Cựu chiến binh gần 70 tuổi miệt mài dạy học giúp trẻ em nghèo

2021-06-20 08:55:00 0 Bình luận
Quả thật, không có mấy nhà giáo, CCB, thương binh 45% thương tật mà thầm lặng kiên trì làm việc từ thiện, trao quà khuyến học chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo vượt khó và tặng quà giúp đỡ người nghèo ăn Tết suốt 20 năm như ông Dũng.

Ai về thôn La Giang, xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương hỏi thăm về nhà giáo CCB, thương binh Nguyễn Hữu Dũng, đều được mọi người vui vẻ chỉ dẫn và dành cho ông một biệt danh rất đỗi thân thương kính trọng: Ông Dũng từ thiện. 

Nhà giáo Nguyễn Hữu Dũng ở xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương (Ảnh KT)

Dũng sỹ diệt Mỹ

Sinh năm 1952 trong một gia đình có truyền thống cách mạng, tháng 4-1970 khi đang học lớp 10, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Dũng đã tình nguyện lên đường nhập ngũ để vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Anh được bổ sung vào Tiểu đoàn Đặc công D89 (Quân khu V), tham gia chiến đấu ở mặt trận Quảng Nam. Đây là chiến trường rất ác liệt, nơi bom đạn của địch dội xuống ngày đêm, đặc biệt là một lượng lớn chất độc đi-ô-xin và bom Na-pan trút xuống hòng đốt cháy các khu rừng, ngăn sức tiến công của quân ta từ phía tây Trường Sơn xuống các chi khu quân sự ở đồng bằng Trung Bộ.

Một trong những trận đánh đáng nhớ của Tiểu đoàn Đặc công D89 diễn ra vào đêm 1-5-1971 nhằm tiêu diệt khu quân sự Ái Nghĩa. Đây là cứ điểm quan trọng có sư đoàn thiết giáp của Mỹ đóng quân, được xây dựng kiên cố, bao bọc bởi 3 lớp hàng rào dây thép gai dày đặc, gắn nhiều mìn. Chàng lính trẻ Nguyễn Hữu Dũng được phụ trách một mũi tấn công gồm 4 người, có nhiệm vụ tiêu diệt lô-cốt phía đầu cầu. "Ngày đi đánh trận này, không ai bảo ai nhưng các anh đều tự nhủ đó là ngày giỗ của mình", ông kể lại. Đúng giờ tác chiến, anh chỉ huy các đồng chí trong mũi tiến công của mình bò vào hàng rào; đến hàng rào thứ hai thì một quả mìn phát nổ ở khoảng cách 10m. "Một loạt đạn AR-15 bắn về hướng mìn nổ. Trên bầu trời pháo sáng tung lên, sáng trắng trên đầu. Tôi vừa sợ vừa hồi hộp, tim đập nhanh như muốn nhảy ra khỏi ngực. Nắm tay anh em thật chặt, tôi ra lệnh tiếp tục bò tiếp cận mục tiêu. Lô cốt đầu cầu dần hiện rõ, trong đêm tối trông nó đen xì như một con quái vật khổng lồ" - ông Dũng nhớ lại.

Đúng 1 giờ đêm, các mũi đồng loạt nổ súng. "Khi tôi nhét quả thủ pháo vào lỗ châu mai của địch thì gặp một họng súng chọc ra bóp cò, luồng đạn bay dưới gầm tay chiu chíu. Tý nữa thì mất cánh tay! Một tiếng nổ long trời, mục tiêu bị hạ, cả khu Ái Nghĩa súng nổ vang trời". Trận đánh này, mũi tấn công của anh đã tiêu diệt hoàn toàn lô-cốt với 24 tên, một ổ trung liên có 7 tên, đánh sập đầu cầu cắt đường giao thông, chặt đứt hai hàng rào dây thép gai, mở lối cho bộ đội ta vào tiêu diệt gọn khu quân sự Ái Nghĩa. Nguyễn Hữu Dũng lập thành tích xuất sắc nhất, được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba và vinh dự được kết nạp vào Đảng ngay sau trận đánh. Trước đó, trong trận đánh chống càn của Mỹ ngày 5-2-1971 tại huyện Điện Bàn, đơn vị của anh cũng lập chiến công xuất sắc, tiêu diệt 2 xe tăng, bắn cháy một máy bay trực thăng địch. Sau trận này, anh được phong tặng danh hiệu "Dũng sỹ diệt Mỹ". Năm ấy anh vừa tròn 19 tuổi. Trong quãng đời binh nghiệp của mình, anh đã vinh dự 3 lần được tặng danh hiệu "Dũng sỹ diệt Mỹ", góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Bén duyên với sự nghiệp "trồng người"

