Những điểm nhấn trong lễ hội Bình Đà 2019
![]() |
Lễ hội làng Bình Đà được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam đầu tiên của thành phố Hà Nội. Lễ hội diễn ra trong 13 ngày liền với nhiều hoạt động nghi lễ mang đậm chất Đồng bằng Bắc Bộ.
Nghi thức trình bò sống hay còn còn gọi là tế cáo Tiền Nhật mô phỏng việc Đức Thánh Linh Lang khao quân trước khi lên đường đánh giặc được tổ chức ngay sau ngày khai hội.
“Ngày xưa bò giống làm lễ được chọn trước cả năm trời với nhiều điều kiện nghiêm ngặt như phải là bò đực, khỏe mạnh, đường sống lưng bằng phẳng, ngực sâu và rộng, mông to, các chân cân đối, lông trơn. Tiếp theo chọn gia đình nuôi bò phải song toàn, không vướng tang cớ, con cháu đề huề để nuôi bò cúng tế”, ông Bùi Đăng Thịnh, Nguyên thủ từ đền nội đình Bình Đà cho biết.
Do điều kiện khó khăn về kinh tế và chiến tranh nghi lễ này bị gián đoạn nhiều nă, đến năm 2014 mới được khôi phục lại. Người đại diện làng cho biết do điều kiện hiện nay không còn các giáp và cũng không có gia đình nào có đủ điều kiện để chăn nuôi bò trong một năm. Nên trước Hội một tháng, Ban Quản lý Di tích sẽ phân công một thôn (thường là theo thứ tự luân phiên) giao đi mua bò tế. Bò mua về cũng phải lựa chọn theo những quy định khắt khe ở trên.
Trước ngày làm lễ, bò được cho ăn loại cỏ tươi, hàng ngày được tắm bằng nước cây thơm (hương nhu, xả) để tắm. Đến ngày hội, bò được tắm rửa bằng nước giếng của đình, cho nhịn ăn từ hôm trước (ngày 24 tháng Hai Âm lịch). Ngày 25, bò được cho mặc áo và rước từ gia đình nuôi bò đến đình Ngoại làm lễ tế bò sống, kể từ lúc này bò phải nhịn ăn, uống.
Đến ngày 5/3 (âm lịch), nghi lễ tế Hội đồng được diễn ra trang trọng trong Đền chỉ có chủ tế cùng bốn trùm cai nội đang kính cẩn bày biện xem xét lễ vật cho đám rước vía, gồm: nước trong (1 bát), trầu cau (1 tráp) tiền mã (100) tờ, oản lớn (12 phẩm), bánh thủy (bánh vía 4 viên) đậy kín trong đài. Từ sáng sớm, trống chiêng gọi hội ba hồi chín tiếng dõng dạc vang lên lan rộng như nhắc nhở, giục dã dân làng tới. Chủ tế, trùm cai xem xét từng mâm, đặt vào đúng nơi thờ như ngọc phả quy định. “Các giáp mang lễ lợn (lợn cả con, sạch lông, sạch lòng) bày la liệt quanh đài. Mỗi nơi một chủ tế đảm nhiệm. Chủ tế tới đàn trời đất đọc văn tế, giọng thiết tha, trầm bổng xúc động lòng người, cảm hoá trời đất. Sau đó cử hành lễ rước và thả bánh Thánh tại giếng Ngọc”, ông Bùi Đăng Thịnh nói thêm.
![]() |
Cũng vào sáng hôm đó, các đoàn khách từ Trung ương, các bộ ban ngành, thành phố, huyện, xã lân cận tổ chức trang trọng lễ dâng hương lên Đền Nội tưởng nhớ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân và Linh Lang Đại Vương.
Buổi chiều, cử hành rước Hoàn Cung, Sáu kiệu từ Đền Nội và Đình Ngoại lần lượt từ Đền trở về Đình. Sau khi đi được nửa đường thì ba kiệu Đền Nội quay lại Đền Nội còn ba kiệu Đình Ngoại hoàn cung Đình Ngoại. Sau đó làm lễ yên vị và cất kiệu đến hội năm sau.
Lễ hội năm nay cũng tổ chức nhiều hoạt động phong phú, như: Khai mạc trình diễn tranh nghệ thuật, thơ mái đền Việt tổ; Khai mạc, tổ chức thi đấu giao lưu giải cờ tướng, cầu lông, bóng bàn; Khai mạc trò chơi dân gian “Bịt mắt đập niêu và bịt mắt bắt vịt”; Hát quan họ hồ Thủy đình và các đêm giao lưu biểu diễn nghệ thuật phục vụ lễ hội.
Điểm mới trong công tác tổ chức lễ hội, đó là: Lễ hội Bình Đà năm 2019 sẽ do UBND huyện Thanh Oai đứng ra tổ chức; UBND huyện đã thành lập Ban tổ chức lễ hội cùng 05 Tiểu ban giúp Ban tổ chức Lễ hội trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đại biểu mời tham dự lễ dâng hương mở rộng hơn, đặc biệt là mời lãnh đạo tỉnh Phú Thọ; lãnh đạo huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ); người con quê hương Thanh Oai thành đạt đang công tác tại Trung ương và các tỉnh thành trong cả nước. Toàn bộ khu sân đình Nội dành riêng để tổ chức các nghi lễ của lễ hội. Toàn bộ khu vực trường THCS Bình Minh dành riêng để tổ chức đón, tiếp khách dự Lễ dâng hương.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.