Nhớ nhà thơ Hải Phòng "em bỏ chồng về ở với tôi không?"

2023-09-14 17:00:00 0 Bình luận
Đến dự Tọa đàm "Để có Thơ Lục Bát hay" tại Hài Phòng 2023, ai cũng nhắc đến cố Nhà thơ Đồng Đức Bốn (1948 - 2006). Tôi may mắn và vinh dự được làm một người bạn của ông lúc sinh thời, với bao kỷ niệm đáng nhớ. Hơn thế, còn là người đầu tiên viết về chân dung nhà thơ Đồng Đức Bốn. Xin đưa lại bài viết này, như một nén tâm nhang tưởng nhớ đến cây bút Lục Bát cự phách đất Hải Phòng.

Người từng vay nợ bạn bè nhiều như “Chúa Chổm”; từng táo tợn hỏi vợ người khác: “Em bỏ chồng về ở với tôi không?”; từng nhiều lần đỏ mặt, tía tai, cãi nhau ầm ĩ với mọi người, chỉ vì một chuyện vớ vẩn không đâu; thậm chí còn “to gan”, làm đơn kiện... cả Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam!...

Nhưng tất cả những “thói hư tật xấu” ấy của anh ta đều được người đời “lượng thứ” và “bỏ qua” chỉ bởi một điều may mắn: “Trời cho được cái lộc thơ”. Mà lại là Thơ Lục bát!

Sinh thời (1948 - 2006), người ta thường thấy gã đàn ông này xách chiếc cặp đen, đi đôi giày đen, quần áo luôn chỉnh tề, đầu tóc thì chải mượt... có mặt trên tuyến xe khách Hải Phòng - Hà Nội. Đến đâu, anh ta cũng tự giới thiệu: “Tôi là Nhà thơ Đồng Đức Bốn đây”!

Thực ra, cái danh xưng “Nhà thơ” của Đồng Đức Bốn được Hội Nhà văn Việt Nam công nhận vào năm 2001. Nhưng để có nó, anh đã phải nếm trải đủ thứ nhọc nhằn, đau đớn và khổ sở trong gần hai mươi năm!

Tôi nhớ rất rõ, hồi chúng tôi đang học khóa III Trường Viết văn Nguyễn Du (1986). Một hôm, phòng trọ có khách đến chơi. Anh ta tự giới thiệu:

- Nhà thơ Đồng Đức Bốn - Tác giả của "Con ngựa trắng và rừng quả đắng" đây!

Dạo đó, việc xuất bản chưa “thoáng” như bây giờ, các tác giả phải “xếp hàng” dài chờ đợi, nên có được tập sách là rất khó khăn, in thơ lại càng khó hơn. Bởi thế, "Con ngựa trắng và rừng quả đắng" quả là ấn tượng với chúng tôi.

Rồi như để chứng minh sự “sang trọng” của mình, Đồng Đức Bốn sốt sắng mời chúng tôi ra quán chè chén. Anh bốc mấy gói lạc rang rồi gọi liền mấy chai bia Hà Nội, bật nắp bôm bốp:

- Cứ ăn và uống cho thoải mái nhé. Tôi biết sinh viên các bạn là đói lắm. Phải ăn thiếu, uống khát thì làm sao mà viết văn và làm thơ hay được!

Lúc đứng lên thanh toán xong, Bốn còn bảo:

- Tớ làm đại diện cho Công ty Xuất nhập khẩu Súc sản gia cầm Hải Phòng tại Hà Nội, nên thường xuyên ở khách sạn Đồng Lợi. Lúc nào rảnh mời các bạn đến chơi, cần giúp gì thì cứ nói, đừng ngại...

Còn đang là thời “bao cấp”, người ta quen ăn uống kiểu “tem phiếu”, nên sinh viên nội trú khổ sở lắm, thấy Bốn hào phóng, lại “xài sang”, chúng tôi đều rất “nể”...

Bẵng đi một thời gian, đám bạn cùng học gặp lại mời nhau ra quán bia hơi. Có người tình cờ nhắc:

- Lâu lắm các ông có gặp Đồng Đức Bốn không? “Thằng cha” vay tôi mấy trăm ngàn, cứ khất lần khất lượt mãi chẳng chịu trả.

Một anh bạn khác bảo:

- Cả tôi cha ấy cũng nợ mấy trăm mà chưa đòi được...

Rồi một hôm, Bốn tìm đến cơ quan tôi công tác, giọng hớn hở khoe:

- Đi ăn trưa nhá, đang có rất nhiều tiền.

- Nhiều... tiền? Sao ông không trả nợ đi!

- Thì hôm nay trả hết chứ sao, chỉ còn mỗi mình ông thôi đấy.

Nói rồi, Bốn mở cặp chìa ra một xấp tiền mới thật. Đếm tiền đưa tôi xong, anh rút thêm mấy tờ bạc, giọng rất chân tình: “Lâu lắm không đến thăm nhà, gọi là cho các cháu gói bánh”.

Bốn đã nói thế thì sao mà từ chối được. Tôi hỏi nhỏ:

- Lấy đâu ra nhiều tiền vậy?

