Người khiếm thị đang bị các ngân hàng phân biệt đối xử?
Tuy vậy, vẫn còn đó những khó khăn, rào cản chưa thể giải quyết một cách dứt điểm. Điều đó, dẫn tới việc, người khuyết tật khó tiếp cận các dịch vụ cơ bản của ngân hàng.
Cụ thể, những khó khăn đó bao gồm: Hệ thống ATM chưa thân thiện với người khuyết tật, chưa có lối đi dành cho người sử dụng xe lăn, bàn phím ATM chưa có chữ nổi (chữ braille) và chưa có hỗ trợ điều hướng bằng âm thanh hay đọc màn hình để người khiếm thị có thể thao tác. Cấu tạo của các máy ATM khác nhau, vị trí cắm thẻ khác nhau, bố cục các phím chức năng khác nhau dẫn đến việc người khiếm thị rất bối rối, dễ bị thao tác sai. Từ đó, ảnh hưởng tới việc sử dụng dịch vụ ngân hàng của người khiếm thị.
Ngoài ra, việc các ứng dụng ngân hàng trên di động hay các website của ngân hàng không đáp ứng khả năng tiếp cận, tính thân thiện chưa cao cũng là rào cản gây cản trở việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người khuyết tật vì bản thân các phần mềm đọc màn hình không thể đọc được nội dung đồ họa mà chỉ có đọc được dạng text.
Vì vậy, việc các website của ngân hàng yêu cầu xác thực bằng mã capcha dẫn tới việc người khuyết tật sử dụng các dịch vụ ngân hàng một cách bị động và phải phụ thuộc vào người thứ ba để hỗ trợ họ trong việc giao dịch. Chưa kể, việc định danh hay mở tài khoản trực tiếp tại quầy cho người khuyết tật vẫn phải cần có người giám hộ. Điều này, khiến cho họ phụ thuộc vào người khác nhiều hơn là chủ động trong việc quản lý tài chính của mình.
Mặt khác, nhiều ngân hàng cho rằng người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung cần phải có người giám hộ để phòng chánh những rủi ro không đáng có. Tuy nhiên việc có người giám hộ chưa chắc đã đảm bảo an toàn tuyệt đối khi người khuyết tật sử dụng dịch vụ ngân hàng mà còn khiến cho họ phụ thuộc hơn vào người giám hộ. Đồng thời, giảm bớt quyền lợi của chủ thẻ (khách hàng khuyết tật). Chưa kể một vài nguyên nhân khác như đa phần người khiếm thị hay người khuyết tật đều ở xa gia đình và họ đang học tập, làm việc ở các thành phố lớn. Nếu yêu cầu người giám hộ là anh chị, cha mẹ, ông bà,... thì không thể còn nếu là bạn bè thì càng không vì một khi đã là người ngoài thì không thể tin tưởng được. Ngay cả người nhà còn rất khó tin chứ nói chi là người ngoài.
Trong khi đó, yêu cầu của ngân hàng là phải giữ an toàn, bảo mật cho chủ thẻ. Nếu chỉ có ngân hàng và chủ thẻ thì mọi giao dịch sẽ được giữ bí mật nhưng nếu có thêm người giám hộ thì tức là tài khoản đó có người thứ ba can thiệp. Một khi có người thứ ba can thiệp thì khả năng lộ thông tin cá nhân, mất an toàn và rủi ro sẽ tăng chứ không hề giảm. Nếu tài khoản của bạn bị người thân quản lý thì khi họ biết mật khẩu hay mã pin thì họ sẽ rút tiền tùy tiện của bạn bất kể bạn là chủ thẻ. Vì vậy, có người giám hộ hay ủy quyền là điều không cần thiết.
Bản thân tôi là một người khuyết tật đã sử dụng dịch vụ ngân hàng hơn hai năm nay, tôi không đồng ý với bất cứ những lý do nào mà các ngân hàng đưa ra hay những gì họ đang làm với người khuyết tật. Đó là sự kì thị, phân biệt đối xử và tước đi quyền lợi của người khuyết tật. Tài khoản của mình mà mình chỉ sở hữu trên danh nghĩa thì không thể chấp nhận được. Tôi thật sự cảm thấy rất bức xúc về vấn đề này.
Để chứng minh cho những luận điểm của tôi là đúng, tôi đã xin dẫn lại câu chuyện lùm xùm giữa anh Hà Văn Đông với Vietcombank vài năm về trước. Thật bất ngờ, khi đó, mọi người đều nghĩ rằng ngân hàng không cho người khiếm thị mở thẻ và các dịch vụ khác như internet banking là hoàn toàn hợp lý, không có gì phải bàn cãi. Nhưng họ có biết rằng, quyền được sử dụng dịch vụ ngân hàng là chính đáng khi mà người khiếm thị không thể cầm một xấp tiền trên tay được vì dễ bị lẫn lộn với các tờ tiền với nhau rất khó để phân biệt. Trong khi đó, sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt là rất phù hợp với người khiếm thị.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có bất kì ngân hàng nào đáp ứng đủ điều kiện để người khuyết tật có thể tiếp cận với các dịch vụ của họ. Chưa kể, các nước phát triển trên thế giới như Singapore, Palestine, Mĩ và Ấn Độ đã cho phép người khuyết tật sử dụng ngân hàng để góp phần thu hẹp khoảng cách, tránh thái độ kì thị phân biệt đối xử với người khuyết tật. Nhiều người nghĩ rằng, quy định của ngân hàng là đúng với lý do họ bảo vệ tài khoản của khách hàng.
