Sẽ phải học lịch sử nhiều hơn trước!?

2015-11-11 14:59:19 0 Bình luận
PGS Đỗ Ngọc Thống - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ phận Thường trực đổi mới chương trình giáo dục phổ thông - thừa nhận sự quan tâm của xã hội, của các nhà lịch sử về số phận môn lịch sử là rất đúng. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp thu những ý kiến hợp lý

Phóng viên: Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) dự kiến tích hợp môn lịch sử với an ninh quốc phòng và giáo dục công dân đã dẫn đến sự phản ứng của nhiều chuyên gia lịch sử cũng như các giáo viên. Ông nhận xét thế nào về những phản biện đó?

 

 

 

- PGS Đỗ Ngọc Thống: Giáo dục lịch sử và khoa học lịch sử có sự khác nhau. Cá nhân tôi cho rằng giáo dục lịch sử luôn quan trọng, luôn là cốt lõi. Tôi thấy nhiều hội thảo, có một vấn đề mà chúng ta cứ đặt ra và tranh luận là môn lịch sử rất quan trọng nhưng thực tế là không ai coi thường môn lịch sử, đặc biệt giáo dục lịch sử.

Lâu nay, các hội thảo liên quan đến lịch sử đều chỉ chứng minh lịch sử là quan trọng. Trong khi đó, không có văn bản nào của Bộ GD-ĐT khẳng định lịch sử không quan trọng cả. Đấy là cứ tự đặt ra một cái không có rồi tự tranh luận với nhau. Bắt buộc thì lịch sử là môn học bắt buộc rồi, từ tiểu học đến phổ thông. Cái khúc mắc nhất hiện nay chỉ là môn sử đứng độc lập, có tên gọi riêng. Thế thôi, bây giờ chỉ là giải quyết chỗ ấy, chứ bắt buộc rõ là bắt buộc rồi, quan trọng là quan trọng rồi.

 

Học sinh Trường THCS Chu Văn An (TP HCM) trong giờ học lịch sửẢnh: TẤN THẠNH
Học sinh Trường THCS Chu Văn An (TP HCM) trong giờ học lịch sửẢnh: TẤN THẠNH

 

Quan điểm của Bộ GD-ĐT là không có môn nào không quan trọng, môn học đã đưa vào nhà trường là quan trọng, kể cả môn thể dục, nhưng mức độ đưa vào như thế nào phụ thuộc vào tính chất của từng môn học. Không nên đặt vấn đề quan trọng hay không quan trọng.

Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu những gì hợp lý. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức hội thảo, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, còn hiện tại thì chưa thể kết luận.

Có một điều đáng lưu ý là Bộ GD-ĐT dự kiến tích hợp nhiều môn nhưng không bị phản ứng, riêng lịch sử lại có những quan điểm trái chiều quyết liệt. Bộ GD-ĐT liệu có tổ chức lấy ý kiến riêng về môn lịch sử hay không?

- Xã hội có thể đóng góp ý kiến về việc có tách riêng môn lịch sử hay không, đó là một vấn đề nằm trong chương trình tổng thể chứ không cần phát động lấy ý kiến riêng về môn sử. Trong lấy ý kiến chương trình tổng thể thì đã có phần lấy ý kiến về chương trình môn học. Xã hội cứ góp ý. Quan điểm chính thức của Bộ GD-ĐT là còn phải lắng nghe nhiều, trao đổi thêm. Sắp tới sẽ bàn, nếu thấy hợp lý sẽ tách.

Nhà sử học Dương Trung Quốc khi trao đổi tại Quốc hội ngày 6-11 đã cho rằng trước những gì đang diễn ra, chúng ta càng cần phải dạy lịch sử cho kỹ. Các nước trên thế giới cũng xếp lịch sử là môn học bắt buộc. Ông có cho rằng để lịch sử là môn độc lập là một sự hợp lý trước thực tế giới trẻ ngày càng quay lưng với lịch sử hay không?

- Không ai có thể yên tâm nếu thế hệ trẻ quay lưng với lịch sử, vì thế tôi cho sự quan tâm này của xã hội, của các nhà lịch sử là rất đúng. Nếu thế hệ trẻ quay lưng với lịch sử thì rất nguy hiểm.