Bốn cười hề hà:

- Không buôn lậu, cũng chẳng được ai hối lộ; trước thiếu tiền in thơ tôi mới đi vay, nay bán được thơ rồi có thì mang trả... Hôm nọ, thấy Hoàng Trần Cương kêu khổ vì hết tiền, tôi tặng luôn “hắn” 25 “đô”, tôi cũng “biếu” Nguyễn Trọng Tạo 20 “đô”, “biếu” Đỗ Chu 300 ngàn đồng để bọn “hắn” uống bia. Hôm qua, nghe Nguyễn Xuân Hải (Báo CAND) bảo chuẩn bị về xây mộ cho ông già, tôi làm luôn chiếc phong bì 500 ngàn để “hắn” thắp hương giúp. Sáng nay qua báo Văn nghệ, thấy Phạm Tiến Duật đến hỏi vay tiền bạn mà không được, tôi rút ví ra đưa luôn. Chắc “lão” ấy ngạc nhiên lắm, vì đây không phải lần đầu tôi cho “lão” tiền, dù tôi biết chính “lão” đã cố tình “phá” tôi vào Hội Nhà văn mấy năm liền!

Nhân chuyện Đồng Đức Bốn “vào Hội”, làng văn ở Hà Nội và Hải Phòng cũng đã xôn xao một dạo. Chẳng là, sau nhiều năm nộp hồ sơ mà không có kết quả, Bốn đã làm đơn để... kiện Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam!

Nhưng Ban Chấp hành Hội Nhà văn có tới cả chục vị. Ai cũng tự an ủi mình vì nghĩ rằng “Chắc thằng Bốn nó chừa mình ra”, chấp làm gì cái gã “Chí Phèo đời mới” cho mệt người!

Bốn tức lắm, anh ta nổi khùng lên. Mà khi đã khùng rồi thì Bốn hay nói tục, lời lẽ to tát, côn đồ và bất chấp tất cả. Mỗi lần bước chân đến ngôi nhà số 9, phố Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội (trụ sở làm việc của Hội Nhà văn Việt Nam), Bốn đều oang oang:

- Thơ tôi hay! Tài tôi có! Tiền tôi cũng không thiếu! Xét mọi mặt thằng này chẳng kém ai. Thậm chí còn hơn rất nhiều vị hội viên khác... Vậy tại sao Hội đồng Thơ không bỏ phiếu cho tôi? Tại sao Ban Chấp hành không kết nạp tôi vào Hội Nhà văn Việt Nam?

Người có công tháo chiếc “ngòi nổ” của Bốn là nhà văn Hữu Ước. Hồi đó, anh đang là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ CA - An ninh thế giới. Một lần gặp Bốn đang oang oang, vung tay vung chân trong sân Hội Nhà văn, Hữu Ước khéo léo kéo Bốn về Tòa soạn An ninh thế giới. Anh rót đầy hai ly rượu mạnh, giục uống cạn, rồi nói nhỏ:

- Ông ngốc bỏ mẹ! Muốn được việc mình thì phải chịu nhún một tí, phải làm cho người ta hiểu mình, đồng cảm với mình đã. Hãy rút đơn kiện đi, để tôi bày cách cho. Nghe tôi đi, đảm bảo năm nay ông được kết nạp!

Năm ấy, Đồng Đức Bốn được công nhận là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thật. Đang đêm, nhận được tin vui qua điện thoại, anh đã hét to lên sung sướng, khiến cho cả nhà mất ngủ...

Sau thời gian ấy, Bốn thường xuyên có mặt tại Hà Nội. Anh thuê xe ôm cả ngày, nhiều lần còn có xe ô tô đưa đón đàng hoàng. Nhưng dù đi bằng phương tiện gì thì Bốn cũng ăn mặc rất chải chuốt: Quần áo là thẳng nếp, cavát thắt cả ngày, giày da lúc nào cũng bóng lộn, tóc chải mượt và mày râu thì luôn nhẵn nhụi...

Với cái vẻ bề ngoài kể trên, mới gặp Bốn lần đầu, nhiều người dễ lầm tưởng anh là một cán bộ... Chánh văn phòng, chuyên làm công tác ngoại giao, hay đại loại liên quan đến công việc lễ tân, đối ngoại gì đó...

Ngồi với bạn bè, Bốn thường lôi trong túi quần ra một chiếc... điện thoại di động loại môđen nhất, rồi bấm số nhoay nhoáy:

- A lô, Tổng Giám đốc đấy à? Thưa “bố”, tôi chưa xin được chữ ký cho “bố” đâu. Chiều nay tôi đã hẹn làm việc trên Bộ rồi, ông ấy giải quyết ngay, cứ yên tâm đi!

Hoặc:

- Làm gì mà ông phải lo lắng đến thế! Tôi vừa gặp Bí thư thành phố đầu giờ sáng nay. Dĩ nhiên là cả Chủ tịch cũng đã đồng ý rồi. Mọi việc có tôi lo là đâu vào đấy hết! Nhưng nhớ xong việc là phải biết cảm ơn người ta cho chu đáo, nghe chưa!

Lắm khi bất ngờ nhận được điện thoại của Bốn gọi từ đâu đó. Giọng anh oang oang, trịnh trọng như đang trên sân khấu. Sau khi thưa gửi một hồi, anh khoe rằng mình đang dự chiêu đãi, ngồi cùng bàn tiệc với các ông “A”, ông “Bê”, lại có cả bà “Xê” nữa... toàn những nhân vật VIP nhất thành phố đấy. Không tin hả? Vậy thì để chứng minh, mời ông nói chuyện với ông “Dê” Giám đốc sở mấy câu nhé...

