Người viết hùng ca đất Ô Môn

2019-10-19 11:43:09 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Nói về người viết hùng ca nhiều nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam chắc có lẽ phải kể đến nhạc sĩ tài năng của miền đất Ô Môn nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Tác phẩm âm nhạc của ông thúc giục bao thế hệ hành động mạnh mẽ và quyết liệt với công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921-1989), sinh ra và lớn lên ở vùng đất lúa quận Ô Môn nằm bên dòng Hậu Giang, thuộc thành phố Cần Thơ. Mảnh đất phù sa Tây Đô đã ngấm những cung bậc đờn ca tài tử vào ông ngay từ thuở mới lọt lòng. Ông sớm thể hiện năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, đã được gia đình cho đi học cổ nhạc với các cụ gần nhà, rồi tự học tân nhạc. Mới độ lên 10, ông đã bắt đầu viết những dòng nhạc đầu tiên về quê hương và được gia đình gửi về Sài Gòn học tại trường Petrus Ký (chuyên học tiếng Pháp). Nhóm bạn chơi nhạc mà ông kết thân như Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiếng... rủ nhau lập CLB Học sinh, làm đầu mối hội tụ những học sinh, sinh viên yêu nước, đoàn kết chung lí tưởng sống và dâng hiến cuộc đời cho dân tộc. Chính vào thời gian này, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã viết bài hát riêng cho CLB (1939), để ca vang mỗi khi gặp mặt. Đó là bài Thanh niên hành khúc, do Mai Văn Bộ viết lời bằng tiếng Pháp. Tình yêu quê hương và đất nước rạo rực trong trái tim người nhạc sĩ trẻ. Ông luôn ước vọng tìm thời cơ, để thể hiện giương cao ngọn cờ cứu quốc, đấu tranh chống thực dân xâm lược.

Năm 16 tuổi, Lưu Hữu Phước đã viết ca khúc đầu tay “Non sông gấm vóc”. Tốt nghiệp trung học ở trường Petrus Ký, ông ra Hà Nội học Trường cao đẳng Y Dược. Thế nhưng, khoảng thời gian 1940-1944 trên phố phường Thăng Long không tạo ra bác sĩ lành nghề, mà lại hun đúc một nhạc sĩ trứ danh. Chứng kiến đất nước đang bị dày vò bởi ngoại xâm, Lưu Hữu Phước đã viết hàng chục ca khúc cổ vũ tinh thần yêu nước và chí khí thanh niên: “Người xưa đâu tá”, “Bạch Đằng giang”, “Ải Chi Lăng”, “Hồn tử sĩ”, “Thượng lộ tiểu khúc”, “Hờn sông Gianh”, “Hội nghị Diên Hồng”, “Ta đi cùng”, “Xêp bút nghiên”, “Tiếng gọi thanh niên”, “Bài hát thiếu sinh quân”, “Thiếu nữ Việt Nam”, “Việt nữ gọi đàn”…

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Lưu Hữu Phước cùng hai người bạn Huỳnh Văn Tiểng và Mai Văn Bộ được xem như những tri thức tranh đấu tiêu biểu ở miền Nam. Ngoài tài năng sáng tác, Lưu Hữu Phước còn là một nhà quản lí văn hóa cự phách. Ông tham gia thành lập Học viện Âm nhạc quốc gia, Viện Nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam…

Sự nghiệp âm nhạc cách mạng của Lưu Hữu Phước ngày càng phát triển gắn liền với những sóng gió của cách mạng. Cùng với những bài ca về đất nước về dân tộc, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã viết lại lời Việt cho bài “Thanh niên hành khúc” để hát trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương năm 1942, dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, nhằm kêu gọi thanh niên sinh viên hãy xếp bút nghiên để lên đường cứu nước. Bài hát đã được dàn dựng với dàn hợp xướng lớn. Chương trình biểu diễn hừng hực khí thế yêu nước, sôi sục tinh thần sẵn sàng “đáp lời sông núi”, “xếp bút nghiên” lên đường kháng chiến. Đỉnh điểm, vào năm 1943, vở ca kịch “Tục lụy” của Lưu Hữu Phước đã công khai biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội, thể hiện một bản lĩnh của một chiến sĩ cách mạng tham gia Mặt trận Việt Minh. Ngay năm sau, ông được cử về Nam tham gia vận động cách mạng, tổ chức phong trào sinh viên 3 miền bãi khóa, tham gia cách mạng. Nhóm bạn cũ của thời học phổ thông cùng chí hướng đã tập họp lại, tích cực hoạt động cách mạng và tổ chức được nhiều đoàn, đội sinh viên nô nức lên đường, ủng hộ kháng chiến chống thực dân Pháp. Phong trào kéo dài cho đến năm 1945, Cách mạng Tháng Tám bùng nổ khắp đất nước, cùng với đó là sự ra đời của bài “Khúc khải hoàn” của Lưu Hữu Phước. Ông trở thành một cán bộ tuyên truyền cách mạng xuất sắc của mặt trận và được phân công làm Giám đốc phòng Xuất bản Nam Bộ, sau khi chính quyền cách mạng được thành lập.


