Người Hong Kong ở nhà container trái phép vì bất động sản đắt đỏ
Đi bộ qua khu đất nông thôn vắng vẻ, với con đường tráng nhựa mấp mô ở Tân Giới (Hong Kong, Trung Quốc), Gilbert Wong tiến vào cánh cổng với hàng rào dây thép, trông giống như lối vào một khu nhà kho hay bãi đỗ xe. Nhà của anh nằm ở bên trong, có hình dáng như những chiếc container.
Những ngôi nhà container như của Wong đang ngày càng phổ biến ở Hong Kong, nơi không ít người cảm thấy kiệt sức vì thị trường bất động sản thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới. Tuy nhiên, đại đa số nhà kiểu này là bất hợp pháp.
"Trong số các ngôi nhà đúc sẵn theo kiểu container mà tôi thấy được quảng cáo thì có thể nói rằng 99,9% là không hợp pháp", ông Vincent Ho - Giám đốc công ty về tư vấn và khảo sát bất động sản Freevision nhận định.
Một ngôi nhà container tại Hong Kong. Ảnh: Bloomberg
|
Thực tế, để góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở, chính quyền Hong Kong cũng thậm chí đang xem nhà container là một phần của giải pháp. Theo luật, nhà container là loại cấu trúc xây dựng cần được phê duyệt.
Để được hợp pháp, nó phải đáp ứng một số tiêu chuẩn về thông gió, chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy. Khu đất đặt nó cũng phải thuộc diện được phép đặt nhà container. Người dân không được làm đặt chúng tại các khu vực quy hoạch cho mục đích khác, ví dụ như nông nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế, do thường được xây ở các khu vực hẻo lánh, bị che khuất nên không có bất kỳ ước tính nào về số lượng nhà container tại Hong Kong. Người ta chỉ biết rằng, nhu cầu loại nhà này đang tăng nhanh.
Ivan Chan - Giám đốc công ty sản xuất nhà di động Markbox cho biết đơn đặt hàng container đã tăng gấp đôi kể từ 2016, với 40% được thiết kế cho mục đích làm nhà ở. Công ty hiện sản xuất khoảng 200 container để ở mỗi năm. Số còn lại dùng làm cửa hàng thực phẩm hay nhà kho. Loại nhà container phổ biến nhất được sản xuất bởi Markbox có diện tích 30m2, có giá khoảng 19.100 USD.
Ở Hong Kong, giá của một căn hộ loại bé có thể dễ dàng tăng gấp đôi trong thời gian ngắn. Điều đó thúc đẩy chính quyền thành phố thử nghiệm nhà container như một cách giải quyết tình trạng thiếu nhà ở lâu năm.
Một tổ chức phi lợi nhuận có tên Hội đồng Dịch vụ xã hội Hong Kong đang làm việc với chính quyền Hong Kong để xây 90 ngôi nhà container hợp pháp tại quận nghèo nhất để người thu nhập thấp bớt mòn mỏi chờ nhà ở xã hội. Tính đến tháng 12 năm ngoái, thời gian chờ trung bình để được nhận nhà xã hội đã tăng lên 5,5 năm, gấp đôi so với năm 2012, theo Cơ quan Nhà ở Hong Kong.
Bên trong một ngôi nhà container. Ảnh: Bloomberg
|
Wong, 30 tuổi, chưa từng nghĩ đến nhà container khi anh và bạn gái bắt đầu tìm một chỗ ở riêng vào năm ngoái. Tuy nhiên, họ nhanh chóng nhận ra tiền thuê căn hộ vượt khỏi khả năng chi trả của cả hai.
Cặp đôi mất một tháng để ổn định trong căn nhà container rộng 19 m2 với giá thuê 4.500 đôla Hong Kong (khoảng 570 USD). Nếu thuê một phòng có kích thước tương tự trong căn hộ gần đó, họ sẽ tốn hơn 20%.
Cả hai thích chi phí rẻ và chất lượng không khí ở Tân Giới tốt hơn đảo Hong Kong. Tuy nhiên, cũng có những nhược điểm. Nhà container không được xây dựng để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Vì vậy, khi cơn bão Mangkhut tấn công vào tháng 9 năm ngoái, nhà đã bị thấm dột. Vị trí xa trung tâm cũng có nghĩa họ mất nhiều thời gian và tiền bạc hơn để đi lại.
Wong nói rằng anh đã không hỏi liệu ngôi nhà có phải là tài sản cư trú hợp pháp hay không. Anh cũng thừa nhận có khả năng mảnh đất đang ở không được quy hoạch để ở. Nhưng từ giờ đến lúc tình hình thay đổi, anh vẫn sẽ cứ ở đây.
"Giá nhà chắc chắn sẽ vẫn ở mức cao. Có một tâm lý của người Hong Kong rằng người ta phải sở hữu một căn hộ. Và điều đó đẩy giá lên cao", Wong nói.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.