Mặc dù bị “bỏ bom”, phải chào hỏi nói cười gượng gạo mấy câu, nhưng cả hai bên nói và nghe chẳng ai nỡ giận Bốn. Bởi, suy cho cùng thì anh chỉ làm sang cho họ thôi mà! Có Bốn, họ mới nói chuyện được với nhau.

Những năm ấy, không ít người đã thắc mắc hỏi tôi:

- Đồng Đức Bốn làm nghề gì?

- Ô hay, anh ta là Nhà thơ, thì “nghiệp vụ chuyên môn” là... làm thơ, chứ còn làm gì nữa!

- Không, là anh ta làm gì để kiếm sống cơ?

Tôi cười:

- Đó là nhờ sự yêu mến của bạn bè và “Trời cho được cái lộc thơ” (một câu thơ của Bốn).

Quả thật, Bốn biết rất nhiều nơi và quen cũng rất nhiều người. Và anh có cái tài thuyết phục để “chắp nối” họ với nhau. Cũng nhờ cái khả năng “trời cho” này, mà nhiều bạn bè đã chịu ơn Bốn, khi anh sốt sắng vác hồ sơ đi xin việc cho con cháu họ. Nghe nói, thời buổi cơ chế thị trường “người khôn của khó” này, có những việc làm phải tốn cả ngàn “đô”, chưa chắc đã “xuôi”, nhưng với Bốn thì chỉ cần mời anh một vại bia hơi là đâu vào đấy cả!

Nhiều người quý Đồng Đức Bốn, đơn giản chỉ vì anh làm thơ lục bát và “Thơ Đồng Đức Bốn cũng hay” (chữ dùng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp).

Trong 10 năm, Bốn đã cho in 5 tập thơ:

- Con ngựa trắng và rừng quả đắng (1992);

- Chăn trâu đốt lửa (1993);

- Trở về với mẹ ta thôi (2000);

- Cuối cùng vẫn còn dòng sông (2000);

- Chuông chùa kêu trong mưa (2002).

Nhưng dày dặn và ấn tượng nhất là “Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2005).

Cũng hiếm có người viết nào trong mấy năm đã đoạt tới 5 giải thưởng các cuộc thi thơ như Bốn, trong đó có giải của Báo Văn nghệ, của Tạp chí Văn nghệ Quân đội và của Báo Tiền phong...

Cuối năm 2001, đêm biểu diễn những ca khúc phổ thơ Đồng Đức Bốn, với chủ đề Trở về với mẹ ta thôi ở Nhà hát Tháng Tám, thành phố Hải Phòng là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời anh. Khán giả tới dự chật kín ghế ngồi. Hoa tặng nhà thơ và ca sĩ xếp đầy trên sân khấu... Người ta kéo đến chỉ vì yêu thơ Bốn, nhưng cũng có người đến bởi... tò mò và hiếu kỳ.

Thời gian đó, Bốn viết rất khỏe, được in cũng nhiều. Hẳn bạn đọc sẽ không tin khi tôi nói rằng “bí quyết” của cây bút chuyên lục bát này là làm thơ khi đang... “ngủ gật”! Chả là, hầu hết những bài thơ Bốn có, được sáng tác khi anh ngồi trên xe ô tô đi đâu đó. Chẳng cần giấy bút, mắt lim dim, mình lắc lư theo nhịp xe chạy, anh cứ nhẩm từng câu trong đầu cho thuộc, khi chép ra giấy thì đã thành tác phẩm hoàn chỉnh. Bốn có biệt tài nhớ và thuộc thơ rất nhanh. Tập sách dày cả trăm trang, anh có thể đọc xuôi, rồi đọc ngược cứ vanh vách, chẳng sai lấy một chữ.

Bốn có một câu thơ “nổi loạn” rất ấn tượng: "Em bỏ chồng về ở với tôi không?"

Chẳng hiểu đã có người phụ nữ nào bỏ chồng mình để theo anh chưa? Nhưng tôi biết, ở Hà Nội có một nữ bác sĩ đã mê Bốn như bị bỏ bùa. Mê tới mức “nàng” đã tốn không biết bao nhiêu nước mắt vì thương và nhớ “chàng”. Còn “chàng” cũng nhiều phen khốn khổ. Đó là khi bất ngờ nhận điện thoại của “nàng” và nghe tiếng nấc “thút thít” trong máy; dù xa hàng trăm cây số, Bốn vẫn phải “đội mưa đội gió” tìm về...

Với một người đàn ông tài hoa và đa tình như Bốn, thật hạnh phúc khi có được người phụ nữ yêu mình, nhưng sẽ là “tai họa” nếu như tình yêu đó hóa thành bùa mê. Trong những “cuộc chiến ái tình”, chiến thắng lớn nhất của người đàn ông chính là sự biết dừng lại, để rút lui đúng nơi và đúng lúc. Bốn đã thừa nhận sự “thất bại nhục nhã” của anh trước người đẹp. Chính lục bát đã buộc anh phải khuất phục “nàng” mà không thể rút lui. Nhưng đổi lại, tôi biết nhiều bài thơ tình hay nhất của Bốn đã ra đời mỗi khi anh “ngủ gật” lắc lư trên xe và nghĩ về “nàng”. Thì ra phụ nữ đẹp và những mối tình lãng mạn nhất, với thi sĩ thời nào cũng đều là cái cớ để... thành thơ.