Trong một trận chiến đấu ác liệt cuối năm 1974, Nguyễn Hữu Dũng bị thương nặng với thương tật 45% do hai mảnh đạn M79 găm trong cơ thể, một mảnh ở phổi, một mảnh ở thành cơ tim, bánh chè đầu gối bị vỡ. "Chiến tranh vô cùng tàn khốc, mình sống sót trở về là may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Nhớ lời Bác Hồ dạy: "Thương binh tàn nhưng không phế", trong thời gian an điều dưỡng ở Hưng Yên, tôi đã suy nghĩ kỹ và quyết tâm ôn thi, sau đó thi đỗ vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm I (nay là trường Đại học Sư phạm Hà Nội)", thầy Dũng cho biết. 4 năm học đại học là quãng thời gian đầy thử thách, bởi sức khỏe phần nào suy giảm, hoàn cảnh gia đình lại rất khó khăn, có lúc ông đến lớp với cái bụng đói cồn cào. Đôi khi vết thương cũ tái phát, ông phải chống gậy lên giảng đường. Đặc biệt, "có 3 lần mẹ phải lên tận trường để chăm sóc cho tôi. Hình ảnh người mẹ tần tảo, lo cho tôi từng miếng ăn, giấc ngủ, rồi ôm tôi khóc sẽ không bao giờ tôi quên được…".

Chính sự chăm sóc của mẹ đã là động lực to lớn thôi thúc chàng sinh viên từng là "dũng sỹ diệt Mỹ" vượt qua bao khó khăn, vất vả của những năm tháng dưới mái trường mô phạm. Năm 1980, tốt nghiệp ra trường, ông về nhận công tác tại Trường THPT Tứ Kỳ và liên tục công tác tại đây cho đến khi nghỉ hưu (năm 2012). Ở nhà một năm, nhớ đồng nghiệp, nhớ học sinh thân yêu nên khi được Ban Quản trị Trường THPT Tứ Kỳ II mời, ông nhận làm Hiệu trưởng cho đến tháng 9-2018. Xuyên suốt 36 năm công tác trong Ngành Giáo dục, thầy giáo thương binh Nguyễn Hữu Dũng luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ, không ngừng học tập, rèn luyện, vươn lên về mọi mặt. Năm 1983, ông được phân công làm Tổ trưởng chuyên môn, sau đó được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn trường, Bí thư chi bộ, rồi Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tứ Kỳ và Hiệu trưởng Trường THPT Tứ Kỳ II. Ở cương vị nào thầy Dũng cũng rất tích cực, trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng với tập thể giáo viên đưa phong trào của trường ngày càng đi lên.

Nhiều năm liền, Trường THPT Tứ Kỳ luôn đạt thành tích cao trong học tập, có nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Tiêu biểu như năm 2012, số học sinh đỗ đại học nguyện vọng 1 đạt tỷ lệ 62,7%, nằm trong tốp 100 trường có chất lượng tốt nhất toàn quốc (ở tỉnh Hải Dương chỉ đứng sau Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi). Thành tích ấy có một phần đóng góp không nhỏ của ông. Tại Trường THPT Tứ Kỳ II (một trường tư thục), trong 4 năm giữ chức Hiệu trưởng (2014-2018), thầy Dũng đã dùng khuyến học làm đòn bẩy, cùng với việc đổi mới phương pháp dạy học và các hoạt động giáo dục khác đưa chất lượng giáo dục của nhà trường nâng lên rõ rệt. Năm 2014, trường chỉ có 1 học sinh giỏi toàn diện, đến năm học 2017-2018, số học sinh giỏi toàn diện của trường tăng lên 28 em. Nhà trường vươn lên đứng thứ nhất về điểm thi THPT quốc gia bình quân 3 năm liền (2016-2018) trong số 13 trường tư thục của tỉnh. 36 năm gắn bó với nghề, thầy Dũng đã 22 lần đạt danh hiệu "Giáo viên dạy giỏi" và Chiến sỹ thi đua, được các cấp từ Trung ương đến địa phương tặng nhiều bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương. Năm 2012, thầy vinh dự được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thắp sáng ngọn lửa nhân ái