Nhưng không có chuyện là cấm đoán sử dụng hay bảo vệ ở đây. Theo tôi, đây cũng là sự kì thị phân biệt đối xử. Luật người khuyết tật 2010 có ghi rõ: người khuyết tật có quyền tiếp cận các dịch vụ của xã hội như CNTT, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông và bao nhiêu người khác. Không có chuyện là làm như thế sẽ tốt cho chủ thẻ.
Bất kì ai giới hạn quyền của người khuyết tật phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc hành chính. Người khuyết tật không cần sự thương hại của xã hội mà là được đối xử một cách công bằng, bình đẳng, được trao cơ hội hòa nhập với cộng đồng chứ không phải là biện lý do để cản trở quá trình hòa nhập cũng như bao biện cho hành vi thiếu tính nhân văn đó. Đây là hành động hạn chế quyền lợi, năng lực của người khuyết tật, làm cản trở sự hòa nhập của người khuyết tật. Tôi cho rằng những ý kiến cho rằng người khuyết tật không thể tự sử dụng dịch vụ ngân hàng là điều khiến cộng đồng người khuyết tật tổn thương và giảm bớt quyền lợi chính đáng được sử dụng dịch vụ ngân hàng của người khuyết tật.
Nhiều người vẫn quan niệm rằng việc người khuyết tật sử dụng tài khoản ngân hàng là điều vượt xa tưởng tượng của họ. Thực tình mà nói, đây là vấn đề đã tồn tại từ bao nhiêu năm nay rồi chứ không phải tới bây giờ mới đề cập. Vì vậy, mọi thứ vẫn chưa có bước tiến nào đáng kể.
Vẫn còn tình trạng người khuyết tật bị nhân viên ngân hàng gây khó dễ với lý do người khuyết tật không có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, cho dù là vô tình hay cố ý thì họ cũng không nên làm khó người khuyết tật. Đây là những ý kiến mang tính miệt thị cao nên tôi nghĩ, cần phải chấn chỉnh ngay và thay đổi nhận thức của họ về người khuyết tật.
Hầu hết đều cho rằng người khuyết tật chỉ được giao dịch tại chi nhánh nơi mở thẻ và mỗi lần giao dịch phải đi cùng người giám hộ và có chữ ký của người đó. Đồng thời, ngân hàng còn khống chế mỗi lần giao dịch không quá 10 triệu đồng, một tuần giao dịch không quá 5 lần; không sử dụng Internet Banking và không rút tiền tại máy ATM là cách tốt nhất để bảo vệ những rủi ro cho người khiếm thị.
Trước khi gặp anh Đông thì Vietcombank cũng nghĩ những quy định trên là hoàn toàn hợp lý và rất nhân văn nhưng sau buổi làm việc với anh thì họ đã phải đi hết bất ngờ này tới bất ngờ khác khi biết rằng người khiếm thị có thể sử dụng smartphone và laptop, không những để giao dịch ngân hàng mà còn làm được nhiều việc khác như lướt facebook, zalo, Tiktok, đọc báo, giao dịch chứng khoán, bán hàng online... mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Cuối cùng, sau một thời gian đấu tranh thì anh Đông cũng may mắn được mở thẻ với các dịch vụ như bao người bình thường khác mà không phải áp dụng những quy định rất "nhân văn" từ phía ngân hàng đưa ra.
Tuy vấn đề của anh Đông trong câu chuyện trên đã được giải quyết nhưng vấn đề của tôi và một số người khiếm thị khác thì chưa hoàn toàn giải quyết triệt để. Mặc dù, có một số ngân hàng linh động cho phép người khiếm thị mở tài khoản online và cung cấp dịch vụ phát hành thẻ tại nhà. Tuy nhiên việc định danh hay xác thực lại thông tin là rất khó khăn. Đã rất nhiều lần người khiếm thị hay người khuyết tật chúng tôi đều phản ánh nhưng hầu hết người khuyết tật không được đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng. Thậm chí, còn bị làm khó nữa.
Cụ thể, sau sự việc ca sĩ khiếm thị Hà Văn Đông hay 4 bạn nhân viên khuyết tật đang làm việc cho công ty Kym Việt bị ngân hàng từ chối mở tài khoản thì ngân hàng nhà nước đã vào cuộc. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người khiếm thị hay người khuyết tật vẫn gặp khó trong việc mở tài khoản ở một số chi nhánh hoặc một số ngân hàng. Trong đó, bản thân tôi là ví dụ điển hình cho việc đó. Mặc dù, tôi đã có tài khoản ngân hàng nhưng việc định danh lại tài khoản rất khó khăn khi mà chưa có đầy đủ công cụ hỗ trợ người khuyết tật ở Việt Nam sử dụng ngân hàng. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng đó là thái độ phục vụ của nhân viên ngân hàng đối với khách hàng khuyết tật. Cụ thể, tôi có vài người bạn đã có tài khoản nhưng không thể định danh được tài khoản vì ngân hàng yêu cầu bắt buộc phải có giấy giám hộ.
Có chi nhánh khi biết khách hàng là người khiếm thị thì họ khóa luôn tài khoản không cho phép sử dụng nữa mà có sử dụng thì cũng bị hạn chế, bất kể là chúng tôi có giải thích, thanh minh thế nào thì họ cũng không chấp nhận cho chúng tôi sử dụng. Tôi đã từng liên hệ với 8 ngân hàng thì có 2 ngân hàng yêu cầu phải có người hỗ trợ và 6 ngân hàng còn lại thì yêu cầu phải có người giám hộ. Lý do họ đưa ra là người khiếm thị không thể ký, không thể đọc,... còn một lý do đáng phải lưu tâm là họ cho rằng, người khuyết tật không có hành vi năng lực dân sự nên không đủ điều kiện để sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Còn nữa...
LTS: Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Cường Nguyễn. Tòa soạn trân trọng và đăng tải để bạn đọc tham khảo.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.