Những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội

2022-04-20 12:43:21 0 Bình luận
Mặc dù xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết số 42) đã đạt được kết quả tích cực, nhưng thực tế vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc do vậy khi xử lý nợ xấu cần giải quyết tiếp những vấn đề sau:

Thứ nhất, việc mua, bán nợ xấu của tổ chức mua, bán nợ xấu khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số 42 quy định “Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thỏa thuận với tổ chức tín dụng quy định tại khoản 1 Điều này mua khoản nợ xấu với giá mua bằng giá trị định giá của tổ chức định giá độc lập;...”. Tuy nhiên, hiện nay lại chưa có quy định cụ thể về các phương pháp thẩm định giá các khoản nợ.

Do các phương pháp hướng dẫn tại Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam được áp dụng chung cho thẩm định giá các loại tài sản, nên khi thẩm định giá các khoản nợ xấu đôi khi việc vận dụng của các doanh nghiệp thẩm định giá là khác nhau, gây khó khăn cho các bên trong việc lựa chọn mức giá tham khảo làm cơ sở xác định mức giá khởi điểm trong giao dịch mua bán nợ.

Thứ hai, về quyền thu giữ tài sản bảo đảm (Điều 7 Nghị quyết số 42) trên thực tế, phương thức thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) để xử lý nợ xấu chỉ thành công khi khách hàng hợp tác, hoặc trong một số trường hợp nhất định như khách hàng đã bỏ trốn khỏi địa phương mà TSBĐ không có tranh chấp, TSBĐ là đất trống... còn khi khách hàng không hợp tác bàn giao TSBĐ, chống đối khi tiến hành thu giữ thì việc thu giữ thường không đạt được kết quả.

Khó khăn, vướng mắc về quy định liên quan đến thỏa thuận về thu giữ trong hợp đồng bảo đảm do các hợp đồng bảo đảm được ký kết trước thời điểm Nghị quyết số 42 có hiệu lực đều không quy định trực tiếp nội dung này (vì tại thời điểm hợp đồng được ký kết thì Nghị định 163/2006/NĐ-CP không quy định nội dung này). Do vậy, để đủ điều kiện áp dụng quyền thu giữ TSBĐ theo quy định trên, các tổ chức tín dụng (TCTD) phải đàm phán lại với bên vay/bên bảo đảm để ký lại hợp đồng bảo đảm có điều khoản thu giữ.

Tuy nhiên, khách hàng thường không hợp tác (không ký lại nội dung điều chỉnh họp đồng bảo đảm có điều khoản thu giữ), vì vậy, các TCTD rất khó để thực hiện việc thu giữ TSBĐ theo Điều 7 Nghị quyết số 42.

Khó khăn, vướng mắc về cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng tài sản bảo đảm, hiện Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự không có hệ thống dữ liệu cho phép các TCTD trích xuất, tra cứu thông tin tài sản có liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết. Đồng thời, cũng chưa có hướng dẫn về cơ chế xác định sớm hữu hiệu trong quá trình thẩm định để xác định tài sản nào đang tranh chấp, tài sản nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn khi áp dụng quy định về thu giữ tài sản theo Nghị quyết số 42.

Khó khăn, vướng mắc về việc xử lỷ các tài sản nằm trên/trong tài sản bị thu giữ

Trên thực tế, thực hiện việc thu giữ phát sinh rất nhiều trường họp trên/trong tài sản bị thu giữ có các tài sản khác của bên bảo đảm hoặc bên thứ ba (các đồ gia dụng, điện tử, quần áo, giường tủ....) mà bên bảo đảm hoặc bên thứ ba không tự nguyện dời đi. Tuy nhiên, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể để xử lý đối với các trường hợp này dẫn đến TCTD gặp nhiều khó khăn, phát sinh chi phí cho việc xử lý các tài sản này (thuê nơi trông giữ, hậu quả pháp lý của việc hao mòn, thiệt hại tài sản trong quá trình trông giữ, xử lý tranh chấp...).