May mắn làm sao, vợ Bốn là một phụ nữ đảm đang và cam chịu. Chị rất biết đồng cảm, chia sẻ với chồng mình và nhất là luôn cố gắng để không ghen với “Nàng Thơ” của anh. Khách đến chơi nhà, dù đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, Bốn chỉ cần khoát tay ra hiệu là vợ con cứ răm rắp đâu vào đấy. Thì ra, nhà thơ họ Đồng cũng gia trưởng và quyền uy trong nhà ra phết!

Nhà Bốn ở Quán Toan (Hải Phòng), cậy có đất vườn rộng, anh xây nhà to ngang với... Uỷ ban nhân dân xã.

Tính Bốn lại thích khoa trương, hào nhoáng, cái gì cũng mang ra bày cho sướng mắt, nên nhiều người đến thăm đều bảo nó giống như... cái cửa hàng bách hóa. Thôi thì đủ cả: Đồng hồ, đồ thuỷ tinh, điện thoại, bình hoa, xe máy... thứ nào cũng hàng chục chiếc xếp thành hàng choáng lộn. Đặc biệt là chó thì Bốn nuôi cả đàn: Chó tây, chó ta, lại còn cả chục con chó bằng gốm sứ nữa. Biết Bốn rất khoái chăm chó, Nguyễn Huy Thiệp đã hì hục khuân từ Hà Nội về một con chó đá trăm tuổi để tặng. Nhiều chuyến xa nhà mấy trăm cây số, Bốn thường gọi điện thoại về nhà hỏi thăm sức khỏe của... đàn chó ấy. Một lần, tôi thấy Bốn đang cầm điện thoại quát tháo om xòm, bỗng ngồi thừ người ra, nước mắt chảy dài...

- Nó chết thật rồi!

- Ai chết? Làm sao mà chết?

- Con chó ấy tôi yêu nhất đàn... Ai đời, thằng con tôi lại cho chó ăn xương gà cơ chứ! Ngu ơi là ngu! Chẳng cứu được nữa rồi, có khổ cho tôi không!

Bốn có một nỗi đau, còn rất ít người biết và hiểu cho anh: Như một định mệnh nghiệt ngã, cứ sau mỗi tập thơ của Bốn ra mắt bạn đọc, thì trong nhà anh lại có một người ruột thịt ra đi... 5 tập thơ của Bốn được xuất bản cũng có nghĩa là anh đã phải lần lượt gạt nước mắt để vĩnh biệt người cha, con trai, em ruột và cả hai thằng cháu ngoại bé bỏng... Lạy giời, khi tập thơ thứ 6 của Bốn ra đời, anh không phải khóc than cho ai nữa, nhưng đã phải trả giá bằng chính cuộc đời mình. Đó là tuyển tập dày gần ngàn trang, khổ lớn "Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc" định mệnh của một Nhà thơ Lục bát tài hoa!

Đồng Đức Bốn là vậy. Anh bảo cái tuổi Mậu Tí (1948) của mình ai cũng quen “ăn sóng nói gió”, tính nóng như lửa, nhưng được cái nhiệt tình với bạn bè. Mà bạn của Bốn thì nhiều lắm. Chính anh cũng chẳng nhớ hết rằng mình đã quen và thân được bao nhiêu! Bởi thế mà người yêu Bốn thì rất nhiều, mà kẻ ganh ghét với anh cũng không hiếm. Nhưng chẳng lẽ cứ phải như vậy, thì thơ mới hay chăng?

Điều an ủi lớn nhất của Bốn là “Trời cho được cái lộc thơ”. Ai có được cái “lộc” ấy, thì đâu cần sấp ngửa vội vàng, cứ đàng hoàng ung dung mà tận hưởng suốt đời không hết.

Và cho tới tận bây giờ, khi đã “Trở về với mẹ ta thôi” có lẽ Bốn là người thấm thía nhất điều ấy: Thơ đã vận vào đời anh với biết bao sự buồn vui, đau khổ, hạnh phúc... Thơ cho Bốn làm người và nếu không có thơ thì chẳng ai hình dung ra Đồng Đức Bốn thế nào cho đúng.

Trên Báo An ninh Thế giới Cuối tháng số 15, phát hành tháng 11 năm 2002, tôi đã cho công bố bài phóng sự “Vay nợ, kiện cáo, nói láo và làm thơ” - Đó là một tựa đề ấn tượng, từng gây nhiều tranh cãi, mà tôi viết về Đồng Đức Bốn.

Nói rằng, tôi đã viết bài báo nói trên theo “đơn đặt hàng” của Đồng Đức Bốn cũng đúng, mà nói tôi đã tuỳ hứng, tự nguyện viết về anh cũng phải. Chẳng là, vốn chơi với nhau đã lâu, tôi lại thường xuyên viết cho chuyên mục “Chuyện làng văn làng báo” của tờ An ninh Thế giới Cuối tháng, nên lần nào gặp nhau, Bốn cũng giục:

- Ông đã viết chân dung cho bao nhiều người, chẳng nhẽ tôi lại không nổi tiếng bằng họ? Thơ tôi không hay bằng họ? Hay tài tôi kém họ? Phải viết về tôi đây này! Thằng Đồng Đức Bốn xứng đáng để Đặng Vương Hưng viết lắm chứ!

Khất lần khất lượt mãi chẳng xong, tôi đành nhận lời với Bốn:

- Thôi được, tôi sẽ viết về ông! Nhưng, với một điều kiện...

- Điều kiện gì? - Bốn mừng quá, chộp lấy ngay - Nói đi, tôi sẵn sàng trả nhuận bút trước cho ông. Bao nhiêu cũng được!

