Nguy hiểm khi dùng thuốc lại uống rượu bia
Tuy nhiên, trong bia vẫn có nồng độ cồn và sự nguy hại giữa bia và rượu là tương đương, đặc biệt nếu bạn đang uống một loại thuốc chữa bệnh nào đó thì việc uống bia, rượu sẽ rất nguy hiểm.
Tác hại uống rượu bia khi đang uống thuốc
Rượu bia thường gây tương tác có hại với thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn (OTC) và thậm chí một số loại dược thảo. Rượu ức chế hệ thần kinh trung ương, hại gan, dạ dày… Vì vậy, có nhiều thuốc không được uống khi đã sử dụng rượu bia. Bởi khi dùng thuốc mà uống rượu bia sẽ khiến tác hại của rượu tăng lên gấp nhiều lần hoặc làm cho tác dụng của thuốc gây ra những hậu quả rất bất lợi.
Tương tác thuốc với rượu bia có thể gây ra các vấn đề như: buồn nôn và ói mửa; nhức đầu; buồn ngủ; chóng mặt; ngất xỉu; những thay đổi huyết áp; hành vi bất thường; mất phối hợp; tai nạn. Dùng chung rượu bia và thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ các biến chứng như: tổn thương gan; vấn đề tim mạch; xuất huyết nội; suy hô hấp; trầm cảm...
Trong một số trường hợp, tương tác rượu bia và thuốc có thể làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc làm cho thuốc không có tác dụng gì, thậm chí gây độc cho cơ thể. Ngay cả với một lượng nhỏ, rượu bia cũng có thể làm tăng tác dụng phụ của thuốc như buồn ngủ, choáng váng, gây trở ngại cho sự tập trung và khả năng vận hành máy móc hay lái xe và dẫn đến tai nạn nghiêm trọng.
Riêng ở người lớn tuổi, khi sử dụng rượu bia có thể làm tăng nguy cơ té ngã, chấn thương nghiêm trọng gây nguy hiểm tính mạng và có thể để lại hậu quả tàn tật suốt đời. Uống rượu bia cũng có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh mạn tính sẵn có của bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, tăng huyết áp và bệnh chuyển hóa như cholesterol máu cao, bệnh gút, đái tháo đường…
Các nhóm thuốc đặc biệt nguy hại khi kết hợp với rượu bia
Thuốc tim mạch: Có thể gây nhịp tim nhanh và thay đổi huyết áp đột ngột. Các thuốc hạ huyết áp như thuốc chẹn bêta, đối kháng calci, ức chế men chuyển khi dùng chung với rượu bia có thể làm tụt huyết áp xuống quá thấp, gây chóng mặt hoặc ngất xỉu (rượu bia có tác dụng làm giãn mạch dẫn đến hạ huyết áp), nhưng ngược lại có thể gây tăng huyết áp kèm tăng nhịp tim.
Còn các thuốc giảm cholesterol, được chuyển hóa ở gan có thể dẫn đến tổn thương gan và xuất huyết nếu bạn uống rượu bia thường xuyên hoặc quá nhiều khi đang phải uống thuốc.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Khi sử dụng lâu dài các thuốc chống viêm không steroid, bao gồm cả thuốc không kê đơn (OTC), chẳng hạn thuốc giảm đau như ibuprofen và naproxen có thể làm tăng nguy cơ chảy máu và loét dạ dày. Nếu uống thêm rượu có thể làm cho những tác dụng phụ nặng nề hơn. Hay thuốc acetaminophen có thể ảnh hưởng trực tiếp đến gan và nếu uống thêm rượu thì bạn sẽ khiến gan phải đối diện với nguy cơ bị tổn thương do làm việc quá sức.
Thuốc điều trị đái tháo đường týp 2: Rượu có tác dụng hạ đường huyết nên nếu dùng chung với các thuốc trị đái tháo đường týp 2 như glibenclamid, glipizid, glimepirid, metformin… sẽ hiệp đồng làm tụt đường huyết đột ngột, có thể dẫn đến hôn mê, nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời, thích hợp.
Thuốc an thần: Rượu làm cho tác dụng của thuốc an thần mạnh hơn. Ngay cả một ly rượu vang cũng có thể gây lơ mơ, chóng mặt, và thở chậm khi uống cùng với thuốc an thần. Cả hai đều tác động đến não, làm trì trệ trung khu hô hấp. Thêm vào đó, rượu có thể làm suy giảm khả năng phán đoán, làm cho bạn dễ uống thêm rượu hoặc uống thêm thuốc.
Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm có thể gây ra lơ mơ và chóng mặt, tình trạng này càng tồi tệ hơn nếu uống thuốc khi đã uống rượu bia. Nó có thể làm tăng nguy cơ té ngã và tai nạn giao thông. Rượu cũng ngăn không cho thuốc chống trầm cảm phát huy hết tác dụng và có thể làm trầm cảm tiềm ẩn nặng thêm.Một nhóm thuốc chống trầm cảm gọi là các chất ức chế monoamine oxidase (IMAO) có thể gây ra những vấn đề về tim mạch và tăng huyết áp nguy hiểm khi kết hợp với bia rượu.
Thuốc kháng histamin (promethazin, clorpheniramin, alimemazin) khi dùng cùng với rượu sẽ làm gia tăng các tác dụng phụ do các thuốc kháng histamin gây ra, khiến buồn ngủ quá mức. Ngay cả các thuốc kháng histamin được quảng cáo là không buồn ngủ (như claritin và allegra) vẫn có thể gây buồn ngủ ở một số người, đặc biệt là khi kết hợp với rượu.
Thuốc kháng sinh: Khi kê đơn thuốc kháng sinh, đặc biệt là metronidazole, tinidazole và trimethoprim - sulfamethoxazole, cephalosporin bác sĩ thường cảnh báo bạn không được uống rượu, bia vì có thể nguy hiểm. Nguyên nhân là do những loại thuốc này có chứa các enzym có tác dụng với rượu và có thể gây ra đau đầu, đỏ bừng mặt, tim đập nhanh, buồn nôn và nôn. Khuyến cáo được các bác sĩ đưa ra là không nên uống rượu nếu bạn đang dùng kháng sinh. Nếu muốn, bạn nên uống sau 72 giờ, sau liều thuốc cuối cùng hay khi cơ thể được chữa khỏi bệnh vì khi phải dùng kháng sinh là cơ thể bạn đang phải chiến đấu với một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính. Vì vậy, cần hạn chế bia rượu trong khi cơ thể đang chữa bệnh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.