Nhưng giải quyết vấn đề môn lịch sử như thế nào thì phải trong định hướng chung. Với chương trình giáo dục phổ thông mới, ở THPT từ năm lớp 10 đến lớp 12, mỗi tuần học sinh vẫn phải học 1 tiết sử bắt buộc, tức một năm là 35 tiết, 3 năm THPT là 105 tiết. Môn ngữ văn, môn toán cũng chỉ 2 tiết/tuần. Vì vậy, tôi cho rằng vị trí môn lịch sử vẫn giữ vững không có gì thay đổi. Thậm chí, với chương trình mới, học sinh còn phải học nhiều lịch sử hơn vì ngoài việc bắt buộc học sử ở môn công dân với Tổ quốc thì tất cả những học sinh chọn đi theo hướng khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, công nghệ vẫn phải bắt buộc học các môn khoa học xã hội, trong đó có môn lịch sử. Còn các em học chuyên ngành khoa học xã hội, đặc biệt là lịch sử, thì lại phải học môn lịch sử 2, tức là lịch sử tự chọn dành cho những em chuyên về lịch sử. Như vậy, giờ học lịch sử còn nhiều hơn trước. Vấn đề ở đây là các thầy cho rằng lịch sử ghép vào môn giáo dục công dân với Tổ quốc có hợp lý không?

Trong trường hợp môn lịch sử được giữ nguyên để đứng độc lập, cấu trúc môn học phổ thông mà Bộ GD-ĐT đã dự kiến có bị phá vỡ không?

- Khi ấy thì sẽ có một số nội dung của lịch sử trùng với giáo dục an ninh quốc phòng và giáo dục công dân. Ngoài nội dung của mình, lịch sử còn phải “làm hộ” những nội dung tích hợp của môn quốc phòng an ninh và giáo dục công dân để tránh sự trùng lặp. Mặt khác, định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới là giảm môn học bắt buộc, tăng tự chọn. Ở các nước, bậc THPT học những môn bắt buộc rất ít, chủ yếu là môn tự chọn. Một số nước thì có một số môn bắt buộc nhưng cũng không nhiều. Nếu bây giờ tách lịch sử với 2 môn kia ra thành 3, cộng với 3 môn bắt buộc toán - văn - ngoại ngữ là 6, cộng thêm các môn khác thành 8, 9 thì lại thành ra là quá nhiều.

 

Nhiều tình cảm dành cho môn lịch sử

Từ khi Báo Người Lao Động khởi đăng bài “Khai tử môn lịch sử?” từ số ra ngày 6-11 và kéo dài liên tục trong 5 số báo kế tiếp xung quanh việc Bộ GD-ĐT dự kiến tích hợp môn lịch sử thành môn học mới là công dân với Tổ quốc trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thế, chúng tôi đã nhận được hàng trăm ý kiến đóng góp, phản biện cũng như những lo lắng, trăn trở, bức xúc trước nguy cơ môn lịch sử bị “xóa sổ” trong chương trình giáo dục phổ thông.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo, học sinh và cả bạn đọc khắp nơi bày tỏ môn lịch sử là môn rất quan trọng, có giá trị rất lớn của truyền thống dân tộc, của ý chí chính trị, của đạo đức, của lý tưởng và niềm tin của thế hệ trẻ hôm nay; là những phẩm chất quan yếu đã trở thành sức mạnh kỳ diệu và là một trong những nhân tố quyết định nhất đối với sự tồn sinh và phát triển của dân tộc ta từ trong lịch sử ngàn năm cho đến hôm nay và mai sau.

Đa phần ý kiến đều cho rằng tuyệt đối không được xem nhẹ môn lịch sử. Bạn đọc Long Vũ cho rằng: “Hãy nhìn nước Mỹ, dù đã là siêu cường số 1 và tuy lịch sử của họ chỉ mới hơn 300 năm nhưng họ dạy lịch sử nước họ cho con em của họ rất kỹ, giáo dục Mỹ xem lịch sử là một bộ môn quan trọng. Ngẫm lại nước ta có lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước hào hùng, có rất nhiều điều để truyền thế hệ sau, vậy mà ta lại muốn vứt bỏ? Vứt bỏ việc dạy môn lịch sử chẳng khác nào tự cầm dao để chặt cái gốc của mình vậy”.