                                                  

Thứ ba, về thủ tục rút gọn (Điều 8 Nghị quyết số 42). Để triển khai Nghị quyết số 42, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 hướng dẫn về việc áp dụng thủ tục rút gọn.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của Tòa án để áp dụng thủ tục rút gọn gặp nhiều khó khăn, như việc thực hiện quy định về xác nhận công nợ, tài liệu về nơi cư trú của người bị kiện (người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan), do khi xảy ra nợ xấu, đa phần khách hàng trốn tránh, không hợp tác với TCTD để phối hợp xử lý, nên việc xác nhận này rất khó thực hiện... Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về điều kiện áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn và khoản 4 Điều 323 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn thì trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới mà các bên đương sự không thống nhất làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Tòa án phải ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Như vậy, trường hợp bên có nghĩa vụ trả nợ/chủ tài sản/bên bảo đảm không hợp tác, chống đối, rất dễ dẫn đến trường hợp cố tình tạo ra các tình tiết mới làm cho vụ án không còn bảo đảm điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 42 để đưa vụ án về thủ tục tố tụng thông thường, dẫn đến việc không thể áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn theo quy định tại Nghị quyết số 42 (một số trường hợp Tòa án yêu cầu TCTD nộp lại hồ sơ khởi kiện theo thủ tục thông thường hoặc yêu cầu chuyển hồ sơ từ tranh chấp về nghĩa vụ giao/xử lý TSBĐ sang “tranh chấp về hợp đồng tín dụng”.

Hiện nay, quy định tại Nghị quyết số 42 chỉ áp dụng thủ tục rút gọn đối với tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ, tranh chấp về quyền xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu của TCTD, VAMC mà chưa quy định được áp dụng thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp hợp đồng tín dụng của các TCTD với khách hàng vay. Trong khi đó, các tranh chấp của các khoản nợ xấu tại các TCTD hầu hết là các tranh chấp về hợp đồng tín dụng. Do đó, việc không quy định thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp về hợp đồng tín dụng gây rất nhiều khó khăn, hạn chế cho các TCTD trong việc xử lý nợ xấu.

Thứ tư, về xử lý TSBĐ là dự án bất động sản (Điều 10 Nghị quyết số 42) đối với việc xử lý TSBĐ là dự án bất động sản, ngoài việc tuân thủ theo quy định của pháp luật về xử lý TSBĐ, bên nhận chuyển nhượng còn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, đầu tư, xây dựng. Điều này dẫn đến thực trạng là sau khi TCTD đưa tài sản bảo đảm là dự án bất động sản ra bán đấu giá công khai và xác định được người trúng đấu giá, nhưng lại không thực hiện được thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho người nhận chuyển nhượng, với lý do là chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, năng lực theo quy định.

Thứ năm, về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm (Điều 12 Nghị quyết số 42) thời gian vừa qua, trên thực tế triển khai, các cơ quan thuế nhiều địa phương vẫn yêu cầu bên nhận bảo đảm/bên nhận chuyển nhượng phải đóng thay tiền thuế thu nhập cho bên bảo đảm mới thực hiện các thủ tục liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận, sang tên cho người nhận chuyển nhượng, các cơ quan thi hành án sau khi thực hiện thủ tục xử lý TSBĐ vẫn tiến hành trích thu luôn tiền án phí, tiền thuế thu nhập cá nhân đối với các TSBĐ bán đấu giá thành công trước khi chuyển tiền về cho các TCTD, mặc dù tài sản bảo đảm sau khi xử lý vẫn không đủ trả nợ cho TCTD.  

Như vậy, việc vẫn phải nộp các khoản thuế, án phí trước khi thực hiện nghĩa vụ ưu tiên thanh toán cho bên nhận bảo đảm là không phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 42, làm giảm số tiền thu hồi nợ của TCTD trong khi số tiền xử lý TSBĐ không đủ thu hồi nợ cho TCTD, dẫn đến không đảm bảo hiệu quả của việc xử lý nợ xấu. Thực tiễn tại các quốc gia khác, quyền của bên nhận TSBĐ bao giờ cũng được ưu tiên hơn so với các quyền khác.

Thứ sáu, việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự (Điều 14 Nghị quyết số 42) hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật giải thích cụ thể về việc “ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án” theo quy định tại Điều 14 Nghị quyết số 42.

Do đó, việc có hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là TSBĐ của khoản nợ xấu hay không, hoàn trả vào thời gian nào sẽ phụ thuộc nhiều vào quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng dẫn đến các TCTD rất chậm nhận được tài sản để xử lý, thu hồi nợ đối với các khoản nợ xấu.

Thứ bảy, nợ xấu trong thời gian tới, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD, theo đó nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng trong giai đoạn 2020 - 2021.