Tượng đài nhạc sĩ Lưu Hữu Phước tại công viên Cần Thơ


Cũng từ mảnh đất kiên trung Nam Bộ, nhạc sĩ được chính quyền cách mạng đưa ra miền Bắc, thành lập Trung ương Nhạc viện (9/1946), tiền thân của Nhạc viện Hà Nội sau này. Sau đó nhạc sĩ cùng Hội Văn hóa Cứu quốc tản cư đi kháng chiến tại chiến khu Việt Bắc. Trong giai đoạn trường kì kháng chiến, ông đã có nhiều sáng tác được phổ cập rộng khắp như: Ca ngợi Hồ Chủ tịch (sau này chính là Lãnh tụ ca).

Sự nghiệp âm nhạc cách mạng của Lưu Hữu Phước được tiếp tục thăng hoa, khi ông được cử vào Nam, giữ chức Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng (năm 1965). Đây là giai đoạn đầy cam go trong chặng đường Đảng và Chính phủ lãnh đạo quân và dân ta đánh Mỹ giải phóng miền Nam. Cách mạng miền Nam ngày một phát triển rộng khắp, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được đề bạt giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Lại thêm một lần tài năng của Lưu Hữu Phước được bùng nổ trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt này. Ông có một loạt sáng tác mới, đều là những ca khúc cách mạng như: “Tình Bác sáng đời ta”, “Dưới cờ Đảng vẻ vang”, “Bài hát Giải phóng quân”, “Xuống đường”... đặc biệt hai ca khúc quan trọng của Lưu Hữu Phước góp phần trực tiếp cho cuộc thống nhất non sông là “Giải phóng miền Nam” và “Tiến về Sài Gòn”. Riêng bài hát “Giải phóng miền Nam” đã trở thành bài hát chính thức, mang sứ mệnh là Quốc ca của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam khi đó.

Nhưng có sự kiện đáng lưu ý khác gắn liền với sự nghiệp âm nhạc của ông, chính là việc chính quyền bù nhìn tay sai Việt Nam Cộng hòa đã sửa lại lời bài hát “Thanh niên hành khúc” của ông để làm Quốc ca của chúng. Vậy là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước trở thành tác giả của hai bản Quốc ca của hai lực lượng đối kháng. Thật là trường hợp hy hữu. Đồng thời, sự kiện đó cũng chứng tỏ tài năng xuất chúng của ông, về thể loại âm nhạc tráng ca và hành khúc đầy sôi động. Bên cạnh đó, bài “Tiến về Sài Gòn” được ông sáng tác mang tính thời đại và dự báo xu thế chiến thắng tất yếu của dân tộc ta. Tâm thế sục sôi và quyết chiến thắng của quân và dân càng ngày càng phát triển mạnh mẽ sau chiến thắng Mậu Thân (1968).

Bài hát ấy đã thôi thúc lòng người trong cuộc chiến đấu sinh tử quyết giành lấy độc lập, quyết Giải phóng miền Nam. Những bài hát đó đã trở thành tác phẩm kinh điển của dòng âm nhạc cách mạng. Quả không ai được như ông. Những ca khúc mang tầm vóc thời đại của ông đã gắn liền với diễn biến lịch sử cách mạng trong từng giai đoạn quan trọng nhất. Nhiều ca khúc của Lưu Hữu Phước tồn tại và phát huy suốt hơn 70 năm qua cho đến ngày nay như: “Lãnh tụ ca”; “Hồn tử sĩ”, “Lên đàng”, “Thiếu nữ Việt Nam”. Giai điệu và lời ca mang tính thời đại sâu sắc luôn luôn được cất lên trong những dịp trọng đại suốt hơn 70 năm qua.

Hành khúc của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước không chỉ làm rường cột cho âm nhạc nước nhà, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến phong trào sáng tác của nhiều lớp nhạc sĩ kế cận. Thế nhưng, hãy lưu ý, Lưu Hữu Phước không chỉ có hành khúc. Ngoài những công trình khoa học chuyên sâu về âm nhạc dân tộc, Lưu Hữu Phước còn có nhiều vở ca kịch giàu biểu cảm như “Tục lụy”, “Phá mưu bù nhìn” hoặc “Diệt sói lang”.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được đảm trách nhiều công việc quan trọng trong lĩnh vực văn hóa và âm nhạc. Sau ngày giải phóng miền Nam, năm 1975, ông lại tiếp tục có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp âm nhạc cách mạng. Chính ông là một trong những người đầu tiên thành lập Trường Âm nhạc, sau này trở thành Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (giai đoạn 1954-1965). Ông đã được phong hàm Giáo sư, Viện sĩ Viện Nghiên cứu âm nhạc Quốc gia (1980-1986) và được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh vào đợt đầu tiên năm 1996.

