Sức sống trường tồn cùng thời đại

2020-09-02 11:29:58 0 Bình luận
Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và tuyên đọc trước quốc dân đồng bào ngày 2-9-1945 là áng văn bất hủ trong di sản văn hóa và tư tưởng Việt Nam để khẳng định quyền tự chủ của dân tộc.

Bản Tuyên ngôn Độc lập có thể sánh với những áng "thiên cổ hùng văn" mà ông cha ta đã để lại trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cả ngàn năm tồn tại trong mối quan hệ với phương Bắc: như "áng thơ thần bên sông Như Nguyệt" gắn với cuộc kháng chiến chống nhà Tống của Lý Thường Kiệt; như "Hịch tướng sĩ văn" thời Trần Hưng Đạo thống lĩnh toàn dân ba lần đánh bại giặc Nguyên - Mông; hay "Đại cáo Bình Ngô" của Nguyễn Trãi tuyên cáo về chiến thắng vẻ vang của cuộc kháng chiến trường kỳ đánh đuổi giặc Minh đô hộ dưới ngọn cờ của minh quân Lê Lợi...

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Ảnh: TƯ LIỆU

Khẳng định quyền tự chủ

Bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời vào thời điểm có ý nghĩa lịch sử đối với toàn thế giới khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, mở ra một thời đại mới. Nó không chỉ là sự khẳng định về quyền tự chủ của dân tộc ta đối với phương Bắc mà còn tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời một nước Việt Nam mới, không chỉ thoát ly khỏi chế độ thuộc địa của thực dân Pháp đã đầu hàng, giành độc lập từ tay chủ nghĩa phát xít Nhật đã bại trận mà còn chấm dứt luôn cả chế độ quân chủ từng tồn tại cả ngàn năm bằng sự thoái vị của ông vua cuối cùng của triều Nguyễn.

Hơn thế nữa, Nhà nước Việt Nam ra đời lại là thành quả của "một dân tộc gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay", do vậy mà "dân tộc đó phải được tự do. Dân tộc đó phải được độc lập". Và trên thực tế, nhà nước này đã được ra đời đúng với tinh thần mà những người lãnh đạo cuộc cách mạng đã xác định ngay từ rất sớm là "đem sức ta giải phóng cho ta".

Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt tay vào việc soạn thảo văn kiện này vào đêm 28-8-1945, ngay sau khi Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên cáo "là một Chính phủ quốc gia thống nhất giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thể, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ Dân chủ Cộng hòa chính thức". Và ai cũng biết rằng Chính phủ lâm thời này được thành lập trên cơ sở cải tổ Ủy ban Dân tộc Giải phóng được thành lập tại Quốc dân Đại hội Tân Trào trước đó hơn 10 ngày (17-8). Việc cải tổ này lại được thực hiện bởi một hành động rất cao cả là nhiều ủy viên Việt Minh tự rút lui nhường chỗ cho các nhân sĩ ngoài Việt Minh vào tham chính. "Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân" (Hồ Chí Minh).

Một văn bản pháp lý quý báu

Bản Tuyên ngôn Độc lập cũng được khởi thảo khi những đại diện của Việt Minh đã lên đường vào Huế để 2 hôm sau (30-8) nhận lễ thoái vị của vua Bảo Đại. Tại buổi lễ đó, vị hoàng đế cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam đã có lời tuyên cáo mang ý nghĩa thật sâu sắc: "Sau 20 năm ngai vàng bệ ngọc, ngậm đắng nuốt cay, từ nay... lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập"...

Tất cả những diễn tiến sự kiện ấy đã làm nên một nét đặc sắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: "Cách mạng ở đâu thành công cũng phải đổ máu nhiều, có nước phải chặt đầu vua... Nước ta, vua tự thoái vị, các đảng phái không có mấy. Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối, muôn dân đoàn kết để mưu hạnh phúc chung là nước được hoàn toàn độc lập và chống giặc xâm lăng, đuổi bọn thực dân tham ác ra khỏi bờ cõi".

