Phú Thọ: Người cựu chiến binh vượt khó, làm kinh tế giỏi
CCB Triệu Văn Đông (mặc áo sẫm màu) đưa hội viên thăm quan mô hình nuôi cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình.
Năm 1980, CCB Triệu Văn Đông lên đường nhập ngũ, làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Sau những năm tháng được rèn luyện trong quân đội, năm 1985, ông xuất ngũ trở về địa phương. Những năm đầu, dù chăm chỉ lao động, xoay sở nhiều nghề nhưng thu nhập của gia đình ông vẫn không đủ để trang trải cuộc sống. Với ý chí, bản lĩnh của anh “Bộ đội Cụ Hồ”, CCB Triệu Văn Đông trăn trở suy nghĩ quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng. Tận dụng lợi thế nhà nằm ven sông Lô ông đã mạnh dạn đầu tư phát triển nuôi cá lồng.
Nói về cơ duyên đến với nghề nuôi cá lồng, ông Đông cho biết, ông đã đi nhiều nơi và tham quan nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, trong đó đặc biệt chú ý tới mô hình nuôi cá lồng trên sông của các hộ dân tại huyện Thanh Thủy và các địa phương lân cận. Lợi thế của việc nuôi cá lồng trên sông Lô là có thể tận dụng dòng nước chảy, môi trường nước đảm bảo, ít khi xảy ra dịch bệnh trên cá.
Thay vì nuôi bằng lồng tre thông thường, gia đình ông nuôi cá bằng lồng sắt. Theo tính toán, để đầu tư một lồng cá có kích thước 6x6x3m, gia đình ông phải bỏ ra 30 triệu đồng kể cả con giống và thức ăn… Sản lượng cá đến thời kỳ thu hoạch có thể đạt từ 4 - 4,5 tấn cá/lồng, tương đương với 1ha mặt nước so với hình thức nuôi trồng thủy sản ở trong các ao, hồ. Giống cá được gia đình ông Đông nuôi chủ yếu là các loại có giá trị kinh tế cao như: Cá lăng, diêu hồng, trắm đen, chép… Để tránh cá chết do thiếu ôxy trong nước, gia đình ông trang bị 2 máy sục khí tạo thêm ôxy khi mật độ cá trong lồng dầy hơn và cá lớn hơn.
Cũng theo ông Đông, hiện nay có nhiều doanh nghiệp đang được cấp phép hoạt động khai thác cát sỏi trên dòng sông Lô nên hiện tượng tràn dầu từ các tàu cuốc khai thác cát ra môi trường nước là việc không tránh khỏi. Để tránh ảnh hưởng đến môi trường sinh trưởng, phát triển của cá và thiệt hại về kinh tế, ông cùng các thành viên trong gia đình làm hàng rào bằng tôn chắn xung quanh các lồng cá. Để phòng bệnh cho cá, ông tận dụng những loại kháng sinh có trong tự nhiên như: Lá xoan, vôi… để diệt khuẩn, khử trùng môi trường nuôi và tăng khả năng đề kháng cho cá. Nhờ vậy, cá sinh trưởng khỏe mạnh, ít bệnh tật, mang lại lợi nhuận kinh tế ổn định.
Với 36 lồng cá, sau gần 1 năm nuôi, trọng lượng cá trung bình đạt từ 3 - 4kg/con, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình ông thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, ông Đông còn thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với hội viên và bà con trong thôn; vận động xây dựng quỹ hội, giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế…
Ông Đỗ Xuân Thọ, Chủ tịch Hội CCB huyện Đoan Hùng nhận xét: “CCB Triệu Văn Đông tích cực tham gia hoạt động Hội và phong trào của địa phương, có nhiều đóng góp vào công tác an sinh xã hội, đồng thời làm ăn có hiệu quả, là tấm gương tiêu biểu để các hội viên học tập và noi theo”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.