại tiếp tục cùng đồng chí, đồng đội, nhân dân truy quét tàn quân ngụy và các cơ sở địch cài cắm lại, củng cố và xây dựng lực lượng Công an ở một vùng mới giải phóng. Đến năm 1977, ông được trở về quê hương miền Bắc, gặp lại gia đình và những người đồng chí, bè bạn sau bao năm xa cách. Nhưng nhiệm vụ mới đang chờ, Đảng và Nhà nước giao cho ông những trọng trách mới. Ông lại tiếp tục làm việc bền bỉ, hăng say…
Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào: Vùng địch hậu, chiến trường miền Nam hay trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước; dù ở bất cứ cương vị công tác nào: Phụ trách Đội Thiếu nhi cứu quốc, Trưởng Công an huyện Tiên Du, Phó Ty Công an tỉnh Hà Bắc, Phó Ban An ninh Tây Ninh, Giám đốc Ty Công an Hải Hưng, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục V26 - Bộ Công an…, ông Tô Quyền luôn vượt lên, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Ông luôn gắn bó và liên hệ mật thiết với quê hương. Điều đặc biệt cảm phục ở ông là tấm lòng nhân hậu, vị tha, nhân ái. Ông yêu thương hết mực những người thân trong gia đình, yêu thương đồng đội, đồng chí và nhân dân. Là phụ trách Đội Thiếu nhi cứu quốc, ông đã động viên, tận tình chỉ bảo để những đội viên hiểu và tích cực tham gia công tác kháng chiến, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ tùy theo sức của mình/ Để tham gia kháng chiến/ Để gìn giữ hòa bình".
Ở vùng địch hậu, ông đã đi bộ qua bao nhiêu trạm gác, vòng vây của kẻ địch để về dự đám cưới của người đồng chí đồng đội là ông Nguyễn Văn Cẩn và bà Nguyễn Thị Đoan với một nồi cơm rất nhỏ mà mọi người ăn không hết, nên gọi đùa là "niêu cơm Thạch Sanh".
Ở chiến trường Tây Ninh, sau những cuộc đấu trí, đấu sức cam go, ác liệt với kẻ thù, sau những trận bom đạn cày xới, ông lại chan hòa, quan tâm tới mọi người và da diết nhớ về quê hương, gia đình. Đặc biệt là cô con gái út, khi ông khoác ba lô lên đường đi B còn nằm trong bụng mẹ…
Cảm thông sâu sắc và sẻ chia với những hy sinh của ông, đồng chí, đồng đội và nhân dân Tây Ninh thường gọi ông với cái tên trìu mến: Anh Tư, chú Tư - gắn với tên người con trai cả của ông. Những bức thư từ miền Nam gửi ra miền Bắc cho chị Tư (bà Đặng Thị Cam - vợ ông Tô Quyền) không chỉ là nguồn động viên lớn lao, làm vợi đi nỗi nhớ trong ông, làm tăng thêm niềm tin của những người thân vào ngày toàn thắng, được đón ông về sum họp với gia đình, quê hương; mà còn là tình cảm của miền Nam yêu dấu với hậu phương lớn miền Bắc.
Cô Hai Lãnh - người thư kí, liên lạc, trong một lần ông bị ốm, địch ập đến ném bom, chỉ còn kịp đẩy ông vào trong hầm và ngồi bên ngoài chắn bom đạn. Tình đồng chí, đồng đội cao đẹp của những cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân làm ta thật cảm động, giúp ta biết trân trọng và yêu thêm cuộc sống hôm nay, bởi bao người đã hy sinh thầm lặng, đã cống hiến tuổi xuân và cả xương máu của mình cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Khi về công tác trên quê hương Hải Hưng, ông rất quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Công an nhân dân. Nhiều cán bộ chiến sĩ trẻ được cử đi ôn luyện, nâng cao kiến thức văn hóa tại Trường Bổ túc Văn hóa Trung ương (Chí Linh, Hải Hưng). Những ngày cuối tuần, ông tranh thủ vào thăm và động viên cán bộ chiến sĩ quyết tâm ôn luyện thật tốt để dự thi và đỗ vào các trường đại học của ngành. Nhiều người sau này đã trưởng thành, trở thành cán bộ nòng cốt, giữ những chức vụ quan trọng.
Khi ông đã 62 tuổi, sức khỏe không còn được như trước, nhưng được Đảng và nhân dân tin tưởng, ông lại vui vẻ lên đường nhận nhiệm vụ: Cục trưởng Cục V26, Bộ Công an, với mong muốn cùng anh em, đồng chí giáo dục, cảm hóa những con người lầm lỗi trở về với cuộc đời…
Tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam nhân kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1995). Từ phải qua: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bùi Thiện Ngộ; Đại tá Tô Quyền; bà Nguyễn Thị Minh, Bí thư tỉnh ủy Tây Ninh (thứ tư từ phải qua) và phu nhân đồng chí Tô Quyền (ngoài cùng bên trái).
Và đến một ngày, ngày 18/11/1996, ông đã ra đi… để lại bao thương tiếc khôn nguôi trong lòng người thân, gia đình, đồng chí và bè bạn. Được tin ông mất, cán bộ lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, cô Hai Lãnh, cô Năm Tâm và những người đồng chí, đồng đội đã vào sinh ra tử với ông trong những ngày kháng chiến ác liệt, đã từ miền Nam ra Bắc, đứng lặng hồi lâu trước bàn thờ ông, những giọt nước mắt lăn dài trên má… Trước khi được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ông đã được nhân dân phong tặng danh hiệu "Anh hùng tình cảm".
Để tôn vinh và khẳng định những đóng góp to lớn của ông với công cuộc kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và nhân dân đã trao tặng ông những phần thưởng cao quý: Cán bộ tiền khởi nghĩa, Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Độc lập hạng nhì và ngày 13 tháng 7 năm 2015, ông được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - danh hiệu cao quý ấy là niềm vinh dự lớn lao, là niềm tự hào, niềm vui khôn tả xiết cho gia đình, đồng chí, bè bạn và cả quê hương Xuân Cầu, Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên.
Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho những người con ưu tú của quê hương Nghĩa Trụ đã được tổ chức long trọng tại hội trường UBND xã ngày 19/8/2015. Buổi lễ báo công, mừng công ấy diễn ra trong không khí trang trọng mà ấm áp tình quê hương, giúp ta hiểu sâu sắc thêm về Nghĩa Trụ - một xã anh hùng - nơi có truyền thống hiếu học với nhiều khoa bảng tiến sĩ, những nhà cách mạng tiền bối như: Tô Hiệu, Tô Chấn, Lê Văn Lương…, những nhà văn hóa như: Nguyễn Công Hoan, Tô Ngọc Vân… Nơi ấy con người hiền hòa, thủy chung mà dũng cảm, kiên cường và năng động sáng tạo…
Thắp nén tâm nhang, thành kính tri ân, tưởng nhớ công lao người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - cố Đại tá Tô Quyền - nguyên Phó ban An ninh Tây Ninh, nguyên Cục trưởng Cục V26, Bộ Công an, trong tôi trào dâng một nỗi xúc động nghẹn ngào, một sự ngưỡng mộ và biết ơn sâu sắc nhất. Trước mắt tôi như hiện lên hình ảnh người cán bộ Công an nhân dân năm xưa với dáng khoan thai, bước những bước chắc nịch, với đôi mắt luôn ánh lên niềm tin yêu và nụ cười đôn hậu, với giọng nói trầm ấm ngân vang như có sức lay động và lan tỏa mãi...
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.