Gần 20 năm trước, đất nước còn khó khăn, đồng lương giáo viên của ông và lương y sĩ của vợ chắt chiu lắm mới đủ trang trải cuộc sống và nuôi ba người con ăn học. Nhưng khi lên lớp, ông thấy xót xa còn nhiều học trò nghèo quá; có em phải ăn đói, mặc rách, thậm chí không có tiền đóng học phí. Có những em mới lớp 3, lớp 4 vì nhà nghèo mà phải gác lại ước mơ cắp sách đến trường. Rồi "mỗi lúc đi thăm đồng đội, tôi lại thấy chạnh lòng vì con, cháu một số đồng chí còn quá thiếu thốn, khó khăn. Có những trường hợp bị di chứng chất độc da cam, sống quằn quại, đau đớn. Tôi dặn mình cần phải làm gì đó để giúp họ vơi đi những mất mát, đau thương". Nhưng giúp học trò bằng cách nào? Phải làm gì để có điều kiện giúp? Đó là những câu hỏi mà người thầy giàu lòng trắc ẩn cứ trăn trở mãi.

Học sinh giao lưu với các cựu chiến binh

Qua nhiều đêm mất ngủ để tìm lời giải, ông bàn với vợ và thật may mắn được người vợ của mình hết lòng ủng hộ. Ông lặng lẽ đến từng gia đình động viên học sinh, rồi trích một phần lương ít ỏi của mình hỗ trợ các em đóng học phí. Để có thêm nhiều tiền giúp đỡ các em, cứ sau mỗi giờ lên lớp, thầy Dũng lại cặm cụi cắt tỉa cây cảnh, nuôi ong. Còn vợ thầy thì tranh thủ nuôi lợn với mục tiêu vừa "thoát nghèo", vừa có tiền làm từ thiện, đặc biệt là hỗ trợ học sinh nghèo để các em có điều kiện đến lớp. Năm 2001, ông bắt đầu trao những suất quà khuyến học trong dòng họ, trong thôn La Giang, vài năm sau thì trao quà trong xã Văn Tố. Lúc đầu chỉ là 10 suất, sau tăng dần lên 20, 30, 50 suất, năm cao nhất 96 suất.

Chỉ tính riêng từ năm 2014 đến nay, mỗi năm ông tặng quà và hỗ trợ học sinh là con gia đình liệt sỹ, con thương binh, bệnh binh, trẻ em tật nguyền, trẻ em nghèo vượt khó ở địa phương với số tiền từ 15 đến 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn tặng máy tính, xe đạp, đồ dùng học tập, đồ chơi cho các trường mầm non, tiểu học, THCS xã Văn Tố với trị giá gần 100 triệu đồng. Đến hết năm 2018, tổng số tiền ông dành cho công tác khuyến học, khuyến tài đã trên 350 triệu đồng. Nếu so sánh với những doanh nhân thành đạt, những người có thu nhập cao thì số tiền trên chẳng đáng là bao, nhưng với một thương binh đã qua chiến tranh, lại mất 45% sức khỏe, một nhà giáo chân chính thì thật đáng khâm phục và trân trọng biết nhường nào!

