Những thầy cô giáo trẻ không lương
2015-11-23 09:42:49
0 Bình luận
“Chạm” để ai đó mở cửa trái tim, chạm để chia sẻ yêu thương, để nâng đỡ, để thấu hiểu. Đó là lý do mà nhiều người đã chọn cách làm những người thầy không lương để mang cái chữ, mang kiến thức, mang tình yêu thương đến những đứa trẻ đặc biệt.
Nhung (hàng sau, thứ 2 từ trái qua) cùng các em nhỏ tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Chạm để yêu thương
Dương Hồng Nhung, sinh viên năm thứ 2 ĐH RMIT Việt Nam là một trong những thành viên nhỏ tuổi nhất của tổ chức phi lợi nhuận Chạm. Nhung cho biết, tổ chức được thành lập từ năm 2013 và Nhung đã tham gia từ ngày đó, ngày em còn đang là học sinh lớp 12. Sau thời gian tạm dừng để ôn thi vào ĐH, Nhung tiếp tục quay lại với công việc của mình. Nhung cho biết, một tuần 2 buổi chiều (thứ 3 và thứ 4 hàng tuần), nhóm đến Bệnh viện Nhi trung ương tổ chức dạy nhạc và mỹ thuật cho các em nhỏ đang điều trị tại đây. “Đa số các em đều có hoàn cảnh rất khó khăn từ các tỉnh đến điều trị” - Nhung cho hay.
Chạm bây giờ có 50 thành viên, trong đó số thành viên hoạt động tích cực có 20 người. Họ đến từ nhiều trường ĐH của Hà Nội. Mỗi buổi đến lớp, nhóm soạn một giáo án khác nhau, hầu như không lặp lại, có khi là học hát, học vẽ, học làm thiệp, học làm mũ gà con… Những dịp đặc biệt như Tết thiếu nhi, Tết trung thu, ngày 20/10… Chạm đều có những hoạt động để các em nhỏ được vui chơi, được chia sẻ. Theo Nhung, ngoài việc tổ chức các lớp học tình thương cho các em nhỏ ở Bệnh viện Nhi trung ương, mỗi năm, nhóm còn tổ chức đi thiện nguyện 2 lần tại các vùng khó khăn.
“Chạm có nghĩa là muốn chạm tới trái tim, tâm hồn của mọi người. Chạm được đến nơi nào có thể. Chạm chỉ là hành động nhỏ, rất khẽ, không quá to tát, vĩ mô nhưng đủ sức lay động tất cả”. Dương Hồng Nhung, sinh viên năm thứ 2 ĐH RMIT Việt Nam
Chuyến đi lên xã Bó Lù, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đợt tháng 7 vừa qua là một kỷ niệm đáng nhớ của nhóm. Để đến được một điểm trường của xã, hỏi thăm người dân địa phương, nhóm nhận được câu trả lời: không xa lắm đâu, đi bộ chỉ khoảng 3 tiếng. 3 tiếng, không sao, túc tắc vừa đi vừa nghỉ - cả nhóm quyết định. Thế nhưng sau khi leo hết 6 quả đồi, lên tới điểm trường mong muốn, nhóm đã đi hết 6 tiếng (từ 6h sáng đến 12h trưa).
Lên đến nơi, nhìn thấy các em nhỏ ùa ra đón đoàn, mọi mệt nhọc bỗng nhiên tiêu tan hết. Thế là thay vì có thể chơi với các em được nhiều thời gian thì chỉ còn được 2 giờ vì phải xuống núi trước khi trời tối.
Nhung cũng cho biết thêm, điểm trường này của xã Bó Lù vẫn chưa có điện lưới quốc gia, các em học sinh vẫn hằng ngày đi lên, đi xuống lấy nước lên trường. Không những thế, có lẽ vì khổ luyện mãi cũng quen nên các em dù chân trần vẫn đi thoăn thoắt. Thậm chí có em xuống đón đoàn ở chân núi, trong khi em lên đến trường từ lúc nào thì đoàn vẫn lò dò ở dưới. Khi thấy đoàn lấp ló ở cổng trường, em “phàn nàn”: sao các chị đi lâu thế. Dù xấu hổ nhưng đoàn của Nhung ai cũng vui.
Chia sẻ về Chạm, Nhung cho biết: Chạm có nghĩa là muốn chạm tới trái tim, tâm hồn của mọi người. Chạm được đến nơi nào có thể. Chạm chỉ là hành động nhỏ, rất khẽ, không quá to tát, vĩ mô nhưng đủ sức lay động tất cả. Đó cũng là mục đích của người đầu tiên sáng lập ra Chạm, bạn Lê Minh Huyền, cựu sinh viên ĐH Ngoại thương, Hà Nội. Giờ Huyền không còn trực tiếp làm với Chạm nhưng cô hoàn toàn yên tâm vì có rất nhiều các bạn trẻ rất tâm huyết với công việc thiện nguyện này.
Người bạn của những em nhỏ kém may mắn
Nguyễn Chí Dũng, học sinh lớp 11B, trường THPT chuyên Ngoại ngữ, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội, là một trong những thành viên của CLB thiện nguyện Shine của trường. Bước chân vào trường, Dũng đã tham gia sinh hoạt tại đây. Công việc của nhóm mỗi năm sẽ chọn một vài trung tâm để tình nguyện dạy học cho học sinh khuyết tật. Năm nay, CLB của Dũng thực hiện hoạt động tình nguyện ở 3 trung tâm là Hy Vọng, Mầm non Cầu vồng xanh và trường dạy trẻ khiếm thính Nhân Chính. Dũng tham gia hoạt động tại trung tâm Mầm non Cầu vồng xanh. Đây là trung tâm có nhiều trẻ bị tự kỷ.
Hiện Shine có khoảng 70 thành viên, đều là học sinh lớp 10, 11, 12 của trường THPT chuyên ngữ. Với phương châm hoạt động làm tình nguyện hết mình, các thành viên trong CLB hiện đang là những người thầy, người bạn của các em nhỏ kém may mắn trong cuộc sống.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo Tienphong.vn