Thầu Trung Quốc “ăn vạ” Việt Nam 1.200 tỷ đồng
2016-04-06 16:23:03
0 Bình luận
“Để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, SCIC đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép TISCO được tiếp nhận nguyên trạng các công việc đã thực hiện bao gồm cả các tồn tại và sai phạm đã được nêu tại các báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, của SCIC và của TISCO trước đây”.
TISCO II: Dự án hay "cục nợ"?!
Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) Lại Văn Đạo vừa có báo cáo lên Thủ tướng Chính Phủ, để trình bày về phương án “giải cứu” Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO – thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam).
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO II), trên thực tế đã “chết lâm sàng” từ năm 2012, khi tổng thầu EPC (Engineering Procurement and Construction - Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) là Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) rút về nước khi chưa bàn giao những hạng mục quan trọng. Sau gần chục năm triển khai (từ 2007), đến nay dự án vẫn đắp chiếu, chi phí hao mòn lên tới hàng trăm tỷ đồng.
“Sau 10 lần đàm phán, TISCO đã đạt được mục tiêu thuyết phục MCC cùng tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc của dự án, đồng thời, MCC đã tỏ rõ thiện trí cùng TISCO quyết tâm triển khai hoàn thành đưa dự án vào khai thác vận hành”, SCIC thông tin.
Đòi 1.200 tỷ đồng, đòi tiếp nhận cả “sai phạm”
Tuy nhiên, theo văn bản, để dự án được tiếp tục triển khai, nhà thầu Trung Quốc MCC đang đặt ra hàng loạt “yêu sách”, không chỉ là tài chính.
Đó là TISCO phải chi trả cho các phần việc của MCC/Công ty con của MCC (MCC1#), với tổng giá trị lên đến hơn 57 triệu USD (hơn 1.200 tỷ đồng), căn cứ theo báo giá ngày 25/11/2015 không bao gồm các loại thuế trong lãnh thổ Việt Nam và các chi phí khác.
Cụ thể là các khoản: Chi phí bồi thường kéo dài từ tháng 6/012: 4.397.730 USD; Chi phí dịch vụ sau bán hàng: 1.732.005 USD; Chi phí bàn giao, bảo quản, kiểm tu, sửa chữa tại hiện trường: 3.051.400 USD; Chi phí (tạm tính) mua sắm lại thiết bị và vật liệu hư hỏng: 5.000.000 USD; Chi phí cho việc thu hồi khí than lò cao (phần E, P, C): 4.290.000 USD; Chi phí trả cho MCC1# về lắp đặt thiết bị chính: 38.635.398 USD (chưa bao gồm các loại thuế).
Đáng nói là trong các khoản nêu trên, có không ít khoản chưa phù hợp với các điều khoản trong Hợp đồng đã được 2 bên ký kết và quy định tại Hợp đồng trọn gói.
“Để tiếp tục triển khai dự án, TISCO cần sự chấp thuận của Chính phủ, Bộ Công thương về các kết quả đàm phán như đã báo cáo trước khi ký Phụ lục 09 và hợp đồng lắp đặt 3 bên”, SCIC cho hay.
Thêm nữa, theo các điều khoản các bên thống nhất, hợp đồng giữa TISCO và MCC/MCC1# không còn là hình thức hợp đồng EPC. MCC chỉ đóng vai trò Tổng thầu EPC đối với phần lắp đặt và thiết bị; Việc lắp đặt thiết bị sẽ do MCC1# đảm nhận, MCC chỉ chịu trách nhiệm giám sát thiết kế, bổ sung sửa đổi thiết kế và cung cấp bản vẽ kịp thời phục vụ thi công; Toàn bộ công việc xây do TISCO ký hợp đồng với nhà thầu Việt Nam để thực hiện và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng công trình. “Như vậy các nội dung chính đạt được này không đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 196/TB-VPCP ngày 11/6/2015 về việc đề nghị MCC chịu trách nhiệm toàn bộ công trình xây lắp để đảm bảo tính đồng bộ của cả dây chuyền khi kí hợp đồng”, văn bản của SCIC nhấn mạnh.
