Phát triển BHYT HSSV: Bước tiến trong nhận thức
* Trong các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về BHYT toàn dân, HSSV luôn được xác định là nhóm đối tượng trọng tâm cần sớm đạt tỷ lệ tham gia 100%. Vậy đến nay, nhiệm vụ này đã thực hiện được đến đâu, thưa Phó Tổng giám đốc?
- Phó Tổng giám đốc Phạm Lương Sơn:
Thời gian qua, tỷ lệ bao phủ BHYT HSSV có sự phát triển ổn định, tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2016 cả nước có khoảng 15,9 triệu HSSV tham gia BHYT, đạt tỷ lệ hơn 92,5% thì đến năm 2017 chúng ta đã có trên 16 triệu em tham gia, chiếm trên 93% và theo thống kê mới nhất hiện nay thì đã có trên 17 triệu HSSV, chiếm hơn 95,3% tham gia BHYT.
Phải khẳng định rằng, việc phát triển BHYT HSSV những năm vừa qua đã có sự tiến bộ vượt bậc. Điều đó thể hiện trước hết ở nhận thức của những người làm công tác BHYT cho HSSV là cơ quan BHXH đến các cơ sở giáo dục và đặc biệt là nhận thức của các bậc phụ huynh… đã được nâng cao. Tất cả các bên liên quan đều ý thức sâu sắc BHYT là quyền lợi gắn bó thiết thực với quyền lợi trẻ em và đã không còn xuất hiện sự “lựa chọn ngược”. Chúng ta biết rằng, trước đây có những phụ huynh vì con mắc bệnh trọng, cần điều trị với chi phí lớn đã sẵn sàng bỏ tiền ra mua BHYT cho cả lớp, mục tiêu là để con mình được hưởng chế độ BHYT. Hiện nay, vấn đề này đã được khắc phục, nhận thức của cha mẹ các em đã được nâng lên, đã chủ động tham gia BHYT cho con em mình ngay từ khi còn khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, một sự cải thiện khác là trước đây không ít người có điều kiện khá giả không muốn tham gia BHYT HSSV, thích bỏ tiền túi để thanh toán viện phí hoặc chỉ mua BHYT thương mại, thì bây giờ tư duy đó đã thay đổi. Các gia đình đã tích cực tham gia liên tục BHYT cho HSSV do nhà nước tổ chức thực hiện.
Đối với HSSV, công tác giáo dục của các nhà trường cũng nâng cao tầm hiểu biết của các em. HS ngay từ bậc học phổ thông đã có ý thức về thông báo cho bố mẹ về việc tham gia BHYT HS như một trách nhiệm chia sẻ cộng đồng.
Với nhà trường, các cán bộ quản lý, giáo viên cũng có sự thay đổi quan điểm về trách nhiệm phát triển BHYT HSSV trong đơn vị trường, lớp. Trước đây, nhiều người cho rằng đó là nhiệm vụ được Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, Phòng GD giao nên chỉ “nhân tiện” những buổi họp đầu năm học thì thông tin để ai muốn tham gia thì tham gia. Khi nhận thức thay đổi, nhà trường, các thầy cô giáo đã vận động HSSV tham gia BHYT một cách bài bản hơn, có sự giải thích, thuyết phục... để yêu cầu "bắt buộc" trở thành ý thức tự giác của HS, sự đồng tình của phụ huynh.
Sự thay đổi nữa là nhiều trường hợp thay vì chọn đóng thành từng đợt nửa năm học một, thì đến nay đại đa số đã đóng cả năm học…
* Nhưng thực tế vẫn cho thấy, dù BHYT HSSV là bắt buộc nhưng hiện vẫn còn khoảng 6% HSSV chưa tham gia BHYT?
- Hiện nay vẫn còn tỷ lệ nhỏ SV các trường trung cấp, CĐ, ĐH từ năm thứ hai trở lên chưa tham gia BHYT. Ở độ tuổi này, với tâm lý chủ quan về sức khỏe nên nhiều em chưa nhận thức được việc tham gia BHYT là rất cần thiết cho chính mình và cộng đồng, không thực hiện nguyên lý là bảo hiểm khi trẻ khỏe để thụ hưởng khi ốm đau bệnh tật. Đây là điều mà chúng tôi đang suy nghĩ và trăn trở để tìm giải pháp, bởi HSSV là một trong các nhóm đối tượng có mục tiêu phấn đấu phải đạt nhanh tỷ lệ bao phủ 100% theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.
Ngoài ra, “khoảng trống” này còn có lý do là HSSV ngoài tham gia tại nhà trường còn có thể tham gia theo các nhóm đối tượng khác như hộ gia đình, đối tượng nghèo, cận nghèo, thân nhân lực lượng vũ trang… nên có thể chưa được thống kê vào nhóm BHYT HSSV.
* Ông có thể cho biết, những hiệu quả thực tế mà BHYT HSSV mang lại đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng này?