Bạn đọc Trương Xuân Lượng cho biết mặc dù bạn chỉ là một công nhân nhưng vẫn biết tầm quan trọng của bộ môn lịch sử. “Có thể đa phần học sinh không thích học lịch sử nhưng phải học để biết cội nguồn, truyền thống văn hóa và bảo vệ đất nước qua từng thế hệ; biết tự hào, biết xây dựng đất nước. Bởi vậy, lịch sử phải là một bộ môn độc lập” - bạn đọc này kiến nghị.

Trong khi đó, nhiều giáo viên tâm huyết đã góp ý chân thành về chương trình dạy học lịch sử hiện nay. “Tôi là giáo viên môn lịch sử, tôi rất đồng quan điểm với nhiều người. Thứ nhất: Phải tăng tiết dạy lịch sử ở trường THPT để các em tự tìm hiểu, được đóng vai và phân tích. Thứ hai: Chương trình quá dài, cần viết sách giáo khoa cô đọng hơn, chọn những sự kiện cơ bản. Như vậy mới không làm khó cho giáo viên và học sinh” - bạn đọc Bình Yên góp ý.

Trong khi bạn đọc Tư Trầu cũng cho rằng: “Muốn dạy môn sử thì phải làm sao cho môn học trở nên lôi cuốn, lý thú và đừng quá nhồi nhét các số liệu đến vụn vặt. Cũng nên thay đổi cách nhìn nhận các giai đoạn lịch sử cho công tâm và nhẹ nhàng hơn chứ đừng ôm đồm các câu khẩu hiệu khô khan, đao to búa lớn”.

Về sự đổi mới của Bộ GD-ĐT, bạn đọc Tư Cà Phê cho rằng đã mất bao nhiêu thế hệ học sinh để làm vật thí nghiệm nhưng lãnh đạo Bộ GD-ĐT vẫn chưa có một quy chế tổ chức dạy, học, thi cử bài bản. Người dạy và người học khốn khổ vì phải thường xuyên chạy theo những cải cách, đổi mới tùy tiện của Bộ GD-ĐT.

“Sự nghiệp đổi mới là sự nghiệp không chỉ của những nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách mà còn là sự nghiệp trực tiếp của hàng vạn nhà khoa học, các nhà giáo, đó là những tướng lĩnh và những chiến sĩ thực sự trên tuyến đầu của mặt trận đổi mới. Nếu không thuyết phục được họ từ cơ sở khoa học và thực tiễn thực sự của các chính sách đổi mới thì lo rằng hoạt động đổi mới sẽ gặp không ít trở ngại và khó khăn” - một chuyên gia giáo dục nhận định.

 

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quận Đống Đa phát động thi viết báo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đảng ủy Khối doanh nghiệp quận Đống Đa hưởng ứng Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Tư, năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2024-03-29 10:26:56

KUN Happy Run Cần Thơ 2024 - Sân chơi thể thao đỉnh cao, căng trào cảm xúc

Trước thềm giải chạy VPBank Can Tho Music Night Run 2024, sáng ngày 13/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), thương hiệu KUN thuộc CTCP Sữa Quốc tế (IDP) và Nexus Sport Events sẽ phối hợp tổ chức giải KUN Happy Run Cần Thơ 2024. Giải chạy nhằm lan tỏa tình yêu thể thao, truyền cảm hứng về lối sống nhân văn, tích cực đến các mầm non tương lai của đất nước.
2024-03-29 10:04:15

Du khách được ăn hơn 400 món tại Lễ hội văn hóa ẩm thực TP.HCM

Lễ hội Văn hóa ẩm thực Món ngon Saigontourist Group 2024 hấp dẫn với hơn 400 món ăn, thức uống đặc trưng ba miền tại 40 gian hàng ẩm thực.
2024-03-28 22:55:00

Thành lập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật TP Thái Nguyên

Ngày 28/3, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Hội Người khuyết tật TP Thái Nguyên tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật.
2024-03-28 17:48:00

Về thăm chùa cổ Kiên Lao - Sùng Phúc tự

Chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) ở làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những danh lam cổ tự của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây Hòa thượng Thích Thiện Tri trụ trì là bậc hoằng pháp chân tu cùng Hội phật tử dốc lòng tâm huyết, luôn mang lại phúc lành cho mọi người dân và tín đồ phật tử muôn phương.
2024-03-28 16:04:55

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17
Đang tải...