Phú Thọ: tổng kết 04 năm triển khai Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng
Sau khi các Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng được ban hành, UBND tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một cách đồng bộ, kịp thời. Trong đó chú trọng đến việc giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng sở ngành, tăng cường phân cấp, đẩy mạnh cải cách chủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xác nhận, xét duyệt, giải quyết chế độ chính sách chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân.
Việc tuyên truyền phổ biến các quy định của Nghị định đối với người có công với cách mạng luôn được tỉnh Phú Thọ quan tâm chú trọng nhằm đưa hệ thống văn bản pháp quy đến tất cả các cán bộ làm công tác chính sách người có công từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, bản và toàn thể nhân dân trong tỉnh. Hàng năm, UBND tỉnh giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phú Thọ ký kết chương trình phối hợp với Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương mở các chuyên trang, chuyên mục nhằm tuyên truyền, phổ biến các văn bản chính sách mới của Chính phủ, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các hướng dẫn thực hiện về chế độ chính sách thuộc lĩnh vực ngành quản lý. Đồng thời tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho tất cả cán bộ làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội ở các xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao nhận thức, cập nhật thông tin và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới của công việc.
Các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã xác định rõ trách nhiệm và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác giải quyết chính sách đối với người có công, công tác tuyên truyền triển khai được thực hiện kịp thời, chế độ chính sách được phổ biến đầy đủ công khai, những tồn đọng về chính sách đã được giải quyết có hiệu quả góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Các đại biểu dự hội nghị Ban Chỉ đạo 515 Quân khu 2 tổng kết 10 năm thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ - Ảnh: Báo Quân khu Hai
Từ thời điểm Nghị định số 131/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (15/02/2022) đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận, thẩm định và xét duyệt đề nghị công nhận mới và công nhận mới 255 người có công với cách mạng; tiếp nhận 31.561 hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng (trong đó hồ sơ tiếp nhận qua Trung tâm phục vụ hành chính công và đã giải quyết là 5.988 hồ sơ, không có hồ sơ bị chậm muộn); Thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng đầy đủ đối với trên 22 nghìn người có công với cách mạng. Nhân dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành kế hoạch đồng thời chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức thăm hỏi và tặng quà các đối tượng chính sách người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ (đã tặng 343.051 xuất quà với tổng kinh phí 92.214 triệu đồng).
Triển khai rà soát dữ liệu người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh phục vụ xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu người có công với cách mạng của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phục vụ công tác quản lý và giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công được nhanh chóng và chính xác hơn.
Toàn tỉnh hiện có 224 nghĩa trang và công trình ghi công liệt sĩ. Gồm 1 đền thờ liệt sĩ, 18 đài tưởng niệm liệt sĩ, 69 nhà bia ghi tên liệt sỹ và 136 nghĩa trang liệt sĩ (cấp huyện 10 nghĩa trang, cấp xã 126 nghĩa trang); Hàng năm, Sở đều tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng và nhu cầu sửa chữa, nâng cấp, tôn tạo các công trình nêu trên để làm căn cứ báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh bố trí kinh phí đồng thời vận động xã hội hóa để tăng cường nguồn lực cho công tác này. Các hoạt động viếng nghĩa trang liệt sĩ đã mang lại hiệu quả thiết thực; đảm bảo đúng mục đích, ý nghĩa, đạo lý truyền thống của dân tộc “ Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”.
Công tác xã hội hóa chăm sóc người có công, phong trào xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được đẩy mạnh. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm duy trì, có sức lan tỏa sâu rộng, được cộng đồng xã hội tích cực hưởng ứng. Đến nay 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng. Trong 2 năm (2022, 2023) toàn tỉnh đã vận động Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" ở cả 3 cấp đạt: 9.722 triệu đồng. Từ số tiền vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ở các cấp, sự hỗ trợ của Trung ương, đóng góp của các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, của cộng đồng dân cư, gia đình và các nhà hảo tâm đã tiến hành hỗ trợ: Xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nghĩa trang, công trình ghi công liệt sỹ... Các hoạt động đã góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công và gia đình người có công với cách mạng.
Tuổi trẻ Phú Thọ tri ân, tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ
Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình thực hiện các nghị định còn một số khó khăn như: Việc chuyển toàn bộ hệ thống các Thông tư hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh, Nghị định về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trước đây vào 01 văn bản là Nghị định 131/2021/NĐ-CP với dung lượng văn bản lớn, có tác động trực tiếp đến chế độ, chính sách của nhiều đối tượng là người có công, đòi hỏi các cơ quan xác định rõ hơn nội dung công việc, thời hạn, tiến độ, cơ chế phối hợp hiệu quả giữa sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện. Còn có một số nội dung liên quan đến thủ tục, hồ sơ xác nhận người có công, giải quyết chế độ đối với người có công còn chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng thực hiện ở địa phương. Có một số nội dung mỗi địa phương, mỗi ngành… hiểu một cách khác nhau, chưa thống nhất để thực hiện trong một số trường hợp hồ sơ cụ thể.
Xác định chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của đất nước, các cấp các ngành và nhân dân đã và đang tích cực đóng góp ý kiến, đề xuất với Chính phủ trong việc sửa đổi bổ sung các nghị định hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; đồng thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quy định về thủ tục hành chính, các vướng mắc do quy định pháp luật khác có liên quan nhằm đưa chính sách vào cuộc sống một cách thuận lợi, thiết thực và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.