- Giống như mọi đối tượng tham gia chính sách nhân văn này, trong xu thế quyền lợi BHYT ngày càng mở rộng, chất lượng KCB ngày càng được tăng lên, HSSV cũng đang được hưởng thụ nhiều lợi ích từ quỹ BHYT, từ CSSKBĐ đến KCB. Hàng năm, cơ quan BHXH chi gần 1.000 tỷ đồng kinh phí CSSKBĐ, trong đó chủ yếu dành cho nhóm HSSV. Quỹ BHYT đã chi trả gần 3.000 tỷ đồng chi phí KCB BHYT cho HSSV, trong đó có rất nhiều em mắc các bệnh nan y, mạn tính như điều trị suy thận bằng chạy thận nhân tạo; điều trị thuốc chống ung thư, phẫu thuật tim mạch với chi phí từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng... Đặc biệt, BHYT chi trả đến 30% cho các trường hợp điều trị bệnh hiếm, trong khi quỹ BHYT ở hầu hết các nước trên thế giới chưa chi trả.
Bên cạnh đó, sức hút của BHYT cũng được nâng lên qua nhiều yếu tố. Đó là chính sách ngày càng hoàn thiện theo xu hướng ngày càng đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Cơ quan BHXH cũng đã quyết liệt đẩy mạnh cải cách TTHC, cùng ngành Y tế tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia khi có nhu cầu KCB...
* Theo Phó Tổng giám đốc, đâu là những “rào cản” khiến chúng ta chưa thể đạt mục tiêu bao phủ BHYT 100% đối với nhóm HSSV?
- Khó khăn hiện nay trước hết là điều kiện y tế trường học, nhân lực dành cho CSSKBĐ tại trường học vẫn còn hạn chế. Theo quy định, mỗi cơ sở giáo dục phải có tối thiểu 1 cán bộ y tế có đủ chứng chỉ hành nghề KCB nhưng khá nhiều trường không đạt được và đó là rào cản khiến cơ quan BHXH không đủ cơ sở để cấp nguồn kinh phí CSSKBĐ cho trường học. Điều này có phần làm giảm sức hấp dẫn, tác động đến nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, đến cha mẹ học sinh, khiến có lúc, có nơi tỷ lệ tham gia BHYT HSSV giảm.
Hạn chế thứ hai là HSSV có thể thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau, ví dụ như hộ gia đình, cận nghèo, nghèo... Do đó, có những trường hợp do các đơn vị liên quan đề nghị cấp thẻ BHYT còn chậm trễ theo các nhóm đối tượng trên.
Thực tế, sự không đồng đều về cơ sở vật chất, nhân lực, trình độ của y tế cơ sở tại các vùng miền, địa phương có thể lúc không đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, tạo nên rào cản. Điều này cần sự chung lưng đấu cật của các cơ quan liên quan để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân.
* Vậy theo ông, chúng ta cần có những điều kiện gì để thực hiện tốt hơn nữa công tác BHYT HSSV, đảm bảo phát triển cả số lượng cũng như tính bền vững qua các năm?
- Trước hết, chúng ta phải giữ vững và nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, người dân nói chung, các bậc cha mẹ nói riêng về ý thức trách nhiệm cũng như lợi ích khi tham gia BHYT để tham gia thường xuyên. Nâng cao nhận thức có thể qua tuyên truyền, qua việc hiện thực hóa, hành động thiết thực của các cơ quan có liên quan... Đến lúc nào đó cần đưa chương trình giáo dục về an sinh xã hội nói chung, BHXH, BHYT nói riêng vào chương trình giáo dục trong nhà trường. Giáo dục tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các em là điều hết sức quan trọng.
Hiện nay, việc thực hiện chính sách BHYT đang nhận được sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước. Riêng đối với HSSV, năm nào Bộ GD-ĐT cũng có chỉ thị riêng về BHYT HSSV. Song song với đó, chúng ta cần truyền thông làm sao để có được sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn giữa cơ quan tổ chức thực hiện là BHXH với các cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, phải hướng tới sự hài lòng của người bệnh, của các nhóm đối tượng tham gia BHYT khi KCB tại các cơ sở y tế, trong đó có HSSV. Tại nhà trường, các cơ quan quản lý nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định, trong đó xác định cụ thể các điều kiện khả thi, hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thực hiện… để nguồn kinh phí được trích từ quỹ BHYT đảm bảo tốt hơn nữa công tác CSSKBĐ cho các em trong thời gian học tập tại trường.
Về phần mình, ngoài việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, ngành BHXH cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan thực hiện chính sách thông qua cải cách hành chính, chuyển mạnh sang tinh thần phục vụ; đẩy mạnh tuyên truyền qua nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức liên quan, các cơ sở giáo dục, thầy cô giáo cũng như nhận thức của các em HSSV cùng các bậc phụ huynh… về chính sách này, để tất cả mọi người trong xã hội đều hiểu rằng việc thực hiện chính sách, tham gia BHYT không chỉ là trách nhiệm đối với cá nhân mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng, với xã hội.
* Trân trọng cảm ơn Phó Tổng giám đốc!
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.