Dù chưa ai đưa ra thống kê chinh xác, nhưng nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có lẽ là một trong những người viết hùng ca nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trong gia tài của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cũng có một bản tình ca, tên là “Hương Giang dạ khúc”. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước không công bố “Hương Giang dạ khúc”, nhưng nhiều đồng nghiệp của ông vẫn truyền tụng giai thoại lãng mạn xung quanh bài hát này.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước mất năm 1989 tại TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Cần Thơ còn lưu giữ được không ít những kỉ vật của ông, trong thời gian hoạt động cách mạng ở miền Nam. Những kỷ vật thân thương như chiếc kính, cây bút và đặc biệt là cây đàn măng-đô-lin đã gắn bó suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Chúng đã được gìn giữ trang trọng bên những bản nhạc viết tay của ông trong thời kỳ chiến tranh, mới thấy xúc động làm sao. Đó là minh chứng gắn kết với sự nghiệp âm nhạc đầy hào sảng của nhạc sĩ miền sông nước Cần Thơ. Ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất cho dòng âm nhạc cách mạng nước ta. Toàn bộ tác phẩm của Lưu Hữu Phước là những mẫu mực, gắn bó với sự nghiệp đấu tranh của dân tộc, trong cuộc chiến đấu giải phóng đất nước giành độc lập và tự do. Những giai điệu thấm đẫm chất thời đại, thể hiện hào khí mãnh liệt của dân tộc trong những giai đoạn phát triển đầy vinh quang. Đó là tính đặc trưng của âm nhạc Lưu Hữu Phước. Cuộc đời 68 năm của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là một bản hùng ca cách mạng. Tên ông được đặt cho đường phố, cho trường học, cho công viên tại Cần Thơ./.



Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Đồng Nai: Bị thổi nồng độ cồn, 'ma men' đốt xe chuyên dụng của CSGT

Vì có hành vi vi phạm nồng độ cồn nên một người đàn ông đã bị tổ công tác của lực lượng CSGT giữ lại. Điều đáng nói là sau đó người đàn ông này đã phóng hoả đốt xe chuyên dụng của cảnh sát.
2024-04-29 18:14:10

Đũa gỗ Quảng Thủy, Ba Đồn: Chất lượng truyền thống - Công nghệ hiện đại

Đũa gỗ Quảng Thủy thành công nhờ áp dụng ứng dụng khoa học và công nghệ kết hợp với phương pháp thủ công truyền thống, sản phẩm HTX đa dạng mẫu mã kiểu dáng, chất lượng đáp ứng nhu cầu của các khách hàng, không chỉ bền, đẹp mà giá cả rất hấp dẫn phù hợp với nhiều khách hàng.
2024-04-29 16:20:00

Quảng Ninh: “Bừng sáng cùng Kỳ quan” - Carnaval Hạ Long đầu tiên trên biển

Tối 28/4 tại khu du lịch Bãi Cháy thành phố Hạ Long, Carnaval Hạ Long 2024 lần đầu tiên được tổ chức trên biển đã mang tới cho du khách nhiều cảm xúc về vùng đất, con người Quảng Ninh với nhiều nét văn hóa đặc sắc, khởi động một mùa du lịch mới.
2024-04-29 14:43:11

Công nhân môi trường lặng thầm làm đẹp đường phố dịp Lễ 30/4

Trong khi phần lớn người dân được nghỉ Lễ 30/4 kéo dài 5 ngày, thì trên các tuyến đường, ngõ phố của Hà Nội các công nhân vệ sinh môi trường vẫn đang đội nắng mưa, lặng thầm làm đẹp từng con đường, góc phố Thủ đô.
2024-04-29 11:29:38

CSGT đưa người già, trẻ nhỏ thoát khỏi nắng nóng trên cao tốc Pháp Vân

Tuần tra kiểm soát trên cao tốc, tổ công tác của đội Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ số 3 (Cục CSGT) kịp thời giúp nhiều trẻ nhỏ, người già khỏi nắng nóng.
2024-04-29 09:00:00

Chổi đót phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn: Làng nghề độc đáo gần 100 năm tuổi

Được truyền từ đời này qua đời khác, làng nghề chổi đót phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn có bề dày gần 100 năm qua đang từng bước lớn mạnh bởi những bàn tay ngày đêm gìn giữ nét đẹp truyền thống.
2024-04-28 15:17:00
Đang tải...