Tôi biết, Bốn thường rất hào phóng và “chơi đẹp” với những người có công giúp mình. Khi được những nhà văn, nhà thơ, đạo diễn điện ảnh, nhà phê bình, nhà báo... có tiếng viết bài, anh sẵn sàng rút ngay chiếc phong bì 500 ngàn, hoặc một triệu đồng ra đưa ngay cho họ. Thậm chí, có người anh còn được anh tặng cả chiếc điện thoại di động đời mới, mời họ đi chơi Hải Phòng, Đồ Sơn, Cát Bà... bao ăn ngủ thoải mái. Tính Bốn vẫn vậy. Mang tiếng là vay nợ người đời, nhưng khi cần đãi bạn bè, có thể móc ví chi đến đồng tiền cuối cùng. Nhiều lần, nhà văn Lê Lựu dẫn cả một đoàn khách về nhà Bốn. Anh và gia đình đã phục vụ chu đáo đâu ra đấy...

Tôi cười, nói với Bốn:

- Nhuận bút thì báo An ninh Thế giới đã trả tôi đủ sống rồi. Tôi không yêu cầu ông trả tiền thêm đâu, nhưng phải giao hẹn trước: Tôi viết gì là tuỳ cảm nhận và hứng thú của mình, ông cũng phải vui vẻ chấp nhận.

Chẳng cần suy nghĩ, Bốn nói ngay:

- Ông muốn viết gì về tôi thì viết. Kể cả ông cứ viết thật tục tĩu, chửi toáng lên rằng: “Tiên sư thằng Đồng Đức Bốn!” tôi cũng vui vẻ chấp nhận hết.

- Thế thì được!

- Nhưng mà, tôi cũng phải ra điều kiện lại: Ông phải chiều tôi một tí là ký đúng tên Đặng Vương Hưng, cấm được dùng bút danh khác!

Tôi cũng đồng ý. Sau bản “hợp đồng miệng” đó, bài viết đã được tôi thể hiện rất nhanh. Bởi với Đồng Đức Bốn thì tôi không cần phải tìm hiểu, lấy tư liệu như nhiều chân dung khác. Nội dung của bài viết gần như đã có sẵn trong đầu, chỉ việc ngồi vào máy vi tính gõ là chữ tuôn ra cứ ào ào vậy.

Khi tôi điện thoại cho Bốn, thông báo bài viết đã xong. Bốn mừng lắm, anh yêu cầu tôi gửi ngay cho một bản, bằng cách FAX về nhà riêng ở Quán Toan. Dịp ấy, Bốn vừa sắm được chiếc máy FAX, nhưng chủ yếu là để trưng bày cho oai, chứ gia đình anh chẳng ai biết sử dụng cả. Qua điện thoại, tôi phải hướng dẫn Bốn cách sử dụng máy từng thao tác một. Chật vật lắm, rồi Bốn cũng nhận được bốn trang bản thảo qua FAX. Đọc xong, Bốn điện lại cho tôi ngay, nói rằng anh rất ưng ý. Theo lời Bốn, thì đây là một bài viết độc đáo mà anh thích nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, anh cũng đề nghị tôi sửa lại vài chi tiết và nhấn mạnh thêm một số đoạn. Tôi đồng ý với Bốn.

Bản thảo bài viết được chuyển cho bộ phận biên tập An ninh Thế giới Cuối tháng. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (hiện là Phó chủ tịch Hội Nhà văn VN) là người đọc nó đầu tiên. Anh bảo nội dung bài viết rất thú vị. Thấy rất rõ là Đồng Đức Bốn. Nhưng Thiều chê cái tít “Trời cho được cái lộc thơ” hiền lành quá, đề nghị cho đổi lại. Tôi biết Thiều là một trong những người được mệnh danh là “chuyên gia rút tít”, liền nói: “Vậy thì ông giúp cho luôn đi”. Thiều ngẫm nghĩ rồi xóa “Trời cho được cái lộc thơ” đi và sửa lại là: “Vay nợ, kiện cáo, làm thơ...”.

Họa sĩ Lê Tâm đã làm makét trình bày cái tít đó. Nhưng khi đọc lại bản bông in thử, tôi thấy nó không ổn, vì hình như thiếu thiếu một cái gì đó mới ra Đồng Đức Bốn...

Nhân cái “tứ” của Nguyễn Quang Thiều gợi ra, sau khi cân nhắc, tôi quyết định “phôn” cho Đồng Đức Bốn qua máy đi động:

- Bài viết về ông, Ban Biên tập báo An ninh Thế giới Cuối tháng đọc đều đồng ý hết! Tuy nhiên, để cho hấp dẫn người đọc hơn cái tít bài chúng tôi đề nghị được đổi lại là “Vay nợ, kiện cáo, nói láo và làm thơ”. Ông thấy sao?

Một phút ngập ngừng. Bốn hỏi lại:

- Nghe khiếp quá. Nhưng vay nợ, kiện cáo và làm thơ thì hiểu rồi. Còn tại sao lại có nói láo?

- Ô hay! Thì ông có tài “nói trạng” để thuyết phục người khác tin và nghe mình. Ông đã “sai khiến và điều hành” được bao nhiêu Giám đốc. Với lại, ông không thấy ngày xưa Nhà văn Vũ Bằng viết tác phẩm nổi tiếng “Bốn mươi năm nói láo” đấy à? Nói láo ở đây là nói láo sang trọng, nói láo để đời theo kiểu Vũ Bằng... hiểu chưa!

