Thầy giáo khuyết tật mở lớp dạy Toán miễn phí cho học sinh khó khăn
Ngô Nguyễn Anh Vũ sinh ra trong một gia dình nông dân nghèo, mồ côi bố mẹ từ sớm. Đáng thương hơn, đôi chân của anh bị teo hoàn toàn sau một trận sốt co giật. Năm 6 tuổi, Anh Vũ bắt đầu tập chống nạng để đến trường, với mơ ước trở thành thầy giáo dạy Toán.
Tuy có học lực tốt, nhưng không ngờ việc bước vào cánh cổng đại học lại là thử thách không nhỏ tiếp theo với chàng trai bại liệt. Vì không đủ điều kiện về sức khỏe và không đáp ứng được hình thức ứng tuyển nên ngành sư phạm không nhận. Dù khó khăn nhưng thầy vẫn không từ bỏ và quyết định chọn khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng theo học.
(Ảnh: Báo Tiền Phong)
Tốt nghiệp, Vũ chọn làm công việc quản trị mạng, nhưng vì niềm đam mê và yêu thích dạy Toán từ nhỏ, anh quyết định bỏ việc về mở lớp dạy học. Khi ấy thầy vừa 22 tuổi.
Hiện tại, thầy Vũ dạy các em từ lớp 10 đến lớp 12, mỗi lớp tầm khoảng 15 em. Thầy Vũ quan niệm, dạy học không phải kinh doanh kiếm tiền. Những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị khuyết tật thầy đều dạy miễn phí để giúp các em cố gắng học tốt hơn môn Toán và nhìn vào thầy làm tấm gương để phấn đấu hơn trong cuộc sống.
Đối với các thế hệ học trò thầy Vũ không chỉ là một người thầy mà còn là người bạn, người anh trai đồng hành giúp các học sinh trên con đường học Toán đầy khô khan.
Thầy Vũ tâm huyết với học sinh (Ảnh: Báo Tiền Phong)
Tương tự, thầy giáo A Mik (36 tuổi, trú tại xã Đă Rơ Wa, TP Kon Tum, Kon Tum) cũng là một nhà giáo đầy nhiệt huyết. Khi vừa tròn 1 tuổi, sau một trận sốt, chân phải anh mất cảm giác rồi teo dần. Từ đó, A MiK phải bám tường, bàn... để đi lại. Tuy khuyết tật nhưng, A Mik rất ham học và được bố mẹ, bạn bè cõng đến lớp.
Năm 2014, thầy A Mik lập gia đình. Ít lâu sau đó, vì cuộc sống quá khó khăn nên vợ thầy đã vào miền Nam lập nghiệp để lại người con vừa tròn 2 tuổi. Vợ vắng nhà, thầy Mik vừa làm cha, vừa làm mẹ quán xuyến gia đình, chăm sóc con nhỏ. Năm 2020, thầy A Mik gặp tai nạn, chiếc chân trái từ lành lặn bỗng bị vỡ bánh chè, không thể di chuyển. Cũng từ đó mọi sinh hoạt thường ngày của thầy giáo trẻ đều phụ thuộc vào chiếc xe lăn.
Mặc cảm về bản thân, vợ không liên lạc được nên nhiều lúc thầy A Mik muốn giải thoát cho mình. Nhưng may mắn có bạn bè, đồng nghiệp động viên nên thầy dần khắc phục được khó khăn.
Theo thầy Phan Đình Kiên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đăk Rơ Wa, thầy A Mik là một trong những người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, giúp học sinh dễ tiếp thu và ghi nhớ kiến thức. Bên cạnh đó, thầy còn là người truyền cảm hứng cho giáo viên và học sinh trong trường cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
Hay như thầy giáo ngồi trên xe lăn Nguyễn Ngọc Lâm (35 tuổi, quê Thanh Hóa) cũng là tấm gương nghị lực như thế. Rời quê vào TP.HCM, Lâm dạy tin học cho các em từ lớp 2 đến lớp 5, anh còn dạy thêm kỹ năng sống. Anh truyền đạt những bài học về tình người, tình thầy trò, về tình yêu quê hương đất nước, về những áng văn thơ hay bằng sự nhiệt thành và tâm huyết.
Đến năm 2015, khi học sử dụng thành thạo máy tính, anh Lâm trở thành thầy giáo dạy tin học tại Trường Tiểu học Làng May Mắn. Là tình nguyện viên đi dạy, nên lương hằng tháng của anh Lâm chỉ ở mức trợ cấp 2 triệu đồng, để mưu sinh, anh phải bán thêm hàng online và làm nhiều việc khác.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.