Do vậy, cũng có thể thấy được một giá trị rất quan trọng của Tuyên ngôn Độc lập là một văn bản pháp lý rất hiện đại phù hợp với tập quán chính trị của nhiều quốc gia nhằm khẳng định địa vị pháp lý của nền độc lập và chủ quyền một quốc gia với toàn thể cộng đồng các quốc gia trên thế giới.

Bản Tuyên ngôn Độc lập đã được vị Chủ tịch Nhà nước lâm thời soạn thảo ngay giữa lòng TP Hà Nội, trong ngôi nhà 48 Hàng Ngang của một nhà tư sản dân tộc. Văn bản này đã được tác giả trao đổi để lấy ý kiến không chỉ đối với các đồng chí trong đoàn thể của mình mà còn đọc cho những người dân bình thường nghe, với lòng mong muốn nó đến được với mọi đồng bào của mình để làm cho họ có ý thức về một biến cố lịch sử rất to lớn đối với vận mệnh của cả dân tộc nhưng cũng gần gũi với vận mệnh của mỗi con người, nay đã được gọi là công dân của một nước độc lập theo thể chế Dân chủ, Cộng hòa. Hơn thế nữa, người đứng đầu cuộc cách mạng cũng là đứng đầu của Nhà nước Việt Nam còn tham khảo cả những người bạn nước ngoài.

 

Có người khi đọc văn bản lịch sử này đã đặt câu hỏi vì sao tác giả lại trích 2 bản Tuyên ngôn của 2 quốc gia Âu Tây, trong đó lại có cả nước Pháp mới đây đô hộ nước mình? Hoàn toàn không phải là sách lược để ứng phó với 2 cường quốc lớn tiềm tàng những mưu đồ thực dân cũ và mới. Sử dụng những trích dẫn ấy, vị Chủ tịch của Nhà nước Việt Nam độc lập còn muốn khẳng định rằng ngay cách mạng Việt Nam cũng là sự nối tiếp của con đường tiến hóa mà nhân loại đã và sẽ đi. Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1892 là những mốc son của sự nghiệp giải phóng con người thì chính cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam cũng là bước đi tiếp theo của quá trình ấy.

Giá trị mang tầm thời đại

Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải vào tháng 6-2005, tại cuộc tiếp xúc ở TP Boston, mọi người đã được nghe bài phát biểu nồng nhiệt từ một chính khách lão thành của Mỹ. Đó là nguyên Thượng nghị sĩ McGovern, người luôn có tiếng nói chống cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và năm 1972 đã từng tranh cử chức tổng thống với Richard Nixon. Ông đã đưa ra nhận xét: "Trong Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại cuộc kháng chiến giành độc lập của Mỹ, do Thomas Jefferson soạn thảo. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thay đổi một ý so với Bản Tuyên ngôn của Thomas Jefferson. Câu "Chúng tôi ủng hộ một sự thật hiển nhiên rằng mọi người đều sinh ra bình đẳng" thì Chủ tịch Hồ Chí Minh lại diễn dịch thành: "Mọi dân tộc sinh ra đều bình đẳng" và đến giờ: "Quả là một sự thay đổi khéo léo và sáng suốt".

Cũng bình luận về đoạn trích dẫn này, một nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam người Mỹ, bà Lady Borton, đã đưa ra nhận xét rằng khi dịch chữ "all men" trong văn bản của Thomas Jefferson vào thời được viết, thế kỷ XVIII, chỉ bao hàm những người đàn ông (đương nhiên là da trắng và có tài sản) đã được Chủ tịch của nước Việt Nam độc lập diễn dịch thành: "Tất cả mọi người" mà trên thực tế được thể hiện trong Hiến pháp Việt Nam bao gồm tất thảy công dân, không phân biệt giới tính, tôn giáo, sắc tộc hay chính kiến. Đó chính là một sự "suy rộng" nữa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại cho Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ những tiến bộ của nhân loại gần 2 thế kỷ sau đó.