- Thế thì... “ô kê”! Tôi đồng ý. Ông cứ cho in nguyên văn cái tít “Vay nợ, kiện cáo, nói láo và làm thơ”. Tôi đếch sợ thằng nào nó chọc ngoáy cả!

Rồi số báo ấy được phát hành...

Cũng như mỗi khi có báo nào in bài in về mình, Bốn thường bỏ tiền ra mua thêm hàng trăm số để tặng bạn bè. Riêng báo An ninh Thế giới Cuối tháng số 15, anh đã mua tới 200 tờ để tặng khắp Hải Phòng...

Vậy là hồi đó, cả làng văn thành phố Hoa Phượng Đỏ, làng văn Hà Nội và nhiều nơi trên cả nước... xôn xao khi đọc bài viết về Đồng Đức Bốn. Ai xem xong cũng đều gật gù, hả hê và bình phẩm thêm. Người thân của Bốn thì bảo tôi đã chê bai và phê bình anh; kẻ ghét Bốn lại bảo tôi khéo khen ngợi, thanh minh và bảo vệ cho anh. Thôi thì tuỳ cảm nhận của người đọc, mỗi độc giả đều có quyền phán xử của riêng mình.

Riêng Đồng Đức Bốn thì bỗng dưng im lặng và anh đã “lặn mất tăm” gần tháng trời không thấy đến tòa soạn An ninh Thế giới.

Một ngày nọ, Bốn bất ngờ xách cặp tới gõ cửa phòng làm việc của tôi. Vẫn đầu tóc chải mượt, giày da đen bóng lộn, bộ com lê là thẳng nếp, cavát thắt ngay ngắn cứ vài ba phút lại chỉnh sửa một lần. Giọng anh ta oang oang:

- Tôi mệt mỏi quá ông ạ! Cứ phải thanh minh về bài báo của ông suốt. Thì ra sự nổi tiếng cũng làm cho con người ta khổ sở thật. Chẳng trách mấy ca sĩ ngôi sao thường phải trốn tránh các fan hâm mộ mình cũng là phải. Ai gặp tôi, cũng túm áo lại hỏi về bài báo trên An ninh Thế giới. Kể cả bà vợ ông Trần Huy Tản (hồi đó là Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng) rồi vợ ông Phạm Hiệp (hồi đó là Phó Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng)... Họ chỉ đọc mỗi cái tít bài, rồi lo lắng thay cho tôi: Sao hai ông chơi thân với nhau mà lại viết “ác” thế?

Tôi hỏi lại:

- Thế các bà đã đọc kỹ bài viết ấy chưa? Cái tít là một chuyện, nội dung bài báo viết gì mới là quan trọng chứ!

- Thì thế mới có cái để nói! Bây giờ thì mọi chuyện tôi đã cho qua cả rồi!

Rồi Bốn cười hà hà, chửi tục ầm ĩ, thật sảng khoái.

Bốn lại đều đặn xách cặp vào phòng làm việc của tôi những khi có việc từ Hải Phòng lên Hà Nội. Có những sáng sớm mới từ nhà ra cơ quan, chưa kịp mở cửa phòng, tôi đã thấy Bốn đợi bên ngoài chờ cùng đi ăn sáng.

Thường là vừa ăn phở, nhâm nhi ly cà phê, Bốn vừa khoe một bài thơ lục bát mới viết khi “ngủ gật” trên đường. Anh vẫn viết đều đặn và rất khoẻ. Bốn hể hả thông báo với tôi:

- Năm con Dê này tôi làm cái gì cũng thuận cả. Tiền bạc cứ “vào như nước”. Tôi vừa tậu thêm ba “con” xe đắt tiền: một “Acòng”, một Dylan và một Averis nữa... Tất cả gần ba trăm triệu đồng! Cuối năm nay, nếu không có gì thay đổi, tôi sẽ tậu ô tô. Tôi sẽ mua một chiếc xe màu đen, trị giá khoảng tỷ đồng. Hai thằng con trai tôi đều lái xe giỏi. Mình lại có tiền, tội gì mà không chơI, không hưởng thụ cuộc sống nhỉ!

Tôi tin rằng Bốn không nói khoác. Nghe kể, có lần anh vào thành phố Hồ Chí Minh, đi dạo phố cùng mấy người bạn văn, trong đó có nhà thơ Trương Nam Hương, cả bọn kéo nhau vào một tiệm bán đồng hồ. Thấy Bốn mải mê ngắm một chiếc Longzin đắt tiền, có anh bạn đùa:

- Nếu thích thì mời nhà thơ lục bát xứ Hải Phòng mua làm kỷ niệm đi. Loại ấy mặt gắn hạt xoàn, dây đeo toàn vàng Tây đấy. Giá cũng “rẻ” thôi, có mỗi... 30 triệu đồng!

Bỗng nhiên, Bốn nổi khùng lên:

- Ông tưởng tôi thiếu tiền à? Nếu thích thì... chết tôi cũng mua! Bà chủ bán hàng đâu? Gói ngay cho tôi chiếc này! Lấy luôn cả chiếc nhẫn vàng trắng, có đính hạt xoàn bốn ly, giá hai ngàn đô la kia nữa! Tôi quyết định đeo luôn cả hai thứ cho nó... sướng tay, cho... lác mắt thiên hạ!

