Những thương binh đất Tổ
Hành trình thoát nghèo của thương binh cụt chân
Năm 1975, Nguyễn Trường Sinh nhập ngũ khi tròn 18 tuổi. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, người thanh niên đóng quân ở Phú Lợi (Thủ Dầu Một), rồi sang chiến trường Campuchia vào tháng 8/1977. Trong chiến dịch tại huyện Tân Biên (Tây Ninh) tháng 2/1979, khi quay ra khu vực xã Xa Mát lúc 4 giờ sáng, thì đơn vị ông bị lộ. Chiến đấu tới 2 giờ chiều thì ông trúng đạn 12ly7 và bị cắt một chân. Rời quân ngũ với thương tật 1/4, ông trở về quê nhà và công tác tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Năm 1984, ông cùng vợ về quê với đồng trợ cấp ít ỏi. Ông luôn nung nấu suy nghĩ: “Bao nhiêu người xung quanh mình vẫn sống với chính đôi bàn tay họ, trong khi mình còn đủ hai mắt, còn đủ hai tay, chả nhẽ lại cứ cam chịu đói nghèo mãi”. Và hành trình thoát nghèo khẳng định mình của ông với hàng trăm nghề đã gắn ông với cái tên Sinh “cụt” - một cái tên ông rất đỗi tự hào.
Về quê, ông dùng số tiền tích cóp được mua một miếng đất để ở. Cuộc sống vất vả, có tuần hai vợ chồng toàn ăn sắn độn trừ bữa. Ông quyết định đi buôn để thoát nghèo. Lúc này vốn ít, nhưng chẳng ai dám cho vay tiền vì thấy ông cụt chân, hai tay hai nạng. Cánh lái xe dạo ấy không ai là không biết Sinh “cụt” buôn chè với đôi nạng gỗ. Nhờ buôn chè, ông có đồng vốn và chuyển sang buôn đồng nát và đồ cũ bán lại. Dần dà có thêm vốn, ông lại đổi nghề đi buôn gỗ dưới sông, lên tận thượng nguồn sông Đà. Hết buôn gỗ ông lại chuyển sang nghề mổ lợn. Ông kể lại hành trình làm nghề mổ lợn của mình: “Lúc đầu làm gì có xe máy, toàn đèo lợn bằng xe đạp, mà đâu có gần, có khi vào tận Yên Lập, sang Thanh Thuỷ. Mình cụt chân, xe đạp, hai nạng, bắt được con lợn về để mổ mướt mồ hôi, nhiều khi phải nhờ người đẩy hộ xe mới đi được”. Làm nghề có chút vốn, ông mua chiếc xe kích 51 của Đức. Quyết tâm tập đi và đi được xe máy với ông là một kỳ công, khi ông mất chân trái - chân đạp nổ xe. Dân bán hàng các chợ Yến Mao, Tu Vũ, Đồng Luận và các chợ Thanh Thuỷ, Lâm Thao... thời ấy không ai quên đươc hình ảnh Sinh “cụt” mổ lợn và kiểu đi xe kích đặc trưng, đó là đạp xe máy bằng tay trái, khi xe nổ, tay phải bóp phanh bắt chéo sang bóp côn và vào số cũng bằng tay. Nhiều lúc ngã chảy cả máu, nhưng cuối cùng ông cũng đi được. Khi đã đi thạo, có khi ông chở một lúc 3 con lợn nặng hơn tạ, cũng không phải nhờ ai bắt lợn hộ. Hai tay, một chân kẹp nạng cứ thế ông tự bắt, tự trói và vật ra mổ một mình rồi đem đi bán. Mổ lợn, bán thịt, chăn nuôi, đào ao, thả cá , làm vườn... ông lần hồi lao động chân chính trong hành trình vượt nghèo.
Chỉ tay lên những tấm bằng khen thương binh làm kinh tế giỏi của UBND tỉnh, huyện, và Hội Cựu chiến binh các cấp tặng qua nhiều năm, ông cười: “Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt mới có được đấy, đừng tưởng Sinh “cụt” sinh ra đã có của ăn của để”. Đến giờ, đã hơn 30 năm, người thương binh hoàn toàn tự hào vì công sức mình bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng: một ngôi nhà hai tầng, đầy đủ tiện nghi nép mình trong vườn cây, ao cá rộng rãi, một gia đình hạnh phúc với người vợ đảm đang và bốn đứa con ngoan ngoãn.
Sinh “cụt” còn là một cựu chiến binh tích cực thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động và xây dựng gia đình văn hóa. Ông luôn hết lòng tương trợ những người khó khăn và các hội viên cựu chiến binh.
Lan tỏa truyền thống cao đẹp của bộ đội Cụ Hồ
Đầu năm 1967, khi giặc Mỹ leo thang ném bom phá hoại miền Bắc, Nguyễn Hồng Dậu (xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, Hà Tây) khi ấy vừa tròn 18 tuổi, viết đơn xung phong nhập ngũ. Được biên chế vào đơn vị hỏa lực thuộc Sư đoàn Đồng bằng, sau bảy tháng tuổi quân và 19 tuổi đời, người thanh niên đã được gắn trên ve áo quân hàm binh nhì và được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam ngay trên chiến trường. Bản thân ông bị thương tới ba lần, hai lần đầu nhẹ hơn, điều trị tạm ổn lại tiếp tục xung trận.
Lần bị thương thứ ba là nặng nhất. Mảnh đạn găm khắp người, chân phải bị bay mất mảnh xương cẳng chân, tay phải cũng từ lần đó mà cử động không còn được linh hoạt. Tuy vậy, khi kể lại kỉ niệm bị thương đó, ông vẫn cảm thấy may mắn vì mìn không nổ trúng năm quả lựu đạn mà ông nhặt được của quân địch, đang buộc ở thắt lưng.
Ông kể: “Giây phút sau khi đạp phải mìn và nằm xuống ấy tôi cảm thấy mình vẫn còn tỉnh lắm nhưng cơ thể không còn cảm giác gì và cũng không cử động được. Trong mắt lúc ấy chỉ thấy một màu xanh - màu trời xanh và những ngọn cỏ. Bỗng dưng mình cảm thấy sao mà yêu màu xanh ấy thế vì trong đầu lúc đó cũng đã xác định có thể chỉ ít phút nữa là mình hy sinh rồi”.
Thương binh Nguyễn Đình Dậu cùng gia đình (Ảnh: Báo Tiền Phong)
Sau lần bị thương đó, ông phải giã từ đồng đội và về điều trị tại Khu điều dưỡng thương binh 5 (nay là Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ). Phải rời quân ngũ sớm, ông gần như mất liên lạc với những người đồng đội cùng đơn vị. Dần dà, qua kết nối thông tin, báo chí, đã có nhiều đồng đội cũ đến thăm ông.
Nay đã 76 năm tuổi đời, 58 năm tuổi Đảng, ông vẫn luôn sắt son một lòng tin vào Đảng, được mọi đảng viên trong chi bộ tín nhiệm, tin yêu. Ông cũng thường xuyên được các cơ quan, đơn vị, địa phương và các trường học trên địa bàn mời tham gia giao lưu, nói chuyện truyền thống cách mạng, truyền thống quê hương, đất nước, truyền thống cao đẹp của bộ đội Cụ Hồ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.