Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư với tự truyện ‘Đi qua trăm năm'
Tự truyện “Đi qua trăm năm” đưa bạn đọc đi xuyên qua hai thế kỷ của cuộc đời thăng trầm của tác giả. Từ cậu bé xuất thân từ làng quê Thanh Chi (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) đến nhà nghiên cứu bình dân ở tuổi bách niên (đến nay cụ đã 104 tuổi).
Nằm trong những tác phẩm dự kiến giới thiệu đến độc giả trong năm 2024 trở về sau nhưng tự truyện "Đi qua trăm năm" đã ra mắt trước vì nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư được chính Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đặt hàng từ sớm.
Tác phẩm dày 381 trang gồm 11 chương: Quê hương – Ký ức vẹn nguyên, về vùng đất Thanh Chương, Một thuở ấu thơ, Thời học sinh và chí lập thân, Một người cha gương mẫu, Tập tành đường chính trị, Cuộc sống gia đình, Dập dềnh sóng biển xuôi Nam, Theo thời tìm kế mưu sinh, Những khúc quanh cuộc đời, Nghiệp cầm bút, Phụ lục những hình ảnh lưu giữ quá khứ và hiện tại.
Mặc dù đã 104 tuổi nhưng cụ vẫn minh mẫn trò chuyện cùng độc giả, chia sẻ về cuộc đời và các tác phẩm do mình biên soạn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ: “Trong thời gian viết sách, tôi thấy cuộc đời của tôi có nhiều hoàn cảnh éo le, đáng làm gương cho con cháu làm việc tốt cho xã hội. Thứ hai, là có những người có hoàn cảnh như tôi thì có dịp đọc sách thì cũng sẽ vượt qua những khó khăn, không nên bi quan thất vọng...”
Với tự truyện cuộc đời “Đi qua trăm năm”, bạn đọc sẽ hiểu thêm về vùng đất Thanh Chương xứ Nghệ. Nơi đó cậu bé Nguyễn Đình Tư đã trải qua thời thơ ấu sống động, vẹn nguyên ký ức đến hôm nay. Quê hương đã giữ lại trong tâm khảm ông về hình dáng và tình cảm của người cha mẫu mực, người mẹ ruột yêu thương chẳng may qua đời sớm, người mẹ kế vì chồng, vì thương mấy đứa con chồng mà chịu thương chịu khó. Từ cậu học sinh giỏi trở thành chàng thanh niên tập tành đường chính trị, những thay đổi thời cuộc trong trong dòng chảy lịch sử đã đưa cụ Nguyễn Đình Tư xuôi về Nam, gặp những khúc quanh cuộc đời, rồi bước vào nghiệp cầm bút 80 năm qua.
Đến những dòng cuối của tự truyện, bạn đọc vẫn cảm nhận được ăm ắp tình cảm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư: “Và lời cuối trước khi khép lại tự truyện này, tôi vẫn còn dự định trong những ngày cuối đời sẽ viết tiếp 10 đầu sách nữa, nếu sức khỏe cho phép”.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, ông Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh bày tỏ: "Đọc quyển sách chúng ta sẽ thấy hình ảnh của một người con luôn trăn trở với những thăng trầm, phát triển của đất nước, hết lòng yêu nước. Trong quá trình sống, tham gia chiến đấu của thầy đã dành thời gian, tâm huyết của mình phục vụ cho nhân dân, cho đất nước...".
“Trong quyển sách, bác cũng đã để lại cho người đọc hiểu và học, làm theo tình cảm của bác dành cho quê hương, có sự giáo dục rất lớn, tình yêu thương của gia đình dành cho các con. Đọc qua tác phẩm của Thầy, tôi học được rất nhiều về đạo đức, lối sống giản dị, không ngừng phấn đấu vượt qua mọi thách thức, khó khăn. Theo tôi, đây là quyển sách có ý nghĩa toàn diện...” – ông Trần Hoàng Ngân chia sẻ thêm.
Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh Đinh Thị Thanh Thủy (nguyên Giám đốc, Tổng Biên Tập Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) bên Cụ Nguyễn Đình Tư tham dự khai mạc Đường sách Tết Giáp Thìn 2024.
Bà Đinh Thị Thanh Thủy chia sẻ tại buổi giao lưu: “Tác phẩm Đi qua trăm năm ra mắt như một món quà mừng đại thọ tuổi 104 của cụ. Ngay sau tác phẩm “Đi qua trăm năm”, tuổi quá bách niên nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư sẽ lại dành 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày bên máy vi tính và sách vở để làm việc, miệt mài với những số liệu, thông tin để viết tiếp những đề tài trong dự kiến: Từ điển địa danh hành chính Bắc Bộ, Trung Bộ; Lịch sử thành lập và phát triển các tỉnh Bắc Bộ - Trung Bộ - Nam Bộ và Tây Nguyên…”.
Với những công trình nghiên cứu về lịch sử cùng gần 100 tác phẩm đã ra đời, cụ Nguyễn Đình Tư đã dành được nhiều sự yêu thương, quý mến từ các học trò, độc giả ở mọi lứa tuổi, các nhà nghiên cứu trẻ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư được độc giả biết đến như một nhà văn với bộ tiểu thuyết dã sử 6 tập Loạn 12 sứ quân - viết bên vệ đường cổng xe lửa Phú Nhuận trong những năm đầu sau ngày giải phóng. Ông đặc biệt trở thành nhà biên khảo bình dân nổi tiếng trong nhiều năm mang cơm và trải chiếu nghỉ trưa ở hành lang Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, đợi giờ mở cửa phục vụ bạn đọc, miệt mài nghiên cứu nguồn tài liệu gốc về lịch sử, văn hóa, địa lý vùng đất Nam Bộ.
Sau buổi giao lưu, tác giả đã dành thời gian chụp ảnh lưu niệm, ký tặng sách đến quý bạn đọc gần xa.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.