Rồi Bốn rút ngay trong cặp xách ra một chiếc phong bì, đếm đủ bốn ngàn đô la trả tiền mua hàng. Chẳng biết sau này thiên hạ có ai “lác mắt” vì cái đồng hồ và chiếc nhẫn đắt tiền đó chưa? Nhưng lúc ấy, cả nhóm bạn văn đều phải tròn mắt, nhìn Đồng Đức Bốn kinh ngạc thật sự.

Một ngày đầu tháng 6 năm 2003, Bốn tìm đến tôi, không giấu nổi niềm vui:

- Khoe riêng với ông thôi: Tôi vừa lấy giấy phép của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, chuẩn bị in cuốn “Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc”. Đó là một tập sách dày hơn nghìn trang, ruột in bằng giấy tốt, đóng bìa cứng. Tôi đang dự kiến sẽ đầu tư cho nó ít nhất là một trăm triệu đồng. Phen này lại khiến cho khối ông trong Hội Nhà văn phải sửng sốt, phát rồ cho xem!

Mấy năm qua, nhờ giời, tôi vẫn làm thơ và in sách đều đều. Tập thơ “Chuông chùa kêu trong mưa” in năm 2002 của tôi có thể được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm nay. Sách đang được Hội đồng Thơ đọc...

- Hình như ông đã có 5 giải thưởng. Thêm cái thứ 6 của Hội Nhà văn là nhất ông rồi!

- Nhưng tức quá! Có thằng cha nào đó lại bảo quyển ấy tôi in lại toàn bài cũ. Tiên sư nó! Chỉ được cái rỗi hơi và thối mồm, không muốn cho người khác hơn mình! Nếu biết thằng nào, tôi sẽ cho hắn một trận! Hôm nọ gặp mấy “lão” ở Hội đồng Thơ, tôi đã làm toáng lên: Nếu cần, các anh cứ cho người kiểm tra, thẩm định. Nếu đúng trong tập ấy có bài in lại, tôi sẽ đứng yên để các anh chọc mù mắt thằng Bốn này đi. Còn nếu sai, thì tôi sẽ tìm ra “thằng cha” nào nói bậy, vu khống để... nhét cứt vào mồm nó. Ông thấy tôi nói thế có được không?

Tôi cười, dàn hòa. Cái tính thẳng thắn, bốp chát, nghĩ sao nói vậy của Bốn nhiều khi rất được việc. Nhiều người ngại “đụng độ” với anh cũng vì thế. Chẳng biết “đầu cua tai nheo” ra sao, nhưng hễ cảm thấy “ngang tai trái mắt” là Bốn đã làm ầm ĩ cả lên. Thôi thì, đành phải chiều “hắn” một tí cho yên chuyện và xuôi việc. Mà suy cho cùng, không riêng gì các nhà văn, nhà thơ, sống ở trên đời này chẳng một ai muốn “chọc mù mắt” hay “nhét cứt vào mồm” cả!

Có thể nhiều người không thích Đồng Đức Bốn. Thậm chí còn bực mình với anh vì nhiều lý do. Nhưng không một ai phủ nhận thơ của Đồng Đức Bốn. Anh đã có những đóng góp nhất định cho sự trường tồn của một thể loại thi ca truyền thống và rất Việt Nam: Thơ lục bát!

Có lẽ vì thế mà Bốn đã được nhiều bạn đọc và bạn thơ yêu mến, dành cho anh những tình cảm chân tình. Một trong những người bạn thơ rất đặc biệt ấy là Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Khi còn là Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cùng Nhà thơ Bằng Việt là những người đã trực tiếp viết những dòng giới thiệu Đồng Đức Bốn với Hội đồng Thơ và Ban Chấp hành, đề nghị xét kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cho anh. Rất hiếm khi Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm tặng thơ cho ai. Nhưng ông đã viết riêng cho Đồng Đức Bốn một bài thơ theo thể lục bát, in trang trọng trên tuần báo Văn nghệ...

Một đêm khuya, tôi nhận được điện thoại của Bốn, giọng anh đầy hứng khởi:

- Theo một thông tin “mật” thì có thể năm nay tôi sẽ nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam... Ông thấy tôi như thế có sung sướng và hạnh phúc không?

Sung sướng và hạnh phúc quá đi chứ! Tôi đã nói những lời đẹp nhất để chúc mừng Bốn. Và chúc mừng cả việc anh vừa được nhà văn Lê Lựu ký quyết định “phong” cho làm... Trưởng đại diện Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam tại Hải Phòng!

Rồi cái Lễ ra mắt của Văn phòng Đại diện Trung tâm nói trên được Đồng Đức Bốn tổ chức thật rầm rộ. Anh mời hàng trăm giám đốc doanh nghiệp, cùng hàng ngàn đại biểu tới Nhà hát Tháng Tám để chứng kiến... Sau nghi lễ long trọng có bà Phó Chủ tịch thành phố tới dự là phần đọc thơ và biểu diễn văn nghệ chào mừng, diễn kịch nói...

Sau đó, Đồng Đức Bốn còn kiêm cả việc “Chịu trách nhiệm xuất bản” tờ Đặc san Văn hóa doanh nhân dày trên 100 trang. Gặp bất cứ nhà văn, nhà thơ, hay nhà quản lý nào mà Bốn thích, anh cũng đều đề nghị họ viết bài cộng tác, hoặc xin họ bản thảo có sẵn. “Tác phẩm cũ, đã in rồi cũng được, miễn là hay!” - Bốn thường nói thế. Rồi một mình anh hì hụi tự trình bày ma két, đọc bản in thử, trực tiếp đến nhà in...