Như thế, nền độc lập mở ra từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng là cơ hội mở ra con đường để dân tộc Việt Nam hội nhập với thế giới sau ngót một thế kỷ là thuộc địa của chủ nghĩa thực dân Pháp, phát xít Nhật và hàng ngàn năm bị ràng buộc với những đế chế Trung Hoa luôn nhìn Việt Nam bằng con mắt của quá khứ một thiên niên kỷ bị phương Bắc đô hộ. Đó là con đường để nước Việt Nam có cơ hội sớm hội nhập với những giá trị của thế giới hiện đại. Hàng loạt những gì diễn ra ngay sau ngày cách mạng thành công, những ngày đầu tiên Nhà nước Việt Nam vận hành vận mệnh dân tộc của mình cho thấy điều đó.

Trong thư gửi Ngoại trưởng Mỹ (22-10-1945), Chủ tịch của nước Việt Nam mới đã xác nhận: "Những nguyên tắc cao quý của sự công bằng và bình đẳng quốc tế về địa vị được nêu trong Bản Hiến chương đã lôi cuốn mạnh mẽ dân Việt Nam và góp phần làm cho cuộc kháng chiến của Việt Minh ở các vùng có chiến tranh thành một phong trào kháng Nhật rộng khắp quốc gia, có tiếng vang mạnh mẽ trong những khát vọng về dân chủ của dân chúng. Hiến chương Đại Tây Dương được xem như nền tảng của nước Việt Nam trong tương lai". Đó cũng là cơ sở pháp lý để Nhà nước Việt Nam yêu cầu được gia nhập Liên Hiệp Quốc ngay sau khi giành được độc lập.

Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam không chỉ là tấm giấy khai sinh cho một Nhà nước Việt Nam theo thể chế Dân chủ - Cộng hòa theo đuổi mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc mà còn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng nhân loại bằng một sự "suy rộng ra" thành một giá trị mang tầm thời đại.

Tư duy hội nhập

"Nước Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước dân chủ, không muốn gây sự với ai và muốn hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ" được đưa ra ngay trong thông điệp đầu tiên về chính sách đối ngoại của nhà nước Việt Nam mới giành được độc lập. Nó được đưa ra từ rất sớm, nhất quán và được cụ thể hóa bằng những chủ trương cụ thể, diễn đạt mạch lạc mà ngày nay đọc lại mới thấm được độ mở của tư duy hội nhập hơn 7 thập kỷ trước đặt ra: "a. Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình; b. Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; c. Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hiệp Quốc; d. Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân..." (Lời kêu gọi Liên Hiệp Quốc).

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Nam Định kỷ niệm 55 năm thành lập Hội Người mù Việt Nam

Sáng 16/4, Hội Người mù tỉnh Nam Định đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Hội Người mù Việt Nam (17/4/1969 - 17/4/2024) và kỷ niệm 44 năm thành lập Hội Người mù tỉnh Nam Định (1980-2024).
2024-04-16 14:34:00

HDBank hỗ trợ trả góp 100% tiền học phí với kỳ hạn đến 60 tháng

HDBank là ngân hàng duy nhất triển khai gói sản phẩm Đồng hành tri thức - ưu đãi thanh toán học phí và trả góp đến 60 tháng, giải quyết nỗi lo về tài chính cho các các bậc phụ huynh.
2024-04-16 14:22:33

Phó CT Hải Phòng thăm gia đình người có công dịp 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 16/4, ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng đến thăm, tặng quà các gia đình người có công tại huyện An Lão nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
2024-04-16 11:47:00

Hải Phòng: Thông qua 7 Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố

Chiều 15/4, HĐND TP.Hải Phòng đã tổ chức kỳ họp 15 (chuyên đề) khóa XVI, thông qua 7 Nghị quyết và hoàn thành các nội dung chương trình đề ra.
2024-04-16 11:25:51

Cựu chiến binh xã tổ chức lớp học giáo dục truyền thống cho thanh niên

Sáng 16/4, Hội cựu chiến binh xã Quảng Tân tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 – 2024
2024-04-16 10:40:00

Tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho giáo viên khuyết tật ở Bắc Kạn

Sáng 15/4, tại Trường TH&THCS Dương Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đã diễn ra Lễ trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho cô giáo Đàm Thị Thanh Tâm- tấm gương sáng về tinh thần vượt khó vươn lên trong giảng dạy và giáo dục.
2024-04-16 09:42:30
Đang tải...