Nguy hại hơn, không chỉ là những yêu sách về tiền, dự án TISCO II còn đang đặt Chính phủ vào một tình huống trái khoáy trong công tác quản lý và tôn trọng pháp luật: “Để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, SCIC đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép TISCO được tiếp nhận nguyên trạng các công việc đã thực hiện bao gồm cả các tồn tại và sai phạm đã được nêu tại các báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, của SCIC và của TISCO trước đây”.
Xà xẻo chính sách vẫn khó lãi
Báo cáo của SCIC đã đặt ra hai kịch bản trong việc xác định tổng mức đầu tư, cũng như tính toán lại hiệu quả dự án của TISCO II.
Theo đó, TISCO đã thuê Tổng công ty tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC) lập và Viện kinh tế xây dựng Bộ Xây dựng thẩm tra trên cơ sở kết quả đàm phán và các báo giá tạm tính của nhà thầu Trung Quốc MCC, tính toán các chi phí và không đầu tư hạng mục Cốc hóa.
Kết quả tính toán cho thấy, tổng mức đầu tư dự án sau rà soát là 9.031 tỷ đồng; còn tổng đầu tư dự án TISCO đề xuất áp dụng các cơ chế đặc thù là 7.872 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo SCIC, vì nhiều lý do, “độ chính xác của Tổng mức đầu tư sau khi rà soát là chưa thật rõ ràng”.
Về hiệu quả đầu tư của dự án, kết quả rà soát tại báo cáo của TISCO cho thấy, dự án không còn hiệu quả khi tính toán đầy đủ các khoản chi phí theo quy định.
(Trích Báo cáo của Tổng Giám đốc SCIC Lại Văn Đạo) |
Cụ thể, với phương án tổng mức đầu tư đầy đủ 9.031 tỷ đồng, với lãi suất chiết khấu (chi phí cơ hội) là 9,38%/năm, giá trị hiện tại thuần (NPV – thể hiện giá trị tại thời điểm hiện nay của toàn bộ dòng tiền dự án trong tương lai được chiết khấu về hiện tại) sẽ đạt kết quả âm, tức là không đạt hiệu quả tài chính, thậm chí còn có thể lỗ vốn; Tỷ suất sinh lời nội tại (IRR – Nếu giá trị này lớn hơn giá trị lãi suất chiết khấu thì dự án đáng giá) cũng cho kết quả không đạt; và thời gian thu hồi vốn cũng không đạt.
Còn với phương án đề xuất áp dụng các cơ chế ưu đãi (tổng mức đầu tư 7.871 tỷ đồng), cùng với lãi suất chiết khấu 9,38%, NPV của dự án là 904,9 tỷ đồng, IRR là 10,78%, và thời gian hoàn vốn của dự án là 17 năm. Tuy nhiên, các tính toán này, phần nhiều cũng mang tính “đếm cua trong lỗ”, bởi lẽ, chỉ cần, giá bán phôi thép giảm khoảng 6% so với giá dự báo là từ 8,1 – 9,7 triệu đồng/tấn, hay tổng mức đầu tư tăng 5% (khoảng 395 tỷ đồng) đồng thời giá bán giảm 5% thì dự án sẽ lại trở thành không hiệu quả.
Hay nói cách khác, có thể hiểu rằng, phần hiệu quả (nếu có) của TISCO II, suy cho cùng, sẽ chỉ đến từ những “xà xẻo” từ chính sách,...
“Như vậy, các giả định chính của dự án đề chưa thể kiểm soát được. Dự án có độ nhạy rất lớn, vì vậy, theo ý kiến của SCIC, hiệu quả dự án là chưa thể khẳng định được tại giai đoạn này”, SCIC không giấu nổi sự bi quan về tương lai của TISCO II trong báo cáo trình lên Thủ tướng.
Được biết, trong một báo cáo mới công bố ngày 29/3, TISCO cho biết đã thu xếp được vốn cho dự án. Cụ thể, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã cho vay bổ sung 1.359 tỷ đồng, Tổng công ty Kinh doanh và Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) góp 1.000 tỷ đồng thông qua mua cổ phiếu tăng vốn, VietinBank cho vay thêm 1.100 tỷ đồng. Như vậy tổng số vốn đã thu xếp được đạt 3.459 tỷ đồng. Theo hợp đồng với MCC, tính đến 31/12/2015, tổng giá trị đầu tư của dự án là 4.438 tỷ đồng.
