Số người đăng ký hiến tạng tăng vọt
Chương trình Giao lưu với người thân và gia đình người tặng mô tạng. Ảnh: VGP/Thuý Hà |
Ngày 18/10, Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia cùng với Hội chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình tổ chức chương trình “Chung tay vì sự sống 2018” tại tỉnh Ninh Bình - địa phương có số lượng người đăng ký hiến tạng sau khi chết não nhiều nhất cả nước hiện nay.
Hoạt động này nhằm kêu gọi các tầng lớp nhân dân cùng chung tay để cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn khi có nhiều người được cứu sống bằng cách đăng ký hiến tặng mô/tạng.
Theo GS.TS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam, ghép tạng là biện pháp duy nhất để cứu sống những người bệnh giai đoạn cuối. Năm 2017 là năm có số lượng ghép nhiều nhất, cả nước đã ghép được 673 ca.
Tuy nhiên, với hàng chục nghìn người bệnh trong danh sách chờ được ghép tạng hiện nay thì số lượng ca chết não hiến, tặng mô, tạng trên cả nước còn quá ít. Mặc dù Luật hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể người có từ năm 2006, nhưng đến nay mới có 82 người chết hiến tạng. Trung bình mỗi năm chỉ có 10 người.
“Bệnh tật hành hạ người bệnh giai đoạn cuối một cách tàn nhẫn vì sự mệt mỏi và đau đớn. Nhưng có lẽ đau đớn hơn là nỗi đau về tinh thần vì họ sống một cách tuyệt vọng chờ đến ngày chết. Thiếu tạng ghép cũng là một cản trở lớn cho sự phát triển của ghép tạng ở Việt Nam. Thiếu tạng ghép còn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp của xã hội như nạn mua bán tạng, bán người...” GS.TS Phạm Gia Khánh chia sẻ.
Chính vì vậy, chương trình “Chung tay vì sự sống 2018” muốn chuyển tải thông điệp “Cho đi là còn mãi”, kêu gọi mọi người cùng tham gia hiến tặng mô, tạng sau khi chết hoặc chết não. “Một ngày nào đó nếu không may chết não, qua đời, ước mong khi trở về cát bụi, chúng ta vẫn có thể tiếp tục thắp sáng, viết tiếp cuộc đời của nhiều người khác”, GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia chia sẻ.
Năm 2017, số người đăng ký hiến tạng trên cả nước đã tăng vọt trên 20.000 người.
GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cũng cho biết, bệnh viện Việt Đức đã thành lập Ngân hàng mô để lưu trữ các bộ phận ghép cho người bệnh. Với Ngân hàng mô này, khi có người chết não hiến tạng thì ngoài những tạng cần ghép ngay, ngân hàng sẽ lưu trữ những bộ phận khác như gân, van tim, xương, ruột… Mô hình này sẽ góp phần cứu sống nhiều người bệnh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.