Tại thời điểm 31/12/2021, chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD đã được cải thiện. Nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD đến 31/12/2021 là 190,5 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu nội bàng là 1,49% (giảm so với mức 1,98% tại thời điểm 30/11/2021 do các TCTD thường có xu hướng tăng cường xử lý nợ xấu trong thời điểm cuối năm). Theo đó tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD tiếp tục được kiểm soát ở mức dưới 2%.

Tuy nhiên, trong trường hợp đánh giá một cách thận trọng, nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung có nguy cơ chuyển thành nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao (so với tổng dư nợ) là 6,31%. Như vậy, chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD nói chung đang tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn, đáng quan ngại.

Trường hợp kinh tế chậm phục hồi do tác động của dịch bệnh Covid-19 trong năm 2021 và dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu tiềm ẩn có thể tiếp tục tăng nhanh và ở mức cao hơn nữa, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của hệ thống ngân hàng nói riêng và mọi hoạt động của nền kinh tế nói chung.

Ngoài ra, sau khi xử lý được khối lượng lớn nợ xấu trong năm 2018, 2019, tốc độ xử lý nợ xấu trong năm 2020 và năm 2021 có xu hướng chậm lại, trong đó xử lý nợ xấu theo hình thức khách hàng trả nợ giảm. Năm 2020 giảm 12,98 nghìn tỷ đồng, chỉ tương đương 75,8% so với năm 2019; năm 2021 giảm 7,66 nghìn tỷ đồng, chỉ tương đương 85,7% so với năm 2019. Do dịch bệnh Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của khách hàng. Đồng thời, việc xử lý TSBĐ, đặc biệt là TSBĐ bằng bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế cần thời gian để phục hồi và khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu và TSBĐ cần tiếp tục được rà soát, bổ sung và hoàn thiện.

Do đó, để tiếp tục thực hiện mục tiêu phấn đấu xử lý và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ở mức dưới 2% trong thời gian tới là thách thức không nhỏ đối với ngành Ngân hàng, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các giải pháp về xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD.

Nhiều nhà đầu tư khác cũng muốn mua nợ, kể cả nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi thị trường mua bán nợ xấu của Việt Nam vẫn “eo hẹp”, vấn đề thủ tục pháp lý quá rườm rà, nhất là những vấn đề liên quan đến chuyển nhượng tài sản, khiến các nhà đầu tư nước ngoài khó tham gia.

Vì thế, việc thành lập và cho sàn giao dịch nợ đi vào hoạt động sẽ giúp nhiều thành phần cùng tham gia, giúp hoạt động mua bán nợ theo đúng cơ chế kinh tế thị trường – thuận mua vừa bán./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

“Hành trình khôi phục phòng Nam dược chuẩn Y khoa”

Ngay từ ngày đầu thành lập Y Dược Việt đã xác định rõ hướng đi cho mình là phát triển các sản phẩm từ thảo dược, dược liệu có sẵn của đất nước Việt Nam (Nam Dược).
2024-04-23 15:35:00

SHB hai năm liền được vinh danh Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất

SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các Ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.
2024-04-23 10:53:14

MIK GROUP khởi công giai đoạn 2 dự án Imperia Smart City

Sáng ngày 22/4, MIK Group đã chính thức khởi công phân khu The Sola Park thuộc giai đoạn 2 dự án Imperia Smart City (Tây Mỗ, Hà Nội). Với thành công được minh chứng từ giai đoạn 1, cái tên Imperia Smart City dự đoán sẽ tiếp tục làm sôi động thị trường BĐS nhà ở khu vực phía Tây.
2024-04-23 10:49:47

Chuyện về con tàu Đại Lãnh trong trận chiến Gạc Ma 1988

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí mới đây, thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Anh hùng LLVTND kể, năm 1999, khi ông đang là thứ trưởng Bộ Quốc phòng, miền Trung có lũ lụt cực lớn.
2024-04-23 10:37:37

Phú Yên: Cần sớm giải quyết nguyện vọng chính đáng của các nhà đầu tư

Vừa qua, Tạp chí điện tử Hòa Nhập nhận được đơn thư của ông Phạm Văn Đạo (sống tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) phản ánh về việc: Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ra quyết định thu hồi đất khi doanh nghiệp đang thực hiện dự án Khu đô thị du lịch năng lượng xanh.
2024-04-23 10:00:31

Quý I có 66 vụ cháy, Nghệ An chỉ đạo phòng chống cháy nổ mùa nắng nóng

Mùa nắng nóng đang tới gần, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Do đó, tỉnh Nghệ An đặc biệt chú trọng tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trên địa bàn.
2024-04-23 08:15:00
Đang tải...