“Dù đã thu xếp được vốn nhưng việc đàm phán với nhà thầu MCC vẫn chưa có kết quả cụ thể, dự án đến nay vẫn chưa thể tiếp tục triển khai”, báo cáo viết.
Trước đó, vào đầu tháng 3, Bộ Công Thương từng gửi văn bản lên Thủ tướng về các kiến nghị của chủ đầu tư được áp dụng các ưu đãi cho TISCO II. Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ Công Thương gửi kiến nghị của TISCO lên Thủ tướng, Bộ Tài chính đã có phản đối việc thêm ưu đãi cho dự án này với lý do đảm bảo an toàn nợ công.
Các nội dung mà SCIC kiến nghị, đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ cho TISCO II:
(i) Miễn một số khoản thuế (như: thuế nhập khẩu đối với các loạt vật tư, thiết bị, công cụ, dụng cụ còn lại để phục vụ giai đoạn thi công tiếp theo của dự án; thuế nhà thầu; không tính phần thuế GYGT Nhà nước hoàn lại trong cơ cấu TMĐT).
(ii) Các cơ chế tín dụng như: miễn, giảm lãi suất, điều chỉnh thời gian vay, trả nợ đối với NH VDB, Vietinbank như TISCO đề xuất. Riêng đối với đề xuất miễn lãi vay trong thời gian dừng thi công dự án (từ tháng 7/2012 đến 30/3/2016), SCIC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phps kéo dài thời gian miễn đến khi hoàn tất cơ bản các công việc chuẩn bị để chính thức bàn giao mặt bằng và các nhà thầu vào thi công dự án.
(iii) Cho phép TISCO được tiếp nhận nguyên trạng các công việc đã thực hiện bao gồm cả các tồn tại và sai phạm đã được nêu tại các báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, của SCIC và của TISCO trước đây.
(iv) Cho phép TISCO được tiếp nhận các theiets bị đã được MCC chuyển đến công trường nhưng có sai khác so với hợp đồng EPC#1, các phụ lục hợp đòng và các thỏa thuận đã ký giữa 02 bên để tiếp tục đàm phán nhà thầu Trung Quốc đã triển khai tiếp các công việc còn lại của dự án.
(v) Cho phép TISCO được áp dụng cơ chế chỉ định thầu rút gọn để lựa chọn các nhàu thầu mới cho các gói thầu tư vấn, phí tư vấn và các gói thầu xây dựng.
(i) Miễn một số khoản thuế (như: thuế nhập khẩu đối với các loạt vật tư, thiết bị, công cụ, dụng cụ còn lại để phục vụ giai đoạn thi công tiếp theo của dự án; thuế nhà thầu; không tính phần thuế GYGT Nhà nước hoàn lại trong cơ cấu TMĐT).
(ii) Các cơ chế tín dụng như: miễn, giảm lãi suất, điều chỉnh thời gian vay, trả nợ đối với NH VDB, Vietinbank như TISCO đề xuất. Riêng đối với đề xuất miễn lãi vay trong thời gian dừng thi công dự án (từ tháng 7/2012 đến 30/3/2016), SCIC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phps kéo dài thời gian miễn đến khi hoàn tất cơ bản các công việc chuẩn bị để chính thức bàn giao mặt bằng và các nhà thầu vào thi công dự án.
(iii) Cho phép TISCO được tiếp nhận nguyên trạng các công việc đã thực hiện bao gồm cả các tồn tại và sai phạm đã được nêu tại các báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, của SCIC và của TISCO trước đây.
(iv) Cho phép TISCO được tiếp nhận các theiets bị đã được MCC chuyển đến công trường nhưng có sai khác so với hợp đồng EPC#1, các phụ lục hợp đòng và các thỏa thuận đã ký giữa 02 bên để tiếp tục đàm phán nhà thầu Trung Quốc đã triển khai tiếp các công việc còn lại của dự án.
(v) Cho phép TISCO được áp dụng cơ chế chỉ định thầu rút gọn để lựa chọn các nhàu thầu mới cho các gói thầu tư vấn, phí tư vấn và các gói thầu xây dựng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo Viettimes