Ông Dũng cũng là "cứu tinh" của một số gia đình. Với 1.000m2 vườn, ông ươm các giống cây ăn quả, dược liệu để cấp miễn phí cho người có nhu cầu. Ngoài ra, ông còn hướng dẫn cho nhiều hộ nuôi ong lấy mật, nhờ đó các hộ này đã có thu nhập ổn định. Đặc biệt, tuy bận công tác chuyên môn và chăm lo hoạt động khuyến học, khuyến tài, ông vẫn tham gia tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương, từ việc tổ chức xây dựng mở mang đường thôn, ngõ xóm, xây dựng đường điện thắp sáng, trang trí đường làng mỗi dịp lễ, tết, đến việc tu sửa, kiến thiết lại các công trình văn hóa tâm linh của thôn, rồi sửa sang, chăm sóc khuôn viên nghĩa trang của xã… Việc gì thầy giáo Nguyễn Hữu Dũng cũng gương mẫu tích cực đi đầu, động viên, khích lệ mọi người cùng tham gia để thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua.

Nhận thấy phong trào văn nghệ của địa phương tuy sôi nổi nhưng còn đơn điệu, chất lượng nghệ thuật chưa cao, ông đã báo cáo với lãnh đạo xã, tìm cách tổ chức mở lớp bồi dưỡng hát dân ca và chèo miễn phí, rồi liên hệ mời các giảng viên Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Hải Dương về giảng dạy với tâm nguyện gìn giữ bản sắc văn hóa của người xứ Đông. Lớp học thành công ngoài mong đợi. Các học viên của lớp đã trở thành hạt nhân văn nghệ cho các thôn trong xã Văn Tố, phong trào văn nghệ của xã có nhiều chuyển biến tích cực. Ông còn tài trợ giải thưởng để Câu lạc bộ liên thế hệ thôn La Giang và Hội Phụ nữ xã Văn Tố tổ chức thành công 2 hội thi văn nghệ, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân quê nhà.

Ở tuổi 67, mắt đã mờ, chân tay yếu đi, nhất là mỗi khi trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát, người thương binh, nhà giáo Nguyễn Hữu Dũng vẫn hằng ngày dậy sớm, đạp xe gần 15km để rèn luyện sức khỏe; cần cù, chăm chỉ lao động để tiếp tục nuôi khát vọng làm từ thiện, chắp cánh ước mơ cho các em học sinh nghèo. Bởi với ông, "mỗi em nhỏ được cắp sách đến trường, được học hành tử tế thì đất nước sẽ có thêm những công dân tốt, xã hội sẽ phồn vinh. Tôi sẽ làm từ thiện đến khi nào không đủ sức làm được nữa mới thôi!"

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quận Đống Đa phát động thi viết báo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đảng ủy Khối doanh nghiệp quận Đống Đa hưởng ứng Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Tư, năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2024-03-29 10:26:56

KUN Happy Run Cần Thơ 2024 - Sân chơi thể thao đỉnh cao, căng trào cảm xúc

Trước thềm giải chạy VPBank Can Tho Music Night Run 2024, sáng ngày 13/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), thương hiệu KUN thuộc CTCP Sữa Quốc tế (IDP) và Nexus Sport Events sẽ phối hợp tổ chức giải KUN Happy Run Cần Thơ 2024. Giải chạy nhằm lan tỏa tình yêu thể thao, truyền cảm hứng về lối sống nhân văn, tích cực đến các mầm non tương lai của đất nước.
2024-03-29 10:04:15

Du khách được ăn hơn 400 món tại Lễ hội văn hóa ẩm thực TP.HCM

Lễ hội Văn hóa ẩm thực Món ngon Saigontourist Group 2024 hấp dẫn với hơn 400 món ăn, thức uống đặc trưng ba miền tại 40 gian hàng ẩm thực.
2024-03-28 22:55:00

Thành lập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật TP Thái Nguyên

Ngày 28/3, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Hội Người khuyết tật TP Thái Nguyên tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật.
2024-03-28 17:48:00

Về thăm chùa cổ Kiên Lao - Sùng Phúc tự

Chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) ở làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những danh lam cổ tự của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây Hòa thượng Thích Thiện Tri trụ trì là bậc hoằng pháp chân tu cùng Hội phật tử dốc lòng tâm huyết, luôn mang lại phúc lành cho mọi người dân và tín đồ phật tử muôn phương.
2024-03-28 16:04:55

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17
Đang tải...