Nguy cơ do rượu gây ra lớn hơn so với tác dụng bảo vệ sức khỏe
Người đứng đầu êkíp nghiên cứu lên tới hơn 500 người, ông Max Griswold thuộc Viện Health Metrics and Evaluation tại thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ, khẳng định uống rượu không có ngưỡng an toàn.
Mặc dù đa phần các nghiên cứu trước đây cho thấy uống ít rượu hoặc ở mức vừa phải làm giảm nguy cơ các bệnh tim mạch, song kết quả nghiên cứu mới nhất này cho thấy uống rượu có hại nhiều hơn lợi.
Theo chuyên gia Griswold, nguy cơ do rượu gây ra lớn hơn so với tác dụng bảo vệ sức khỏe của chúng. Nguy cơ về sức khỏe gia tăng theo lượng rượu tiêu thụ mỗi ngày.
Nghiên cứu cho thấy so với người hoàn toàn không uống rượu, việc uống 1 cốc "tiêu chuẩn" (tức là 10 gram cồn, tương đương 1 cốc bia nhỏ/ngày) làm tăng 0,5% nguy cơ mắc ít nhất một trong số hơn 20 vấn đề về sức khỏe.
Trong khi đó, giáo sư Emmanuela Gakidou của Đại học Washington, đồng thời là Giám đốc Health Metrics and Evaluation, cho rằng ở cấp độ toàn cầu, nguy cơ mắc bệnh tăng thêm 0,5% đối với những người uống rượu 1 cốc/ngày, tương đương với việc sẽ có thêm 100.000 người tử vong mỗi năm.
Nếu uống 2 cốc/ngày, nguy cơ mắc bệnh tăng 7% và sẽ tăng tới 37% nếu uống 5 cốc/ngày. Bà Gakidou nhấn mạnh điều đáng nói, đây là những cái chết có thể tránh được. Do vậy, các nhà nghiên cứu kết luận rằng uống ít rượu là tốt, nhưng không uống mới là tốt nhất.
Theo nghiên cứu, rượu là nguyên nhân thứ 7 (sau huyết áp cao, hút thuốc, trẻ sơ sinh thiếu cân, sinh non, tiểu đường, béo phì và ô nhiễm) gây chết sớm và bệnh tật trong năm 2016, chiếm hơn 2% trường hợp tử vong ở phụ nữ và gần 7% ở nam giới. Tuy nhiên, trong độ tuổi từ 15-49, rượu lại là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, với tỷ lệ hơn 12% ở nam giới do các bệnh như lao, tai nạn trên đường và tự tử.
Báo cáo cho biết trong năm 2016, Đan Mạch là nước có tới 97% nam giới uống rượu, tiếp đó là Na Uy, Argentina, Đức và Ba Lan với 94%.
Tại châu Á, Hàn Quốc là nước có tỷ lệ nam giới uống rượu cao nhất, với 91%. Đối với nữ giới uống rượu, Đan Mạch vẫn đứng đầu với 95%, tiếp đó là Na Uy (91%), Đức và Argentina (cùng 90%) và New Zealand (89%).
Trong khi đó, những nước uống rượu ít nhất là những nước có phần đông người Hồi giáo.
Theo giáo sư Robyn Burton thuộc trường King's College London, nghiên cứu này là đánh giá toàn diện nhất từ trước tới nay về tác hại của việc uống rượu./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.