Bình Thuận: Tàu cá “chạy” trên bờ?
Đóng tàu dầu, xuất xưởng tàu dầu – dân nhận tàu cá?
Như trước đây Hoà Nhập đã đề cập về con tàu BTh-97679 TS thuộc diện quản lý của tỉnh Bình Thuận. Con tàu chưa hoàn thành, chưa thể ra khơi nhưng đã có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, không phải 1 mà có tới hai. Cả hai đều có ngày cấp là 18/12/2014, đều số 272/ĐKTC. Chỉ khác chủ sở hữu: 1 của công ty EU Thanh Lâm, 1 của công ty CP Quốc tế EU Thanh Lâm. Hai công ty này là hai pháp nhân riêng biệt.
Hai đăng kiểm cùng số, ngày,tháng,năm khác chủ sở hữu. |
Không chỉ vậy, đơn vị đóng tàu là Công ty Cổ phần đóng tàu An Phú đã “hào phóng” cấp cho tàu BTh-97679 TS tới 2 giấy xuất xưởng cùng căn cứ trên một hợp đồng gia công duy nhất. Ngày 30/12/2014 và ngày 01/02/2016. Đâu là ngày xuất xưởng “thật” của con tàu này?
Hai giấy xuất xưởng tàu dầu cho 1 tàu cá “ra đời”! |
Theo hồ sơ, có khả năng tàu BTh-97679 TS được hoàn thành vào năm 2015 bởi đăng kiểm và đăng ký đều năm 2015. Và trên giấy xuất xưởng năm 2014 xuất hiện 1 dòng ghi chú lạ: “giấy xuất xưởng này chỉ để bên A làm thủ tục với Ngân hàng và cơ quan Thuế”!!! có ký tên đóng dấu đầy đủ của các bên liên quan.
Một điều lạ lùng nữa là, trên hợp đồng và giấy xuất xưởng, tàu được đề cập là tàu dầu đi biển chịu sự giám sát của bộ Giao thông Vận tải (thể hiện rất rõ tại mục 2.2 trong hợp đồng “Thi công dưới sự giám sát kỹ thuật của chi cục Đăng kiểm 6”). Nhưng thực tế con tàu được bàn giao lại là tàu cá. Được cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật bởi Trung tâm đăng kiểm tàu cá thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Thẩm định giá 26 tỷ đồng, thuế trước bạ chỉ vỏn vẹn 42.519.100 đồng thu từ công ty “chết”?
Theo quy đinh của pháp luật, phí trước bạ của tàu thủy, sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy, thuyền, du thuyền, tàu bay mức thu là 1% trị giá tài sản tính lệ phí trước bạ.
Ngày 16/1/2015 ông Phạm Văn Hải Phó Chi cục trưởng chi cục thuế Tp Phan Thiết ký thông báo công ty CP EU Thanh Lâm nộp lệ phí trước bạ tàu thuyền;M73493 là 42.519.100 đồng. Cùng ngày Công ty CP EU Thanh Lâm đã nộp vào ngân sách nhà nước số tiền này. Nếu chiếu theo luật, thông báo này khẳng định giá trị con tàu 4.251.914.000.
Biên lai nộp thuế và chứng thư thẩm định giá. |
Mức thu phí này dựa trên hợp đồng 238 ngày 12/11/2008 giữa công ty An Phú và Công ty EU Thanh Lâm.Nhưng đây là một hợp đồng “ma” bởi thực tế không có con tàu dầu nào được đóng. Ngoài ra, tại điều 2.5 trong hợp đồng viết rất rõ: “thời hạn 01 tháng kể từ ngày hai bên ký kết nếu không được khởi công thì hợp đồng xem như không thực hiện”.
Trớ trêu hơn là Công ty CP EU Thanh Lâm đã bị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh từ trước đó 2 năm, theo quyết định số 356/QĐ-ĐKKD. Vậy không hiểu Chi cục thuế căn cứ vào đâu để ra quyết định trên?
Quyết định thu hồi giấy phép hoạt động Công ty CP EU Thanh Lâm. |
Mặt khác, hồ sơ thẩm định giá của Công ty CP thẩm định giá E Xim con tàu BTh-97679 TS vào thời điểm tháng 4 năm 2015 là 26.030.000.000 đồng (chưa kể đến phần máy chủ tàu đã đặt cọc tiền ở Nhật lên đến 1 triệu USD).
Chi cục Thuỷ sản Bình Thuận cấp đăng ký cho tàu “ma”?
Theo quy định, một con tàu muốn được cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật để ra khơi cần trải qua rất nhiều bước và được cơ quan đăng kiểm giám sát rất chặt chẽ. Nhưng tàu BTh-97679 TS lại là một “ngoại lệ” đặc biệt. Nó được cấp giấy đăng kiểm khi chưa hoàn thành, không hợp đồng đóng tàu, không được nghiệm thu, giám sát kỹ thuật từng phần. Biên bản thử tải không đủ chữ ký của các bên, lái tàu là một phụ tàu chưa có bằng cấp.
Quyết định đóng mới tàu cá của Công ty CP Quốc tế EU- Thanh Lam |
Xét về mặt giấy tờ đây là một bộ hồ sơ đầy thiếu sót, khập khiễng. Hồ sơ đăng ký tàu cá được nộp cùng hợp đồng và giấy xuất xưởng tàu dầu. Quyết định đóng mới của Công ty CP Quốc tế EU Thanh Lam.
Với cảm quan và kinh nghiệm, nghiệp vụ quản lý, không thể nào các cán bộ Chi cục lại có thể nhìn một con tàu giá trị vài chục tỷ đồng thành một con tàu giá trị chỉ vài tỷ đồng được.
Hợp đồng đóng tàu dầu đi biển. |
Nhưng ở đây tất cả đều được cho qua, Chi cục Thuỷ sản Bình Thuận vẫn cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, số hiệu BTh-97679 TS cho công ty CP EU Thanh Lâm vào ngày 22/1/2015. Công ty đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh từ năm 2013!!!
Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá mà Chi cục thuỷ sản cấp cho công ty "chết". |
Không thể không nghi vấn sự tắc trách của các cơ quan quản lý nhà nước, sự cẩu thả vô tình hay cố ý của cán bộ quản lý dẫn đến thất thu ngân sách hàng trăm triệu đồng? Rất mong các cơ quan có trách nhiệm sớm vào cuộc để trả lại sự công bằng cho xã hội và nnhững người dân lương thiện sống và làm việc đúng pháp luật.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.