Phải thừa nhận là hồi đó “Văn hóa doanh nhân” là một ấn phẩm đẹp, in bốn màu, rất cầu kỳ và tốn kém. Các tác giả cộng tác đều được tôn vinh hết cỡ, với dòng chữ bút danh thật to, kèm theo chân dung lồ lộ bên cạnh... ấn phẩm không đề giá bán lẻ, nhưng bù lại, Bốn có cách phát hành “độc chiêu”, có lẽ trừ anh ra, chẳng ai làm nổi: Ngoài các bản in để “Kính biếu” và “Thân tặng”, số còn lại anh mang đi... “ấn hành” (ấn vào tay một số doanh nghiệp và hành cho họ phải mua!). Không thấy có cuốn “Văn hóa doanh nhân” nào được trưng bày, hoặc có bán ở các đại lý sách báo!

Vậy mà trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, nhà thơ họ Đồng đã hồn nhiên “nổ” tưng bừng: "Mục tiêu của tôi là sẽ phấn đấu để nâng số lượng phát hành của “Văn hóa doanh nhân” lên ngang bằng với... Báo An ninh thế giới và Báo Tuổi trẻ" (!)

Nghe Đồng Đức Bốn tuyên bố vậy, bạn bè làm báo chỉ cười. Đó cũng là cái sự đáng yêu của anh.

Nhưng đó cũng là những ngày tháng cuối cùng của Đồng Đức Bốn. Anh bất ngờ phát hiện ra căn bệnh quái ác: Ung thư phổi! Và đau đớn thay, Bốn đã chọn tôi là người đầu tiên để thông báo hung tin này. Được anh đồng ý, tôi đã viết một bài ngắn cho đăng công khai trên An ninh Thế giới để bạn văn cùng chia sẻ.

Đồng Đức Bốn đã ra đi vào đúng “Ngày lễ Tình nhân” của năm 2006, khi tài thơ đang chín và mới chạm tuổi 58.

Trước đó, anh đã kịp hoàn thành tuyển tập “Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc” dày ngàn trang, khổ lớn, bằng loại giấy tốt, đóng bìa cứng, có áo bọc lót... như anh mơ ước.

Chỉ sống chưa đầy 60 năm trên đời (chưa đủ một vòng tròn của Can - Chi theo lịch âm) vậy mà không chỉ có thơ lục bát hay để nhiều bạn đọc phải nhớ, mà còn làm được bao nhiêu là chuyện “tày đình” như Đồng Đức Bốn, thì kể cũng là tài hoa thật!

Xin được mượn một câu thơ của Đồng Đức Bốn để kết thúc bài viết nhỏ này: "Mải mê đuổi một con diều / Củ khoai nướng để cả chiều thành tro".

(Rút từ tập sách ký chân dung "Văn Nghệ Sĩ Tài Danh" của Đặng Vương Hưng)

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Lan tỏa giá trị văn hóa và tri thức

Giải thưởng Sách Quốc gia – sự kiện văn hóa thường niên, đã trở thành biểu tượng của nền xuất bản Việt Nam, không ngừng lan tỏa giá trị tri thức, văn hóa và góp phần xây dựng xã hội học tập.
2024-11-22 22:15:00

Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á phẫu thuật nhân đạo cho người nghèo tại Hải Phòng

Sáng 22/11, Đoàn công tác của Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á (APBA) do Giáo sư Bác sĩ Hattori Tadashi - Giám đốc dẫn đầu, đến khám và phẫu thuật nhân đạo cho bệnh nhân nghèo, mắc bệnh nặng về dịch kính võng mạc tại Hải Phòng.
2024-11-22 19:05:20

Fansipan rực rỡ sắc màu lễ hội hoa sen đá, giá vé cáp treo chỉ còn 550.000 đồng

Lầu đầu tiên được tổ chức tại Fansipan, Lễ hội hoa sen đá đem đến vô vàn trải nhiệm độc đáo cho du khách, đặc biệt khi Sa Pa đang vào mùa mây đẹp nhất năm.
2024-11-22 18:47:26

HEAD Honda Thắng Lợi lưu chuyển tiền thuần âm và chiến lược vượt khó

Mặc dù trên bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Công ty TNHH Thắng Lợi âm 225 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm hơn 1,7 tỷ đồng nhưng kết thúc năm 2023, công ty TNHH Thắng Lợi đạt hơn 711 tỷ đồng doanh thu, báo lãi sau thuế hơn 260 triệu đồng.
2024-11-22 17:40:02

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Đại học Quốc gia Malaya

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh chặng đường tiếp theo của Việt Nam và Malaysia cũng như việc bảo đảm một hệ thống quốc tế công bằng, rộng mở phụ thuộc lớn vào sự phát triển vững mạnh của ASEAN.
2024-11-22 14:08:22

Hợp tác xã Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường kỷ niệm 10 năm thành lập

Hợp tác xã (HTX) Cựu chiến binh (CCB) Vạn Xuân Trường là mô hình được thành lập theo Luật HTX năm 2012, qua 10 năm hoạt động đã vươn lên trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế tập thể, là HTX tốp đầu của tỉnh Nam Định về sản xuất kinh doanh.
2024-11-22 09:34:27
Đang tải...